Chưa bao giờ SV lại quan tâm và đăng kí tham gia các lớp học đào tạo kĩ năng mềm nhiều như hiện nay. Có vẻ như, khái niệm này ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một yêu cầu quan trọng đối với bất cứ bạn trẻ nào khi cầm hồ sơ xin việc làm.
Kỹ năng “mềm” chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người. Đó là các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kĩ năng phát ý tưởng, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm… Nó khác với kỹ năng cứng để chỉ khả năng học vấn, trình độ và kiến thức chuyên môn.
Trong cuộc sống và môi trường công việc, các kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng vì chúng quyết định lớn đến sự thành bại của mỗi người. Đặc biệt, kĩ năng mềm giúp học sinh, sinh viên ý thức được việc làm chủ bản thân, nâng cao hiểu biết, đồng thời có nhiều cơ hội hơn để tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.
Theo thống kê, một người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức thuộc về kĩ năng cứng (hard skills), 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Muốn đạt được thành công phải biết kết hợp cả hai kỹ năng này.
Vì thế, song song với nhu cầu cần cải thiện các kĩ năng mềm cho bản thân của bạn trẻ, các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm xuất hiện nhiều hơn. Điều đó trở thành tất yếu và là xu hướng phổ biến, bởi ngày càng nhiều bạn trẻ chú ý trang bị kiến thức kỹ năng mềm cho mình, với quan niệm: “Biết nhiều kỹ năng thì cuộc sống sẽ ít gặp khúc mắc, và nếu gặp khúc mắc cũng có cách tháo gỡ khoa học” , anh Trung Thành (Hội doanh nghiệp trẻ) từng khẳng định.
Không thể phủ nhận rằng, rất nhiều bạn trẻ sau khi tham gia các khóa học này đều tự tin hơn rất nhiều. Lập trường vững vàng hơn, tư duy nhanh nhạy và sắc bén hơn, cách ứng phó và xử lý các tình huống gặp phải trong cuộc sống cũng hiệu quả hơn. Đặc biệt, biết cách tự quản lý thời gian và kiểm soát bản thân, lên kế hoạch định hướng, nỗ lực học tập và rèn luyện bản thân.
Nhiều trung tâm đã lựa chọn phương pháp đào tạo kĩ năng mềm hợp lí, khoa học theo các hình thức phong phú đa dạng mà hiệu quả như học trên mạng, học vận dụng thực hành nhiều hơn… Điểm mạnh nữa là, các chương trình học kỹ năng hoàn toàn không bắt buộc, mà chỉ mang tính chất trang bị, nâng cao kĩ năng sống, vì vậy các học viên được thoải mái lựa chọn.
Bạn Văn Minh (Khoa Quản trị Kinh doanh) cho biết những thú vị khi tham gia học kỹ năng mềm: ”Em thấy rất thoải mái khi ngồi nghe những bài giảng về kĩ năng mềm, vì có sự kết hợp lý thuyết và thực hành rất thú vị, bổ ích”.
Bạn Ngô Loan (Sinh viên Kế toán Kiếm toán, Đại học Kinh tế Huế) cũng chia sẻ : “Mình nghĩ việc đào tạo kĩ năng mềm rất cần thiết cho sinh viên tụi mình. Kĩ năng mềm giúp mình có được những định hướng rõ ràng cho tương lai, sự tự tin để đạt được những mục tiêu mà trước đây mình đã đặt ra.”
Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy là, chương trình học hay nội dung đào tạo của nhiều nơi hao hao nhau, chẳng hạn nhiều bài học tập trung nói về kĩ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kĩ năng tư duy sáng tạo và định hướng nghề…
Do vậy, thế mạnh hay sự khác biệt của các trung tâm chưa thể hiện được nhiều và rõ nét. Mỗi trung tâm tùy vào uy tín, điểm mạnh của mình, mời các giảng viên/ chuyên gia thành công về giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm.
Thực tế, có một số giảng viên dạy kỹ năng không nắm rõ lý thuyết, phương pháp khoa học mà chỉ lên lớp truyền đạt kinh nghiệm cho học viên. Và bởi phần lớn họ đều giỏi về kỹ năng giao tiếp, nên không cách này thì cũng cách khác có thể thu hút sự chú ý lắng nghe từ học viên. Một số nơi, những khóa học còn mang tính chất nói chuyện, trao đổi…
Cũng cần chú ý nhiều hơn đến mức “học phí” và chất lượng đào tạo của các trung tâm, bởi phần đông các khoá đào tạo kỹ năng mềm đều có mức phí ngất ngưởng tiền triệu. Kĩ năng mềm nhưng giá cả không “mềm”chút nào.
Vào một số website của các trung tâm này, có thể thấy mức giá dao động rất khác nhau, mềm thì 500.000/khoá cho 4 buổi học, “cứng” thì 1,2 – 2 triệu đồng/ khóa học.
T. Dưỡng, sinh viên trường Kinh tế Đà Nẵng phàn nàn: “Nghề nghiệp tương lai của mình yêu cầu trang bị chắc chắn một số kiến thức về kỹ năng mềm. Mình đã đi học một số nơi, cũng có những trung tâm giá cao quá, mà kiến thức thu về không như ý, khó hiểu. Có nhiều cái tự mình tìm trên mạng cũng có, đôi khi lại hay hơn.”
Bên cạnh đó, vẫn còn một số sinh viên do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của kĩ năng mềm trong học tập và hướng nghiệp nên đã đăng kí nhưng chưa tham gia. Nhiều bạn có suy nghĩ rằng các nhà tuyển dụng sẽ ưu ái những bằng cấp có giá trị, mối quan hệ rộng rãi và kĩ năng chuyên môn, bởi vậy đã lơ là việc tự trau dồi kĩ năng mềm cho bản thân. Sai lầm này khiến khi ra trường họ khó xin việc, phải mất khá nhiều thời gian chờ đợi, thậm chí phải đào tạo lại.
Ngày nay, đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, bởi thế rất cần người tài, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và kĩ năng làm việc thông thạo. Để đứng được vào hàng ngũ đó, đòi hỏi những người trẻ phải luôn ra sức phấn đấu. Không phải chỉ tham gia các khóa học đào tạo là đủ, mỗi sinh viên có thể tự cải thiện kĩ năng mềm của mình bằng cách tích cực tham gia các hoạt động phong trào Đoàn thanh niên, tình nguyện…
Mặt khác, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội sinh viên trường và các các đơn vị đào tạo các khóa học kĩ năng mềm. Việc thường xuyên cập nhật thông tin các khóa học, các nội dung đào tạo phù hợp cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Hiện nay, trên toàn quốc có rất nhiều trung tâm đào tạo kỹ năng mềm có thể đáp ứng được nhu cầu học kỹ năng của mọi đối tượng. Tuy nhiên để thu được kết quả, học viên cần biết nắm bắt, kết hợp và vận dụng các kỹ năng vừa học vào thực tế, thường xuyên rèn luyện để nâng cao tư duy nhanh nhạy, sắc bén của bản thân.
Bằng cấp là quan trọng nhưng năng lực thật sự và kinh nghiệm của các bạn mới là yếu tố quyết định. Điều quan trọng hơn nữa, là phải luôn luôn nhớ rằng, việc học trước hết là cho chính mình.
Hà Phương (Theo Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét