Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Thư ngỏ của Thầy Nguyễn Phước Hòa Tân và lời cảnh báo đối với các tác giả viết sánh giáo khoa, sách tham khảo bộ môn Hóa Học

nguyen phuoc hoa tan, hoa hoc, hoa tan, thay nguyen phuoc hoa tan

Kính thưa các bạn,

Trước 1975 tôi là Giáo sư Lí Hóa , Tốt nghiệp ĐHSP Lí Hóa –ĐHSP Huế và Cử nhân Giáo khoa Lí Hóa – ĐHKH Huế niên khóa (1964-1968)

Tôi đã từng giảng dạy đồng thời hai bộ môn Lí Hóa cho học sinh 10,11, 12 từ năm 1968 và là Giám Học (hiệu phó chuyên môn) của Trường Nữ Trung học Quảng Ngãi khoảng từ 1972-1975

Sau ngày giải phóng, tôi tiếp tục dạy Vật Lí cho các lớp 10, 11, 12 của Trường PTTH Bình Sơn Quảng Ngãi. Đến năm 1978, một bạn nữ đồng nghiệp dạy Hóa muốn thuyên chuyễn về Thị Xã để được gần gia đình.Sở Giáo Dục Quảng Ngãi (lúc ấy là Nghĩa Bình) nhất trí với điều kiện là tôi phải thay cô ấy dạy Hóa cho 4 lớp 12. Vì tình đồng nghiệp và bản thân không muốn bị lụt nghề nên tôi chấp nhận dạy đồng thời hai bộ nôn Lí –Hóa cho các lớp 12.

Vào thời điểm ấy :

- Nếu chỉ dạy cho học sinh tốt nghiệp PTTH thì chẳng có gì quá khó vì ta chỉ cần cho học sinh rèn luyện đề cương của Bộ cho môn chọn thi Li và Hóa là học sinh đạt yêu cầu. Học sinh của trường tôi luôn đạt điểm giỏi , khá về hai môn Lí hay Hóa. Còn các đề thi Toán Hóa trong các kì thi tuyễn sinh Đại Học từ năm 1986 trở về trước cũng khá đơn giản, ta chỉ cần dạy cho học sinh làm được bài toán “Đốt” là đạt yêu cầu.

Nhưng nếu dạy cho học sinh đạt điểm chuẩn môn Hóa để vào Đại Học từ năm học 1986 trở về sau thì rất khó vì ngay chính bản thân tôi, vào thời điểm đó cũng không thể giải hai bài Toán Hóa vô cơ và hữu cơ đúng thời gian qui định (khoảng 100 phút). Để nâng cao tay nghề tôi phải tìm mua sách luyện thi Đại Học môn Hóa từ Hà Nội đến Sài Gòn, các tài liệu Luyện thi Đại Học … tôi cảm thấy mình bị đuối khi gặp quá nhiều phương pháp quá nhiều công thức, quá nhiều vấn đề, qui tắc như qui tắc đường chéo, phương pháp ghép ẩn số, phương pháp kẻ bảng, phương pháp biện luận, phương pháp đại số….. phương pháp định luật bảo toàn khối lượng , phương pháp cacbon trung bình…tôi ráng sức để học các phương pháp đó và thỉnh thoảng còn “đem lòng kính phục”. Đến năm 1990 Bộ ban hành sách Bộ đề thi Tuyễn sinh có hướng dẫn giải- Tôi rất mừng vì mình được cơ hội học tập. Nhưng đáng tiếc là có đến 20% đề thi mà tôi không hiểu lời hướng dẫn giải thì làm sao tôi dạy học trò mình đậu vào Đại Học. Do đó tôi chỉ lo dạy luyện thi môn Lí cho học trò , còn dành thởi gian để xem lại Môn Hóa . Tôi áp dụng cách quán chiếu của Đức Phật (thấy thật sâu, thật xa thật kỉ…) để đưa ra những suy nghĩ đầu tiên vào năm 1991 như sau :

- Phải giải toán vô cơ theo phương trình ion thu gọn, nếu cứ giải theo phương trình phân tử thì ta dạy và học phương trình ion thu gọn để làm gì

- Phải biết áp dụng các hệ quả của định luật bảo toàn nguyên tố và khối lượng nếu ta chỉ dùng phương trình phân tử.

- Nếu dùng phương trình ion thì phải áp dụng thêm 4 hệ quả tuyệt vời của định luật bảo toàn điện tích do tôi tự suy ra từ định luật bảo toàn điện tích – một định luật tuyệt đối đúng từ khi Ngài Lạc Long Quân và Bà Âu cơ xuất hiện- chính xác hơn là khi Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài đã chỉ rõ định luật này trong bản báo cáo chuyên đề Sắc tức thị Không ở Hội Trường Linh Sơn trên đỉnh núi Linh Thứu trong rặng Tuyết Sơn cho đến khi có các phản ứng hạt nhân hiện đại nhất.

Tất nhiên các bạn cũng dễ thấy rằng phương trình hóa học chẳng qua là một hệ thức minh họa các hệ quả tuyệt vời của ba định luật bảo toàn nguyên tố, khối lượng và điện tích do đó ta chỉ cần áp dụng các hệ quả này để tìm ra đáp số đúng và nhanh sau đó muốn vẽ vời bằng phương pháp nào cũng được.

- Do tính chất cơ bản của hỗn hợp đồng nhất và định luật thành phần không đổi mà nền tảng của toán hóa là hàm số bậc I. (qui tắc tam suất)hệ quả là với mọi m, n, V của hỗn hợp hay hợp chất (tùy ý chọn m,n, V) ta đều có thể xác định được các loại thành phần %, các loại nồng độ và công thức phân tử của hợp chất

- Trong Vật lí có phương pháp tương đương nên tôi mạnh dạng đưa ra phương pháp chuyển bài tóan hỗn hợp thành bài toán một chất tương đương để nhanh chóng tìm ra kết quả định lượng của bài toán hỗn hợp phức tạp…

- Đưa các bài toán khó do việc học quá rắc rối hay không chính xác thành bài toán đơn giản giải theo phương trình H+ + OH- -> H2O

- Thiết lập 5 công thức cơ bản tổng quát cho mọi dãy đồng đẳng hợp chất hữu cơ có trong cuộc đời này.

Với những suy nghĩ đó tôi bắt đầu quên các phương pháp mà tôi đã từng học và từng “đem lòng kính phục “ Tôi tự thấy trong những năm qua ta đã vô tình hay cố ý lợi dung những kiến thức hóa học đơn giản để minh họa các thuật toán lớp 8 như khả năng giải hệ phương trình và bất phương trình bậc I có trên 3 ẩn số sẽ gây ra những phiền toái phức tạp, làm cho bản chất hóa học của bài toán bị phai mờ nghiêm trọng, làm gia tăng khả năng sai sót và làm giảm tốc độ giải toán hóa học Do đó tôi cảm thấy những cố gắng học tập “ phương pháp” vừa qua như là những kỉ niệm buồn về những mối tình tan vỡ của thời trai trẻ vậy.

Tôi phát biểu đầy đủ nghiên cứu của cụ Faraday về hiện tượng điện phân bằng một mệnh đề đơn giản (tôi tự cho là hệ quả 4 của định luật bảo toàn điện tích), khiến cho bài toán điện phân là bài toán dễ chưa từng thấy. Tôi tin tưởng cụ Faraday ở bên nước Chúa sẽ cười thoải mái làm rung cả 5 chòm râu bạc khi thấy bọn hậu sinh đã nối tiếp bước chân đi của cụ trên đường nghiên cứu khoa học quá xa xôi…và cũng nhờ thế mà tôi nghiên cứu và chế được dung dịch xi mạ vàng 18K cho một công ty vàng bạc và đá quí lớn nhất Thành phố.

Tôi cũng tìm cách chuyển tải nhiều thông tin về toán hóa bằng những con số - tức là ta có thể số hóa thông tin hay dùng con số để “thay lời muốn nói “

Hơn thế nữa, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản vì phát hiện được những bài toán hóa trong sách Bộ Đề Thi mà tôi không hiểu lời hướng dẫn giải là do đề ra sai, dư dữ kiện, lời giải dài dòng, dùng những thuật toán và thuật ngữ không có thật …Tuy nhiên giải toán hóa theo phương pháp Hóa-Lí của tôi không dễ gì được quí thầy cô giáo chấp nhận- nhất là cách áp dụng 4 hệ quả tuyệt vởi của định luật bảo toàn điện tích, phương pháp tương đương…Do đó quí vị viết sách tham khảo nổi tiếng hay sách giáo khoa trước năm 1995 cũng chưa áp dụng các kiến thức trong sách Phương pháp Giải Toán Hóa Học do tôi biên soạn được NXB Th. Phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1992 . Từ năm 1994 tôi cùng với quí thầy Trần Đức Huyên (Toán), Trần Quang Phú (Lí) và Trần Đức Lợi (Sinh) được Nhà xuất bản Trẻ cho xuất bản sách giải chi tiết các đề thi tuyễn sinh Đại Học sau mỗi kì thi từ năm 1994 đến 1999. Tất nhiên tôi giải chi tiết môn Hóa theo phương pháp khá đơn giản là phương pháp Hóa Học nên được bạn đọc tiếp thu dễ dàng và các thí sinh thi Tuyễn sinh Đại Học nếu biết áp dụng phương pháp hóa học sẽ đạt được điểm rất cao.

Phương pháp Hóa Học đơn giản trong sách Phương pháp của tôi được nhiều thầy cô áp dụng trong việc dạy Hóa, đã thành công ngoài tầm dư kiến.Và đến năm 1998, nhiều thầy cô viết sách tham khảo đã lồng các kiến thức đó một cách vụng về hay khôn khéo hơn vào sách của mình. Cụ thể là chỉ một hệ quả II của Định Luật bảo toàn điện tích mà quí vị đã đưa ra nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp xich ma e cho = xích ma e nhận., phương pháp bảo toàn electron , phương pháp bảo toàn điện tích (có lẽ quí vị cho rằng bảo toàn electron khác với bảo toàn điện tích ???!!!). Chỉ một phương pháp tương đương mà quí vị đặt ra quá nhiều phương pháp như “phương pháp đặt công thức chung”, phương pháp trung bình…. (có lẽ quí vị cho rằng trung bình đồng nghĩa với tương đương!) Khi đưa ra phương pháp tương đương tôi rất tự tin vì tôi đã xem qua phương pháp cacbon trung bình, phương pháp phân tử lượng trung trung bình của một vị Giáo sư mà tôi rất kính trọng là Tiến sĩ Đào Hữu Vinh, dù tôi đã nhận ra rằng các phương pháp của GS Vinh là hệ quả của một phương pháp tổng quát hơn đó là phương pháp tương đương. Tôi rất đau lòng khi thấy nhiều người cố tình bóp méo, cố tình gây dị dạng…và tự mạo nhận những kiến thức đó một cách vụng về…

Khi viết sách, tôi đã tự nguyện rằng phải trải lòng mình ra, phải thể hiện hết tinh anh trí tuệ của mình để kích hoạt cho bằng được trí thông minh vốn có của độc giả, cống hiến cho độc giả những gì tốt nhất của tôi và mong độc giả thấy được tấm lòng của người cầm bút có bản chất nông dân... . Tôi chỉ mong quí độc giả áp dụng trong giảng dạy cũng như học tập, photocopy để phổ biến, nếu in thành sách phải ghi rõ xuất xứ. Nhưng với những ai cố tình bóp méo, lồng vào sách những điều không phải của mình để tự đánh bóng, bôi trơn cho học vị, thu được nhiều lợi nhuận thì chính quí vị đã làm bộc lộ bản chất… của mình. Những kiến thức trong sách phương pháp của tôi đã được cấp giấy chứng nhân số 213/BQ DO CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ cấp ngày 20.11.1995. Vì quyền lợi chính đáng và tính công bằng giữa các nhà doanh nghiệp liện kết in sách , chúng tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp để bảo vệ các nhà liên kết và bản thân tôi.

Tôi xin quí vị hãy nghiêm túc xác nhận, sửa đổi sự mạo nhận đáng tiếc đó để chúng tôi khỏi phải nêu đích danh và cách xâm phạm của quí vị lên mạng, báo chí và sau đó là pháp luật. Quí vị hãy nhớ rằng chúng tôi dư khả năng và trí tuệ để nêu lên bằng chứng chỉ rõ những gì mà quí vị sao chép , phóng tác , bóp méo , gây dị dạng những kiến thức mà chúng tôi đã viết ra một cách trong sáng, chan chứa tình người và đầy tính nhân văn trong suốt 18 năm qua…khi đó quí vị phải đối mặt với sự nghiêm minh của pháp luật về hành vi xâm phạm sản phẩm trí tuệ và quí vị sẽ phải bồi thường cho người bị hại một cách xứng đáng trong tinh thần tâm phục, khẩu phục.

Chú ý: Chúng tôi sẽ có phần thưởng xứng đáng cho những ai tìm được một quyển sách tham khảo khác xuất bản trước năm 1995 có đề cập đến phương pháp bảo toàn điện tích, phương pháp tương đương…

Nguyễn Phước Hòa Tân (Theo vietmaths)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến