Trước giải thích của những người trong ban soạn thảo đề án “Đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015”, nhiều chuyên gia giáo dục tiếp tục trao đổi về những vấn đề mà theo họ “Bộ GD-ĐT không nghĩ đến hoặc cố tình không hiểu”.
Chương trình - sách giáo khoa hiện thời đã thực hiện 10 năm nhưng chưa được tổng kết, nghiên cứu nghiêm chỉnh để rút kinh nghiệm. Trong ảnh: học sinh chọn mua sách giáo khoa tại một nhà sách ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng |
Dự thảo lần thứ 13 đề án này với gần 30 trang được một số nhà khoa học, giáo dục ví như “bản nháp vội”. Ý kiến gần như đồng nhất của một số nhà giáo dục mà Tuổi Trẻ đã gặp đều cho rằng vấn đề đáng nói ở chỗ “bản nháp vội” lại một lần nữa thể hiện cách làm ngược.
Bắt cháu đẻ ra... ông
Ngay trong hội thảo do Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức đầu tháng 6, GS Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ, đã nói: Khi Bộ GD-ĐT dự thảo chiến lược giáo dục VN 2008-2020, nhiều người đã nói đến một “quy trình ngược” mà Bộ GD-ĐT áp dụng. Bởi dự thảo đặt ra rất nhiều mục tiêu nhưng việc cần làm trước là cải cách giáo dục, khắc phục những bất cập thì chưa làm. Việc này không khác gì chuyện “bắt con đẻ ra cha”.
Năm 2008, việc xây dựng “chiến lược” không hoàn thành được, đến nay vẫn chưa, sau gần 20 dự thảo. Bây giờ, chiến lược giáo dục chưa công bố, việc cải cách giáo dục cũng không được tính đến, Bộ GD-ĐT lại triển khai xây dựng chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới. Đây không khác gì chuyện “bắt cháu đẻ ra ông”.
Trước phát biểu của đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng họ đang làm đúng chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mà việc đổi mới chương trình - SGK chỉ là một “nhánh” của công việc này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chủ trương thì đúng nhưng cách làm thì không. Và người góp ý đang muốn đề cập đến “cách làm”. Ví như người ta muốn thay đổi ngôi nhà đã cũ kỹ, xuống cấp thì cần gia cố, xây dựng lại nền móng cho vững, chứ không phải lo đi lợp lại cái mái.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Ngọc Phú, phó chủ tịch Hội Tâm lý - giáo dục Việt Nam, cho biết: không nên vin vào “nghị quyết” để bảo vệ một việc làm không đúng quy trình và chắc chắn không mang lại hiệu quả. Cách làm của Bộ GD-ĐT, xét ở khía cạnh khoa học là không ổn. Vì với thực trạng giáo dục hiện nay, những nhà quản lý giáo dục cần phải nghĩ đến việc “sửa từ gốc”. Có nghĩa là phải làm một cuộc cải cách. Nếu muốn tránh từ “cải cách” mà dùng từ “đổi mới căn bản, toàn diện” cũng cần phải rà soát từ gốc rễ. Phải có những nghiên cứu sâu để làm rõ nền giáo dục có chỗ nào bất ổn. Và phải bắt đầu từ những bất ổn đó để xây dựng lại hệ thống giáo dục, xây dựng lại triết lý giáo dục. Như vậy, phân tích kỹ lưỡng thì “đổi mới căn bản, toàn diện” cũng có nghĩa là “cải cách”. Chứ “đổi mới căn bản, toàn diện” không thể chỉ là việc xây dựng một chương trình - SGK mới trên cái nền có quá nhiều bất ổn.
GS Nguyễn Ngọc Phú băn khoăn: Nếu Bộ GD-ĐT nhìn thấy được những bất ổn mà nhiều nhà giáo dục tâm huyết đã nhắc đến thì hẳn họ phải đi một con đường khác. Còn họ vẫn làm theo cách hiện nay, bỏ qua những góp ý của những người tâm huyết thì chỉ có thể giải thích là họ nghĩ “giáo dục không có gì khủng hoảng”.
Những điều “cần” lại không có
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng những vấn đề mấu chốt cần bàn, cần sửa không thấy có trong đề án. Giống như bác sĩ không chẩn đúng bệnh, những bất ổn của giáo dục kéo dài đã và sẽ tạo nên khủng hoảng và sự xuống cấp về chất lượng giáo dục.
GS Nguyễn Ngọc Phú và GS Nguyễn Minh Thuyết đều khẳng định việc cần làm là tổ chức nghiên cứu mô hình giáo dục trong tương lai, mô hình có thể khắc phục nhiều điểm yếu hiện nay của nền giáo dục. GS Phú cho rằng rất cần nghiên cứu mô hình sau THPT, học sinh không thi đại học mà lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để làm cơ sở vào học một số trường đại học nhất định. Một hệ thống giáo dục mới như thế nào thì còn cần phải bàn nhiều nhưng nhất định phải được tính đến, phải được nghiên cứu và phải được làm trước khi xây dựng chương trình - SGK.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Ngọc Phú cho rằng: “Rất cần phải có những cách đánh giá chương trình, môn học và SGK đang được sử dụng, cho dù chỉ là những đánh giá khái quát nhưng lại rất quan trọng để làm cơ sở cho các đề xuất thay đổi. Nhưng tiếc là nội dung này không có trong bản dự thảo đề án”. GS Chu Hảo cũng bày tỏ bức xúc về cách làm lạ của Bộ GD-ĐT: “Một chương trình - SGK thực hiện 10 năm nhưng không hề có một sự tổng kết, nghiên cứu nghiêm chỉnh để rút kinh nghiệm, làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng cái mới”.
Nếu xây dựng một chương trình, viết một bộ SGK mới mà những vấn đề nêu trên chưa được nghiên cứu, phân tích, định hướng thay đổi trong tương lai, theo các giáo sư, cách làm này đang đi lại “vết xe đổ” của sai lầm cũ.
TRỊNH VĨNH HÀ
* GS PHẠM PHỤ (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM): Quy trình chưa hợp lý Quy trình thực hiện đề án cải cách giáo dục như nhóm soạn thảo đưa ra là chưa hợp lý. Cần có một chiến lược phát triển giáo dục tổng thể của đất nước, trong đó xác định rõ ràng 5, 10 hay 15 năm tới giáo dục phổ thông sẽ ra sao, giáo dục đại học, dạy nghề sẽ như thế nào. Từ chiến lược này mới soạn thảo riêng cho đề án cải cách giáo dục phổ thông, chứ cách làm như hiện nay chưa khoa học và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trên thế giới hiện nay có ba hướng tiếp cận giáo dục: tiếp cận nội dung, tiếp cận mục đích và tiếp cận phát triển. Đề án nêu định hướng là tiếp cận năng lực nhưng tôi vẫn thấy thiếu một ý quan trọng: đó là cách dạy làm người. * TS MAI NGỌC LUÔNG (nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông, Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM): Duy ý chí Tôi thấy đề án này là duy ý chí, thiếu các điều kiện cần và đủ để đề án khả thi. Trước hết phải xác định được sự phát triển về kinh tế - khoa học - văn hóa - xã hội của đất nước trong những năm tới ra sao. Cứ tính sự phát triển này với cột mốc năm năm một, trên cơ sở đó mới xác định tiếp đất nước cần nhân lực như thế nào để đáp ứng sự phát triển đó. Chứ cách làm đề án cải cách giáo dục như hiện nay giống như nhắm mắt đi ra giữa đường, không bám sát thực tiễn phát triển của đất nước. Một điều mà tôi đã góp ý rất nhiều lần trên các phương tiện truyền thông là chương trình phổ thông hiện hành thiếu triết lý giáo dục, nay với đề án mới vẫn thiếu cái này. Cần phải xác định mục tiêu đào tạo của chúng ta là gì, có những phẩm chất nào. Ví dụ: con người khoa học - dân tộc - hội nhập hay con người khoa học - dân tộc - đại chúng... Chứ cứ nói đào tạo những con người toàn diện là hết sức chung chung và không thuyết phục. * PGS.TS TRẦN THÀNH TRAI (Trường ĐH Mở TP.HCM): Hạn hẹp Trước hết, những người soạn thảo đề án cần nêu ra hiện trạng giáo dục ở nước ta như thế nào, mục tiêu giáo dục - đào tạo trong tương lai ra sao. Mục tiêu giáo dục mà đề án đưa ra chưa phù hợp với tình hình đất nước, nó hạn hẹp và có vẻ như chỉ nhằm giải quyết một tình thế nào đó. Vấn đề của giáo dục Việt Nam không chỉ là sách giáo khoa, không chỉ có bậc phổ thông. Cải cách giáo dục là việc làm cần thiết, cần làm ngay. Nhưng phải xác định trước chúng ta cần đào tạo nên những con người ra sao, ví dụ chúng ta cần những con người biết giải quyết các vấn đề của cuộc sống, có đạo đức, tư cách, phong thái của người Việt Nam. Từ đó soạn thảo một chương trình thống nhất giữa các cấp học từ mẫu giáo đến đại học chứ không thể làm theo kiểu “cắt khúc” như hiện nay. HOÀNG HƯƠNG ghi |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét