Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Leszek Buszynski thuộc Trường Nghiên cứu chiến lược quốc tế và chính trị ĐH ANU châu Á - Thái Bình Dương (Úc) nhận định vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu Bình Minh 02 là một phần trong chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc, nhắm vào các quốc gia ASEAN.
Tàu hải quân Việt Nam (phải) truy đuổi hai tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép thềm lục địa phía Nam ngày 27-6-2009 - Ảnh: Lê Đức Dục |
GS Leszek Buszynski nói: “Trước đó, tàu Trung Quốc đã nhiều lần quấy rối ngư dân Việt Nam. Gần đây, phía Trung Quốc cũng gây hấn với tàu khảo sát dầu khí Philippines và lực lượng tuần duyên Indonesia va chạm với tàu Trung Quốc ở gần quần đảo Natura. Rõ ràng Trung Quốc đang gia tăng các hành vi quấy rối để nắn gân không chỉ Việt Nam mà cả các nước ASEAN nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ. Hành vi tấn công tàu Bình Minh 02 là một diễn biến đáng lo ngại và nhiều khả năng những sự kiện như vậy sẽ còn tiếp tục xảy ra”.
Phân tích kỹ thêm hành động của Trung Quốc, GS Leszek Buszynski nói: “Để đối phó với hành vi gây hấn của Trung Quốc, theo tôi, Việt Nam cần đưa vấn đề này ra ASEAN, đặc biệt là với Philippines và Indonesia. ASEAN cần phải thể hiện sự thống nhất trong vấn đề này và nếu ASEAN mạnh mẽ lên tiếng phản ứng lại chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ buộc phải lắng nghe”.
Biển Đông sẽ nóng ở Đối thoại Shangri-La
An ninh trên biển Đông sẽ là một trong những chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 10, Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5-6. Theo báo Singapore Today Online, phái đoàn quan chức quốc phòng cấp cao 28 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La. Đối thoại Shangri-La được xem là cơ hội để các nước tăng cường sự minh bạch trong chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Chủ đề thảo luận bao hàm từ các thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới sự hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc.
Báo Financial Times bình luận sau vụ tàu hải giám Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam trên biển Đông, an ninh biển Đông sẽ là một chủ đề nóng tại Đối thoại
Shangri-La. Trên thực tế, trong những năm qua, cách hành xử của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp luôn là chủ đề gây chú ý tại Đối thoại Shangri-La. Trước vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, chính quyền Philippines cũng đã lên tiếng cáo buộc tàu và máy bay Trung Quốc quấy rối tàu Philippines.
Philippines sẽ đưa vấn đề biển Đông đến Brunei
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết ông sẽ đưa các vấn đề tranh chấp ở biển Đông bàn thảo với quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah trong chuyến viếng thăm chính thức hai ngày 2 và 3-6 tới vương quốc này. Tổng thống Aquino cho biết ông sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Brunei trong vấn đề về các vùng bị tranh chấp trên khu vực biển Đông. “Chúng tôi có các vấn đề chung như vấn đề ở biển Đông và chúng tôi cần đạt đến sự nhất trí, đồng lòng cũng như cần có vai trò chủ chốt trong các nước ASEAN. Đó sẽ là phương pháp chúng tôi giải quyết vấn đề biển Đông” - ông Aquino nói.
Tổng thống Aquino đã cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong chuyến viếng thăm Philippines gần đây là mọi hành động gây hấn trong các vùng biển tranh chấp trên biển Đông có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
HIẾU TRUNG - MỸ LOAN
Người phát ngôn Trung Quốc lại tuyên bố ngang ngược Trong cuộc họp báo chiều 31-5, trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc về phản ứng của nước này đối với việc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tiến hành họp báo ngày 29-5 về vấn đề đụng độ trên biển Đông gần đây, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du trả lời: “Chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (biển Đông) là rõ ràng và nhất quán. Lần này tàu hải giám của Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc”. Rõ ràng từ hành động cho tới lời nói của phía Trung Quốc đều rất ngang ngược, không thể chấp nhận được khi vẫn rêu rao đòi chủ quyền vùng biển Đông của Việt Nam. M.LOAN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét