Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Châu Á “nhập khẩu” mô hình giáo dục Phần Lan: Vì sao không thành công?

- Phần Lan, với dân số 5 triệu người, trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới những năm gần đây. Nhiều quốc gia đã cử các học giả, nhà nghiên cứu sang tìm hiểu mô hình giáo dục của đất nước này, nhưng lại không thể áp dụng hiệu quả. Vì sao?



Giáo viên hướng dẫn học sinh trong lớp ở Phần Lan - Ảnh: FT

Bí mật thành công của nền giáo dục Phần Lan chính là chất lượng dạy học, lấy học sinh làm trung tâm và đội ngũ giáo viên được quan tâm và ưu tiên hàng đầu, chứ không chạy đua theo thành tích.

Tất cả giáo viên đều được đào tạo nghiêm ngặt, phải có bằng thạc sĩ mới được đứng lớp và họ được xem là những chuyên gia giáo dục. Phần Lan lựa chọn và tuyển dụng giáo viên rất kỹ lưỡng. Chẳng hạn trong năm 2010, có 1.258 sinh viên đăng ký chương trình đào tạo giáo viên tiểu học nhưng chỉ 123 người (9,8%) được chấp nhận để tham gia chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trong thời gian năm năm. Mức lương hằng năm của một giáo viên tiểu học từ 40.000-60.000 USD và giáo viên làm việc 190 ngày/năm.

“Chương trình đào tạo giáo viên tiểu học năm năm rất tốn kém, nhưng đội ngũ giáo viên được đào tạo ra đều có năng lực cao và được xã hội tôn trọng” - Jari Lavonen, trưởng khoa sư phạm tại đại học Helsinki, cho biết.

Chương trình dạy học linh động
Phần Lan có chính sách giáo dục linh động và giao quyền tự chủ cho nhà trường, nhất là cho giáo viên. Các trường học theo một chương trình chuẩn, nhưng giáo viên có quyền thiết kế chương trình và chọn sách giáo khoa theo đặc điểm và năng lực của học sinh.

Tùy theo từng nhóm học sinh, giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giáo dục “một người vì mọi người và mọi người vì một người”. Nghĩa là học sinh được giáo dục cùng nhau tiến bộ chứ không hơn thua nhau từng điểm số một. Giáo viên tạo điều kiện cho học sinh giỏi giúp đỡ học sinh yếu và phải đảm bảo tất cả học sinh đều nắm vững kiến thức. Giáo viên theo sát từng học sinh để giúp từng học sinh tiến bộ trong học tập.

Một năm học chỉ có 190 ngày và mỗi ngày 4 giờ, tuyệt đối không dạy thêm ngoài giờ hay đi học thêm... Nhưng ngoài trường học, Phần Lan có nhiều thư viện đa chức năng ở tất cả các địa phương nhằm đảm bảo nhu cầu đọc sách và học tập cho học sinh sau giờ học.

Theo Bộ Giáo dục Phần Lan, 6% GDP của quốc gia này được chi cho giáo dục. Giáo dục ở Phần Lan được xem là quốc sách và hoàn toàn miễn phí. Bà Sirpa Maenpaa, đại sứ Phần Lan ở Thái Lan, chia sẻ: “Phần Lan áp dụng mô hình giáo dục miễn phí bởi vì giáo dục là đầu tư cho con người và thực hiện sự công bằng giữa con người với con người. Giáo dục miễn phí là cánh cổng chính để thúc đẩy sự năng động và tiến bộ xã hội. Dù cho bạn được sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng giáo dục sẽ giúp bạn bước lên những bậc thang cao hơn trong xã hội”.

Khó áp dụng ở châu Á

Khoảng 1.000 nhà giáo dục ở các nước đã đến Phần Lan để học hỏi kinh nghiệm mô hình giáo dục của nước này trong thời gian từ năm 2003-2010, theo bà Maenpaa.

Một số chính sách giáo dục Phần Lan được “xuất khẩu” ra nước ngoài, nhưng không phải nước nào cũng có thể áp dụng thành công. Thái Lan, chẳng hạn, đang nỗ lực áp dụng mô hình này của Phần Lan nhưng không gặt hái được nhiều thành công. Nhiều học sinh Thái Lan hơi thua kém bạn bè một chút là phụ huynh lập tức đóng tiền cho con em đi học thêm ngoài giờ, còn Phần Lan không có tình trạng dạy thêm học thêm.

“Phần Lan là một xã hội công bằng. Một số nước châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc vốn là hai xã hội có tính cạnh tranh cao, vì thế nếu học sinh học thua kém bạn bè trong lớp thì phụ huynh lập tức đóng tiền cho con em đi học thêm vào buổi tối.

Ở Phần Lan, học giỏi hơn bạn không quan trọng. Bởi vì mọi người đều ở một mức trung bình, quan trọng hơn là bạn phải nâng cái mức trung bình đó cao hơn nữa” - Reijo Laukkanen, một nhà nghiên cứu chính sách giáo dục, cố vấn Hội đồng giáo dục quốc gia của Phần Lan, nhận xét. Nghĩa là mỗi học sinh đều phải nỗ lực phấn đấu hơn trong học tập, chứ không phải cố gắng để hơn thua bạn bè cùng lớp một vài điểm để được xếp hạng cao.

“Ở châu Á, học sinh không những phải căng thẳng học nhiều giờ ở trường mà còn phải đi học thêm và phải đối đầu với nhiều kỳ thi cấp quốc gia. Ở Phần Lan, học sinh không phải học tập căng thẳng nhưng vẫn tiếp thu bài tốt, còn nhà trường và giáo viên đều đảm bảo chất lượng đầu ra cho học sinh. Đây là một mô hình giáo dục rất lôi cuốn” - bà Andreas Schleicher, quản lý Chương trình đánh giá chất lượng học sinh quốc tế PISA, cho hay.

DUY PHÚC (Theo Time, OECD, Finland Teacher

Hàn Quốc băn khoăn chuyện học bằng tiếng Anh

Các trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc từ nhiều năm nay đã đua nhau mở rộng những lớp dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh trong nỗ lực cạnh tranh đưa sinh viên và giảng viên Hàn Quốc lên chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc giảng dạy này đang gây nhiều tranh cãi, sau khi các sinh viên và giảng viên nêu ra những điểm bất cập, kém hiệu quả và thiếu tính thực tế.

Giáo sư Choi Gwang Mu, giảng viên bộ môn khoa học máy tính ở Đại học Khoa học công nghệ Hàn Quốc (KAIST), nhận xét: “Dạy các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh là không hiệu quả. Một sinh viên học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh chưa chắc giỏi hơn các sinh viên học bằng tiếng mẹ đẻ. Thật sai lầm khi buộc sinh viên học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh”.

Theo giáo sư Hong ở Trường đại học Quốc gia Seoul, cả giảng viên và sinh viên đang phải chịu rất nhiều áp lực. “Tiếng Anh trở thành trở ngại lớn cho cả giảng viên và sinh viên. Giảng viên phải mất gấp đôi thời gian bình thường để chuẩn bị bài giảng các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh - ông cho biết - Rất nhiều sinh viên lại gặp khó khăn để hiểu các thuật ngữ chuyên ngành. Nhiều sinh viên của tôi cho biết họ phải về nhà dịch các bài giảng tiếng Anh sang tiếng Hàn mới hiểu nổi”.

“Thú thật nhiều khi tôi học những môn chuyên ngành bằng tiếng Hàn còn không hiểu nổi huống hồ lại học tất cả bằng tiếng Anh” - Seo Seong Woo, một sinh viên năm cuối ở Trường đại học Quốc gia Seoul, thú nhận.

THUẬN HÒA (Theo Korea Times)

Newsmagazine

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến