- Từ trước tới nay nhiều người vẫn nghĩ ngành giáo dục là một ngành nghề trong sáng, ít bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực.
Nhưng những năm gần đây, ở nhiều địa phương đã xuất hiện những việc không lành mạnh. Tình trạng tuyển dụng không công khai dẫn đến chuyện sinh viên ra trường phải chi một số tiền lớn mới được tuyển dụng. Khi đi dạy lại gặp quá nhiều chuyện nhiễu nhương mà những người gây phiền nhiễu chính là những cán bộ đầu ngành.
Chuyện “vạch lá tìm sâu” để vòi tiền, đòi ăn nhậu không còn hiếm. Một đồng nghiệp của tôi vốn là tổ trưởng chuyên môn nhiều năm tâm sự: sau khi dự giờ dạy của cô, ông thanh tra của phòng GD-ĐT đã “phán” một câu xanh rờn: “Cô dạy tiết này yếu cả phương pháp lẫn chuyên môn. Chiều chúng tôi sẽ thông báo kết quả thanh tra với trường. Trưa cô về suy nghĩ xem mình còn yếu chỗ nào để chiều có ý kiến”. “Suy nghĩ” tức là trưa hôm ấy phải cấp tốc lên gặp thanh tra để giúi cái phong bì gọi là tiền trà nước. Nhờ vậy, buổi chiều cô được thông báo kết quả loại khá.
Tại một số tỉnh thành, hằng năm các trường nội ô phải tăng cường giáo viên cho các xã khó khăn. Nghe đến chữ tăng cường ai cũng sợ, nhất là giáo viên nữ có con nhỏ. Danh sách dự kiến được hiệu trưởng thông báo trước hội đồng để chuẩn bị...
Nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn chưa muốn đi thì phải gặp hiệu trưởng và lãnh đạo phòng GD-ĐT. Một khoản tiền kha khá lót tay thì sẽ được nằm trong danh sách hoãn. Tôi có cô bạn đã đi dạy 13 năm, hai con còn nhỏ, chồng làm ở bộ phận thi công của ngành điện, lúc làm tỉnh này khi tỉnh khác.
Mấy năm qua cô luôn phải thu xếp hoãn binh. Vừa rồi cô tâm sự: “Chắc năm nay mình phải xin làm giáo dục cộng đồng ở xã. Biết làm việc này thì buồn, mất chuyên môn nhưng đi tăng cường thì con nhỏ để cho ai. Mà cứ hoãn mãi chịu sao thấu. Được đồng lương nào nuôi mấy ông ấy hết”.
Thời điểm thi học kỳ cũng là thời điểm mà các bộ phận thanh tra tích cực nhất. Nhiều cán bộ thanh tra chạy sô đến các trường để “kiểm tra”. Những trường được thanh tra “ưu ái” ghé thăm nhiều lần rất khổ sở vì mỗi lần thanh tra đến phải kèm thêm một phong bì “tiền xăng xe”.
Dân tộc ta từ xưa đến nay khi nghĩ về người thầy luôn dành một tình cảm kính trọng. Vì vậy, ở những “góc khuất” như vậy, những “con sâu” trong ngành cần được chấn chỉnh và loại bỏ để làm trong sạch hình ảnh người thầy.
NGUYỄN CAO - Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét