Đáp án môn Lý bị sai? |
Câu 13 mã đề 642 môn Vật lí có hỏi: “Khi nghiên cứu quang phổ của các chất, chất nào dưới đây khi bị nung nóng đến nhiệt độ cao thì không phát ra quang phổ liên tục?. A. Chất khí ở áp suất lớn. B. Chất khí ở áp suất thấp. C. Chất lỏng. D. Chất rắn.”. Đáp án của Bộ GD-ĐT đưa ra là B.
Trả lời với báo chí, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải khẳng định cả 4 đáp án mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều không đúng với thực tế. Đối với việc Bộ GD-ĐT chọn đáp án là B, TS Khải cho rằng: “Vật lý là khoa học thực nghiệm, theo đáp án của Bộ GD-ĐT, tôi sẽ làm thực nghiệm để xem đáp án này có đúng với thực tế không? Theo đáp án: vật rắn được nung nóng đến nhiệt độ cao sẽ phát ra quang phổ liên tục.Vậy thế nào là nhiệt độ cao? Khi que sắt để vào bếp lửa nóng 450oC thì vẫn thấy màu nâu đen. Hơn 500oC một ít thì có màu đỏ. Thậm chí trong lò nấu gang 1600oC thì đến màu vàng trắng. Đó không phải là quang phổ liên tục”.
Trao đổi thêm với Dân trí, thầy Nguyễn Mạnh Nghĩa - giảng viên khoa Vật lí, ĐH Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, vấn đề này, sách Vật lí 12, NXB giáo dục Việt Nam, 2010, trang135 cho biết: “Quang phổ liên tục là một dải có màu từ đỏ đến tím nối liền nhau một cách liên tuc”, “quang phổ vạch là một hệ thống những vạch sáng riêng lẻ, ngăn cách nhau bởi những khoảng tối”. Sách này cũng cho rằng: “quang phổ liên tục của các chất khác nhau chỉ phụ thuộc nhiệt độ của chúng”, “quang phổ vạch do chất khí ở áp suất thấp phát ra, khi bị kích thích bằng nhiệt hay bằng điện”.
Đối chiếu với câu hỏi số 13 trên đây ta thấy rằng, đối với người thầy thì các khái niệm kích thích bằng nhiệt hay bằng điện đã được trang bị trong giảng đường đại học. Nhưng một học sinh nếu không có sự giảng giải của người thầy để hiểu đúng bản chất vấn đề thì sẽ trả lời một cách máy móc bằng việc chọn phương án B. Vì họ chỉ nhớ một cách máy móc (không đúng bản chất) rằng chất khí ở áp suất thấp thì phát quang phổ vạch!
Một học sinh nắm được bản chất vấn đề sẽ thật sự bối rối khi chọn phương án trả lời! Bởi vì để trả lời đúng ngoài việc hiểu được các khái niệm trên, cần phải giới hạn được một số vấn đề sau đây trong lời văn của đề thi:
Thứ nhất, thế nào là “nung nóng đến nhiệt độ cao”? 1000C hay 3000C được coi là “đến nhiệt độ cao”? Ở các nhiệt độ này, “chất rắn” như một thanh sắt chẳng hạn đã phát được quang phổ liên tục như định nghĩa của sách vật lí đã dẫn trên chưa? Nếu chưa thì chọn phướng án nào để trả lời?
Thứ hai, có phải khi “nung nóng đến nhiệt độ cao” thì chất rắn, chất lỏng, chất khí ở áp suất cao chỉ phát ra quang phổ liên tục không? Đèn cao áp chiếu sáng đường phố có phải chứa chất khí ở áp suât cao không? Nó phát quang phổ gì, liên tục hay vạch?
Thứ 3, học sinh đã được dạy từ các lớp dưới rằng một khối khí bị thay đổi nhiệt độ thì áp suất còn giữ nguyên hay thay đổi không chỉ do nhiệt độ mà còn phụ thuộc thể tích của nó. Liệu khi “nung nóng đến nhiệt độ cao” thì áp suất của khí này có còn thỏa mãn là thấp để phát ra quang phổ vạch như sách nói không? Cần phải khẳng định được là “Chất khí ở áp suất thấp” bị nung nóng đến nhiệt độ cao mà vẫn chỉ phát quang phổ vạch thì mới có cơ sở để chọn đáp án B như công bố!
Từ những điều trên, có thể thấy rằng, một học sinh nắm được bản chất vấn đề vấn đề sẽ không thể chọn được phương án trả lời, trừ phi chọn một cách máy móc là phương án B!
“Chúng tôi sợ rằng đa số học sinh lại sẽ chỉ chọn một cách máy móc! Điều đó đặt ra cho chúng ta, những người thầy (hiểu theo cả nghĩa dạy và thi) phải thấy được trách nhiệm của mình. Chúng ta dạy gì cho học sinh? Dạy để cho họ chọn đáp án một cách máy móc hay dạy để họ chọn đúng bản chất sự việc hiện tượng khi mai này các em bước vào đời? - thầy Nghĩa nhấn mạnh.
Hiện tại, bộ GD-ĐT chưa có phản ứng gì về các ý kiến trên.
Theo Chuyên trang tuyển sinh 2011 - báo Dân trí
Cập nhật ngày 14/6/2011: Liên quan tới đáp án đề thi môn Vật lí, kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nhiều luồng dư luận cho rằng, đáp án của Bộ GD&ĐT chưa đúng thực tế. Trao đổi với phóng viên Báo Giaó dục Việt Nam, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) Bùi Anh Tuấn khẳng định: "Đề thi không phải điều chỉnh lại đáp án".
Theo ông Tuấn, trong quá trình thẩm tra lại đề thi và đáp án, Cục có mời một số chuyên gia hàng đầu về Vật lí trong nước để phản biện sự việc cho khách quan.
Sau khi họp bàn và thẩm tra lại, cùng ý kiến phản biện của các chuyên gia. Tổ đề thi Vật lí đưa ra kết luận như sau: Đề thi không phải điều chỉnh lại đáp án.
"Chúng tôi đã chỉ đạo tổ đề thi phải làm việc hết sức cầu thị, đúng thì bảo là đúng, nếu sai thì bắt buộc phải sửa. Quan điểm của Cục KT & KĐCLGD là hết sức cầu thị, nhận rõ đây là vấn đề hết sức quan trọng, Cục sẵn sàng đón nhận và lắng nghe ý kiến từ nhiều phía" - ông Bùi Anh Tuấn thẳng thắn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét