Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Sống giữa biển Đông - Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếp

“Đêm trên vùng biển Malacca tối sầm như mực. Chiếc xuồng máy cùng tám tên cướp bịt mặt mang súng ống ập xuống tàu khi chúng tôi đang ngủ. Họ bắt chúng tôi nằm sấp xuống sàn rồi cướp bóc. Tôi đã có ý định cho nổ tung con tàu nếu một trong số anh em chúng tôi bị bắn!” - ngư dân, thuyền trưởng Dương Văn Hưởng, thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi, kể lại chuyến hải trình khủng khiếp gần eo biển Malacca.

Kỳ 1:Ký ức đại dương

Ông Nguyễn Đảng, một ngư dân nổi tiếng, đã vĩnh viễn nằm lại khơi xa cùng sáu ngư dân khác trong chuyến đi biển cuối năm 2010 - Ảnh: Tấn Vũ

Đối mặt cướp biển

Theo kinh nghiệm của các ngư dân Lý Sơn, khi mùa đi lặn biển ở Hoàng Sa vừa dứt, hoặc những đợt bão biển đầu mùa đã hình thành trên biển Đông thì tàu thuyền của ngư dân bắt đầu dịch chuyển dần về phía nam. Tháng 7-2001, chuyến tàu của ông cùng sáu ngư dân trong xóm đi lặn tại vùng biển Malaysia theo một đơn hàng của khách nước ngoài.

Có giấy phép khai thác ăn chia hẳn hoi. Gần một tháng trời lênh đênh trên biển tìm hải sâm và san hô đen để rồi một đêm trở về với hai bàn tay trắng vì gặp cướp. “Nếu chuyến đó không bị mất, mỗi người kiếm không dưới 100 triệu đồng” - ông Hưởng tiếc nuối.

Nhấp chén rượu, ông Hưởng kể tiếp: “Lúc đó khoảng 11g đêm, biển lặng, tàu thả neo trong vịnh nhỏ. Bốn bề tối tăm mịt mùng, chỉ vài chiếc thuyền của ngư dân bạn đậu gần kề. Bất thình lình con thuyền chao nghiêng mạnh. Một chiếc tàu sắt lù lù bên cạnh. Khoảng tám người đầu bịt kín chỉ chừa hai khóe mắt, tay ôm súng chằm chằm, ập xuống tàu. Chúng bắn chỉ thiên ba phát, gí súng sát đầu thằng Tâm rồi đạp người mình nằm rạp xuống sàn. Tôi biết là gặp cướp. Chúng lùng sục tất cả đồ đạc trên tàu. Banh hầm đá lấy hết hải sâm và toàn bộ san hô đen lặn được. Tôi nghĩ bụng nó lấy thì lấy hết đi. Đừng bắn ai là được”.

Lúc đó anh xử lý sao? - tôi chen ngang. “Xử lý gì, phải nằm im xem sao. Nhưng tôi cầm bật lửa trên tay, liếc mắt thấy bốn bình gas to để nấu cơm gần đó. Hắn mà bắn từng người tôi sẽ bật quẹt kích nổ tung con tàu - ông Hưởng khẳng khái - Chú em tính coi, cùng lắm chết. Hắn có một cây súng, mấy thằng kia lu bu kiếm tìm, tôi thừa sức bật quẹt, châm cháy chậm!”.

Ông Hưởng kể trong hơn một giờ lục tìm trên tàu, bọn cướp lấy đi gần 5 tạ hải sâm và rất nhiều san hô đen quý hiếm. “Lúc đó tàu tôi chưa có định vị, còn ít gạo, mắm và dầu. Anh em men theo đường biển chạy sáu ngày đêm mới “rớt” về tận Vũng Tàu. Hôm sau tôi nhắn gia đình gửi tiền vào để tiếp dầu, gạo chạy về nhà. Đó là chuyến đi biển kinh hoàng nhất mà tôi từng gặp. Xong chuyến đó chủ thuê mướn cũng biến luôn. Trắng tay chú ơi!” - ông Hưởng kể lại.

"Kình ngư" thi gan

Biển cho nhiều thứ nhưng biển cũng mang lại những khoản nợ nần cho ngư dân Dương Văn Hưởng - Ảnh: Tấn Vũ

Với người dân Lý Sơn, những cái tên Dương Văn Thọ, Dương Văn Hưởng, Tiêu Viết Là, Mai Phụng Lưu, Nguyễn Đảng... được biết đến như những “kình ngư” gan dạ ngang dọc biển Đông.

Nhà ông Hưởng nằm sâu trong con hẻm lát bằng san hô mà chính ông không biết nó được lát tự khi nào. Như bao ngư dân đi biển khác, ông Hưởng là người ít lời, cũng ít khi nói về mình hay kể chuyện biển cùng ai.

Năm lần đến nhà ông, hai lần thấy vợ ông ôm con ngồi khóc. Lần đến nhà sau cùng cả ba mẹ con bà Giàu, vợ ông Hưởng, đang phụ giúp ông dựng lại căn bếp. Ông bảo: “Đó là phần còn lại hơn nửa đời đi biển ngược xuôi. Lát xong viên gạch nền trước hiên tôi phải lên tàu ra Hoàng Sa!”.

Bị bắt hai lần anh không sợ à? - tôi hỏi. “Nếu sợ thì ngay lần đầu đã thụt mật mất rồi” - ông nói dõng dạc, cười trong ánh mắt bừng sáng. Không biết sóng gió biển khơi hay lời nguyền cha ông hun đúc lòng can trường của ngư dân trên đảo nhỏ này. Ông Hưởng nhớ như in ngày ông bị bắt cách đây hai năm đó là trưa 16-6-2009, tàu QNg 6517 TS của ông cùng một tàu khác vào trú bão số 2 thì bị bắt. Trên hai tàu có tổng cộng 37 ngư dân, sau khi một tàu và 25 ngư dân được thả về, ông Hưởng cùng 12 người khác bị tạm giam. “Đó là những ngày cơ cực và thiếu thốn nhất trong đời tôi từng gặp”.

Nhưng có lẽ cay đắng nhất trong hơn 30 năm đi biển của ông Hưởng là bữa canh với da cá nóc để đời. “Nuốt miếng canh mà nước mắt chảy dài vì giận. Mình đi biển một đời, da cá nóc xù xì đầy gai có bao giờ đem nấu canh” - ông Hưởng nhớ lại.

Ông Hưởng hai lần bị giam, ngư dân Mai Phụng Lưu có đến ba lần, nhưng rồi họ lại thong dong ra khơi sau mỗi lần khốn khó. Với họ, Hoàng Sa đã là một phần máu thịt cuộc đời.

***

Cuối câu chuyện, tiện tay ông Hưởng sai vợ mang chồng hồ sơ, giấy tờ cầm cố từ ngân hàng, giấy biên nhận nợ của các chủ đầu nậu trải dài trên nền gạch mới lát. “Đó. Chú coi. Nợ ngập đầu. Nếu biển bình an không bắt bớ, không cướp bóc đời tôi đâu ra nông nỗi này” - ông Hưởng than.

Bà Giàu thở dài: “Cái sổ đỏ nhà trên là hương hỏa của ông bà, ổng bảo dù có đi ăn xin cũng không cầm cố nó. Sổ đỏ nhà, giấy tờ nằm ngân hàng hết. Nợ gần 200 triệu đồng không biết khi nào trả xong chú ơi. Mong cho biển bình an ổng đi làm từ từ trả nợ”.

Sau những chuyến ra khơi dặm dài trong gian khó, ông Hưởng quyết định đặt tên đứa con út 15 tháng tuổi của mình là Lượm. Ông bảo: “Đặt tên xấu như vậy cho đời nó bình yên. Chú thấy tôi tên Hưởng mà có hưởng lộc lạc gì đâu. Thôi đặt tên vậy cho mai sau đời nó không gập ghềnh sóng gió như cha” - ông Hưởng nhấp hết chén rượu, gọi vợ chuẩn bị ít thuốc tây, ngày mai tàu của ông lại nhổ neo nhắm Hoàng Sa thẳng tiến.

TẤN VŨ

------------------------------------

Hai mươi năm trước, một hải đội dân quân tự vệ đã được thành lập tại Côn Đảo. Họ là tai mắt, là lực lượng hỗ trợ ngư dân giữa sóng to, gió dữ. Câu chuyện của người hải đội trưởng ngày ấy.

Kỳ tới:  Hải đội tự vệ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến