Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Văn hóa hỏi - đáp trong giáo dục

Nếu so sánh cách dạy và học ở nước ta với nước ngoài tất nhiên có nhiều điều khác nhau. Riêng đối với tôi, đã từng học trong nước rồi sang Úc học một thời gian ngắn, nhưng cũng đủ cảm nhận sự khác biệt rất đáng quan tâm, đó là văn hóa hỏi - đáp.

Đã từng mài đũng quần trên băng ghế học sinh mười một năm, trải qua nhiều trường và lớp học khác nhau, tôi có thể xếp mình vào một tốp học sinh dán mác “an toàn”. Tôi không giỏi đến mức không cần học bài vẫn có thể làm tốt bài thi, nhưng tôi luôn nằm trong tốp 10 - 15 của lớp và hiếm khi nào để thầy cô phải đặc biệt quan tâm.

Năm lớp 11, sau vài năm suy nghĩ và hai cơ hội được viếng thăm hai nơi để lựa chọn là Úc và Mỹ, tôi khăn gói lên đường sang Úc du học. Sau một năm dự bị đại học, tôi vẫn luôn nằm trong tốp an toàn và dư điểm vào đại học Monash của Úc.

Dù quyết định về nước để gần gia đình, những điều tôi đúc kết được chỉ sau một năm là quá lớn. Nó là cả một sự khác biệt không chỉ vì cách học, cách tư duy mà cả về cái văn hóa hỏi đáp trong giáo dục.

Giáo dục, theo ý kiến của riêng tôi, là sự hướng dẫn, vun đắp cho một con người để giúp người ấy phát triển không chỉ trong hiện tại mà còn ở tương lai. Ở đây tôi sẽ không nói đến cái gọi là Tây và ta, mà tôi sẽ nói đến cách giáo dục mà tôi cho là cách duy nhất để con người ta có thể thật sự hoàn thiện bản thân mà không bị cái tư tưởng “bẩm sinh” làm nhụt chí.

Học là phải hỏi

Mười một năm trên ghế nhà trường ở Việt Nam, tôi đã trải qua từ trường giỏi đến trường làng, từ lớp quậy đến lớp chuyên. Tôi vẫn hay để ý thầy cô khi dạy thường rất hay hỏi học sinh đã hiểu chưa ở cuối mỗi bài giảng, nhưng câu hỏi ấy thường ít nhận được phản hồi.

Nếu có câu hỏi, thường là trong các môn khoa học như Toán Lý Hóa, thì câu trả lời sẽ là một đoạn trích lại trong bài giảng vừa xong. Tôi thường phải cố gắng nhớ câu trả lời (hay đoạn lặp lại) đó và tìm cách riêng để giải mã nó.

Trong các tiết xã hội, đặc biệt là môn Văn, thì những thắc mắc của học sinh lại càng thưa thớt hơn.

Khi tôi sang Úc, sau vài tuần làm quen, tôi đã quen luôn với cái văn hóa hỏi trong lớp học. Thầy cô thường dành ra ít nhất là nửa tiết cho những câu hỏi. Sau mỗi một công thức mới, một dạng Toán mới sẽ là một vài phút dành riêng để hỏi.

Cô giáo Toán của tôi sẽ lặp đi lặp lại ít nhất là năm lần câu “các em có câu hỏi nào không?”. Nếu lớp vẫn tiếp tục im lặng, cô sẽ nghiêm mặt và nhấn mạnh “nếu các em không hỏi bây giờ thì sẽ không còn thời gian vì bài kiểm tra sắp tới rồi”. Thường thì lúc đó, dù cho bạn có ngại đến cách mấy, bạn cũng sẽ mạnh dạn hỏi vì lo không hiểu bài sẽ không làm bài được.

Sự nghiêm túc và nhiệt tình của cô trong câu hỏi và trả lời thường ngày cũng giúp chúng tôi hiểu ra sự quan trọng và cấp bách của việc đưa ra thắc mắc ngay khi có thể.

Hỏi để không còn khoảng cách

Thay vì nghĩ “nếu không có câu hỏi thì nghĩa là chúng đã hiểu hết và bài giảng của mình đã ổn”, ở đây, người dạy không chờ học trò hỏi. Họ sẽ thúc ép học trò hỏi, vì chắc chắn 80% những người ngồi ở đó đều có những thắc mắc rất riêng. Dần dần, hỏi sẽ trở thành một thói quen. Và những câu hỏi được giải đáp một cách tận tình sẽ giúp bất kì học trò nào dành được điểm tốt trong kì thi.

Cô tôi từng nói, Toán không khó, nếu như em làm những bài tập cô đưa ra và hỏi ngay khi em có khó khăn thì cô chắc chắn em sẽ đạt trên 90% trong kì kiểm tra.

Có thể so sánh việc học Toán như việc hoàn thiện một cỗ máy mới vậy. Bất kì cỗ máy nào khi làm ra đều phải trải qua quá trình chỉnh sửa và nâng cấp. Chỉ cần cỗ máy đó được thử đi thử lại nhiều lần (làm bài tập), được phát hiện chỗ không ổn (thắc mắc trong quá trình làm) và được xử lí ngay (giải thích của giáo viên) thì chắc chắn nó sẽ vận hành tốt như bất kì cỗ máy anh em nào.

Sự nhiệt tình của cô làm tôi nhớ tới một câu chuyện những năm trung học ở Việt Nam, lúc đó tôi ở một lớp chọn. Cô giáo Văn của tôi vừa giảng xong một đoạn trích, và như thường lệ cô hỏi chúng tôi đã hiểu chưa. Cả lớp im lặng (như thường lệ) cho tới khi một cậu bạn điểm Văn khá kém trong lớp trả lời rành mạch là “dạ chưa”.

Tôi nhớ cô đã chau mày, tỏ vẻ khó chịu. Sau đó cô có đến tận bàn ngồi giảng lại cho cậu bạn tôi, nhưng khi quay lên bàn giáo viên, cô nói to là sẽ trừ điểm thi đua của bạn ấy. Cô không nói lí do trừ điểm, nhưng mọi người ngầm hiểu là vì cái “tội” không hiểu bài của cậu bạn học không giỏi kia. Từ đó về sau lớp tôi dường như không bao giờ dám nói là mình không hiểu khi cô giảng bài xong nữa.

Không có người dở, chỉ có người không chịu học hỏi

Có câu “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”, nhưng xem ra phần “hỏi” đã bị đánh đồng là thiếu hiểu biết, lười tư duy. Nói trắng ra là cái sự hỏi dường như đã bị xem là cái dở, cái lỗi của người hỏi vì không hiểu được lời người bị hỏi. Lối suy nghĩ này rất có hại khi học sinh bước vào đời sống, lúc mà câu hỏi sẽ thực sự phân biệt được người làm việc hiệu quả và kẻ dậm chân tại chỗ.

Cái lớn nhất tôi học được ở Úc chính là cách suy nghĩ “không có người dở, chỉ có người không chịu học hỏi”. Nếu chúng ta áp dụng được cách học mở và mang chiều hướng xây dựng hai chiều (cả học sinh và giáo viên đều có trách nhiệm ngang nhau) thì chắc chắn sẽ xóa bỏ được tư tưởng phân biệt học sinh giỏi và yếu kém.

Giáo viên nên xem việc dạy là công cuộc định hướng, giúp đỡ học sinh phải hiểu cho bằng được cách làm một bài Toán, có cách hiểu của riêng mình cho một câu thơ chứ không phải là cuộc chạy đua xem bài giảng chung của ai là hay nhất.

Những câu hỏi như “các em đã hiểu chưa” cũng nên được đặt ra và trả lời một cách chân thành nhất, nhiệt huyết nhất chứ không phải chỉ hỏi cho có. Đừng chờ các em hỏi, hãy tìm cách để các em hiểu là tiết học này sẽ không thành công nếu không có câu hỏi của các em.

Chỉ kiểm tra cái đã học

Thêm nữa, bài kiểm tra cần phản ánh đúng những gì học sinh được học trong lớp để đảm bảo không ai phải học thêm để có thể làm bài. Đừng làm mất niềm tin của các em trong việc học khi công sức học tập bao lâu vẫn không đủ để giải một bài Toán quá khó và chưa từng được nhấn mạnh trong lớp.

Trong suốt 1 năm học bên Úc, tôi chưa từng gặp bài kiểm tra nào có những câu hỏi ngoài chương trình dạy. Thầy cô cũng rất thoải mái và sẵn sàng lưu ý kiểu bài nào sẽ có trong kì thi. Nếu ai cũng hiểu bài và làm được bài, thì sẽ không còn sự phân chia trong giáo dục nữa.

Xét cho cùng, học và kiểm tra không phải để phân loại học sinh, mà để học sinh có cơ hội đánh giá cả một quá trình học tập và tìm ra điểm mình chưa tốt để tiếp tục rèn luyện. Đừng chạy đua thành tích, hãy chạy đua vì tương lai của Việt Nam.

Minh Thư

LTS Dân trí - Có lẽ không phải vô tình mà chữ Học thường đi liền với chữ Hỏi thành từ kép Học Hỏi. Nếu chỉ biết thừa nhận những điều thầy giáo giảng giải hoặc những kiến thức có sẵn trong sách vở mà không biết lật ngược vấn đề, biết thắc mắc thì kiến thức không thể sâu và càng không thể đạt được kết quả như người xưa đã nói là “Học một biết mười”!

Chính vì lẽ đó, người Thầy giỏi chính là người Thầy biết khơi gợi và khuyến khích học sinh hỏi, thậm chí không bao giờ trù dập mà còn nâng đỡ những học sinh hay “bắt bẻ” mình! Đấy chính là nghệ thuật sư phạm cũng là đạo đức sư phạm nữa.

Về phía học trò, phải “vừa tin vừa không tin” những điều thầy giảng giải để mạnh dạn nêu lên những điều thắc mắc và nghe thầy giải đáp. Từ đó hiểu sâu kiến thức, có thể vận dụng sáng tạo những điều được học.

Nếu biết coi trọng và thực hiện tốt “văn hóa hỏi - đáp” trong giờ học chính là cách đổi mới phương pháp dạy và học đem lại hiệu quả rõ rệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến