- Dạy học là một quá trình sáng tạo, đòi hỏi giáo viên cũng phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi những phương pháp mới để nâng cao hiệu quả của giáo dục. Một điều kiện cần cho việc đổi mới đó chính là việc sử dụng thiết bị và đồ dùng dạy học. Ở nước ta, việc đổi mới phương pháp giảng dạy luôn là vấn đề cấp thiết trong điều kiện nước nhà còn khó khăn, ngành giáo dục còn nhiều thiếu thốn về cả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Do đó, việc sử dụng thiết bị sao cho hiệu quả cao nhất và chi phí thấp nhất luôn là vấn đề được toàn ngành giáo dục quan tâm.
- Với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và internet như hiện nay đã góp phần rất lớn trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở trường phổ thông của tất cả các nước trên thế giới. Ngày nay, việc sử dụng máy chiếu vật thể, máy chiếu đa phương tiện (Projector) cũng không còn xa lạ đối với giáo viên. Tuy nhiên, trong hoạt động dạy học thì người giáo viên luôn là trung tâm của sự chú ý, do đó nếu giáo viên quá phụ thuộc vào việc trình chiếu, không thoát ly được chiếc máy tính thì sẽ gây mất tập trung cho học sinh. Việc theo dõi con trỏ chuột trên màn hình sẽ gây mệt mỏi cho các em. Để khắc phục các nhược điểm đó của thiết bị, các công ty điện tử và các tập đoàn giáo dục luôn tìm tòi, sáng tạo và thiết bị bảng tương tác (Bảng thông minh, SmartBoard) ra đời. Thiết bị này có thể coi là một cuộc cách mạng trong giáo dục, bởi vì nhờ nó người học có thể tương tác với bài giảng của giáo viên như bảng đen thông thường, đồng thời cũng dễ dàng tiếp cận được hình ảnh đa phương tiện giúp bài học trở nên sinh động hơn, dễ tiếp thu hơn. Thông qua phần mềm dạy học và kết nối với mạng Internet, cả người dạy và người học đều có thể tiếp cận được kho dữ liệu không lồ của nhân loại. Giáo viên mọi nơi có thể cùng đóng góp, chia sẻ nhau những tư liệu giáo dục, kinh nghiệm giảng dạy; người học thông qua kho dữ liệu đó để hình thành kiến thức cho mình. Tuy nhiên, mỗi thiết bị như thế giá không hề rẻ, hiện nay giá của thiết bị này thấp nhất là 1200 USD, hơn nữa phải lắp cố định tại một phòng học gây bất tiện cho việc giảng dạy của giáo viên. Hiện nay, trên thị trường cũng đã có loại máy chiếu tương tác, tuy có cơ động hơn nhưng giá cũng không hề rẻ. Nếu giả sử Bộ Giáo dục đầu tư cho mỗi trường một bảng tương tác thì chi phí trang bị sẽ rất lớn. Hơn nữa mỗi trường chỉ một vài phòng lắp thiết bị này thì liệu đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu của giáo viên? Như vậy một giáo viên bình thường, có thu nhập bình thường bao giờ mới tiếp cận được công nghệ này?
- Hiện nay, có một loại thiết bị có thể giúp biến màn chiếu thông thường thành bảng tương tác với chức năng không hề thua kém bảng tương tác thật sự, và đặc biệt giá rất phù hợp với thu nhập của đa số giáo viên ở nước ta. Đồng thời nó rất tiện lợi cho việc sử dụng, có thể lắp đặt bất cứ đâu. Trong điều kiện như hiện nay, đa số các trường đều đã được trang bị ít nhất một máy Projector, nếu mỗi máy chiếu được kèm thêm thiết bị này thì sẽ biến màn chiếu thông thường thành một bảng tương tác thật sự theo đúng nghĩa.
3 thiết bị này có thể biến màn chiếu thông thường thành bảng tương tác được
- Thiết bị nói trên chính là tay điều khiển của máy chơi game Nintendo, có tên là Wiimote hay Wii Remote. Thiết bị được nối với máy tính thông cổng bluetooth, được điều khiển bằng phần mềm miễn phí WiimoteWhiteboard do Johnny Lee phát triển (hoặc dùng phần mềm Smoothboard 0.4.6 beta thay thế). Khi ta dùng máy Projector chiếu lên tường hay một bề mặt phẳng, với sự hỗ trợ của thiết bị này cùng với bút hồng ngoại thì người dùng có thể tương tác được với máy tính trên chính màn hình chiếu. Và do đó, giáo viên có thể tổ chức được quá trình dạy học mà học sinh có thể tương tác được với bài giảng của mình. Đồng thời giáo viên cũng thoát ly được bàn phím và con chuột, quá trình dạy học của giáo viên kết hợp được ưu điểm của phấn trắng, bảng đen truyền thống và hệ thống đa phương tiện hiện đại tạo hiệu quả tối đa cho việc đổi mới phương pháp của giáo viên, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
HƯỚNG DẪN CÁCH SỬ DỤNG
1. Các thiết bị cần có để tạo bảng thông minh:
- Máy chiếu đa phương tiện (Projector): Các trường đều đã được trang bị.
- Thiết bị Wiimote (tay cầm của máy Game Nintendo): Giá bán khoảng 650.000 đồng -750.000 đồng.
- Cổng Bluetooth USB (nếu máy không hỗ trợ kết nối bluetooth): Giá bán khoảng 120.000 đồng – 180.100 đồng.
- Bút hồng ngoại (tự tạo): Xem tài liệu hướng dẫn tạo bút hồng ngoại.
- Phần mềm Smoothboard 0.4.6 beta (miễn phí, nếu sử dụng phiên bản mới hơn phải mua bản quyền)
2. Cách kết nối Wiimote với máy tính:
- Khởi động chương trình điều khiển Bluetooth từ khay hệ thống bằng cách nhấp đúp vào biểu tượng Bluetooth (Trong bài viết này, tôi xin giới thiệu với Thầy cô cách sử dụng phần mềm BlueSoleil 6.4.249.0).
- Nhấp đôi vào biểu tượng Search Devices trong cửa sổ hiện ra
- Đồng thời nhấn cả hai phím 1 và 2 trên thiết bị Wiimote, khi đó ta thấy 4 đèn màuxanh trên Wiimote nhấp nháy.- Chờ cho máy tính tìm thiết bị, nếu tìm thấy thì trên màn hình sẽ xuất hiện biểu tượng của Wiimote. Nhấp đúp vào biểu tượng của Wiimote trên màn hình thì biểu tượng My Device sẽ đổi sang màu xanh lá, nếu như kết nối thành công thì 4 đèn màu xanh của Wiimote sẽ nhấp nháy liên tục. Kể từ lần thứ hai trở đi, để kết nối Wiimote với máy tính chỉ cần nhấn phím 1 và 2 trên Wiimote và nhấp đúp vào biểu tượng Nintendo RVL-CNT-01 (xem hình).
- Khởi động chương trình Smoothboard 0.4.6 beta (chú ý: máy tính phải được cài đặt Net Framework 3.5 mới chạy được phần mềm Smoothboard). Nếu kết nối thành công thì trên giao diện của Smoothboard sẽ có dòng báo mức pin của Wiimote và trên Wiimote chỉ còn đèn số 1 luôn sáng
3. Cách sử dụng Wiimote:
- Trong giao diện của Smoothboard, chọn ở nhóm Mode là Whiteboard và ở Load chọn W-Extra Smoothing. Và nhấp nút Quick Calibration (Wiimote Button A) hoặc nhấn nút A trên thiết bị Wiimote để vào màn hình định vị.
- Đặt Wiimote cách xa màn hình chiếu khoảng 3-4 mét, bộ phận thu sóng hồng ngoại của
Wiimote nhìn về màn chiếu một góc từ 300 – 600 và hướng vào tâm của màn chiếu.
- Dùng bút hồng ngoại định vị 4 góc của hình chữ nhật xác định vùng làm việc của Wiimote.
- Thu nhỏ cửa số của Smoothboard xuống khay hệ thống, khi đó ta đã có thể sử dụng bút hồng ngoại để điều khiển máy tính thay cho chuột.
Sử dụng bảng tương tác thao tác với phần mềm Geoplan-Geospace
- Do bút hồng ngoại chỉ có 1 công tắc nên công tắc này thay cho phím chuột trái, nhấp đôi bằng cách bấm đôi vào công tắc. Để nhấp phải, nhấp vào biểu tượng dưới khay hệ thống, khi đó biểu tượng đổi thành và chỉ có tác dụng cho một lần nhấp.
- Trong quá trình sử dụng phải đảm bảo Wiimote luôn “nhìn thấy” đầu bút hồng ngoại khi ta tương tác với bảng, nếu Wiimote bị xê dịch hoặc con trỏ chuột không còn chính xác tại vị trí đầu bút thì cần định vị lại vùng làm việc của Wiimote (bằng cách nhấn nút A trên Wiimote).
HƯỚNG DẪN TẠO BÚT HỒNG NGOẠI (IR PEN)
(Giúp sử dụng thiết bị Wiimote tạo bảng tương tác)
Việc sở hữu một Bảng tương tác (Bảng tương tác) luôn là một niềm mơ ước của tất cả các giáo viên yêu công nghệ và luôn tìm tòi để đổi mới phương pháp trong giảng dạy. Nhưng với giá như hiện nay thì mỗi bảng tương tác có giá không dưới 1200 USD (gần bằng lương trong 1 năm của giáo viên mới ra trường), hoặc nếu đầu tư cho máy chiếu tương tác thì số tiện cũng không ít, điều này vượt xa tầm với của đa số giáo viên Việt Nam. Nhưng có một thiết bị đơn giản, rẻ tiền nhưng lại có thể giúp giáo viên biến một màn hình chiếu thông thường thành một bảng tương tác thực thụ, đó chính là tay cầm điều khiển của máy chơi game Nintendo (thường gọi là Wiimote hay Wii Remote). Thông qua phần mềm điều khiển có tên là WiimoteWhiteboard được phát triển bởi Johnny Lee và được kết nối với máy vi tính qua sóng Bluetooth, kết hợp với một cây bút hồng ngoại (IR pen) thì giáo viên sẽ có được một bảng tương tác thực thụ với chi phí rất thấp – dưới 1 triệu đồng VN. Vì vậy thiết bị này rất phù hợp với đặc điểm của ngành giáo dục nước ta hiện nay.
Hình 1. Chỉ cần 3 thiết bị này kết hợp với máy vi tính và máy chiếu ta có thể biến màn chiếu thông thường thành bảng tương tác |
- Thật ra thiết bị này đã được Johnny Lee thử nghiệm và giới thiệu trên Website: uweschmidt.org/wiimote-whiteboard, Quý thầy cô có thể lên Google và search với từ khóa WiimoteWhiteboard thì sẽ có hàng chục videoclip nói về thiết bị này. Tuy nhiên, có lẽ do ngại thiết bị khó sử dụng và chi phí đầu tư cho bảng tương tác không quá cao so với thu nhập của giáo viên nên ta ít thấy giáo viên nước ngoài sử dụng thiết bị này trong dạy học. Còn ở Việt Nam, trung tâm Seameo đã thử nghiệm và soạn các bài giảng phù hợp với thiết bị này và hiện nay đã đưa vào sử dụng đại trà cho việc giảng dạy của giáo viên tại trung tâm.
Thiết bị Wiimote có thể dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng bán thiết bị trò chơi điện tử. Tuy nhiên tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thấy nơi nào bán bút hồng ngoại (Infrared pen) để sử dụng thiết bị này. Còn lên Internet tìm kiếm ta có thể thấy nhiều videoclip hướng dẫn chế tạo bút này, nhưng tất cả đều là Tiếng Anh nên cũng phần nào gây khó khăn cho thầy cô. Do đó, để thiết bị này sớm được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy, chúng xin giới
thiệu đến Quý thầy cô tham khảo cách chế tạo bút này, hy vọng sẽ tạo nên một hướng mới
cho việc sử dụng thiết bị trong giảng dạy ở trường phổ thông.
I. Các vật dụng cần thiết:
Để sử dụng thiết bị thì cần có những vật dụng sau:
Hình 2. Các vật dụng cần thiết |
Hình 3. Các vật dụng cần thiết |
(1) 01 chai keo 502
(2) 01 bút bảng trắng.
(3) 01 bóng đèn Led phát hồng ngoại (IR Led)
(4) 20 cm dây điện nhỏ, loại dây đôi.
(5) 01 viên pin AAA (loại tốt)
(6) 01 công tắc nhấn.
(7) 01 cuộn chì hàn
(8) 01 dao rọc giấy.
(9) 01 mũi hàn điện.
Các vật dụng trên (trừ keo 502, dao rọc giấy và bút bảng trắng) đều có thể mua tại các cửa
hàng bán linh kiện điện tử ở chợ Nhật Tảo (Tp Hồ Chí Minh) với giá rất rẻ.
II. Các bước tiến hành:
1. Dùng kềm gỡ bỏ ngòi bút và ruột của bút bảng trắng, chỉ giữ lại phần thân vỏ và nắp bút
Hình 4 |
2. Dùng mũi hàn điện và dao rọc giấy để khoét trên thân bút một lỗ hình vuông sao cho vừa khít với công tắc:
Hình 5 |
3. Tách đôi đoạn dây điện ra, sợi dây màu cắt làm hai đoạn không bằng nhau (7cm+13cm). Sau đó hàn nối hai phần vừa cắt ra và công tắc:
Hình 6 |
Chú ý: Hàn dây điện vào hai góc chéo nhau của công tắc (nếu là loại công tắc 4 chân)
Hình 7 |
4. Luồn hai đầu sợi dây của công tắc vào lỗ trên thân bút, đầu dây ngắn về phía ngòi bút. Đặt công tắc vào lỗ và dùng keo 502 dán để cố định công tắc vào thân bút.
Chú ý: Trong quá trình thao tác, nên cẩn thận đừng để keo dán dính vào bề mặt của công tắc, tránh trường hợp làm xong công tắc … không nhấn được!
Hình 8 |
Hình 9 |
5. Hàn đoạn dây điện còn lại (màu trắng) vào chân âm (-) của bóng đèn led hồng ngoại. Sau đó luồn dây vào trong thân bút và tiếp tục hàn chân dương (+) của đèn led vào đầu dây phía ngòi bút của công tắc.
Chú ý:
- Có nhiều loại đèn led khác nhau, chúng ta sử dụng đèn led hồng ngoại loại phát. Nên dùng loại bóng lớn để cho tín hiệu được mạnh.
- Chân dương của đèn led là chân nhỏ (ở trong bóng đèn)
Hình 10 |
Hình 11 |
6. Hàn hai đầu dây điện của bút vào viên pin AAA, chú ý dây nối công tắc vào cực dương của pin.
Chú ý: Ở đây ta hàn cố định viên pin vào bút, do đó nên chọn loại pin tốt (khoảng 15.000 đồng – 20.000 đồng/cặp) để sử dụng được lâu. Còn nếu muốn thay được pin thì chỉ cần tìm mua thiết bị giữ pin để gắn vào hoặc tự chế bằng loại vỏ bút khác sao cho có thể đặt vừa vặn vào thân bút. Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi chi xin giới thiệu với Quý thầy cô cách làm này cho nhanh và dễ làm.
Hình 12 | Hình 13 |
Hình 14 |
|
Hình 15 |
7. Đặt viên pin đã hàn vào thân bút, đậy nút của đuôi bút lại ta được một bút hồng ngoại hoàn chỉnh.
Hình 16 |
Hình 17 |
Với cách làm này chỉ cần chi phi rất thấp (khoảng 15.000 đồng cho 1 cây bút) ta đã có thể sử dụng được thiết bị Wiimote để tạo bảng tương tác. Còn nếu bỏ tiền ra mua bút, các bạn phải mất 8.0 USD và phải nhờ mua ở … nước ngoài, nhưng cũng không nhạy bằng bút tự chế này.
Tài liệu này chúng tôi biên soạn nhằm mục đích chia sẻ với quý Thầy Cô một cách không vụ lợi, nên nếu có phổ biến xin giữ quyền tác giả và cũng rất mong đừng dựa vào tài liệu này để kinh doanh thiết bị bút hồng ngoại tự chế để tư lợi các nhân như một số giáo viên đã làm.
Xin cảm ơn và chúc Quý thầy cô thành công!
Nguyễn Thanh Nhàn, GV Trường THPT Ngô Gia Tự, Gò Dầu, Tây Ninh.
(Email: 4eyes1999@gmail.com. ĐT: 0987.503.911)
Download toàn bộ tài liệu tại đây »»
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét