Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Lỗ hổng trong đổi mới phương pháp dạy học

Nhiều phương pháp dạy học mới đang được triển khai nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, nếu áp dụng không khéo, giáo dục lại trượt dài từ thái cực này sang thái cực khác và không thể đem lại kết quả mong muốn.

Một phương pháp hay không có nghĩa là đem nó vào trong tiết dạy là đạt được hiệu quả như mong muốn. Càng không có nghĩa là một tiết dạy tập hợp hết các phương pháp tiên tiến hiện hành thì sẽ thành công.

Mà thực ra, chẳng có phương pháp dạy học nào gọi là hay là dở đối với bất kỳ tiết học nào và đối tượng nào. Vấn đề chỉ là việc vận dụng nó thế nào cho đúng lúc, đúng cách để phát huy hiệu quả hay không mà thôi.


Việc lựa chọn phương pháp dựa vào tiêu chí phù hợp với nội dung là nguyên tắc hợp lý nhưng chưa đủ. Hay nói đúng, điều này chỉ mới dựa trên cơ sở lý thuyết. Người dạy còn phải xét đến tiêu chí thứ hai đó là đối tượng học trực tiếp. Đây mới là thực tế mà khi đối đầu với nó, hệ thống các phương pháp dù hay đến mức nào cũng phải thừa nhận rằng nó không phải là chìa khóa vạn năng.

Phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp đáng ngờ nhất. Tâm lý lứa tuổi học đường không ý thức được như người lớn sự cần thiết của làm việc hợp tác. Chia các nhóm nhỏ, lời nói xì xào nhiều khi lại là cơ hội để các em trò chuyện tán gẫu, lãng phí thời gian. Giáo viên không thể đến từng nhóm theo dõi sát sao học sinh làm việc.

 

Cũng không tránh khỏi tình trạng các em chỉ thảo luận một cách đối phó. Lúc này nhìn bề ngoài có vẻ học tích cực chủ động. Nhưng trong tư duy các em thì chưa chắc. Vậy làm thế nào để các em thật sự “hành động” trong tư duy? Làm sao kiểm soát được tư duy của các em? Câu hỏi này còn đang chờ đợi các công trình tiến sĩ.

 

Thêm nữa, với tình trạng chạy đua lựa trường điểm hiện nay đang diễn ra rầm rộ ở các thành phố lớn, nước ta không thiếu những trường có mặt bằng học lực học sinh rất thấp. Đối với những tập thể học sinh cá biệt, người giáo viên phải nhức óc với vấn đề đậu rớt của học sinh trong các kì thi. Cố gắng để các em học thuộc các kiến thức ở dạng tinh lọc nhất để thi đã khó, đừng nói đến chuyện hi vọng các em chủ động sáng tạo.

 

Đâu phải học sinh nào cũng đến trường với tâm thế cố gắng học hành vì tương lai bản thân và phục vụ đất nước sau này. Để thay đổi được điều này là cả một quá trình và đòi hỏi sự phối hợp của nhiều phía.

 

Đối với những học sinh không thiết tha với học tập, hoặc chỉ đi học để lấy bằng tốt nghiệp phổ thong; sau đó đi học nghề, hoặc bị cha mẹ ép buộc phải đến trường…thì không thể kì vọng ở các em quá nhiều. Các em chỉ học đối phó để thi.

 

Đó là một thực tế phải thừa nhận dù không mong muốn. Tình trạng học sinh bỏ học nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã nói lên rằng số lượng những học sinh dạng này không phải ít. Giáo viên trong trường hợp này hiểu rằng phương pháp tiên tiến kia quá xa xỉ. Không thấy hiệu quả đâu nhưng trước mắt là lãng phí thì giờ quý giá.

 

Việc chúng ta quan niệm giáo dục tránh lối truyền thụ một chiều, lối dạy đọc – chép là rất phù hợp xu thế thời đại. Nhưng không thể kì thị, để rồi cho rằng trong tiết dạy phải tuyệt đối chấm dứt hẳn cách dạy đọc –chép là điều sai lầm. Bởi không có một thầy cô giáo nào có thể làm được chuyện đó, từ trước đến giờ và sau này cũng vậy, kể cả các giảng viên đại học Havard hay Oxford cũng không thể làm được.

 

Đối với những tri thức có tính chất suy luận, việc vận dụng các phương pháp thảo luận nhóm, đối thoại, đặt câu hỏi hay là điều không có gì bàn cãi. Còn đối với những tri thức thuần túy là thông tin, mà dung lượng bài học thông tin quá nhiều như các bài văn học sử hay các bài lịch sử thì làm sao mà giáo viên không ít nhiều sử dụng cách dạy đọc chép.

 

Đọc – chép lúc này là một cách để người dạy tinh lọc lại những kiến thức trọng tâm để học sinh không bị hoang mang phân tán. Còn việc đặt câu hỏi để các em phát hiện các thông tin này phát biểu thì cuối cùng cũng phải dừng lại để ghi tri thức cần thiết. Không đọc – chép thì coi chừng sau tiết dạy cả lớp không biết học cái gì!

 

Mà đối với các tri thức có tính thông tin thuần túy, việc học sinh tích cực phát hiện tri thức thì cũng chỉ là một hành động tích cực bề ngoài. Dùng các phương pháp thảo luận nhóm, hay đối thoại, đặt câu hỏi cũng không đem đến sự sáng tạo trong tư duy các em. Tại sao lại không chấp nhận chuyện đọc chép?

 

Hoặc đơn giản là có những kiến thức mà học sinh không đủ sức tự chiếm lĩnh, khám phá để đi đến kết quả hoàn hảo thì người thầy phải can thiệp vào, giúp các em hiểu và ghi nhận. Người dạy dù lý giải, gợi mở thế nào, cuối cùng cũng phải tóm lại cái gì đó để học trò ghi nhận. Hành động này sẽ gọi nó là gì  ngoài cái tên đọc – chép?

 

Quay lại thực tiễn, khi phải đối đầu với đối tượng học không như mong muốn, khả năng  khám phá và học lực của các em đã yếu, mà không đọc gì cho các em ghi để thi cử thì coi chừng lại phát sinh ra những hệ lụy khác.

 

Việc lạm dụng cách dạy một chiều, chỉ có đọc-chép đúng là một tiêu cực nhất định phải loại trừ. Song bản thân việc đọc – chép vẫn chưa được một cái nhìn sòng phẳng.

 

Đọc – chép là một thao tác dạy học tất yếu trong quá trình tác nghiệp sự phạm. Bản thân phương pháp này không có gì tiêu cực nếu biết dùng nó đúng lúc. Chúng ta chỉ bài trừ tình trạng lạm dụng thái quá chứ không thể đối lập nó với nguyên lý giáo dục mới, xem nó là cách dạy truyền thống sai lầm mà cực đoan không dùng đến nữa.

 

Hãy tưởng tượng đến một tiết dạy mà giáo viên chỉ cố tìm ra các phương pháp mới nhằm khiến cho học sinh tích cực chủ động, tự chiếm lĩnh tri thức, tự ghi nhận bài học, mà cuối cùng không tinh lọc lại một vấn đề gì để học sinh ghi nhận…! Kết quả tất yếu là sẽ có rất nhiều học sinh cá biệt bị bỏ rơi.

 

Đó chính là thái cực thứ hai – hậu quả của việc kì thị cách dạy truyền thống và cực đoan lạm dụng các phương pháp dạy học được gọi là tân tiến một cách thiếu cân đối!

 

                                                                                     Hồ Hoàng Khải

                                               Trường THPT chuyên Lý Tụ Trọng TP.Cần Thơ

 

LTS Dân trí - Phương pháp giảng dạy đúng với đặc điểm môn học và tiết học cũng như đúng với đối tượng học sinh luôn là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì vậy, cải tiến (hay đổi mới) phương pháp giảng dạy luôn phải xem xét đến đối tượng học sinh của từng lớp cụ thể. Mặt khác, trong khi áp dụng những phương pháp mới thì không nên “phủ nhận sạch trơn” phương pháp truyền thống. Cái gì ra đời và tồn tại lâu đời đều có lý do khách quan và có những điều mà thế hệ sau cần kế thừa.

Theo Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến