Thời gian trở lại đây, hầu hết các địa phương đều ban hành các quy định về quản lý dạy thêm học thêm (DTHT). Ngoài việc bám sát với quy định của Bộ GD-ĐT đã ban hành trước đó thì mỗi nơi đều có những cách quản lý riêng để chấn chỉnh. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều nhà quản lý thì các quy định này chỉ mang tính hình thức nhằm trấn an dư luận bởi nhẽ người tham gia dạy thêm không khó để “lách” những yêu cầu được đưa ra trong khi đó việc thanh tra kiểm tra (nhất là việc dạy thêm ngoài nhà trường) gần như thiếu tính khả thi.
Học thêm cưỡng bức: Ai lên tiếng?
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT thì bản chất của việc DTHT là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy. Tuy nhiên, do công tác quản lý của một số Phòng và Sở Giáo dục còn lỏng lẻo; một số giáo viên có tư tưởng vụ lợi nên xuất hiện tình trạng DTHT tràn lan gây bức xúc.
Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, giảm tải chương trình, cải tiến các công tác thi, kiểm tra, đánh giá. Việc kiểm tra chất lượng học sinh được thực hiện theo đề chung cho từng khối lớp, tổ chức chấm chéo bài kiểm tra để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá học sinh. Bên cạnh đó cũng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải thiện chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. |
Nếu chúng ta để ý thì tất cả các văn bản ban hành về quản lý DTHT thì yếu tố luôn được nhấn mạnh đó là: Việc học thêm hay không học thêm là quyền của người học; mọi tổ chức, cá nhân không ép buộc học sinh (HS) học thêm để thu tiền. HS học thêm có đơn xin học thêm và phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu”. Quy định là thế nhưng trên thực tế phụ huynh ít có sự lựa chọn đến việc từ chối cho con đi học thêm.
Chị L.T.H, có con đang học lớp 5 tại một trường tiểu học ở quận Long Biên (Hà Nội) chia sẻ: “Mặc dù đã có quy định cấm dạy thêm cho HS tiểu học. Tuy nhiên các hoạt động trên trường thì có thể giám sát được, chứ còn dạy thêm ở nhà thì ai quản lý. Nếu cô mở lớp mà không đồng ý cho con đi học thêm thì thế nào cũng có chuyện”.
Anh N.T.P ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) từng nếm trải với việc không đồng ý cho con đi học thêm thấm thía cho biết: “Tưởng rằng việc có cho con đi học thêm hay không là quyền của phụ huynh nhưng thực tế không phải như vậy. Mình từng cương quyết không cho con đi học thêm và hậu qua là thằng nhỏ nhà mình liên tục phải ngồi bàn cuối. Người thì nhỏ mà các bàn trên thì các bạn cao to hơn nên hiệu quả học tập giảm sút. Hiện tượng này chỉ kết thúc khi mình đồng ý cho con đến lớp học thêm”.
Theo đánh giá của nhiều phụ huynh thì có nhiều "chiêu thức" không hay ho gì mà người thầy buộc HS phải "tự nguyện” học thêm, từ dụ dỗ cho đến cưỡng ép. Hầu như ở khắp nơi ở các cấp học đều có tình trạng ở lớp thầy dạy sơ sài hoặc viện cớ chương trình nặng quá tải không đủ thời gian, rồi tăng tiết bất hợp pháp hay hợp pháp hóa công khai trong giờ chính khóa. Có thầy trên lớp vẫn dạy “nhiệt tình” nhưng không tung hết các "bí quyết" ra, mà chỉ có đi học thêm thì mới làm hết bài tập và bài thi đạt điểm cao.
Tại sao HS, phụ huynh không phản ánh những hiện tượng thầy cô bắt ép HS học thêm? Trước câu hỏi này anh N.T.P thẳng thắn thừa nhận: “Tâm lý của phụ huynh hầu hết là lo sợ. Nếu phản ánh mà thầy cô biết thì liệu con em họ có thể tiếp tục theo học tại trường. Chính vì thế biết nhưng phải làm ngơ”
Cần giải quyết bài toán gốc!
Khi chúng tôi đề cập đến quy định mới về quản lý DTHT của UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, TS Nguyễn Tùng Lâm - hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thẳng thắn nhìn nhận: “DTHT là một nhu cầu thực tế bởi cách thi cử của chúng ta hiện nay. Chính vì thế việc ban hành các văn bản quy định chỉ là mang tính hình thức. Nếu chúng ta không giải quyết bài toán gốc thì chắc chắn việc DTHT sẽ vẫn tồn tại”.
Cũng theo TS Lâm thì bài toán gốc dẫn đến việc DTHT hiện nay là do chương trình học hiện nay rất nặng. Bên cạnh đó cách dạy và thi chưa hiệu quả, phần lớn HS vẫn có thói quen chỉ học thuộc lòng chứ chưa có ý thức tư duy là tự học. Chính vì thế trước hết cần thay đổi nhân thức, quan niệm học tập đó là học để chiếm lĩnh, sáng tạo tri thức, học để làm người chứ không chỉ đơn giản học để thi. Thi chỉ là phương tiện đánh giá kết quả của một quá trình học tập, rèn luyện. Có nhận thức được như vậy, người học mới nỗ lực, phát huy tối đa tiềm năng tự học của bản thân. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần nhanh chóng cải tiến một cách hiệu quả các kỳ thi, từ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS, THPT đến kỳ thi đại học, tăng cường giáo dục cho HS ý thức về phương pháp tự học.
Quy định chỉ để kiểm tra về mặt hành chính? Theo đánh giá của nhiều bậc phụ huynh thì quy định về dạy thêm học thêm mà UBND Thành phố Hà Nội vừa mới ban hành so với văn bản trước đó không có sự thay đổi. Giải thích về vấn đề này lãnh đạo phòng Giáo dục Trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, đơn vị tham mưu cho biết: “Trước kia thì Hà Nội và Hà Tây đều có văn bản quy định riêng về quản lý việc dạy thêm học thêm. Sau khi sát nhập thì cần có một văn bản chung để thực hiện”. Trong khi đó trao đổi với báo Tiền Phong, ông Phạm Hữu Hoan, Phó phòng GD Trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội chia sẻ: “Tham vọng ban đầu của chúng tôi chỉ là kiểm tra về mặt hành chính, đảm bảo tất cả tổ chức, cá nhân dạy thêm học thêm trên toàn thành phố phải được cấp phép. Còn tính chất hoạt động như tự nguyện hay ép buộc sẽ tính sau”. Ông Hoan cũng cho rằng quản lý hành chính hoạt động này ở cấp tiểu học khó khăn bởi các quy định chưa thật sự rõ ràng. “Nên hướng dẫn cụ thể hơn về việc thực hiện quy định của thành phố do các phòng chuyên môn của Sở, quận, huyện soạn thảo”, ông Hoan đề xuất. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét