Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

3 nguyên nhân khiến Olympic Toán Việt Nam đi xuống

Bên hành lang Quốc hội khóa XIII, ông Đào Trọng Thi, giáo sư Toán học, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội đã có cuộc trao đổi với VnExpress về việc olympic Toán Việt Nam đi xuống.

- Từng là dân chuyên Toán và là giáo viên dạy Toán, cảm giác của ông thế nào khi biết kết quả của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam tại Hà Lan vừa qua?

- Tôi rất buồn vì thành tích của đoàn Việt Nam tham gia Olympic quốc tế, đặc biệt là môn Toán. Hàng chục năm nay, chúng ta thường đứng trong top 10, có năm đứng ở top 3 và gần như không năm nào không có huy chương vàng. Trong khu vực, chỉ Việt Nam có tiếng tăm về thi Toán quốc tế, các nước hầu như không có, kể cả Singapore.

Nhưng mấy năm nay thành tích của chúng ta sụt giảm, trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan đang vươn lên và đạt thành tích rất tốt. Với tình trạng sụt giảm như thế này, ở tất cả các môn trong đó có Toán, những người làm quản lý nhà nước cần phải suy nghĩ. Rõ ràng đây là hiện tượng không bình thường.

- Theo ông, vì sao thành tích của Việt Nam lại đi xuống?

- Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là sự hấp dẫn học sinh giỏi của chúng ta tham gia vào các chương trình đào tạo bồi dưỡng tài năng có phần giảm sút. Cái đó là do chính sách, ví dụ trước chúng ta tuyển thẳng vào đại học những học sinh giỏi quốc gia, giờ không tuyển nữa nên học sinh, phụ huynh không quan tâm tới các kỳ thi học sinh giỏi. Người ta chỉ quan tâm học để thi tốt nghiệp, thi đại học cho đậu.

Thứ hai là các cơ sở đào tạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu để tham gia thi học sinh giỏi, tạo nguồn cho các đội tuyển có vấn đề nên không cung cấp được nguồn cho đội tuyển.

Thứ ba là việc lựa chọn học sinh tham gia đội tuyển của chúng ta cũng có vấn đề. Tôi thấy có rất nhiều đơn vị đào tạo nổi tiếng như chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm thì lần này vắng bóng. Có thể những cơ sở đào tạo ấy không có em giỏi tham gia, nhưng tôi nghĩ khả năng nhiều hơn là do chọn không đúng.

- Ngoài 3 lý do trên, ông có cho rằng trình độ của học sinh Việt Nam, nhất là Toán, đang đi xuống?

- Tôi không cho rằng trình độ của học sinh toàn quốc kém đi, vì nguồn học sinh tài năng của ta không phải là không có, cái chính là chúng ta chưa tổ chức phát hiện, bồi dưỡng đào tạo, hay nói cách khác là chọn mặt gửi vàng không đúng.

Chúng ta điều chỉnh lại đúng đắn thì tôi tin rằng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh Toán học của chúng ta. Tôi không nghĩ Việt Nam đến Ngô Bảo Châu là dừng lại, mà còn có những người khác và không chỉ có Toán, cả những môn học khác.

- Từng có thầy giáo chuyên bồi dưỡng học sinh tham dự các kỳ thi quốc tế nói rằng đi luyện học sinh đội tuyển không bằng đi làm dự án, vì làm dự án có thể mỗi năm kiếm vài trăm triệu đồng. Ông nghĩ sao trước ý kiến này?

- Đúng, chúng ta chưa có chế độ thỏa đáng đối với những thầy bồi dưỡng đội tuyển để họ an tâm, dồn hết tâm huyết cho các em. Sự sụt giảm thành tích lần này đánh động cho những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại toàn bộ công tác này, cần có sự đầu tư cả về chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí để giữ vững và phát huy truyền thống mình đã có.

- Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng có kiến nghị gì về việc này?

- Chính sách phát triển, đào tạo bồi dưỡng nhân tài là một chính sách lớn của Đảng, trong thời điểm hiện nay khi kinh tế xã hội phát triển thì chính sách đó lại càng quan trọng, càng phải đầu tư, chú ý nhiều hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xem xét chuyện này, có những cái phải điều chỉnh, bổ sung.

Chức năng của Ủy ban không làm những vấn đề cụ thể, chúng tôi chỉ có ý kiến trao đổi như vậy và cũng mong các đồng chí quan tâm xem xét trong thẩm quyền. Tôi tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận được vấn đề, chắc chắn có điều chỉnh và rút kinh nghiệm.

6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán quốc tế lần thứ 52 được tổ chức tại Hà Lan đều giành huy chương đồng. Đó là các em Đỗ Kim Tuấn (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam), Lê Hữu Phước (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), Nguyễn Văn Quý (THPT chuyên Bắc Ninh), Nguyễn Thành Khang (THPT Chuyên Hùng V­ương, Phú Thọ), Võ Văn Huy (THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên) và Nguyễn Văn Thế (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định). Với thành tích này, đoàn học sinh Việt Nam xếp thứ 31/90.

Theo VNExpress

Bạn nghĩ thế nào về khai cuộc?

"Ăn thua anh nào chơi giỏi thì cứ trổ tài ở trung cuộc, còn khai cuộc chẳng qua chỉ là chuyện dàn quân ban đầu, ăn thua gì!" Khá nhiều bạn chơi cờ, cả cờ Vua, cờ Tướng lẫn cờ Vây, đã nghĩ như vậy. Nhưng trong thế giới cờ hiện đại, nhất là ở các quốc gia hùng mạnh nhất về cờ và những đại cao thủ của làng cờ thế giới thì lại nghĩ hoàn toàn khác "Khai cuộc là then chốt của cả ván cờ!"

Điểm lại trong tổng số sách viết về cờ trong hơn 100 năm qua thì sách về khai cuộc đã chiếm tới hơn 70% trong khi cả trung cuộc và tàn cuộc chỉ chiếm có khoảng 30%, và cho đến nay những tìm tòi sáng tạo mới về khai cuộc vẫn đang được đào sâu, được tranh luận không dứt. Cứ sau mỗi một năm người ta lại cho ra đời những quyển sách dày cộp chỉ rõ những biến nào trong khai cuộc đã lạc hậu, lỗi thời, những biến nào đúng đắn, hiệu quả hơn, những biến nào còn đang bàn cãi chưa ngã ngũ còn phải đợi kiểm nghiệm tiếp.
Người ta còn tổ chức những giải cờ chỉ chơi theo một kiểu khai cuộc, không chỉ là chuyện chơi cho thú vị lạ mắt mà còn để phát hiện ra những nước đi mới, những biến, những phương án khác lạ và những hệ quả của chúng. Không phải tất cả những phát hiện mới đều đúng cả, thế nhưng có một điều dễ nhận ra là, tất cả những kỳ thủ đẳng cấp cao đều hết sức quan tâm tới khai cuộc, bởi theo họ thì "đầu có xuôi thì đuôi mới lọt", chỉ một nước đi nhầm hay một nước yếu ở khai cuộc là bị đối phương phát hiện và khai thác ngay. Từ những ưu thế rất nhỏ trong khai cuộc, người chơi sẽ biết làm gì để kiềm chế hoặc khoét sâu điểm yếu đó (nếu đã đọc kỹ lý thuyết thì họ biết rất rõ là sẽ phải làm gì).

Giành lợi thế từ khai cuộc là yêu cầu của các kỳ thủ hiện nay. Hay nói một cách khiêm tốn hơn là ngay phần khai cuộc phải giữ cho cân cờ, chứ quyết không chịu để yếu thế hơn đối phương. Khai cuộc ngày nay đâu phải chỉ dăm ba nước đầu, nó có thể kéo dài đến 10, 15 nước là chuyện thường. Trong khoảng chừng đó nước, có biết bao nhiêu phương án mới, nước đi lạ đã và sẽ còn xuất hiện. Người ta đã từng lấy làm lạ vì sao một đại danh thủ lừng lẫy như Anatoli Karpov, ngay trong phần khai cuộc, lại phải ôm đầu suy nghĩ gần 45 phút mới tìm ra nước đối đáp trước một nước đi đầy bất ngờ của Garry Kasparov. Nữ kỳ thủ Hoàng Thanh Trang cũng rất được ngợi khen khi thắng nữ vô địch thế giới Tạ Quân tại cúp cờ vua thế giới lần thứ nhất tại Thẩm Dương (Trung Quốc), khi cô đi một nước khác thường ở khai cuộc, khiến Tạ Quân phải nghĩ suốt nửa giờ mà vẫn không tìm được phương án đối đáp chính xác, để rồi rốt cục phải thua ván cờ chỉ trong vòng 30 nước.

Trong cờ Tướng, Hứa Ngân Xuyên tuy trẻ tuổi hơn các bậc "đại công thần", thế nhưng vẫn liên tiếp giành được ngôi vô địch Trung Hoa trong những năm gần đây, bởi anh luôn đưa ra được những nước khai cuộc làm choáng váng địch thủ. Mà nên nhớ rằng các bậc "đại công thần" từng là những người thuộc lòng "như cháo chảy" các loại khai cuộc cổ điển, tưởng như không còn gì để mà thêm bớt nữa!

Ngoài ra việc kiểm nghiệm lại các biến, các phương án cũ cũng là một mục tiêu của các nhà nghiên cứu khai cuộc. Có những phương án từng được coi là tối ưu, là bền vững, nay xem lại vẫn còn những sơ hở đáng kể.

Té ra học khai cuộc lại là khó nhất, dễ làm người ta nản lòng nhất, bởi khối lượng của nó đồ sộ, đường ngang ngõ tắt ngổn ngang, lắm khi cứ như đi lạc vào rừng, có biết bao ngã năm ngã bảy liên tiếp hiện ra, không biết phải chọn đường nào cho đúng, cho tối ưu đây!

Và tất yếu sẽ dẫn tới một việc mà không một kỳ thủ nào có ý thức vươn lên, muốn tiến bộ, muốn giỏi giang hơn có thể tránh được là: phải tìm thầy mà học, mà nghe chỉ bảo, nghe giảng giải, phân tích cặn kẽ. Có thể là thầy hiện diện bằng xương bằng thịt trước mắt bạn mà cũng có thể là thầy vô hình, chính người thầy vô hình mới là quan trọng nhất. Đó chính là những quyển sách, là những bài báo là những trang "giáo khoa khai cuộc" trên mạng internet hay những đĩa CD chuyên về khai cuộc của các chương trình cờ chạy trên máy vi tính...

Nói tóm lại, bạn sẽ không phải chỉ là một người chơi cờ đơn thuần mà phải tập làm "nhà nghiên cứu". Đây chính là cái vừa là rất thích thú đồng thời cũng là rất khó chịu. Thích thú nếu ta đi được vào thế giới khai cuộc, khám phá, áp dụng những điều mới mẻ, bổ ích và dần dà nhận ra những khiếm khuyết trước đây của mình. Còn khó chịu khi ta thấy nó rắc rối, mất thì giờ và phải lao động thật sự! Nói thật lòng thì các bạn chơi cờ Vua có vẻ tiếp cận thoả mái hơn với con đường này so với các bạn chơi cờ Tướng, vì đại đa số các bạn chơi cờ Vua là học sinh nhà trường, ngay từ đầu đã được các thầy hướng dẫn một cách có bàn bản. Phương pháp và tài liệu, phương tiện cũng tốt hơn. Tuy nhiên chỉ cần nhìn sang nước bạn Trung Quốc thì ta thấy họ đào tạo các kỳ thủ cờ Tướng không kém gì cờ Vua, thậm chí là còn hơn cờ Vua.

Các bạn còn nhớ Hồng Trí và Nhiếp Thiết Văn chứ? Mới ngày nào họ còn chơi ở lứa tuổi U20, mới ngày nào Hồng Trí còn bị "ăn đòn" của Nguyễn Thành Bảo, mất cả cúp vàng. Ấy thế mà chỉ 5 năm sau cái ngày đáng ghi nhớ ấy, giờ đây cả hai đã gia nhập vào làng cờ đỉnh cao, nằm trong số 32 đại cao thủ Trung Quốc, trong lúc 5 năm qua, Nguyễn Thành Bảo của chúng ta hầu như "biến mất" trên kỳ đài! Lần gặp cuối cùng giữa họ là vào giải "Các danh thủ châu Á" tổ chức tại Vũng Tàu vào năm 2001, ở ván thứ 2, Thành Bảo đã thất thế ngay ở khai cuộc, gắng gượng chống đỡ thêm được một hồi thì đành chịu thua, ra khỏi phòng thi đấu Bảo phải công nhận là mình "tắc tị" ở khai cuộc này, không biết là phải đi tiếp như thế nào, đành cứ đánh mò mẫm, trong lúc Hồng Trí nắm rất chắc, đi từng nước chắc chắn vững tin. Rốt cuộc thì Hồng Trí và Thiết Văn chiếm ngôi nhất nhì, còn Thành Bảo xếp tận thứ 9. Nắm chắc khai cuộc lợi hại như thế đấy.

Nhưng không chỉ có thế. Ai vừng vàng trong khai cuộc còn giành được nhiều lợi thế hiển nhiên khác: đó là về thời gian và tâm lý. Ngày nay khi thời gian dành cho mỗi ván cờ ngày càng co ngắn lại thì việc phân phối thời gian hợp lý cho từng giai đoạn của ván cờ ngày càng trở nên quan trọng. Có người chỉ mất có 10-15 phút cho 10 nước đi đầu tiên hoặc thậm chí còn nhanh hơn thế, trong lúc có người mất cả giờ đồng hồ để nghĩ. Nếu khai cuộc mà tiêu tốn quá nhiều thời gian như vậy thì thời giờ dành cho trung cuộc và tàn cuộc còn được bao nhiêu. Dù anh có đánh giỏi trời chăng nữa nhưng đồng hồ báo chỉ còn một vài phút, thậm chí còn có 20-30 giây thì có đến thánh cũng không gỡ được. Huống chi, khi vào giải chính thức, sự chênh lệch đẳng cấp giữa các kỳ thủ là rất nhỏ, không ai "ăn tươi nuốt sống" được ngay đối phương, vấn đề thì giờ luôn là một yếu tố sống còn cho từng ván đấu.

Anand vốn là một "thiên tài khai cuộc", có trí nhớ phi thường, thuộc lòng các loại khai cuộc trong đó có những khai cuộc hết sức lắt léo, nhờ đó mà ông đã nhiều lần trở thành người thách đấu giành ngôi vô địch thế giới và trên thực tế ông đã giành được ngôi vô địch thế giới của FIDE. Thế nhưng khi được hỏi ông tập luyện gì nhiều nhất trước các trận đấu quan trọng, ông cười và nói: "Tôi tập luyện khai cuộc!"

Còn về yếu tố tâm lý thì cũng đã khá rõ ràng. Một kỳ thủ Việt Nam khi đi đánh giải cờ Tướng quốc tế đã kể lại: "Ở nhà tôi đã chuẩn bị kỹ càng một số phương án khác thường để gây bất ngờ cho đối phương, ai dè tôi đi nước nào anh ta cũng đối đáp mau lẹ, hầu như chẳng phải nghĩ ngợi gì nhiều. Chính điều đó khiến tôi đâm ra luống cuống, mất bình tĩnh, thiêu tự tin hẳn và rốt cuộc thua cờ". Nếu không luống cuống, mất tự tin thì kết quả chưa chắc sẽ là như thế. Lúc này yếu tố tâm lý lại nổi nên, ai có tâm lý ổn định thì phần thua ít khi đến với họ. Tâm lý còn thể hiện ở sự hưng phấn, hăng hái hay sự nhụt chí, dao động. Ở những người khai cuộc giỏi thì mỗi nước đi của đối phương đều "trong tầm tay", cứ ung dung mà "đánh tới" thoải mái và thảnh thơi. Còn ở những ai "không thuộc bài khai cuộc" thì vừa phải đi vừa phải thăm dò, rụt rè và cảnh giác. Hai trạng thái tâm lý này không chỉ có ở khai cuộc mà sẽ còn kéo dài tới hết ván cờ.

Lại có những kỳ thủ chỉ giỏi một vài khai cuộc "tủ" và cố dẫn dắt đối phương vào "khai cuộc của mình". Tất nhiên làm được như vậy là cả một nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng làm được đâu, bởi đối phương cũng có những "tủ riêng" và cũng đang cố lôi kéo bạn vào khai cuộc của họ. Rốt cuộc anh nào bị "lệch tủ" anh ấy sẽ gánh lấy tai họa. Tai họa đây chính là những cú sốc tâm lý, bởi vì biết mình đang đi vào con đường lạ hoắc, chưa bao giờ biết tới. Cho nên chính vốn khai cuộc dồi dào và sâu sắc sẽ giải thoát cho bạn khỏi những tình huống sốc nói trên.

Cũng nên nhớ rằng khi vào tàn cuộc, thời gian cạn kiệt dần thì đối thủ thường có cảm giác đồng hồ chạy rất nhanh (một số đấu thủ "quáng gà" cứ cho rằng đồng hồ bên mình bị hỏng nên mới chạy nhanh thế!). Đó là một áp lực tâm lý khá nặng nề làm phân tán tư tưởng, phản ứng thiếu chính xác và kết quả là các nước đi sai lạc xuất hiện, trong lúc đối thủ ung dung nhìn thời gian còn rộng rãi và chơi thoả mái, chính xác hơn nhiều. Như thế bao nhiêu công lao đổ ra cho cả một ván cờ hóa thành "công cốc" khi chiếc kim đồng hồ bên mình cứ thế rụng xuống một cách thản nhiên, vô tình.

Tất nhiên không ai có thể coi nhẹ trung cuộc hay tàn cuộc, bởi một ván cờ thì tất cả các giai đoạn phải liên hoàn chặt chẽ với nhau, giai đoạn nào cũng có giá trị không thể chối cãi của nó. Người chơi cờ muốn hay không cũng phải nghiên cứu cả ba giai đoạn, chưa nói tới hiện nay người ta còn nói tới hai giai đoạn trung gian nữa là Khai-trung và Trung-tàn. Những vấn đề này sẽ được bàn tới sau đối với cả hai loại là cờ Vua và cờ Tướng.

Nhưng như ta đã nói từ đầu "đầu không xuôi thì đuôi khó lọt", đừng quá tin rằng ta khai cuộc "linh tinh" thì trong quá trình chơi đối thủ vẫn có thể mắc những lỗi ngớ ngẩn để ta tận dụng. Điều đó cũng có thể nhưng chỉ là cách nghĩ cầu may, "há miệng chờ sung", không có gì là chắc chắn cả. Cũng không hề có lời khuyên rằng cứ học cho hết khai cuộc rồi hãy học tàn cuộc và trung cuộc. Điều chủ yếu muốn nói ở đây là: Cái gì cũng phải học, học cho tới nơi tới chốn, nhưng phải đặc biệt chú ý tới khai cuộc. Học khai cuộc cũng không phải bạ gì đọc nấy mà phải học có phương pháp. Học từ dễ tới khó, từ nông tới sâu, học có trọng điểm rồi từ đó mới mở rộng ra chứ không phải một lúc mà ôm được tất cả. Học đi rồi phải học lại, người ta gọi là học theo hình xoắn ốc, lần sau cũng vấn đề đó nhưng khó hơn, phức tạp hơn lần trước. Có chí thì nên.

Cuối cùng là học, là nghiên cứu phải đi đôi với thực đấu, tức là phải ứng dụng một cách có hiệu quả những gì mình đã học được, cố gắng tránh bằng được những sai lầm mình đã mắc phải, lần sau chơi khai cuộc tiến bộ hơn lần trước, nhớ được nhiều phương án hơn. Tất cả kiến thức của mình phải được thể hiện trên bàn cờ chứ không phải ở những cuộc tranh luận suông.

Ngày nay cờ không chỉ còn là thú chơi giải trí hay thư giãn đơn thuần, nó còn là môn thể thao, là những cuộc thi đấu, đọ tài qua những trận cờ sôi nổi quyết liệt để phân thắng bại. Ai muốn giỏi hơn, vươn lên đỉnh cao hơn thì không phải chỉ qua kinh nghiệm, qua chơi mãi mà giỏi, đó là cách nghĩ đã "xưa rồi", bởi tất cả các môn thể thao ngày nay đều phải đi vào chuyên nghiệp và bài bản.

Cờ Vua cũng thế, cờ Tướng cũng thế mà cờ Vây cũng thế. Bạn muốn đi vào thể thao ư, thì bạn cũng không bao giờ là một ngoại lệ cả!

Ý kiến của bạn?

Tùng Lâm
Nguồn: Người chơi cờ

Các bước học chơi cờ cho đúng phải như thế nào?

Muốn nói thật rõ vấn đề này thì hẳn là phải có cả một quyển sách riêng. Tuy nhiên những điều căn bản nhất được tóm tắt bằng các bước như sau:
Trước tiên phải học thật kỹ, thật sâu phần khai cuộc.
Trước đây có một số người cho rằng phần tàn cuộc là phần quan trọng nhất, là phần quyết định thắng thua ván cờ cho nên trước tiên phải học cho được lý thuyết phần tàn cuộc để đảm bảo chắc thắng cái đã, còn khai cuộc chẳng qua là phần ra quân, tùy cơ ứng biến, đi thế nào mà chẳng được.

Tuy nhiên các môn cờ hiện đại đã cho thấy nếu trước tiên không "thuộc bài" khai cuộc thì người chơi sẽ bị thất thế ngay từ đầu ván, bởi mỗi nước đi sai lầm ở khai cuộc đều phải trả giá, nhất là khi các phương án khai cuộc đã được các nhà nghiên cứu đương phân tích hết sức kỹ càng, chỉ ra điểm mạnh điểm yếu của từng phương án và những hậu quả của nó. Ví dụ trong cờ Vua nếu đối phương đi nước đầu tiên là e4 mà anh trả lời bằng h5 là hoàn toàn vô nghĩa, hay trong cờ Tướng đối phương vào Pháo đầu mà anh lại lên Sĩ thì thật là thất thế, cũng tương tự như vậy trong cờ Vây không ai ngay khai cuộc lại đặt quân vào giữa bàn.
Nếu phần khai cuộc không lành mạnh, các quân không chiếm được vị đẹp, cờ thế chênh vênh thì người chơi sẽ phải bước vào trung cuộc yếu hơn đối phương. Thế thì anh lấy "vốn" gì để chơi trung cuộc đây? Đối phương nhất định sẽ khai thác triệt để, khoét sâu vào những điểm yếu đó, khi đó chỉ riêng việc chống đỡ cũng đã quá vất vả, thế thì còn mong lấy gì để thắng đối phương đây?

Ngày nay sách hướng dẫn khai cuộc rất nhiều. Ngoài ra, còn có các đĩa CD chuyên về khai cuộc. Mỗi một phương án ra quân đều được đào sâu một cách thấu triệt và có hàng loạt các ván thực đấu minh họa. Ở cờ Vua đó là những tập sách dạy tới hàng nghìn trang. Ở cờ Tướng sách khai cuộc cũng rất phong phú và ở cờ Vây cũng vậy.

Nắm vững khai cuộc còn giúp cho người chơi đỡ phí quá nhiều thời gian suy nghĩ những nước hiển nhiên đã được sách báo phân tích nhuần nhuyễn cả rồi, trong khi thời gian quy định của một ván cờ là rất eo hẹp, nếu tiêu tốn nhiều thời gian vào khai cuộc thì có khi tới tàn cuộc do bị hết giờ mà thua cờ.

Có người hỏi: phần khai cuộc rộng lớn như thế làm sao học hết được?

Quả thật khai cuộc có rất nhiều phương án. Ở mỗi phương án lại có nhiều biến, từ mỗi biến lại rẽ ra hàng loạt nhánh nhỏ các biến phụ khác nhau. Nếu học cho hết khai cuộc thì cả 5 năm 10 năm cũng chưa chắc thâu tóm được tất cả. Vả lại khi học khai cuộc thì phải học cả cách mở cờ của bên Trắng (đi trước) và cả cách đối đáp (phòng thủ) của bên Đen (đi sau). Ví dụ trong cờ Vua thì có các phương án "khai cuộc" (như khai cuộc Nimzivich, Khai cuộc Tượng...) và "phòng thủ" (như Phòng thủ Sisili, phòng thủ Pháp...). Trong cờ Tướng thì có khai cuộc Thuận Pháo, nghịch Pháo, phòng thủ thì có Bình phong Mã... Trong số khá nhiều khai cuộc mà người chơi cờ phải hiểu biết thì phương pháp tốt nhất là nên đào sâu, nắm vững một số khai cuộc hay được chơi nhất và một số khai cuộc mà mình cảm thấy ưa thích, phù hợp với tính cách chơi của mình nhất, để khi gặp những khai cuộc đó mình hoàn toàn tự tin, làm chủ được tình thế, triển khai vững vàng, linh hoạt, dùng bài bản mà không sợ xảy ra những sai sót. Còn những khai cuộc khác cũng phải biết nhưng dần dần đào sâu sau, bởi một lúc không ai "nuốt chửng" được tất cả.

Có một số kỳ thủ ngay từ đầu học cờ đã muốn đi những nước lạ, những thế trận ít ai chơi tới nhằm gây bất ngờ cho đối phương, giành chủ động ngay từ trận đấu. Điều đó kể ra thì cũng có cái hay, tuy nhiên nếu chỉ ham thích cái đó mà quên học những thế trận cơ bản thì thật là tệ hại, bởi sau khi doạ nạt được đối phương ít ván thì anh sẽ "hết bài", khi đối phương tìm cách hóa giải được những đòn gian của anh thì cũng là lúc cái "túi rỗng" khai cuộc của anh lòi ra và các đối phương sẽ cho anh "nhừ đòn". Tức là người ta dùng trường trận để đánh vào cái sở đoản nhất thời của anh. Cách chơi có phần "láu cá", như trên không phải là cách chơi chính thống của những người chơi cờ thực thụ.

Có một số kỳ thủ lại chủ trương học thuộc lòng càng nhiều càng tốt các phương án khai cuộc. Điều này hoàn toàn không sai, thậm chí là rất đáng khuyến khích, tuy nhiên phải nhớ cho thêm một điều là: đừng quá lệ thuộc vào bài bản. Nhỡ không may đối phương không đi theo đúng bài bản mình đã học thì sao, khi đó bạn sẽ cảm thấy lúng túng hoang mang vì "sách không nói thế!". Nhà vô địch thế giới Capablanca đã từng có lời khuyên: "Khi khai cuộc bạn có thể gặp nước đáp lại của đối phương mà bạn chưa quen, trong trướng hợp đó bạn sẽ chơi như thế nào? Bạn hãy cứ đi theo suy nghĩ lành mạnh của chính mình, đưa quân tới những vị trí chắc chắn. Có thể bạn chưa đi được nước tuyệt vời nhất, song đó sẽ là bài học cho ván sau. Nếu bạn cho nước đi nào là hay thì cứ đi trước đó. Cần mạnh dạn thực hiện điều mà bạn cho là đúng và hay!" Lời khuyên này không chỉ đúng với cờ Vua mà cũng còn rất đúng đắn với cờ Tướng và cờ Vây nữa.

Nghĩa là khai cuộc không phải chỉ là công việc lắp ráp những nước đi có sẵn trong sách vở. Vả lại cũng không có sách vở nào nói hết được tất cả những vấn đề về khai cuộc. Cờ là một cuộc chơi trí tuệ của mỗi cá nhân, cho nên phương châm tốt nhất đã được các kỳ thủ có kinh nghiệm đúc kết lại như sau: "Sách vở giúp cho ta tránh được những nước đi sai lầm, còn muốn chiến thắng thì phải dựa vào chính sự thông minh sáng tạo của bản thân!"

Quả thật đã có nhiều những quyển sách ở cờ Vua, cờ Tướng cũng như cờ Vây chuyên chỉ ra rất rõ ràng những phương án, những thế biến, những nước đi sai lầm trong từng khai cuộc một để người chơi khỏi phải lặp lại một cách thô thiển. Bạn đã đọc những quyển sách đó chưa? Nếu chưa thì quả là một điều đáng tiếc. Nói rộng ra thì trong bất cứ quyển sách nào về khai cuộc cũng đều chỉ ra những nước đi kém cỏi rất dễ mắc phải của người mới học chơi cờ. Bạn nên lưu ý tới điều này.

Khai cuộc đúng thì vào trung cuộc cảm thấy cờ vững chắc, người chơi tự tin hơn rất nhiều và từ đó tiếp tục ván cờ một các suôn sẻ chứ không bị động. Chính vì vậy tuy khai cuộc có rộng thật nhưng phải cố gắng học đi học lại thật kỹ càng các phương án, nhất là đừng để bị đối phương làm cho bất ngờ lúc ra quân.

Song song hoặc sau phần khai cuộc phải nghiên cứu ngay phần tàn cuộc. Phần tàn cuộc có một loạt các loại cục chỉ cần học thuộc là được bởi nó có những nguyên tắc cực kỳ chính xác, không cần gì phải sáng tạo thêm cả (ví dụ trong cờ Tướng là những trường hợp Xe chống Sĩ Tượng toàn, Xe Tốt chống Sĩ Tượng toàn, đơn Mã chống Tướng, Tốt chống Tướng..., trong cờ Vua là những trường hợp còn Hậu chống Vua: Xe chống Vua, Mã Tượng chống Vua, hai Tượng chống Vua, quy tắc hình vuông Tốt). Tuy nhiên không phải tất cả đều có khuôn mẫu sẵn, vì vây người chơi phải luyện tập kỹ càng phần này) chớ để cờ thắng tới nơi mà sơ sẩy (dù chỉ một nước!) mà phải thua oan ván cờ!

Sách giáo khoa về tàn cuộc có đặc tính là rất rõ ràng, dễ hiểu và ngắn gọn hơn khai cuộc nhiều, mong rằng những người chơi cờ chớ có chủ quan bỏ qua phần này. Tuy nhiên tàn cuộc hoàn toàn không phải là cuộc chơi đơn giản, bởi trên thực tế có rất nhiều tàn cuộc phức tạp, lúc đó buộc kỳ thủ phải tính toán chuẩn từng nước đi, muốn dẫn tới đích cuối cùng là thắng lợi thì cũng phải dày công nghiên cứu và thử nghiệm hàng nghìn lần trên bàn, dù đó là thế cờ tàn tưởng như hiển nhiên và đơn giản nhất. Hơn nữa ở tàn cuộc thời giờ là cực kỳ ít ỏi, ai đi nhanh hơn, ai thuộc bài hơn, ai chính xác hơn, người đó tất thắng.

Xong hai phần đó rồi hãy nói tới phần trung cuộc. Phần trung cuộc chính là tinh hoa sáng tạo của mỗi đấu thủ chơi cờ. Có khi chỉ một đòn diệu nghệ ở Trung cuộc cũng đủ làm đối phương "chết ngay". Học trung cuộc là học phương pháp, học nguyên lý chứ không phải kiểu học thuộc như đối với khai cuộc và tàn cuộc. Việc học để nắm được thủ pháp hình thành được các đòn phối hợp để bắt quân, giành thế, chiếu tướng, chiếu vua là một trong những trọng tâm của trung cuộc. Đòn phối hợp là đỉnh cao của nghệ thuật cờ đòi hỏi phải tính toán cực kỳ sâu xa, trong khi tính sâu xa như thế lại không được phép để "sót nước", chỉ cần sót một nước là "gậy ông lại đập lưng ông" ngay.

Sách về Trung cuộc hiện nay chưa nhiều, tuy nhiên bạn nên làm quen với những loại sách này, nó có vẻ "khó đọc" hơn các sách về khai cuộc và tàn cuộc, đôi khi sách viết như kiểu để bạn đọc thưởng thức là chính, nhưng thưởng thức được cũng chính là học vậy. Đối với Trung cuộc thì các tạp chí về cờ lại tỏ ra rất có ích, bởi trong các tạp chí thường có những bài phân tích, bình giảng các ván cờ hay mà số chữ không bị hạn chế, lại thường do những bậc thầy về cờ bình chú nên rất có chất lượng. Ở cờ Tướng có các tạp chí như "Tượng kỳ nghiên cứu", "Bắc phương kỳ nghệ", "Tượng kỳ Quảng Đông" (xuất bản Ở Trung Quốc)... Ở cờ Vua có "Chess Life" (ở Mỹ, bằng tiếng Anh), "Europe Echecs" (ở Pháp, bằng tiếng Pháp), "64" (ở Nga, bằng tiếng Nga)...

Trung cuộc cũng cho phép ta thả sức mà "đặl bẫy", "dụ dỗ", "câu nhử" hay trấn áp, chơi đòn tâm lý, đòn thí quân, thách thức lòng kiên nhẫn của đối phương ở từng nước đi, khiến cho đối phương sa vào thế trận của ta hoặc bị ta lấn dần từng bước mà không thoát được. Nghệ thuật chơi trung cuộc là một nghệ thuật rất năng động, biến hoá, phức tạp, thể hiện một cách toàn diện bản lĩnh, năng lực và sự biến hoá của người chơi được khái quát bằng câu thơ "lạc nước hai Xe đành bỏ phí, gặp thời một Tốt cũng thành công". Không phải cứ học hết hoàn toàn phần này rồi mới học tới phần khác, thực ra là phải học gối nhau, chỉ có điều là phần nào được sắp đặt trước, phần nào sắp đặt muộn hơn mà thôi. Thông thường người ta học đi học lại từng phần, lần sau nâng cao hơn lần trước.

Toàn bộ việc học lý thuyết cớ có thành công hay không là phải được các ván thực chiến kiểm nghiệm. Nếu anh nói anh đã nắm rất vững lý thuyết mà khi chơi lại bị thua liên miên, thì mớ lý thuyết ấy liệu có ích gì. Điều đó chứng tỏ anh mới nắm vững phần vỏ của lý thuyết chứ phần ruột của nó thì chưa, hoặc là chỉ nắm chung chung trên sách chứ chưa vận dụng thuần thục và nhuần nhuyễn trong các ván cờ thực tế, hoặc anh đã bị lý thuyết "kìm kẹp" làm mất hết cả sự biến hoá sáng tạo của mình trên bàn cờ.

Dĩ nhiên học cờ là cả một vấn đề, không chỉ phải một sớm một chiều theo kiểu "ăn tươi nuốt sống" mà được. Nhưng khi mà các bài bản đã ngấm được vào máu thịt thì người chơi cờ sẽ cảm thấy sung sướng vô cùng, tự tin vô cùng vì đã nắm được cả những bí quyết huyền diệu nhất của một nghệ thuật vô cùng cao siêu, diệu ảo, đem lại cho con người sự thoả mãn chẳng khác nào các nhạc sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ trước những tuyệt tác của chính mình sáng tạo.

Chẳng thế mà trên thế gian đã tồn tại những ván cờ bất hủ, được xem là những kiệt tác nghệ thuật lưu đến muôn đời, trở thành những ván cờ, những thế cờ kinh điển còn truyền lại mãi cho lớp hậu thế. Cùng theo những ván cờ đó những chiến thắng đó là những tên tuổi bất tử của những danh kỳ. Cũng chính nhờ thế mà các loại cờ còn trường tồn mãi cho đến ngày nay và cả trong tương lai.

Ý kiến của bạn?
Nguồn: 100 câu hỏi đáp về cờ

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Chứng minh căn bậc hai của 2 là một số vô tỉ (bằng phản chứng)

Viết theo yêu cầu của bạn Xuân Việt. Hai cách chứng minh căn bậc hai của 2 là một số vô tỉ bằng phương pháp phản chứng.

Cách 1. Chứng minh căn bậc hai của 2 là một số vô tỉ
Cách 2. Chứng minh căn bậc hai của 2 là một số vô tỷ

Nguồn: wikipedia

Làm tròn điểm thi Đại học như thế nào?

Hôm nay tìm điểm thi ĐH năm 2011 cho một thí sinh trên 2 trang báo điện tử có lượt truy cập nhiều nhất VN thì được 2 kết quả (tổng điểm) khác nhau.

Thí sinh này thi vào Khoa Kinh tế - Luật (ĐH QG TpHCM) với số điểm từng môn là: Toán: 3,75, Lý: 6,75 và Hóa: 7,75. Tổng điểm chưa làm tròn là: 18,25. Tuy nhiên trên trang điện tử VnExpress có đề nguồn "Bộ Giáo dục và Đào tạo" thì cho ra tổng điểm 18,00.
Làm tròn điểm thi Đại học như thế nào?
Còn trang timdiemthi.com (phối hợp với báo điện tử Dân trí) thì cho ra kết quả 18.50.
Quy tắc Làm tròn tổng điểm thi 3 môn
Vậy đâu là kết quả làm tròn đúng?
Theo tìm hiểu của MathVn.Com, việc quy tròn điểm do máy tính tự động thực hiện theo nguyên tắc: Nếu tổng điểm 3 môn thi có điểm lẻ từ 0,25 đến dưới 0,5 thì quy tròn thành 0,5; có điểm lẻ từ 0,75 đến dưới 1,0 thì quy tròn thành 1,0. Như vậy, trong trường hợp này, trang timdiemthi cho ra kết quả chính xác hơn trang Vnexpress.

Xin cho tôi nói thẳng - Hoàng Tụy

1. Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém.

Sau một mùa thi THPT và ĐH-CĐ nặng nề, căng thẳng giả tạo và lãng phí vô lối, không có ở đâu ngoài Việt Nam trong thập niên đầu thế kỷ 21, trường học chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức đã bước vào khai giảng năm học mới, khởi động một chu kỳ khổ dịch đầy lo âu cho cả thầy lẫn trò.

Giữa lúc đời sống trăm mối tơ vò mà trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đầy rẫy những bản tin chữ to nào là học phí cao, tiền trường leo thang, tiểu học công lập có nơi thu học phí 70-80 nghìn đồng/tháng, THCS, THPT vừa đầu năm học phụ huynh phải è cổ đóng góp cả chục khoản tiền “tự nguyện” bắt buộc. Trong khi đó chương trình học đã nhiều năm bị phê phán quá tải vẫn chưa hề giảm tải, sách giáo khoa sai sót đến mức đính chính không xuể vẫn cứ phải dùng, chương trình phân ban THPT bộc lộ bất cập ngay khi mới đưa ra thực hiện nhưng vẫn sẽ giữ nguyên cho đến 2015.

Khẩu hiệu “trường học thân thiện, học sinh tich cực” nghe thì hay, nhưng băn khoăn lớn là làm thế nào trong hai năm tới chấm dứt được nạn “đọc, chép” trong khi mọi thứ khác, từ chương trình, sách giáo khoa, tổ chức học tập cho đến thi cử và nhiều chuyện cốt lõi khác về tư duy giáo dục vẫn căn bản gần y nguyên như nửa thế kỷ trước. Thật xót xa khi học sinh được khuyên “học làm người trước khi học chữ” mà có nơi nhân danh chuẩn hóa giáo viên người ta buộc các thầy cô chưa đạt chuẩn phải đeo trước ngực tấm biển “giáo viên chưa đạt chuẩn” khi vào lớp. Quản lý thiếu nhân tính như thế tránh sao được những chuyện đau lòng như thầy bắt trò liếm ghế, trò tạt a-xit thầy, học sinh lớp 11-12 đâm chém nhau ngay trước cổng trường, v.v. Nói chống bệnh thành tích mà trước kia tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông đạt trên 90%, nay sau hai năm thi cử nghiêm túc hơn, tỉ lệ đó cũng đã dần dần trở lại xấp xỉ … 90%, không biết phép lạ nào đã nâng cao chất lượng học tập nhanh chóng như vậy.

Sự sa sút của giáo dục có nguyên nhân khách quan: Do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là “đồng tác giả” của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục, v.v. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân này đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.

Giáo dục phổ thông đã thế, giáo dục đại học, cao đẳng còn nhiều chuyện ly kỳ hơn: Khắp nước, kể cả đại học quốc gia, tràn lan và bát nháo “đào tạo liên kết”, môn học một học kỳ chỉ cần 3-4 ngày xong hết cả học và thi, nên ai cũng học được, trường trung cấp cũng đào tạo thạc sĩ là chuyện hi hữu trên thế giới. Hóa ra ta hiểu đại chúng hóa, thị trường hóa đại học là thế. Chẳng lạ gì chỉ trong vài năm đã xuất hiện hàng mấy trăm đại học mới, lại sắp có cả Văn miếu hiện đại xây dựng trên 25 ha đất cho đủ chỗ vinh danh hết tiến sĩ thời nay. Lạ nhất là đề án tiến sĩ hóa, thạc sĩ hóa 100% cán bộ công chức của Thủ đô để “đột phá tư duy lãnh đạo” (may mà kế hoạch này đã tạm rút lại sau khi bị phản đối kịch liệt). Cái não trạng sính bằng cấp và thói hư học thâm căn cố đế bị lợi dụng triệt để, biến kinh doanh chữ nghĩa thành một nghề phát đạt chưa từng thấy: Trường công chiêu sinh “ngoài ngân sách” một số lượng lớn sinh viên với học phí gấp mấy lần bình thường, rồi nay mai theo xu hướng đó sẽ tiến lên cổ phần hóa theo chiến lược đổi mới đại học của Bộ GD-ĐT; trường tư được tự do chạy theo lợi nhuận, bất kể chất lượng nào chỉ cần trưng biển “đại học quốc tế …” tha hồ đặt ra những khoản thu kỳ dị bóc lột người học. Gần 4 trăm đại học chỉ mới thỏa mãn được chưa đến 20% yêu cầu, trong lúc đó trường nghề tuy rất it vẫn sống ngắc ngoải vì ai cũng chỉ muốn làm thầy, hoặc làm công bộc của dân, không ai thich làm thợ. Có nơi như ở Dung Quất nhà máy cần rất nhiều thợ hàn, mở lớp đào tạo được một khóa 160 người đã đóng cửa, dù đời sống người dân địa phương vẫn rất lam lũ do không có nghề sau khi nhường đất xây dựng khu công nghiệp.

Các quan chức giáo dục bảo những hiện tượng không hay chỉ là riêng lẻ, và để cho công bằng phải nhắc đến biết bao gương tốt hàng ngày vẫn âm thầm diễn ra. Đúng thế thật, song tiếc thay điều đó chỉ càng nói lên khoảng cách lớn giữa tiềm năng với thực tế -- một khoảng cách không thể chấp nhận được mà nguyên nhân, như Chính Phủ đã chỉ rõ gần đây, là do quản lý bất cập. Có nghĩa sự sa sút của giáo dục không thể đổ cho khách quan, do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là “đồng tác giả” của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục, v.v. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân này đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.

2. Cần cải cách có hệ thống, chứ không phải đổi mới vụn vặt

Nói cho đúng, thực trạng giáo dục như thế nào đã rõ như ban ngày, chẳng qua chúng ta mê ngủ nên chưa thấy, hoặc có thấy nhưng vì những ràng buộc, áp lực nào đó nên cứ phải bịt mắt, giả mê để tự dối mình, dối người khác và yên vị.

Giờ là lúc cần trung thực nhìn thẳng vào sự thật. Đó là lương tâm, là trách nhiệm chẳng những đối với xã hội hiện tại mà còn đối với lịch sử, đối với nhiều thế hệ mai sau. Những ai thường hô hào học sinh trung thực xin trước hết hãy tỏ rõ sự trung thực ở đây, trong việc này.

Xin cảnh báo: Tình hình giáo dục hiện nay cũng tương tự như tình hình kinh tế xã hội của đất nước giữa những năm 80 thế kỷ trước. Thử tưởng tượng lúc đó nếu chúng ta cứ một mực nhắm mắt trước thực tế đời sống bi đát của người dân mà không đổi mới thì đất nước có tồn tại được đến ngày nay không? Rõ ràng chỉ nhờ nhìn thẳng vào khủng hoảng kinh tế xã hội chúng ta mới thấy được giải pháp, mới có đầy đủ quyết tâm thoát ra bế tắc, cứu đất nước khỏi sự sụp đổ.

Thật đáng tiếc ngành giáo dục chưa học được bao nhiêu bài học đắt giá đó. Hai mươi năm qua, hết đời bộ trưởng này đến đời bộ trưởng khác vẫn tiếp tục ca cái điệp khúc “thành tựu giáo dục là vĩ đại, bên cạnh đó còn nhiều bất cập”. Căn nhà giáo dục đã cũ nát thảm hại nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà dị dạng chẳng ai muốn ở. Gia đình nào có khả năng đều tìm cách gửi con em ra nước ngoài để chạy trốn giáo dục trong nước. Chẳng thế mà có người nói vui nhưng thật cay đắng: Nên có luật cấm quan chức cấp cao gửi con em du học nước ngoài thì may ra giáo dục mới có cơ hội được chấn hưng.

Điều rất lạ là các nghị quyết của Đại Hội Đảng và các Hội Nghị TƯ 3,7,9 đều đòi hỏi phải tiến hành cải cách giáo dục như một yêu cầu bức thiết của xã hội, nhưng những vị nhận lĩnh trách nhiệm trực tiếp thì lại chẳng hề quan tâm thực hiện các nghị quyết ấy, thậm chí còn nói ngược lại. Chiến lược giáo dục dự thảo đến lần thứ 15 vẫn chỉ thấy lặp lại những quan niệm, tư duy cũ rích, tuy ngôn từ và số liệu có thay đổi cho hợp thời trang (như từ “đổi mới” xuất hiện với tần số kỷ lục). Bên cạnh đó, có những mục tiêu nghe thật hoành tráng, nào là từ nay đến 2020 (tức trong 11 năm tới) đào tạo 20000 tiến sĩ, xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế, 1 trường vào tốp 200 thế giới, v.v…. Song người dân vẫn phân vân: 3 năm qua ta đã làm được gì mà có thể đặt kỳ vọng cao như thế cho 11 năm tới ? hay là ta đang mơ mộng thiếu thực tế, thiếu trách nhiệm, và căn bệnh thành tích từ ngoài da đã đi vào xương tủy?

Những “đổi mới” trong các đề án công tác của ngành giáo dục, giỏi lắm cũng chỉ cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ: Ví thử chiến lược này được thực hiện đầy đủ (điều khó thể), thì đến 2020 Việt Nam cũng chỉ có một nền giáo dục kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhiều lần đỏi hỏi phải thực hiện những biến đổi có tính cách mạng để chấn hưng giáo dục. Trong một bài viết đăng trên báo “Tiền Phong” số 25 ngày 18-6-2006, cố GS Lê Văn Giạng, một cựu lãnh đạo có uy tín của ngành đại học, cũng đã phát biểu: “Đã đến lúc phải chuẩn bị tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự nghiêm túc và thực sự khoa học để ra khỏi tình hình khủng hoảng triền miên của giáo dục 20 năm vừa rồi, để bước vào thời kỳ chấn hưng giáo dục như Nghị quyết của Đại Hội Đảng X vừa yêu cầu” . Đó là chưa kể nhiều kiến nghị tương tự của nhiều bậc thức giả trong nước và Việt kiêu, đặc biệt bản điều trần của 24 trí thức năm 2004 và bản kiến nghị đầu năm 2009 của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (nay đã giải thể). Thiết nghĩ chỉ những ai điếc không sợ súng hoặc quá vô tâm với đất nước mới có thể yên lòng trước tình hình giáo dục hiện nay.

Có ý kiến biện bạch rằng hàng loạt cải tiến, đổi mới lớn nhỏ mà ngành giáo dục đang thực hiện cũng là cải cách. Phải công nhận hai chữ “đổi mới” nhan nhản trong hầu hết các đề án công tác của ngành giáo dục, nào là đổi mới nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, đổi mới cơ chế quản lý, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới phương thức triển khai hoạt động khoa học công nghệ, v.v. Chỉ có điều đổi mới thế nào thì chẳng ai giải thich nổi, chẳng ai biết rõ, cho nên cứ đổi mới tùy hứng, tùy tiện, tùy nghi, theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Vả chăng cần thấy rằng cái cày chìa vôi dù có cải tiến giỏi đến đâu vẫn không thể biến thành cái máy cày hiện đại được; căn nhà tập thể thời bao cấp dù sửa chữa tân tạo hết mức vẫn không thể thành một chung cư tiện nghi hiện đại. Những “đổi mới” như thế kia giỏi lắm cũng chỉ cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ: Ví thử chiến lược này được thực hiện đầy đủ (điều khó thể), thì đến 2020 Việt Nam cũng chỉ có một nền giáo dục kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.

3. Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm, càng không thể là nơi để học việc lãnh đạo.

Từ lâu ngành giáo dục đã có thói quen xem học sinh như những con chuột bạch để làm thí nghiệm thoải mái, mà điển hình là mười mấy năm liền thí nghiệm các chương trình phân ban trung học phổ thông. Thí nghiệm đi thí nghiệm lại không biết bao nhiêu lần, tốn kém bạc tỉ và không tính được hết thiệt hại cho các thế hệ học sinh nạn nhân thí nghiệm. Rất khó hiểu tại sao lợi ích của học sinh bị xem thường đến vậy. Thử nghĩ có hãng hàng không nào dám mạo hiểm đưa máy bay mới ra chỉ để thí điểm xem chở khách có an toàn không? Vậy tại sao Bộ GD-ĐT có quyền thực hiện thí điểm các chương trình phân ban cho hàng nghìn, thậm chí hàng vạn học sinh trong cả hơn chục năm trời ? Mỗi lần thí điểm đều kết luận chưa thành công, kết quả chưa tốt, thế mà người ta vẫn vô tư tiếp tục thí điểm.

Quan điểm coi thường lợi ích của xã hội thể hiện trong nhiều chủ trương giáo dục mà nếu mô tả là “ngoan cố” có lẽ cũng không sai lắm. Về hàng loạt vấn đề quan trọng như quy chế công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, quy chế tổ chức Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia, chuyện biên soạn, xuât bản và phát hành sách giáo khoa, chuyện thi cử, đào tạo Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, v.v… đã có biết bao đề xuất hợp lý bị bỏ ngoài tai, phải chờ đợi đến cả chục năm trời hay hơn mới được nghiên cứu để tiếp thu. Có người khen Bộ GD-ĐT “trơ như đá, vững như đồng”, nhưng dù bậc trí lự cao siêu cũng không thể luôn luôn sáng suốt. Huống chi, nhìn vào bảng chi tiêu của ngành giáo dục thấy quá nhiều khoản chi lớn để “nâng cấp năng lực quản lý”, cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước, chứng tỏ điều ngược lại có lẽ đúng hơn.

Như đã nói trên, nguyên nhân sa sút của giáo dục là quản lý yếu kém, song cần nói cụ thể hơn là quản lý yếu kém như thế nào. Trong chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, giữa muôn vàn khó khăn, giáo dục nói chung và đại học nói riêng vẫn phát triển tốt là nhờ có được những vị tư lệnh hiểu biết sâu sắc giáo dục, có tầm nhìn xa, có uy tín cao trong ngành về cả đức độ và tài năng. Sau này chúng ta thường xuyên gặp khó khăn cũng chính là vì tâm và tầm của cơ quan quản lý giáo dục. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu thì phải hết sức coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo giáo dục. Người được giao phó nhiệm vụ này chẳng những phải hiểu biết sâu sắc giáo dục hiện đại mà còn phải có điều kiện tập trung toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ ấy. Không thể xem giáo dục là nơi học việc lãnh đạo, không thể giao những nhiệm vụ quan trọng trong quản lý giáo dục cho những người chưa biết việc, chưa thạo việc. Còn nếu ai chưa thạo việc, chưa biết việc thì hãy để họ học việc thành thạo rồi hãy giao việc.

Đáng lo là ở nước ta có quá nhiều vị được giao nhiệm vụ rồi mới học việc, có khi học việc chưa xong chỗ này đã chuyển sang học việc chỗ khác quan trọng hơn, rốt cuộc biến mỗi ngành công tác thành một phòng thí nghiệm đồ sộ, một nơi thực tập, học việc cực kỳ tốn kém cho xã hội.

Có những câu hỏi thật khó trả lời: Tại sao sau ba mươi năm mà các quy chế đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, hay công nhận, bổ nhiệm GS, PGS của ta vẫn còn nhiều điểm ấu trĩ so với ngay cả một số nước trong khu vực ? Tại sao nhiều quy định sai lầm đến buồn cười trong các quy chế ấy vẫn tồn tại dai dẳng thời gian dài trước đây và có nhiều cái tồn tại mãi đến tận hôm nay ? Có người bảo rằng ta không thể máy móc sao chép cách làm của nước ngoài cho nên phải sáng tác cách làm riêng phù hợp với điều kiện của ta. Nghe rất có lý, nhưng phải xét hậu quả thực tế là với cách quản lý ấy ta đã đào tạo ra hàng ngàn tiến sĩ giấy và xây dựng được một đội ngũ PGS, GS với trình độ, chất lượng ra sao ai cũng biết. Ngay gần đây tôi được biết chúng ta có cả những cơ sở đào tạo tiến sĩ về quản lý giáo dục. Cái tin ấy thật sự làm tôi ngỡ ngàng: Rồi đây số tiến sĩ ấy đương nhiên sẽ đóng góp vào con số 20000 tiến sĩ ta dự định đào tạo trong 11 năm tới.

Trong giáo dục, khoa học có những vấn đề mà tranh luận cả ngày cũng không kết luận nổi, nếu vốn hiểu biết và vốn văn hóa phổ quát quá khác nhau. Cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến.

Hoàng Tụy

Toán chuyên Việt Nam tụt hạng, do đâu?

Trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 52 (IMO 2011), 6 học sinh VN tham gia chỉ đoạt huy chương đồng và đoàn VN xếp thứ 31/90.
Toán chuyên Việt Nam tụt hạng, do đâu?

Nhận định về kết quả này, TS Trần Nam Dũng (Tp HCM) nếu ý kiến trên một diễn đàn Toán:

"Kết quả IMO năm nay của đoàn Việt Nam nằm ngoài tất cả các dự đoán bi quan nhất. Phải thẳng thắn thừa nhận đây là một bước lùi trong phong trào Olympic Toán của chúng ta.
Tuy nhiên, điều này không phải là bất ngờ. Điều này đã được dự đoán trước sau hàng loạt những chính sách diễn ra vào những năm 2006-2007. Dù sau đó chúng ta có thành tích "vang dội" trên sân nhà năm 2007 và may mắn thoát hiểm 3 năm sau đó nhưng chưa bao giờ chúng ta cảm thấy tự tin như những năm trước đây.
Sẽ cần có một cuộc Hội thảo nghiêm túc để mổ xẻ vấn đề và tìm ra giải pháp. Và tôi nghĩ một trong những giải pháp quan trọng là một chương trình đào tạo, bồi dưỡng dài hơi với từ những lớp dưới và từ cấp cơ sở. Ở đây vai trò của các thầy cô ở các lớp 8, 9, 10 rất quan trọng, và ở các huyện, các tỉnh rất quan trọng.
Và chúng ta cần khiêm tốn học hỏi. Học Nga, Mỹ, Rumani đã đành, phải học cả Singapore, Nhật Bản, Thái Lan nữa.
Kỳ thi IMO 2011 đã khép lại một năm Olympic với nhiều kỷ niệm buồn vui. Chúng ta hãy cùng gác qua những nỗi buồn để chờ đón năm 2012 với nhiều đổi mới và thành công."

Giáo sư Ngô Bảo Châu trả lời trên báo Tuổi trẻ về kết quả tệ nhất trong 37 năm tham dự (1974-2011):
"Thực tế 5-6 năm nay rất ít em thi toán quốc tế đeo đuổi theo ngành toán. Điểm thi ĐH vào khoa toán ở các trường tốt nhất cũng rất thấp, chứng tỏ rất ít học sinh theo ngành toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Đó là điều rất đáng lo ngại.
Ở các nước phát triển, các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa để tập trung vào công việc nghiên cứu chuyên môn. Tôi nghĩ không thể ngày một ngày hai VN có được điều kiện như vậy, nhưng chúng ta phải làm từng bước, từng bước để đạt được điều đó.
Song tôi cho rằng VN có thể làm được điều này: tổ chức những nhóm làm việc về những đề án nghiên cứu lớn, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học VN cũng như các nhà khoa học trẻ người VN ở nước ngoài để họ thấy ở VN họ cũng có cơ hội và có thể làm được khoa học, sống được bằng khoa học”.

Trong thành phần đội tuyển Toán năm nay vắng bóng các học sinh của các trường chủ lực trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế như: THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG HN), THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Ông Hồ Sĩ Đàm (Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia HN) giải thích trên báo Tiền Phong: "Việc Bộ GD&ĐT bỏ chế độ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào ĐH làm giảm sút lớn tinh thần học chuyên, tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia của học sinh, phụ huynh, các thầy, nhà trường”.
Nhiều năm theo chân đội tuyển Olympic Tin học quốc tế và gặt hái nhiều vinh quang, ông Hồ Sĩ Đàm cũng xin rút khỏi đoàn do bất đồng về chính sách đào tạo học sinh chuyên.
Ông Đàm nói: “6 huy chương đồng cho Toán và không có huy chương vàng nào cho môn học vua này là một cú ngã ghê gớm của VN. 2.300 tỷ xây dựng phát triển trường chuyên là khoản đầu tư lớn. Nhưng có câu: "Không thầy đố mày làm nên".
Theo ông Đàm, cơ sở vật chất có lớn đến đâu nhưng lương “ba cọc ba đồng” thì giáo viên dạy chuyên khó mà tâm huyết. Các thầy sẽ tập trung vào làm đề tài khoa học và dễ “thu hoạch” 500-700 triệu đồng/năm, rồi viết báo đăng tạp chí nước ngoài… ngọt hơn đào tạo người tài rất nhiều.
MathVn.Com tổng hợp

Toán học VN tụt hạng là đáng lo ngại

Đội tuyển VN dự thi Olympic toán quốc tế (IMO) 2011 với sáu thành viên chỉ đoạt huy chương đồng, xếp hạng 31/101, là thành tích kém nhất trong 35 năm dự giải. Đánh giá sự kiện này, giáo sư Ngô Bảo Châu nói:



GS Ngô Bảo Châu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Duy Thanh

"Chúng ta cần thôi nghĩ rằng VN là một nước nhỏ. Một đất nước có hơn 80 triệu dân, là một trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới thì không thể là một nước nhỏ được"

GS Ngô Bảo Châu

“Thật ra tình trạng tụt hạng của toán học VN anh em làm toán chúng tôi đã nhìn thấy vài năm nay nên không quá bất ngờ với kết quả thi IMO. Cách đây 4-5 năm, Hội Toán học VN đã trình Nhà nước chương trình quốc gia về toán học, như là một cái phao để toán học VN không bị chìm. Vào thời điểm đó, những người làm toán chúng tôi đã không nhìn thấy lực lượng kế cận của toán học VN. Còn bây giờ nhiều người đã nhìn thấy rõ điều này.

Thực tế 5-6 năm nay rất ít em thi toán quốc tế đeo đuổi theo ngành toán. Điểm thi ĐH vào khoa toán ở các trường tốt nhất cũng rất thấp, chứng tỏ rất ít học sinh theo ngành toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung. Đó là điều rất đáng lo ngại.

Nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản, không phải là con đường dễ đi, trong khi có quá nhiều con đường đảm bảo cho cuộc sống cá nhân và gia đình của một bạn trẻ. Tôi nghĩ đây là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ không đi theo khoa học toán. Do vậy cần khuyến khích những em yêu toán, đam mê khoa học lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học thay vì ai ai cũng ào ào thi vào kinh tế, tài chính.

Để toán học VN không tụt hậu thêm, chúng ta cần thôi nghĩ rằng VN là một nước nhỏ. Một đất nước có hơn 80 triệu dân, là một trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới thì không thể là một nước nhỏ được. Và như vậy ngoài phát triển kinh tế là điều vô cùng cần thiết, cần phải có tham vọng xây dựng một nền giáo dục từ phổ thông đến đại học và nền khoa học tương xứng với vị thế của đất nước. Cái đó ai cũng đồng ý nhưng ít người đồng ý với những giải pháp cụ thể.

Xét riêng ngành toán, tôi thấy có hai mảng cần tập trung sức lực. Một là nâng cao chất lượng nghiên cứu toán học ở các trường ĐH. Việc này Viện Nghiên cứu cao cấp về toán có thể làm được một phần bằng việc tổ chức những nhóm nghiên cứu mới, triển khai những đề tài mới, qua đó tiếp sức cho những giảng viên đương chức tại các trường ĐH. Song viện có thể giúp nhưng không có khả năng làm thay cho các trường ĐH trong việc thu hút những nhà khoa học trẻ tài năng. Mảng thứ hai là tiếp sức về chuyên môn và bằng vật chất cho các thầy cô giáo dạy toán giỏi ở bậc phổ thông, đặc biệt là những người dạy chuyên toán.

Ở các nước phát triển, các nhà khoa học được tạo điều kiện tối đa để tập trung vào công việc nghiên cứu chuyên môn. Tôi nghĩ không thể ngày một ngày hai VN có được điều kiện như vậy, nhưng chúng ta phải làm từng bước, từng bước để đạt được điều đó.

Song tôi cho rằng VN có thể làm được điều này: tổ chức những nhóm làm việc về những đề án nghiên cứu lớn, trong đó có sự tham gia của các nhà khoa học VN cũng như các nhà khoa học trẻ người VN ở nước ngoài để họ thấy ở VN họ cũng có cơ hội và có thể làm được khoa học, sống được bằng khoa học”.

Thành tích kém nhất trong 35 năm dự giải

Sau thành công vang dội ở IMO 2007 tổ chức ở VN với 3 HCV và 3 HCB, xếp hạng 3 toàn đoàn, thành tích của đoàn VN đã liên tục đi xuống. Các năm 2008, 2009 chỉ đoạt 2 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ và lần lượt xếp thứ 12 và 15. Năm 2010 đoạt 1 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ, xếp hạng 11/96. Năm 2011 là thành tích kém nhất trong lịch sử tham gia giải khi chỉ có 6 HCĐ và xếp hạng 31/101. Trong khi đó hai nước Đông Nam Á liên tục có thành tích cao là Singapore xếp thứ 3 với 4 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ (chỉ thua Trung Quốc, Mỹ) và Thái Lan xếp thứ 5 với 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ (ba lần gần nhất Thái Lan liên tục trong tốp 10).

DUY THANH - VĂN KỲ ghi

Nguồn: tuoitre.vn

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Thay áo mới cho MathVn

Sau hơn một ngày vật lộn với template mới, cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của designer Tien Nguyen, chiếc áo mới của mathvn đã cơ bản hoàn tất (còn một số tiện ích sẽ bổ sung sau). Đây là Template thứ 6 mà MathVn sử dụng.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Cách bấm đầu cáp mạng RJ45

Trước đây, khi network mới xuất hịên ở Việt Nam, vì giá thành các thiết bị mạng như HUB, SWITCH ... rất mắc, nên khi muốn nối 2 hay nhiều máy tính lại với nhau, các kỹ sự thiết kế mạng ở VN dùng loại cáp đồng trục. Cáp này trong lõi chỉ có một sợi dây đồng, chạy một đường thẳng và có 2 đầu End Point. Khi muốn nối với PC, chỉ cần cắt ngay khúc giữa, nối vô một đầu chữ T, cứ thế làm cho đến hết. Làm cách này đỡ tốn tiền mua thiết bị phân nhánh như HuB, SWitch ... Tuy nhiên, chỉ cần trên đường dây có một sự cố nhỏ thì nguyên mạng LAN bị down xuống ngay. Và tốc độ truyền dữ liệu trên dây là tốc độ của ... thần KIM QUY.  Chỉ cần có "xung đột", 2 máy cùng truyền data cho nhau thì coi như bà con chỉ việc ngồi rung đùi đánh một ván cờ tướng chờ đợi

Sau đó, thiết bị phân nhánh trên mạng càng ngày càng được cải tiến và rẽ tiền. Các kỹ sư mạng đã bắt đầu nghĩ tới việc đầu tư cho LAN một thiết bị phân nhánh ngon lành như Hub và Switch. Theo đó, cáp mạng cũng thay đổi, không còn là dây Đồng Trục nữa mà là loại dây nhựa, lõi gồm nhiều dây nhỏ khác nhau. Việc này góp phần cải tiến tốc độ truyền dữ liệu một cách đáng kể trong mạng LAN. Từ maximum 10Mpbs, nay có thể up lên đến 1Gpbs đối với loại cable CAT 5 (loại thông dụng) hiện nay.

utp34lu Cáp mạng CAT 5 UTP
cat5utpcable3yy
Đầu cáp (Jack) RJ45 dành cho cáp UTP

Đặc điểm của loại cáp UTP như sau:

- Trong lõi gồm có 4 cặp dây xoắn với nhau theo từng cặp. Mỗi cặp dây có màu sắc riêng. Một số nhà sản xuất cho mỗi dây một màu. Nhưng dây chuyên nghiệp chỉ có 4 cặp màu. Bao gồm 1 dây màu và một dây trắng sọc màu đó.

- Bản thân các cặp dây xoắn cũng được thiết kế xoắn nhau ngay trong lõi nhựa của dây. Bên trong lõi nhựa còn có các sợi nilon để tránh nhiễm điện cho dây.

utp29fm
4 cặp dây cũng xoắn nhau trong lõi nhựa.

- Chiều dài giới hạn của các dây khi tách xoắn là 2 - 5 cm. Nếu vượt qua độ dài này, dữ liệu không thể truyền qua dây được. Vì vậy, một đầu cáp được gọi là đúng quy cách không bao giờ để các cặp dây nằm ngoài bọc nhựa quá 2 - 5cm.
- Chiều dài giới hạn của dây cáp mạng nối giữa 2 thiết bị (PC, HUb, Switch,...) là 100 mét. Nếu vượt quá giới hạn này, dữ liệu truyền đi sẽ bị nhiễu và mất. Tuy nhiên, trong kỹ thuật, giới hạn này chỉ cho phép là dưới 85 mét
- Khi bo cua (men theo góc tường), góc giới hạn của dây cáp phải từ 90o trở lên. Nếu góc cua quá hẹp, ta có thể cuộn dây cáp thành vòng tròn ngay góc đó rồi đi tiếp. Nếu dây cáp bị bo góc dưới 90o thì dữ liệu sẽ bị mất hoặc nhiễu trên đường dây

Các dụng cụ cần thiết để bấm đầu cáp mạng LAN:

- Dao hoặc dụng cụ tuốt dây: Loại này hiện nay bán phổ biến ở VN. Loại dụng cụ tuốt dây còn đi kèm theo loại "nhấn cáp", rất hữu ích khi làm lỗ cắm cáp mạng trên tường. Nếu không mua loại này, các bạn vẫn có thể dùng dao để tuốt cáp và dùng vít để nhấn cáp.

tuotcap5aq 
Dao tuốt cáp và nhấn cáp vào Rack (ổ cắm trên tường)

mountrack0hm mountrack20qh
Các loại Rack gắn tường.

- Kềm bấm cáp: Loại này dùng để bấm các thanh đồng nhỏ nằm ở trên đầu jack RJ45 (xem hình). Sau khi đẩy dây cáp vào đầu jack, ta dùng kềm đặt đầu jack vào và bấm chặt để các thanh đồng đi xuống, "cắn" vào lớp nhựa bao bọc lõi đồng của cáp. Các thanh đồng này sẽ là "cầu nối" data từ dây cáp vào các Pin trong rack (Rack là thiết bị female, chính là port của card mạng, Hub, Switch ...)

tutpcable21bt
Đầu jack RJ45 của cáp mạng. Dấu (*) chính là các thanh đồng
crimpingtool4rn 
crimpingtoolyan0yv
Kềm bấm cáp mạng.

- Máy test cáp: Nguyên lý hoạt động rất đơn giản, máy sẽ đánh số thứ tự cáp từ 1 đến 8 .Mỗi lần sẽ bắn tín hiệu trên 1 pin. Đầu recieve sẽ sáng đèn ở số thứ tự tương ứng. Nếu bạn chỉ bấm cáp vòng vòng nhà thì khỏi mua, nhìn bằng mắt thường cũng được. Còn nếu muốn mua cho pro thì

testcap9gm
Máy test cáp: thiết bị phát, và thiết bị thu.

Chia "lớp" (Layer) cho các thiết bị mạng:

Có thể chia thành 3 "lớp" sau:
- Layer 1: Hub, Repeater
- Layer 2: Bridge, Switch.
- Layer 3: Router, NIC (NIC chính là card mạng trên PC)

Các loại dây cáp:

- Cáp thẳng (Standard Cable 10baseT): loại này là loại thông dụng nhất trong LAN bởi vì đa số PC đều nối vào Switch (ví dụ mấy tiệm net). Dùng để nối các thiết bị khác Layer với nhau (ví dụ PC với Switch, PC với Hub, hoặc Switch với Router ...). Không thể nối giữa 2 thiết bị cùng layer với nhau được (ví dụ không thể nối Switch - Switch hay PC - Router)
- Cáp chéo (Cross-Over Cable): loại này dùng để nối các thiết bị cùng loại, cùng layer với nhau. Ví dụ: PC - PC, Router - Router, Switch - Switch, PC - Router ...
- Cáp console: loại này rất hiếm khi dùng, chỉ dành cho các loại router hay Switch của các hãng lớn như Cisco. Sau lưng Router Cisco có một port gọi là Console, khi cấm dây nối Router với PC, người ngồi trên PC có thể thiết lập cấu hình Router thông qua Hyper Communication (trong Accessories). Ngày nay đa số các kỹ sư mạng dùng Telnet để config router. Chỉ dùng dây console trong lần đầu tiên thôi.

Cách bấm cáp:

Đây là mục chính của bài này. Tôi sẽ cố gắng giải thích cho các bạn thật rõ. Tuy nhiên "trăm nghe không bằng mắt thấy, trăm thấy không bằng ... tay làm". Nếu có điều kiện, các bạn nên thực hành nhiều sẽ quen và ghi nhớ trong đầu dễ dàng.
Đầu tiên bạn cần phải xác định thứ tự các cọng cáp nhỏ trong sợi cáp mạng. Theo quy định chuẩn thì số thứ tự các cọng cáp phải đi theo cặp. Về màu sắc thì không có quy định chuẩn gì hết bởi vì nhà sản xuất cáp có thể sản xuất màu khác nhau. Nhưng mỗi cặp dây xoắn trong lõi cáp sẽ được đánh số theo cặp như sau:

Cặp dây 1 và 2 (rất quan trọng)
Cặp dây 3 và 6 (rất quan trọng)
Cặp dây 4 và 5 (không cần thiết)
Cặp dây 7 và 8 (không cần thiết)

Để tiện cho việc nâng cấp và sửa chữa sau này, bạn nên dùng loại cáp của cùng nhà sản xuất (để có cùng màu) và ghi nhớ số thứ tự các cặp xoắn và màu sắc của chúng. Sau này đó sẽ là điểm lợi của bạn vì bạn không cần phải rút cả 2 đầu cáp ra so sánh với nhau nữa.
Việc kế tiếp, bạn phải xác định đúng vị trí pin của Jack RJ45 và đầu Rack female. Việc này rất dễ dàng. Bạn có thể xem hình.

pincap6jo

Bây giờ chúng ta bắt đầu bấm đầu cáp nhé. Trước hết bạn cần quan sát kỹ đầu Jack RJ45. Bạn nhìn trong ruột, ứng với mỗi thanh đồng sẽ có một rãnh nhỏ. Trong đầu cáp sẽ có 8 rãnh nhỏ dành cho 8 sợi cáp nhỏ. Khi đã xác định pin như hình vẽ ở trên, chúng ta bắt đầu đút những sợi cáp nhỏ vào theo thứ tự. (chỉ làm 1 đầu cáp thôi, đầu còn lại sẽ tùy thuộc vào loại cáp ta sẽ làm)

rj45connector1ph
Bạn lưu ý là dây số 3 và dây số 6 là một cặp xoắn (trên hình là dây màu xanh lá cây và dây trắng sọc xanh lá cây).

Sau khi đã chắc chắn đầu cáp tiếp xúc với thanh đồng và chắc chắn vị trí dây nằm gọn trong các rãnh nhỏ, bạn hãy dùng kềm bấm cáp bấm cố định nó luôn. Okie, vậy là xong một đầu. Đầu cáp còn lại sẽ tuỳ thuộc vào 1 trong 2 loại cáp "thẳng" hay cáp "chéo".

Sơ đồ cáp thẳng:

rj45connector1ph
Chuẩn A 

rj45connector1ph
Chuẩn A

hoặc

rj45crossover1zj 
Chuẩn B

rj45crossover1zj 
Chuẩn B 

Sơ đồ cáp chéo:
rj45crossover3zs

rj45connector1ph
Chuẩn A

rj45crossover1zj
Chuẩn B

Lưu ý, trong sơ đồ cáp chéo, đầu dây kia sẽ đảo thứ tự cặp cáp 1-2 và 3-6

Vậy là bạn đã hoàn thành 2 loại cáp căn bản nhất của hệ thống LAN. Khi kiểm tra, bạn chỉ việc cầm 2 đầu cáp lên, để chúng gần nhau và quan sát màu và vị trí của chúng. Nếu có đồ test cáp bạn sẽ test như sau:

Đối với cáp thẳng: Đèn cháy giữa đầu phát và đầu thu sẽ giống nhau theo thứ tự 1 - 2 - 3 - 6 - 4 - 5 - 7 - 8.
Đối với cáp chéo: Đèn sẽ phát theo tính hiệu như sau:

Đầu phát ------------------ Đầu thu
đèn 1 --------------------- đèn 3
đèn 2 --------------------- đèn 6
đèn 3 --------------------- đèn 1
đèn 6 --------------------- đèn 2
đèn 4 --------------------- đèn 4
đèn 5 --------------------- đèn 5
đèn 7 --------------------- đèn 7
đèn 8 --------------------- đèn 8

Phụ Lục:
A/ Cách bấm cáp Console:

Thứ tự các cặp cáp sẽ đánh số thứ tự 1-2, 3-4, 5-6, 7-8 nằm tuần tự, không có chéo góc gì hết. Trong đó: 1-2 là một cặp dây xoắn, 3-4 là một cặp dây xoắn (không phải 3-6 như ở trên), tương tự 5-6 và 7-8. Hai đầu cáp sẽ có vị trí đảo ngược nhau như sau

1 ------------- 8
2 ------------- 7
3 ------------- 6
4 ------------- 5
5 ------------- 4
6 ------------- 3
7 ------------- 2
8 ------------- 1

B/ Giá cả các dụng cụ:

- Cáp: Tuỳ loại, giá dao động từ 1000 - 4000 / m
- Jack RJ45 : giao động từ 500 / cái - 7000 / cái (loại tốt nhất)
- Dao tuốt vỏ cáp và nhấn cáp: khoảng 15000 /cái
- Kềm bấm cáp: Khoảng 105.000 / cái. Ở Việt Nam bán loại của Trung Quốc, có thêm 1 lỗ bấm đầu jack RJ11 cho điện thoại luôn
- Máy test cáp: khoảng 10 - 15 USD / cái
- Cáp cuộn 300 m: Khoảng 275.000 - 450000 / cuộn, thùng
Địa chỉ tùy chọn. Các bạn có thể đến cửa hàng Tiến Phát (ngã tư Bà Hạt và Nguyễn Tri Phương - Quận 10). Chổ này bán đầy đủ linh kiện về mạng network. Giá rẻ vì là hàng nhập từ trung quốc. Không Bảo Hành . Nhưng giá rẻ gần 1/2 so với bên ngoài.

C/ Hỏi về Switch Layer 3:

Có một số bạn hỏi tại sao loại modem ADSL 4 port RJ45 của một số hãng lại cho cắm cáp thẳng nối từ PC đến router mà không phải là cáp chéo như lý thuyết ?

Trả lời: Loại router trên thực chất là Switch Layer 3. Nó vẫn là Switch (layer 2) nhưng có kèm theo module tính năng Modem ADSL. Về mặt thực tế, nó vẫn hoạt động như một Switch nhưng lại có thể kết nối với ISP cung cấp ADSL. Vì vậy, các port của nó vẫn thuộc về Layer 2. Nên cáp nối giữa các port (layer 2) với PC (layer 3) vẫn là cáp thẳng

Bữa sáng, bạn nên và không nên ăn gì?

Để bữa sáng của bạn luôn lành mạnh và có thể giúp tăng năng lượng cho cả ngày làm việc, bạn nên và không nên ăn những thực phẩm cụ thể dưới đây.

1. Những thực phẩm không nên ăn trong bữa sáng

- Ngũ cốc có đường: Đây là thực phẩm được biết đến với rất nhiều calo và không có lợi cho sức khỏe cơ thể bạn theo bất kỳ cách nào. Thực phẩm chứa quá nhiều đường không chỉ khiến bạn bị béo hơn mà còn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi vào cuối buổi sáng nữa.

- Bánh rán: Bánh rán cũng là thực phẩm chứa quá nhiều đường và mỡ không có lợi cho hoạt động của cơ thể trong cả ngày cũng như giúp tăng cân nhanh chóng

- Thịt xông khói: Mặc dù nhiều người cho rằng bữa sáng có thể ăn thịt xông khói để tăng thêm sự hấp dẫn  nhưng đó thực sự là những thực phẩm không lành mạnh và không tốt cho bạn để ăn sáng. Bởi vì đây là thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ khiến bạn no lâu và ảnh hưởng đến sự di chuyển của bạn trong một ngày làm việc.

- Bánh ngọt: Tuy khá tiện lợi để ăn sáng nhưng đây cũng là thực phẩm chứa quá nhiều đường, calo và là một lựa chọn không lành mạnh.

- Uống quá nhiều cà phê: Cà phê chỉ cung cấp cho bạn một sự tăng năng lượng nhanh chóng trong não bộ vì thế bạn không thể chỉ uống cà phê để thay một bữa sáng lành mạnh được.

2. Những thực phẩm nên ăn trong bữa sáng

- Ngũ cốc không hoặc ít đường: Một bữa ăn sáng sẽ trở nên an toàn và lành mạnh hơn nếu bạn chọn một bát ngũ cốc không hoặc ít đường và trộn với sữa tươi.

- Bánh sandwich trứng: Tuy đây là loại bánh rất phổ biến tại các cửa hàng ăn nhanh nhưng để chúng lành mạnh hơn bạn hãy cố gắng làm bánh sandwich trứng tại nhà nhé. Hãy thử thêm thịt nạc hoặc một số pho mát, bạn sẽ thấy thú vị khi thưởng thức và có lợi cho sức khỏe của bạn hơn.

- Trứng: Luôn là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng. Nhiều người có thể lo lắng trứng không tốt cho sức khỏe bạn nhưng điều này chỉ là lời đồn thổi. Thực tế trứng là một thực phẩm lý tưởng bạn nên kết thân trong bữa sáng vì chúng không có chất béo, không làm tăng cân và có lợi cho hệ tim mạch.

- Nước trái cây: Một ly nước trái cây vào buổi sáng là một thay thế tuyệt vời cho việc uống cà phê mỗi sáng của bạn. Ngoài tốt cho làn da, chúng còn tăng thêm những vitamin và khoáng chất cho bạn năng lượng tươi mới trong cả ngày. Ngoài ra, một số người còn thấy uống nước trái cây vào sáng sớm rất tốt để nhuận tràng.

- Trái cây tươi ngon: Chọn ăn một số trái cây để khởi đầu một ngày sẽ tạo sự hào hứng và mới mẻ cho cả ngày. Nếu muốn, bạn có thể chế biến chúng thành một món salad trái cây yêu thích và có lợi cho sức khỏe của bạn.

(Afamily)

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Google chặn 11 triệu trang web .co.cc trong các kết quả tìm kiếm

Google vừa tiến hành việc chặn hơn 11 triệu trang web với tên miền kết thúc bằng .co.cc. Nguyên nhân của việc này là do các trang web trên chứa nội dung spam và đặc biệt là tiềm ẩn nhiều loại mã độc.

Các tên miền chỉ kết thúc bằng *.cc (với * khác với co) sẽ không hẳn bị ảnh hưởng. Tên miền chính của các trang web .co.cc là co.cc thuộc về một công ty của Hàn Quốc. Công ty này cho biết có hơn 11 triệu tên miền con và hơn 5 triệu tài khoản người dùng đã được đăng ký. Nếu xét về độ lớn thì khối các tên miền .co.cc còn lớn hơn cả các khối tên miền .org và .uk.

Quyết định của Google được thực hiện là do chất lượng của hầu hết các website .co.cc rất thấp. Phần lớn trong số chúng chứa các đoạn mã độc có thể ảnh hưởng đến người dùng. Nguyên nhân gây ra chất lượng thấp là do việc đăng ký các tên miền này khá dễ dàng: miễn phí nếu đăng ký riêng lẻ hoặc 1000 USD cho khối 15.000 tên miền.

Tổ chức chống giả mạo APWG (Anti-Phishing Working Group) vừa công bố 29 trang báo cáo về việc các trang web giả mạo trong nửa cuối năm 2010 vừa qua. Một chi tiết đáng chú ý là các tên miền .cc chịu trách nhiệm cho gần 5000 cuộc tấn công dựa trên việc giả mạo trang web, nhiều hơn gấp đôi so với các loại tên miền khác.

Cuối cùng, Google xác định các trang web chứa mã độc nhờ vào hệ thống quét của mình. Và với việc các mã độc được phát hiện trên các trang web .co.cc thì Google đã tiến hành chặn các trang này trong kết quả tìm kiếm trả về nhằm bảo vệ người dùng. Điều này cũng đồng nghĩa các chủ nhân của các trang web .co.cc sẽ phải sớm tìm nhà mới cho mình.

Theo TechSpot

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Đề thi Cao Đẳng khối A, B, C, D 2011 và đáp án chính thức của Bộ


Đề thi Cao Đẳng khối A, B, C, D 2011 và đáp án chính thức của Bộ, Bộ vừa công bố lúc 13h30 ngày 16/7/2011. Tải về trọn bộ đề thi và đáp án:
  1. KHỐI A (TOÁN LÝ HÓA): DOWNLOAD 
  2. KHỐI B (TOÁN SINH HÓA): DOWNLOAD 
  3. KHỐI C (VĂN SỬ ĐỊA): DOWNLOAD 
  4. KHỐI D (TOÁN VĂN ANH): DOWNLOAD

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Đáp án đề thi Cao Đẳng năm 2011: môn TOÁN khối A, khối B, khối D

Từ năm 2008, Bộ Giáo dục tổ chức kì thi Cao đẳng theo phương thức "3 chung". Đối với hệ Cao đẳng, đề thi môn Toán của 3 khối A, B, D là giống nhau (chứ không tách biệt như kì thi ĐH) và thi cùng một buổi. Năm nay các thí sinh khối A, B, D thi môn Toán vào chiều ngày 15/7/2011.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp đến các thí sinh lời giải gợi ý và đáp án chính thức môn TOÁN của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
1. Xem đề thi và lời giải gợi ý môn Toán Cao đẳng khối A, B, D 2011: Download
(Lưu ý: 3 khối A, B, D thi chung 1 đề)
2. Đáp án môn Toán thi Cao đẳng khối A, B, D 2011 chính thức của Bộ: Download
Đã đăng: Đáp án Cao đẳng Lý A 2011, Sinh B 2011: http://www.mathvn.com/2011/07/ap-e-thi-cao-ang-mon-ly-khoi-nam-2011.html

Xem lại: Đáp án đề thi CAO ĐẲNG khối A - B - C - D 2010 của Bộ

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Đáp án đề thi Cao đẳng môn Lý khối A năm 2011, môn Sinh khối B

Sáng nay, 14/7, các thí sinh dự thi Cao đẳng năm 2011 đã đến làm thủ tục dự thi và chỉnh sửa những sai sót trong hồ sơ lần cuối. Sáng mai, các thí sinh khối A sẽ bước vào thi môn Vật Lý; khối B thi môn Sinh; khối C, D thi môn Ngữ Văn.

Dap an de thi cao dang mon Vat ly khoi A 2011, dap an mon sinh khoi B 2011 thi cao dang
Đáp án đề thi Cao đẳng năm 2011 sẽ được mathvn cung cấp sau mỗi buổi thi.

Ngay sau buổi thi, mathvn sẽ giúp các thí sinh kiểm tra xem mình được bao nhiêu điểm bằng cách cung cấp đáp án đề thi Cao đẳng môn Lý khối A và môn Sinh khối B năm 2011. Bài giải và đáp án được các chuyên gia luyện thi nổi tiếng. Mời các bạn đón xem.
1. Đáp án môn Vật lý khối A thi Cao đẳng năm 2011 tất cả mã đề: Download
2. Đáp án đề thi Cao đẳng môn Sinh khối B năm 2011 mọi mã đề: Download

Tags: Dap an de thi cao dang mon vat ly khoi A nam 2011, Dap an de thi cao dang mon sinh khoi B 2011

Xem lại các đề thi Cao đẳng cũ: Đáp án đề thi CAO ĐẲNG khối A - B - C - D năm 2010 của Bộ.

Đề và đáp án môn Toán thi vào lớp 10 chuyên Bắc Giang năm học 2011-2012

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên Bắc Giang diễn ra vào đầu tháng 7/2011. Bài viết này sẽ giới thiệu Đề và đáp án môn Toán thi vào lớp 10 chuyên Toán, Tin của trường THPT chuyên Bắc Giang năm học 2011-2012. Đề thi và đáp án được biên soạn chi tiết, trình bày khá đẹp. Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, GV Toán Chuyên Bắc Giang, gửi đăng trên mathvn.com.
TẢI ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN CHI TIẾT: De va dap an mon Toan chuyen Bac Giang (tuyen sinh 10)

Riêng đề thi, các bạn xem trực tiếp dưới đây (đáp án tải về theo link trên).
De thi mon Toan vao lop 10 chuyen bac giang 2011 - 2012

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Tạo Favicon cho Blogspot - một chức năng mới của Blogger

Hôm nay đăng nhập vào Blogger thì thấy ở phần Design > Page Elements có thêm một ô trên cùng. Ô này chứa chức năng tạo Favicon cho Blogspot.
Dùng chức năng này, favicon sẽ hoạt động 100%, chứ không bị thay thế bởi logo của Blogger như trước đây.
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1. Vào Design > Page Elements, bấm vào chữ "Edit" ở ô "Favicon"
Bước 2. Chọn "duyệt" để upload file favicon.ico mà bạn đã tạo sẵn để làm favicon cho website của mình (kích thước 16x16).
Sau khi upload, nhấn "SAVE" để hoàn tất việc tạo favicon cho blog của bạn.
Favicon của mathvn.com (chữ M màu xanh bên góc trái)

Chúc bạn thành công!

P.S. Để tạo 1 file favicon.ico, trước hết bạn tạo 1 file ảnh có đuôi .png, .jpg,... và có kích thước 16x16px. Sau đó đổi đuôi file đó thành .ico là xong.

Bài đăng phổ biến