Không ít giáo viên đã phàn nàn về việc tiết học đang tiến hành thì bị dừng lại, gián đoạn bởi một tiếng chuông điện thoại trong lớp bất ngờ vang lên khiến cho mạch giảng của giáo viên bị ngắt quãng và sự tập trung của học sinh bị phân tán.
Việc dùng điện thoại di động ngày nay trong học sinh hầu như là phổ biến và các em có thói quen sử dụng khá tùy tiện, gây ra không ít phiền lụy trong quá trình học tập, thi cử.
Nếu như khoảng chừng 5 năm trước, việc học sinh sử dụng điện thoại di động khi đến trường còn là chuyện hiếm, ngay cả ở các thành phố lớn thì hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông, thông tin, điện thoại di động đã nhanh chóng “phủ sóng” học đường.
Ngày nay, điện thoại di động không còn là mặt hàng xa xỉ mà đã tràn ngập thị trường với đầy đủ kiểu dáng, chủng loại. Giá một chiếc điện thoại với đầy đủ chức năng cũng không còn quá cao. Trong khi đó, giá cước liên lạc của các nhà cung cấp dịch vụ ngày càng có xu hướng giảm do yếu tố cạnh tranh.
Tất cả những yếu tố trên cùng với mục đích quản lý, giám sát việc học hành, đi lại của con đã khiến cho nhiều bậc phụ huynh đồng ý “đầu tư” cho con sử dụng điện thoại di động. Bởi thế, học sinh sử dụng điện thoại di động hiện nay đã trở thành một “phong trào”, không chỉ đối với các trường học ở thành phố hay vùng đồng bằng.
Đối tượng sử dụng điện thoại di động cũng không chỉ là học sinh THPT mà cả học sinh THCS, thậm chí học sinh Tiểu học cũng có “dế” đút túi. Những tiện ích trong thông tin liên lạc do điện thoại di động mang lại là không thể phủ nhận. Song qua thực tiễn, học sinh sử dụng điện thoại di động cũng bộc lộ không ít hệ luỵ, bất cập.
Không ít giáo viên đã phàn nàn về việc tiết học đang tiến hành thì bị dừng lại, gián đoạn bởi một tiếng chuông điện thoại trong lớp bất ngờ vang lên khiến cho mạch giảng của giáo viên bị ngắt quãng và sự tập trung của học sinh bị phân tán.
Việc lạm dụng điện thoại di động “mọi lúc, mọi nơi” cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động học tập của học sinh. Vì mải nhắn tin, gọi điện nhiều học sinh lơ là nghe giảng trong lớp học, bê trễ trong việc chuẩn bị bài. Những chức năng kèm theo từ điện thoại di động như: chơi game, nghe nhạc… cũng có sức hút lớn đối với đối tượng học sinh vốn tò mò, hiếu kỳ khiến cho thời gian dành cho việc học tập bị ảnh hưởng.
Sau khi clip “riêng tư” của nhân vật chính trong bộ phim “Nhật ký Vàng Anh” bị tung lên mạng, ngay lập tức, nó được lan truyền nhanh chóng trong giới học sinh qua những chiếc điện thoại di động.
Không lâu sau đó, dư luận lại xôn xao về clip “mây mưa” của 2 học sinh lớp 9 ở Quảng Bình được thực hiện trong một khu rừng và quay bằng điện thoại di động.
Mới đây, hàng lọat vụ ẩu đả của một số nữ sinh cũng được quay lại và phát tán trên mạng từ những chiếc điện thoại di động. Chức năng Bluetooth của điện thoại di động cho phép “bắn” qua lại những clip video, hình ảnh một cách dễ dàng mà không tốn một chi phí nào càng khiến cho các clip có nội dung không lành mạnh có thể được lan truyền một cách nhanh chóng.
Có thể nói, làn sóng sưu tầm, phát tán phim ảnh có nội dung “nóng” thậm chí là đồi truỵ qua điện thoại di động đã và đang tác động tiêu cực tới nhận thức, tư tưởng của một bộ phận học sinh hiện nay.
Kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2010, đã có không ít câu chuyện bi hài xung quanh chiếc điện thoại di động được các thí sinh mang vào phòng thi.
Một thí sinh thi vào trường đại học Xây dựng đã có “sáng kiến” buộc điện thoại vào bắp chân để “qua mặt” cán bộ coi thi, nhưng giữa giờ thi, điện thoại bất ngờ đổ chuông đã “tố cáo” khổ chủ của nó.
Liên quan tới chiếc điện thoại di động, có thí sinh vi phạm quy chế đến mức ngớ ngẩn, đó là trường hợp thí sinh thí vào trường đại học Ngoại ngữ (đại học Quốc gia Hà Nội), tuy đã “cẩn thận” tắt tiếng nhưng lại… để quên chuông báo thức trên máy điện thoại.
Trong lúc phòng thi đang yên tĩnh, tiếng chuông báo thức vang lên rộn ràng đã khiến cho thí sinh này phải ngậm ngùi rời khỏi phòng thi.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều trường hợp thí sinh bị đình chỉ thi một cách “oan uổng” vì “lỡ” đem điện thoại vào phòng thi và được người nhà hỏi thăm không đúng lúc.
Mặc dù quy chế thi đã rõ: thí sinh bị phát hiện mang điện thoại di động vào phòng thi, dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi. Quy định trên đã được áp dụng từ nhiều năm trước, các hội đồng thi đã chú trọng việc phổ biến quy định này đến thí sinh bằng nhiều hình thức: nhắc qua loa phóng thanh, phổ biến qua giám thị trước mỗi buổi thi, dán quy chế trước cửa mỗi phòng thi.
Tuy nhiên, do vô tình hay cố ý, nhưng chiếc điện thoại vẫn “theo chân” các thí sinh vào phòng thi để rồi những thí sinh bị phát hiện đã phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Rõ ràng thói quen sử dụng điện thoại di động trong học sinh hiện nay đã gây ra không ít phiền lụy, nhất là trong lúc thi cử.
Trong quan niệm của nhiều học sinh con các gia đình có điều kiện khá giả về kinh tế, việc sử dụng những chiếc điện thoại di động đắt tiền với nhiều chức năng hỗ trợ là cách để thể hiện “phong cách” và “đẳng cấp”.
Những bậc phụ huynh trang bị cho con những chiếc điện thoại “xịn”, vô hình trung đã góp phần hình thành thói quen đua đòi, tiêu tiền hoang phí khi bản thân các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Bên cạnh đó, mặc dầu cước điện thoại di động đã giảm nhưng việc sử dụng điện thoại thường xuyên dù chỉ để nhắn tin cũng “ngốn” một khoản chi phí đáng kể. Một số học sinh thậm chí đã phải “xén” cả tiền học phí, học thêm mà phụ huynh cung cấp hàng tháng để “nuôi dế”.
Đã có ý kiến cho rằng, trong bản nội quy của các nhà trường hiện nay cần có thêm điều cấm học sinh sử dụng điện thoại di động khi tới truờng.
Song trên thực tế, cấm học sinh sử dụng điện thoại khi tới trường trong điều kiện hiện nay là rất khó khả thi. Bởi, xã hội ngày càng phát triển thì điện thoại di động là phương tiện thiết yếu để trao đổi thông tin.
Hơn nữa, khó có thể cấm cản triệt để việc học sinh sử dụng điện thoại di động vì đó là tài sản cá nhân của các em và những người sử dụng điện thoại di dộng với mục đích phù hợp cũng không có lỗi gì.
Tuy nhiên, để hạn chế những mặt tồn tại, bất cập từ việc học sinh sử dụng điện thoại di động, cần có sự phối hợp giáo dục chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Theo đó, các bậc phụ huynh không cần thiết phải trang bị cho con những chiếc điện thoại di động đắt tiền.
Điều quan trọng là, trước khi sắm điện thoại cho con, cần cho chúng nhận thức được là nên sử dụng điện thoại di động lúc nào? ở đâu? Và nhằm phục vụ cho mục đích thiết thực gì?
Phụ huynh chỉ nên cho con sử dụng điện thoại di động nếu thấy thực sự cần thiết. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát cước phí liên lạc.
Trước mỗi kỳ thi quan trọng, nếu trong quy chế thi có quy định cấm thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm, nhắc nhở con em không mang điện thoại đến điểm thi, giữ, gửi lại ở ngoài điểm thi. Thậm chí, có thể sử dụng biện pháp mạnh là “cấm vận” hẳn trong vài ngày thi. Bởi, tâm trạng lo lắng cho kỳ thi khiến cho nhiều thí sinh không còn để ý tới những hậu quả khi mang điện thoại bên mình, đa số thí sinh bị đình chỉ thi, gạt nước mắt ra về là do thói quen.
Trong các nhà trường nên có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong tất cả các tiết học. Tuyệt đối cấm lưu trữ trong máy những phim, ảnh thiếu lành mạnh. Nếu phát hiện trong điện thoại di động của học sinh có chứa những nội dung không lành mạnh cần kịp thời thông báo với phụ huynh học sinh đồng thời có những hình thức xử lý để ngăn ngừa vi phạm đối với những học sinh khác. Với những gì đã và đang xảy ra, đã đến lúc cần hình thành “văn hoá alô” trong học đường, cũng là biện pháp xây dựng môi trường học đường thân thiện.
Bùi Minh Tuấn
( Nghệ An)
LTS Dân trí - Tính “hai mặt” của việc sử dụng điện thoại di động trong học đường quả thật là điều đáng lưu ý hiện nay. Tác giả bài viết trên đây đã nêu khá đầy đủ cả mặt lợi ích thiết thực cũng như những tác hại khi sử dụng điện thoại di động một cách tùy tiện và thiếu lành mạnh đối với học sinh, nhất là dùng nó trong giờ học làm mất trật tự và không tập trung học tập.
Xây dựng văn hóa sử dụng điện thoại di động nói chung, đặc biệt là trong học đường là nội dung giáo dục rất thiết thực và nên làm đối với học sinh ngày nay. Đi đôi với việc đưa vào nội quy học đường không cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học cũng như không lưu giữ những nội dung thiếu lành mạnh, nhà trường và phụ huynh học sinh cần phối hợp giáo dục các em để tự giác chấp hành nội quy nhà trường.
Theo Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét