TS Hồ Thiệu Hùng - Ảnh: N.C.T. |
Về vấn đề này, TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nói:
- Xét ra, giáo viên Trần Tuấn Anh có nhiều thuận lợi để thực hiện những ý tưởng tốt đẹp của mình. Môn giáo dục công dân không phải là môn thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh nên người giáo viên không bị ràng buộc bởi yếu tố điểm cao và thi đậu. Thêm nữa, thầy Trần Tuấn Anh còn được ban giám hiệu và đồng nghiệp Trường THCS Bạch Đằng ủng hộ, khích lệ. Nếu thầy Trần Tuấn Anh dạy môn thi như văn hoặc toán, chưa chắc anh ấy đã làm được những điều mình muốn. Tôi thông cảm với những giáo viên giàu tâm huyết, nhìn nhận ra vấn đề, bức xúc với nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng họ không có điều kiện thuận lợi, khó lòng đổi mới phương pháp giảng dạy như thầy Trần Tuấn Anh.
* Là người gắn bó với ngành giáo dục và có những nghiên cứu liên quan đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ông đánh giá như thế nào về phong trào này?
- Tôi cho là hiệu quả của nó chưa đạt được như giới quản lý mong muốn, mặc dù cụm từ “đổi mới phương pháp giảng dạy” đã trở nên quen thuộc với cả phụ huynh học sinh. Nhiều người áp dụng nhưng đổi mới vẫn chưa đi sâu vào thực chất. Giáo viên ngày nay có phương tiện tuyệt vời là công nghệ thông tin - hỗ trợ đắc lực cho quá trình đổi mới. Nhưng họ lại bị lệ thuộc mục tiêu dạy làm sao để học sinh thi đậu, lên lớp với tỉ lệ thật cao. Vì vậy, họ chưa mạnh dạn làm theo cái mình nghĩ là tốt. Phương pháp đánh giá học sinh kiểu hiện nay đang chi phối mạnh mẽ phương pháp dạy học.
“Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. để thực hiện điều đó, ngành GD-ĐT còn phải làm rất nhiều việc - Ảnh: Như Hùng |
* Thưa ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng một số giáo viên hiện nay chỉ đổi mới một cách nửa vời?
- Đúng là có nhiều giáo viên hiện nay quá chú trọng đến hình thức mà không hoặc ít quan tâm đến hiệu quả của tiết dạy. Có người nặng về phô diễn, trình bày một tiết dạy rất hay với giáo án điện tử, hình ảnh, âm thanh bắt mắt, sinh động nhưng học sinh không phối hợp được các giác quan nghe, đọc, viết; tốc độ truyền thụ quá nhanh nên nhiều em không theo kịp bài, không nắm được nội dung bài học.
Theo tôi, đổi mới phương pháp giảng dạy là phải lấy học trò làm trung tâm, cách dạy mới phải phù hợp với học sinh, làm cho học sinh yêu môn học. Một phương pháp giảng dạy cố định không thể là chìa khóa chung cho mọi giáo viên mà phải tùy thuộc từng hoàn cảnh lớp học, đối tượng học sinh, nội dung học, khả năng truyền cảm của giáo viên. Nếu ai đó cứ bê nguyên xi bài giảng của thầy Tuấn Anh áp dụng cho một lớp học khác ở một ngôi trường thuộc địa phương khác thì không chắc là thành công.
* Như vậy người giáo viên hiện nay cần những yếu tố gì đổi mới phương pháp giảng dạy?
- Chúng ta đang lún quá sâu vào việc đánh giá giáo viên qua tỉ lệ học sinh lên lớp, thi đậu. Thế mới có tình trạng giáo viên ngại nhận những lớp đông học sinh yếu mặc dù sứ mạng của giáo dục là khai sáng. Cần một cuộc cải tổ mạnh mẽ về phương pháp đánh giá giáo viên, dựa vào quá trình tiến bộ của học sinh từ đầu năm học đến cuối năm học chẳng hạn. Tôi từng đề nghị trên tạp chí chuyên ngành là đầu năm học xếp loại trường, lớp và cuối năm đánh giá lại. Như thế sẽ công bằng hơn, căn cứ vào đoạn đường đã vượt qua mà đánh giá giáo viên. Đổi mới phương pháp giáo dục như thế nào đó để cuối năm học sinh tiến bộ hơn hồi đầu năm chứ không chỉ chăm chăm vào tỉ lệ lên lớp, thi đậu là những tỉ lệ dễ bị phù phép ở những nơi chịu chung sống với tiêu cực.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục cần nhận thức đúng đắn về đổi mới phương pháp giảng dạy và định hướng, giúp đỡ giáo viên. Các công ty sách, thiết bị trường học nên làm chiếc cầu nối giúp giáo viên xây dựng kho cơ sở dữ liệu phong phú cho từng bài giảng bằng cách tập hợp những tư liệu hay, từ nhiều nguồn của các giáo viên tâm huyết như thầy Tuấn Anh. Lựa chọn tư liệu nào để đưa vào bài giảng là quyền của mỗi giáo viên. Ngành GD-ĐT cũng nên tạo cơ hội để các thầy cô trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau. Có thế, phong trào đổi mới sẽ đi sâu hơn và rộng hơn.
Dạy học sinh tự nhận ra bài toán cuộc đời Thời tôi đi dạy (những năm 1960-1970) chưa có phong trào đổi mới như bây giờ nhưng chúng tôi tự xác định trách nhiệm của mình: dạy làm sao để học sinh hiểu bài, để học sinh tiến bộ. Dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà phải làm các em thích môn học đó, cao hơn nữa là để các em áp dụng vào cuộc sống, để làm người. Tôi lấy ví dụ như môn toán của tôi: cho một phương trình mà học sinh giải được, tìm được đáp số đúng có nghĩa các em đã hiểu bài. Nhưng thế vẫn chưa đủ bởi sau này khi các em ra đời, không ai đưa sẵn phương trình cho các em giải cả. Người thầy giáo phải dạy các em biết tự phát hiện bài toán cần giải, để sau này các em tự nhận ra bài toán của cuộc đời mình và biết cách giải bài toán đó. Như thế các em mới thấy toán học có thể áp dụng vào cuộc sống, không phải là thứ “trên trời rơi xuống”. TS Hồ Thiệu Hùng |
HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét