Tuy là giáo viên THPT nhưng tôi cũng không dám dạy con trai đang học lớp 1 vì sợ sai phương pháp. Không riêng gì tôi, các đồng nghiệp khác cũng rất bối rối trước những bài tập của con. Giải pháp mà không ít người chọn là đành gửi con đến nhà cô giáo, nhờ cô kèm cặp thêm kẻo sợ con không hiểu bài lại tụt hậu. Mình dạy con người ta, nhờ người dạy con mình cũng là hợp lẽ.
Không thể chối cãi được rằng chương trình tiểu học hiện nay rất khác. Quá khó đối với trẻ, nan giải cho phụ huynh, nhất là chương trình lớp 1. Bài tập tiếng Việt lớp 1 cô ra về nhà “Hãy tìm ba từ có vần UYCH”. Ngoài từ “huỳnh huỵch” ra, con trai tôi cắn nát bút rồi cầu cứu mẹ. Sau một hồi vừa suy nghĩ vừa tra Google, tôi đành cầu cứu người bạn là giáo viên dạy văn một trường THPT nổi tiếng. Bạn tôi cũng bó tay.
Với bài toán lớp 1: tìm một số biết rằng lấy số đó trừ 26 rồi trừ 24 thì được kết quả bằng 20 cộng 1, tôi cảm thấy “choáng váng”. Đặt ra phép toán đã không dễ dàng gì, tìm cho ra đáp án lại càng nan giải. Không lẽ dạy cu con lớp 1 đặt phương trình bậc nhất? Sau khi gọi điện hỏi cô giáo của con xong, tôi càng hoảng hồn hơn khi cô hướng dẫn “chuyển vế đổi dấu” (nên nhớ đây là một bài toán thường chứ toán nâng cao còn “kinh khủng” hơn).
Đến đây tôi cảm thấy thật may mắn vì đã không cố chen chân cậy cục để gửi con vào trường điểm. Con bạn tôi học trường điểm thì tối tăm mặt mũi với bài tập. Bố mẹ nó cũng “chăm chỉ đèn sách” cùng con, lắm khi mất hòa khí vì bất đồng quan điểm. Rồi còn tăng cường tiếng Anh, kỹ năng này nọ. Tội nghiệp những đứa trẻ vừa qua tuổi mẫu giáo đã rơi tõm vào mớ kiến thức nặng nề và đầy bất cập. Không vùng vẫy ắt sẽ chìm!
Nhưng đâu phải ai cũng may mắn được như tôi và đồng nghiệp, chí ít cũng có chút kiến thức và thời gian để kèm cặp con học. Cô công nhân quét rác trước nhà tôi cũng phải cắn răng bỏ ra mấy trăm ngàn đồng mỗi tháng cho con đi học thêm, sợ đứa em đi theo vết xe đổ của thằng anh: học đến lớp 6 nhưng cộng trừ nhân chia còn chưa vững. Chị bán rau phía cuối hẻm cũng hăm hở “cho con đi học thêm chứ mình đâu đủ sức dạy con nữa”.
Thế là những lớp học thêm ra đời. Ngoại trừ vài trường hợp cá biệt (ngành nào chẳng có), còn lại giáo viên dạy thêm cũng là việc “chẳng đặng đừng”. Không dạy thì trò không nắm được bài, kết quả thấp ắt ảnh hưởng đến thi đua và phân loại giáo viên. Phụ huynh thì “yếu bóng vía” cứ năn nỉ nhờ kèm cặp, không lẽ từ chối mãi.
Lên mạng tìm bài tập toán cho con học thêm, với từ khóa “math for elementary school students” (toán dành cho học sinh tiểu học), tôi đã tải về những bài toán của Mỹ rất thú vị, rất sáng tạo. Và hơn tất cả là rất dễ so với những bài toán mà hằng đêm con tôi cắn bút.
Đáng khâm phục hơn là chương trình dù khó như thế nhưng có đến hơn 80% học sinh lớp con tôi là học sinh giỏi (ở trường điểm tỉ lệ này xấp xỉ 100%). Cũng không biết “những thiên tài nhỏ tuổi” đó biến đi đâu mà lên đến lớp 10 chúng tôi lại phải tiếp nhận nhiều em còn chưa rành tiếng Việt, cộng phân số thì hồn nhiên lấy tử cộng tử, mẫu cộng mẫu - u u mê mê như vừa qua một giấc ngủ dài lắm mộng mị.
Mỗi đứa trẻ có đến hơn mười năm ăn học, không thể hiểu nổi người ta làm gì mà “thiếu kiên nhẫn” đến độ nhồi cho trẻ lắm thứ kiến thức đến thế. Cứ cố hết sức mà thổi phồng cho thật to thì quả bóng ấy nếu không nổ tung lập tức cũng im lìm mà xì hơi xẹp lép.
MINH THƯ - tuoitre.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét