Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Ngày 20 tháng 11 đau buồn nhất của thầy giáo Đỗ Việt Khoa trong 15 năm đi dạy

"Đây là 20/11 buồn nhất sau 15 năm làm thầy của tôi. Đến trường, đồng nghiệp chẳng dám hỏi han, chia sẻ. Chỉ khi về nhà, thấy những bó hoa của học trò cũ, tôi mới thấy an ủi được phần nào", thầy Đỗ Việt Khoa tâm sự với VnExpress.net.

- Sau 15 năm đi dạy, ông nghĩ gì về ngày nhà giáo?

- Trước năm 2000, tôi dạy học ở THPT Đồng Quan, cách nhà 20 km. Đó là trường vùng sâu của tỉnh nhưng người dân vẫn giữ được nguyên đức tính cần cù, chịu khó, thật thà và hiếu khách.
Học sinh nơi đó nghèo, hiền lành và nhút nhát. Ngày 20/11, nhà trường cũng tổ chức ngày lễ cho giáo viên nhưng đơn giản, tiết kiệm, không có chuyện thu tiền nhiều. Học sinh kéo nhau đi thăm thầy cô như đi hội. Chỉ một bó hoa nhỏ, những lời thăm hỏi động viên, những câu chuyện vui... thế là đủ mang lại niềm vui cho thầy, cho trò.
8 năm trở lại đây, tôi chuyển về THPT Vân Tảo cho gần nhà. Những năm đầu, trường chưa xây, chúng tôi đi dạy nhờ. Chỉ có chục giáo viên nhưng đoàn kết lắm, có hôm giáo viên góp tiền nấu cháo rau thơm, ăn cùng cho vui...
Năm 2003, trường được xây xong, cuộc sống cũng bắt đầu thay đổi. Đồng tiền chen lấn dần vào trường học, luồn lách lẫn vào chữ nghĩa của người thầy. Ngày 20/11, mất dần ý nghĩa vốn có. Quà to dần lên, tiền thu nhiều lên... và sự trong sáng của nghề làm thầy lụi dần đi.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa: "Tôi chủ quan, cứ tưởng thời nay, cái xấu mình lên án thì sẽ dẹp bỏ được ngay".

- Năm 2006 dư luận xôn xao khi ông lên tiếng tố cáo tiêu cực thi cử tại Hà Tây cũ, cái tên Đỗ Việt Khoa được cả nước biết đến. Cuộc sống của ông và gia đình thay đổi như thế nào?

- Sau sự kiện tôi công khai lên án tiêu cực thi cử, nhiều học trò cũ cũng như mới động viên tôi. Được mọi người biết đến và quý mến, tôi cũng thấy vui vui, yêu đời. Nhưng cũng nhiều người oán trách, xa lánh, lên án thậm chí bôi nhọ tôi và gia đình.
Khi gặp những em trượt tốt nghiệp năm đó, tôi có an ủi chúng rằng hãy chấp nhận và tiếp tục phấn đấu hoặc tìm cho mình một hướng đi hợp lý bởi tôi biết, nhiều em trong số đó có thi vài lần cũng vẫn hỏng.
Có vị phụ huynh, tôi gặp trong đám cưới đứa cháu chẳng ngần ngại nói thẳng: "Tại thầy mà con tôi trượt tốt nghiệp. Chúng tôi là nông dân nghèo hèn. Chúng tôi cần cái bằng tốt nghiệp cho con cái xin việc, để mà đổi cái đời nông dân...".
Khi được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tới nhà thăm rồi được ông mời đi dự cuộc phát động "Hai không" ở TP HCM, tôi thấy mình hừng hực khí thế, thấy mình may mắn. Tôi thấy yêu đời lắm lắm. Sau sự kiện Bộ GD&ĐT mở cuộc vận động "Hai không", tôi thấy học trò chăm chỉ hơn, tự giác hơn và không còn tâm lý "không cần học vẫn lên lớp".
Nhưng được nửa năm, tôi thất vọng. Tôi chủ quan, cứ tưởng thời nay, cái gì mình lên án thì cái đó sẽ dẹp bỏ được ngay. Thiên hạ bảo như thế là không biết mình là ai, là không biết điểm dừng. Hình như có lúc tôi như vậy thật.

- Ông vừa nói đến sự thất vọng trong thời gian gần đây. Điều gì đã tạo nên cảm giác đó trong trái tim vốn nhiệt huyết của mình?

- Tôi thấy cách xử lý của các cơ quan chức năng quá tệ. Trước những thông tin tôi và gia đình bị trù dập, đe dọa tính mạng sau khi công khai chống tiêu cực, người ta cũng chẳng đoái hoài, xử lý qua loa khiến những người tôi tố cáo chẳng những không sợ mà còn nhiều lần thách thức tôi trước mặt các thầy cô giáo khác.
Đã cả chục lần tôi gửi đơn kiến nghị, tố cáo tới các cấp, theo đúng các bước nhưng chưa từng thấy họ trả lời. Tôi thấy nản lòng lắm bởi lửa đốt mãi mà không được tiếp dầu thì cũng lụi.
Lắm khi, tôi cũng tính tới việc bỏ nghề vì bị một số đồng nghiệp, lãnh đạo đối xử tệ bạc. Nhưng tôi lại nghĩ, mình bại trận, làm mất đi niềm hy vọng của những đồng nghiệp chân chính, của những người lương thiện là mình có tội.

- Sau sự kiện bị lăng mạ, dọa dẫm, giật máy ảnh vừa qua, ông chờ đợi điều gì ở dịp 20/11 năm nay?

- Từ hai năm nay, chẳng ngày 20/11 nào mà tôi được vui. Năm ngoái, tôi bị lãnh đạo gọi sang trường đe dọa, nhục mạ ngay trước mặt hơn chục thầy cô giáo. Và một năm sau, ngày 14/11 vừa qua, tôi lại bị hai bảo vệ vào nhà lăng mạ, đe dọa và cướp máy ảnh. Điều buồn nhất chính là một trong hai bảo vệ đó từng là bạn học của tôi thời cấp 1, cấp 2.
Có lẽ, đây là ngày 20/11 đau buồn nhất sau 15 năm làm thầy của tôi. Đến trường, đồng nghiệp cũng chẳng dám hỏi han, chia sẻ, chỉ đến khi tôi về nhà, họ mới dám gọi điện hỏi thăm tình hình. Còn học trò thì chẳng dám ngồi cạnh thầy khi ở trường. Chỉ khi về nhà, nhìn thấy những học sinh cũ đến thăm, thấy những bó hoa của học trò mang tới, tôi mới thấy vui trở lại.

- Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, nếu có được cơ hội bày tỏ với Bộ trưởng Giáo dục, ông sẽ nói gì?

- Là một nhà giáo tâm huyết với nghề, tôi nhận thấy, sau 3 năm thực hiện "Hai không", tiêu cực học đường ở nhiều nơi đã giảm nhưng cũng nó nơi biến tướng và trở về như cũ. Ngành giáo dục cần mạnh tay hơn với các vấn nạn, đừng nói không đủ sức bởi như vậy là bất lực, là phụ lòng những người tâm huyết.
Tội phạm mặc áo nhà giáo còn tồn tại một ngày là chúng ta có tội với học trò, với thầy cô một ngày. Tấm áo giáo dục đang bị vấy bẩn, bỏ mặc sẽ khiến nó lem nhem thêm, còn xắn tay vào gột rửa, rũ bẩn thì nó sẽ sạch hơn.

Bao giờ ngày nhà giáo mới trở lại thật sự ý nghĩa đây? Bao giờ, phụ huynh học sinh nhẹ nỗi lo tiền bạc trong ngày 20/11? Nước ta tự hào có nền giáo dục ưu việt. Vậy sao ngày 20/11 cứ mất dần ý nghĩa vốn có của nó? Nguyên nhân thì ai cũng biết cả đấy, nhưng sao cứ để thế, hỡi các thầy cô?

(Theo VnExpress)
Bạn nghĩ gì khi một người từng nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại bị lãnh đạo tại đơn vị trù dập? Một người có lòng dũng cảm dám đứng lên tố giác cái xấu như thầy Khoa lại bị đồng nghiệp và học sinh xa lánh, cô lập? Chẳng lẽ giá trị đạo đức của chuẩn mực xã hội đã bị đảo lộn hết rồi ư?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến