Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Đáp án đề thi môn VẬT LÝ tốt nghiệp THPT năm 2011 (tất cả mã đề)

ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC MÔN LÝ TỐT NGHIỆP 2011 CỦA BỘ GD-ĐT: DOWNLOAD

Đáp án đề thi môn Vật lý tốt nghiệp THPT năm 2011 (tất cả mã đề). Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 môn Vật lí và đáp án các mã đề.
Dap an de thi mon Ly tot nghiep THPT 2011, Dap an De thi tot nghiep THPT 2011 mon Vat li
Chiều ngày 2/6/2011, các thí sinh bước vào buổi thi thứ hai với môn Vật Lý (sau khi trải qua 150 phút không quá căng thẳng với môn Ngữ văn vào buổi sáng). Vật lý là môn đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài viết này sẽ cung cấp đến các em học sinh lớp 12 đáp án tất cả mã đề của môn Lí ngay sau buổi thi.

1. Các thí sinh và phụ huynh xem đề thi và đáp án môn Lý trong kì thi tốt nghiệp THPT khóa ngày 2 tháng 6 năm 2011 ở đây: Dap an de thi tot nghiep THPT 2011 mon Vat Ly

2. Đề thi đáp án môn Vật lý hệ Bổ túc (Giáo dục thường xuyên, mã đề 571): Download.

Đáp án đề thi tốt nghiệp THPT 2011 môn Văn (Ngữ Văn)

1. ĐỀ THI CHÍNH THỨC MÔN VĂN TỐT NGHIỆP THPT 2011:
 
2. ĐÁP ÁN CHÍNH THỨC MÔN NGỮ VĂN TỐT NGHIỆP 2011 CỦA BỘ GD-ĐT (THPT&GDTX): DOWNLOAD (TẢI VỀ ĐỂ XEM)  

3. NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2011 MÔN VĂN:
Điều bất ngờ nhất đối với các thí sinh năm nay chính là câu 1 (2 điểm). Bởi vì hàng chục năm nay, câu này thường cho nội dung về văn học nước ngoài, nếu có ra về văn học Việt Nam thì cũng ra theo kiểu "nêu hoàn cảnh sáng tác, tác giả,..." mà thôi.

Theo tôi, câu này rất hay và lạ, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ tác phẩm và phải tư duy. Câu hỏi ra theo hướng mở, lại hỏi về một chi tiết ở cuối truyện nên sẽ có nhiều học sinh khi học, ôn bài sẽ bỏ qua chi tiết này. Còn đối với những HS ôn bài theo văn mẫu, theo dạng học thuộc lòng thì cũng sẽ không làm được, bởi các bài văn mẫu phân tích tác phẩm không hề nhắc đến chi tiết ở cuối truyện. Mặc dù câu số 1 chỉ có 2 điểm nhưng sẽ giúp giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: không học tủ, học thuộc lòng.

Câu số 2 (3 điểm) cũng khá hay: hỏi về mục đích sống của tuổi trẻ, rất phù hợp với hòan cảnh, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 12 đang phải lựa chọn hướng tương lai cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên, học sinh dễ viết lan man và dễ mất điểm nếu không xác định được ý chính của của câu hỏi.

Câu số 3 (5 điểm) là một câu bình thường, quen thuộc, vừa sức với học sinh. Nếu học sinh có học bài hay nói chính xác hơn là cứ học thuộc lòng là làm được.

Nhìn chung, đề thi này có câu 1 và 2 thuộc dạng đổi mới, còn câu 3 thì lại ra theo "lối mòn": mới chỉ đổi mới được 50% chứ chưa đổi mới hoàn toàn.

Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM

5 bài thuốc chữa chảy máu cam

Mùa thu, khi tiết trời bắt đầu chuyển sang hanh khô. Độ ẩm không khí thường thấp, nhất là trong điều kiện đường sá có nhiều bụi bậm, bên cạnh đó, thời tiết lại thường có các đợt gió mùa đông bắc, se lạnh. Đó là điều kiện thuận lợi cho chứng "chảy máu cam" xuất hiện. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, song ở trẻ em, tỷ lệ thường cao hơn.

Tại sao lại gọi là chảy máu cam?

Chữ cam ở đây theo nghĩa là "Ngọt", có nghĩa là chứng chảy máu gây ra do một thứ bệnh có tên chung là "Bệnh cam". Bệnh thuộc chứng cam thường chỉ xuất hiện ở trẻ em. Vì trẻ em thường thích ăn nhiều đồ ngọt. Và sau mỗi lần ăn như vậy, các em lại không có thói quen súc miệng sạch. Chính điều đó là điều kiện tốt cho các yếu tố gây viêm nhiễm ở các bộ phận họng, mũi, lưỡi, niêm mạc miệng, răng, lợi... Khi bị viêm niêm mạc mũi bị sưng tấy, sung huyết. Các mao mạch ở niêm mạc mũi do viêm nhiễm dẫn đến xơ giòn, dễ bị đứt. Mặt khác với khí hậu của mùa thu và đầu đông khô hanh, kèm theo thời tiết lạnh,  làm cho các mao mạch bị co lại, mà gây xuất huyết, tức "chảy máu cam". Đương nhiên, điều đó sẽ xảy ra nhiều hơn đối với  những trẻ em có sức đề kháng kém hơn, và trong tình trạng cơ thể thiếu một số vitamin, liên quan đến tính thấm của thành mạch, như vitamin C, P, K... những chất có tác dụng làm cho  thành mạch dẻo dai, bền chắc.

Bịt mũi khi bị chảy máu cam.

Thuốc cổ truyền trị chảy máu cam

Chảy máu cam là chứng thường gặp, thường không có dấu hiệu gì báo trước, cũng không kể về thời gian. Có khi trẻ em đang nô đùa cũng chảy máu cam, có khi đêm ngủ máu cam ra lúc nào cũng không hay... Nếu bị chảy với lượng ít, số lần bị ít, thì ảnh hưởng cũng không lớn. Song nhiều trẻ do việc chăm sóc và quan tâm của gia đình không chu đáo, hiện tượng chảy máu cam sẽ xuất hiện nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đến việc học tập của các cháu.

YHCT cho rằng, chảy máu cam là do nguyên nhân "huyết nhiệt" gây ra "huyết nhiệt sinh phong", tức cơ thể ở trạng thái nhiệt sẽ làm cho "bức huyết vong hành", tức là gây xuất huyết; mà trong trường hợp này là xuất huyết ở mũi. Do vậy mà YHCT thường sử dụng các vị thuốc và phương thuốc mang tính lương huyết, chỉ huyết, kèm với bổ huyết để điều trị chứng bệnh này.

Một số bài thuốc thường dùng

Khi bị chảy máu cam, trước hết lấy ngón tay trỏ và ngón tay cái, ấn vào chỗ phía trên cánh mũi, hơi ngửa cổ về phía sau. Đồng thời lấy một ít tóc rối, tên vị thuốc là "loạn phát", loạn là "rối", "phát" là tóc. Trường hợp không có tóc rối có thể cắt ngay một nhúm tóc cũng được. Đem tóc đốt cháy thành than, vò cho thành bột mịn, rồi đặt ngay vào bên lỗ mũi bị chảy máu, hít  sâu vào trong, máu sẽ ngừng chảy ngay.

Cỏ nhọ nồi.

Sau đó hãy dùng các bài thuốc sau đây.

Bài 1: Ngó sen tươi 40 g, móng giò lợn 1 cái. Ninh nhừ, ngày ăn một lần. Cách 2 ngày ăn lại. Làm liền như vậy 2 tuần lễ, là được. Cách này rất dễ làm, và tiện cho các trẻ nhỏ.

Bài 2: Lá sen tươi 50 g, hoặc 20 g khô. Sắc uống. Để tăng tác dụng, cần đem lá sen sao cháy.

Bài 3: Lá cây huyết dụ 12 - 16 g, cỏ nhọ nồi,  lá trắc bách diệp, đồng lượng,  sao đen, sắc uống, ngày một thang, 2 lần, uống sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền hai tuần lễ.

Bài 4: Hoa hòe (sao cháy) 12g, trắc bách diệp (sao cháy) 12g, kinh giới tuệ (sao cháy) 12g, chỉ xác (sao vàng xém cạnh) 12g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 2 lần uống, sau bữa ăn 1 giờ 30 phút. Uống liền 2 tuần lễ.

Bài 5: Thục địa 16g, trạch  tả 6g, hoài sơn 8g, bạch linh 6g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì 6g.

Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, chia 3 lần uống sau bữa ăn khoảng 1 giờ 30 phút. Uống liền 3 tuần lễ. Cũng có thể làm dưới dạng viên hoàn với mật ong, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g. Phương này thích hợp cho những trường hợp cơ thể bị huyết nhiệt, do chứng âm hư hỏa vượng, chứng chảy máu cam, nhiều lần, cơ thể gầy và xanh...

Ngoài việc dùng thuốc YHCT ra, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần bổ sung thêm thường xuyên các loại rau quả tươi, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin C. Trong trường hợp cần thiết nên kết hợp uống thêm vitamin C và hoa hòe sao đen hàng ngày, dưới dạng chè hãm. Vì trong hoa hòe chứa rutin, một chất có hoạt tính vitamin P, có tác dụng làm giảm tính thấm của thành mạch, làm tăng sự bền vững của hồng cầu, làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt. Do đó, nó là thành phần hữu hiệu để đề phòng những biến cố của bệnh xơ vữa động mạch và suy yếu tĩnh mạch,  gây chảy máu cam, ho ra máu và các chứng xuất huyết khác.     

GS. TS. Phạm Xuân Sinh

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chảy máu cam - Không thể chủ quan

Chảy máu cam vốn được xem là một hiện tượng thông thường và chỉ cần ngửa cổ, nằm nghỉ một chút là ổn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, BV Xanh Pôn, cần phải theo dõi khi bị chảy máu cam vì rất có thể, đó là những dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.

Bác sĩ Phúc cho biết, trước đây có một bệnh nhân ở Nghệ An bị chảy máu cam 1 bên mũi nhưng khi thử bịt bên mũi không chảy máu thì thấy rất khó thở. Đi khám mới phát hiện có một khối u ở cuốn mũi. Nhờ phát hiện sớm mà bệnh nhân đã được can thiệp kịp thời.

Thông thường, bị chảy máu cam là do các mao mạch ở cuốn mũi không bền, bị vỡ gây chảy máu. Cũng có thể là do chấn thương nhỏ (lấy tay ngoáy mũi) hoặc chấn thương mạnh va đập trực tiếp vào mũi (tai nạn, ngã...), do viêm đường hô hấp trên, do thời tiết quá khô…

Nếu chảy máu cam do giảm sức bền thành mạch thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, ở lứa tuổi từ 20 trở lên mà bị chảy máu cam, ngoài những nguyên nhân kể trên phải nghĩ đến một số dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm khác.

Hơn nữa, cũng phải căn cứ vào tần số chảy máu, hay bị chảy máu một bên mũi hay hai bên mũi… để xác định tính chất nguy hiểm của bệnh. Nếu thỉnh thoảng mới bị chảy máu cam, chảy đều cả hai bên mũi thì không mấy đáng ngại.

Ngược lại, chỉ bị chảy máu cam ở một bên mũi, kèm theo triệu chứng nhức đầu ở cùng phía với mũi bị chảy máu thì không thể coi thường. Rất có thể dó là dấu hiệu của dị tật trong mũi; do ung thư vòm họng; do các khối u mũi: Polip, ung thư cuốn mũi...; do các bệnh về máu (bệnh bạch cầu, bệnh tiểu cầu); do rối loạn các yếu tố đông máu… rất nguy hiểm.

Khi bị chảy máu cam, cần phải dùng ngón ta ấn chặt vào bên cánh mũi có ra máu trong vòng 10 phút và nghiêng đầu về phía trước. Cũng có thể dùng bông, gạc để cầm máu.

Bình thường, máu cam chỉ chảy một lúc, số lượng không nhiều, còn nếu đã có những tác động mà máu không ngừng chảy, chảy nhiều máu thì tốt nhất gọi cho bác sĩ chuyên khoa thăm khám, xác định nguyên nhân gây chảy máu.

Nhìn chung, khi bị chảy máu lâu, khó cầm máu, chỉ bị ở một bên mũi cố định kèm theo nhức đầu phía bên mũi bị chảy máu, hay chảy máu cam lặp lại… thì người bệnh nên đi khám để xác định rõ nguyên nhân, tránh để lại những biến chứng sau này.

Nếu đã từng bị chảy máu cam, hãy tăng cường bổ sung vitamin C theo đợt cho cơ thể. Ở trẻ nhỏ từ 8 – 9 tuổi, ngày uống từ 2 – 4 viên (1 viên = 1mg) trong vòng từ 6 – 7 ngày, uống nhiều nước. Người lớn trên 20 tuổi, uống bổ sung vitamin C từ 4 – 6 viên/ngày kéo dài từ 8 – 10 ngày (2 tháng uống một đợt). Còn nếu uống hàng tháng chỉ uống kéo dài từ 5 – 6 ngày. Còn uống liều cao 10 viên chỉ nên uống trong 5 ngày.

Hồng Hải

Nguồn: Dân Trí

Chữa chảy máu cam bằng cây nhà lá vườn

Khi bị chảy máu cam, hãy hái ngay một lá xương sông hoặc vài lá bạc hà tươi, vò nát, đút vào lỗ mũi, máu sẽ ngừng chảy ngay.

Sau đây là một số cây lá khác có tác dụng chữa chảy máu cam:

- Lá mã đề: Hái một nắm lá mã đề tươi, rửa sạch, giã nát, thêm chút nước sạch rồi vắt lấy nước cốt uống, sau đó nằm yên trên giường, đầu gối cao, lấy bã đắp trên trán. Uống nước mã đề vài ngày liền sẽ chữa được chứng chảy máu cam vặt.

- Gạo nếp: Gạo nếp một bát ăn cơm, rang vàng, tán mịn, mỗi lần uống 6-7 g với nước đun sôi để nguội. Sau đó dùng một tờ giấy vê thành cái ống nhỏ, chấm vào bột gạo nếp rồi thổi vào lỗ mũi đang chảy máu.

- Lá dâu và cỏ nhọ nồi: Lá dâu bánh tẻ (không già, không non) 16 g, cỏ nhọ nồi 16 g, đổ 3 bát nước sắc còn một bát, để nguội mới uống. Có thể giã nát 2 thứ rồi lấy nước cốt uống.

- Rễ cỏ tranh và lá tre: Rễ cỏ tranh 16 g, lá tre 16 g, thạch cao sống 12 g, đổ 3 bát nước, sắc lấy một bát, uống trong 1 lần, ngày dùng 1-2 lần.

- Rau má và lá trắc bá: Lá trắc bá sao vàng 16 g, rau má 16 g, đổ 3 bát nước, sắc lấy 1 bát, uống trong 1 lần, mỗi ngày uống 1-2 lần. Có thể kết hợp lấy lá dâu non, lá nhọ nồi vò nát, nhét vào lỗ mũi có máu chảy, sau đó dùng khăn ướt đắp lên trán, nằm yên, đầu gối cao.

Lưu ý: Bệnh nhân bị chảy máu nhiều hoặc chảy máu do tăng huyết áp cần đến khám và cấp cứu tại các cơ sở y tế để tránh nguy hiểm do mất máu.

BS Hoàng Xuân Đại, SK&ĐS

Nguồn: ykhoanet.com

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2011

Đề thi vừa sức với học sinh trung bình

Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra. Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh những băn khoăn của thí sinh về kỳ thi, những lưu ý để có thể đạt kết quả thi tốt, TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, cho biết:



Học sinh lớp 12 Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận, TP.HCM nhận giấy báo dự thi tốt nghiệp sáng 28-5 - Ảnh: Như Hùng

TS Trần Văn Nghĩa - Ảnh: V.H.

- Thời điểm này thí sinh không nên ôn tập lan man mà cần rà soát, hệ thống lại phần kiến thức đã ôn tập. Thời gian còn lại, thí sinh có thể tham khảo đề thi của các năm trước.

Về nguyên tắc, đề thi tốt nghiệp THPT các năm đều tương đương nhau về độ khó. Ôn tập theo cách làm đề thi cũ sẽ giúp thí sinh biết lượng sức mình và quan trọng là có kinh nghiệm trong việc phân bố thời gian để làm được nhiều nhất yêu cầu của đề thi trong phạm vi thời gian cho phép.

* Thí sinh cần lưu ý những gì để tránh bị mất điểm và vi phạm quy chế thi, nhất là trong các môn thi trắc nghiệm?

- Bộ GD-ĐT quy định rõ: bài thi chỉ được viết một thứ mực (không viết mực đỏ), chỉ được sử dụng bút chì để vẽ đường tròn, các hình vẽ khác (biểu đồ, đồ thị, đoạn thẳng) phải vẽ bằng bút mực.

Khi làm sai chỉ dùng bút gạch ngang, không dùng bút xóa, không được để lại dấu tích gì khác ngoài phần bài làm và phần điền thông tin thí sinh... Đây là những quy định mà thí sinh cần phải nắm rõ để tránh bị trừ điểm hoặc không được chấm điểm bài thi.

Thí sinh cũng cần nhớ chỉ được mang vào phòng thi bút mực, bút chì, compa, êke, thước đo độ, thước kẻ, tẩy, các loại máy tính cầm tay theo quy định của Bộ GD-ĐT, atlat địa lý (của NXB Giáo Dục và không được đánh dấu hoặc viết thêm nội dung gì). Thí sinh không được mang vào phòng thi bảng tuần hoàn (môn hóa học), không được sử dụng giấy nháp không có chữ ký của hai giám thị và của thí sinh.

Những vật dụng khác không có trong quy định đều không được mang vào phòng thi. Đối với cả môn thi tự luận và trắc nghiệm, khi nhận đề thi thí sinh phải xem xét kỹ đề thi có bị mờ, thiếu nét, thiếu trang không.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý với môn thi trắc nghiệm, ở trang đầu của đề thi ghi rõ số lượng trang của đề thi, mỗi trang đề đều ghi rõ mã đề thi. Nếu thí sinh phát hiện có vấn đề bất thường trong đề thi phải thông báo cho giám thị rõ ràng để kịp thời khắc phục.

Trong môn thi trắc nghiệm, thí sinh phải nhớ ghi đầy đủ và ghi đúng hướng dẫn mã đề, số báo danh (gồm phần ghi số và phần tô vào ô trống) trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Nếu ghi sai mã đề, máy sẽ chấm sai thiệt thòi cho thí sinh. Khi tô vào ô trả lời trắc nghiệm thí sinh không tô hai đáp án, tô chì đậm ở ô đáp án được lựa chọn; nếu tô sai phải tẩy xóa kỹ. Những câu nào làm trái quy định, máy sẽ không chấm điểm câu đó.

Thí sinh khi nộp bài thi phải ký vào danh sách nộp bài và ghi rõ số trang đã nộp. Nếu quên việc này, xảy ra mất bài thi, thí sinh phải chịu trách nhiệm.

* Theo định hướng ra đề có 50% điểm số dành cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức. Như vậy, liệu những học sinh có lực học trung bình, học sinh quen học thuộc lòng thuần túy sẽ gặp khó khăn hơn?

- Đề thi năm nay sẽ có những câu hỏi không chỉ kiểm tra kiến thức thuộc lòng mà đòi hỏi thí sinh phải biết liên kết, chọn lọc các phần kiến thức đã học để trả lời câu hỏi. Tuy nhiên, nhìn chung đề thi tốt nghiệp sẽ được cân nhắc để vừa sức với học sinh trung bình. Học sinh ôn tập kỹ, bám sát kiến thức cơ bản sẽ có thể hoàn thành tốt bài thi.

Đề thi cũng sẽ có những câu hỏi mang tính phân hóa mà thường những học sinh có lực học khá, giỏi mới làm được. Tuy nhiên tỉ lệ câu hỏi này sẽ không nhiều, trong một câu hỏi khó cũng có những câu hỏi phụ vừa sức với học sinh trung bình.

Để đạt kết quả tốt, trong khi làm bài thi thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, biểu điểm từng câu hỏi để nhận định đúng yêu cầu của đề thi, tránh lạc đề, phân bố thời gian hợp lý. Thí sinh không cần thiết làm theo thứ tự câu hỏi mà làm trước những câu hỏi mình chắc chắn, cố gắng làm trọn vẹn từng câu hỏi nhỏ để được tính điểm.

* Đề thi năm nay, đặc biệt là đề văn, sẽ vẫn có những câu hỏi mở. Vì vậy nhiều trường đã quá sa đà vào việc ôn tập cho học sinh theo hướng đề mở. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Để tránh gây thiệt thòi cho thí sinh, barem chấm thi năm nay cũng sẽ chi tiết đến 0,25 điểm. Trong hướng dẫn chung, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các hội đồng chấm thi phải phổ biến kỹ hướng dẫn chấm, trước khi chấm phải tổ chức chấm chung 15 bài và thảo luận để giúp các giám khảo nhất quán thực hiện hướng dẫn chấm.

Tinh thần chung, nếu làm trọn vẹn một ý trong bài (không nhất thiết phải làm hết bài) cũng sẽ được điểm của phần đó. Nếu vận dụng đúng hướng dẫn chấm sẽ đảm bảo tính chính xác, công bằng đối với thí sinh.

Đối với câu hỏi mở (nếu có), ban đề thi sẽ có hướng dẫn cụ thể cách cho điểm khi học sinh trả lời theo các phương án khác nhau. Nhìn vào kết quả chấm thi hai năm qua, nhất là kết quả chấm thẩm định, các câu hỏi mở đã được chấm khá tốt.

TRỊNH VĨNH HÀ thực hiện

Nguồn: tuoitre.vn

Bí quyết làm bài thi môn Toán của "thủ khoa 30 điểm" Tăng Văn Bình

Tăng Văn Bình là thí sinh duy nhất đạt được 30/30 điểm trong kì thi Đại học năm 2010. Bài viết chi tiết về cậu học sinh nghèo vượt khó học giỏi đã được mathvn.com đăng tải ở đây: Tăng Văn Bình - Thủ khoa Đại học 2010 đạt 30/30 điểm. Hiện tại Bình đang là sinh viên năm 1 của ĐH Ngoại thương, Hà Nội.
Bi quyet lam bai thi mon Toan, thu khoa 30 diem tang van binh

Bí quyết làm bài thi môn Toán của "thủ khoa 30 điểm" Tăng Văn Bình

Trước khi bước vào phòng thi, đến sớm và ăn mặc thoải mái, chuẩn bị tâm lí thật vững vàng bằng một hơi hít vào thật sâu: “Mình có thể làm tốt và mình chắc chắn làm sẽ làm hết sức mình, bất kể kết quả ra sao đi nữa”.

Bắt đầu làm bài, đọc thật kĩ đề, ít nhất là 5 phút để xác định dạng bài và phân bổ thời gian hợp lí. Làm bài từ câu dễ đến khó, nên suy nghĩ hướng đi và cách trình bày trước khi viết vào giấy thi. Cá nhân mình nghĩ không nên trình bày ngoài nháp quá chi tiết, vì sẽ mất thời gian và dễ sơ suất khi chép vào giấy thi.

Tính toán thật cẩn thận và tập trung cao độ, kể cả với bài tập đơn giản nhất như vẽ đồ thị hay số phức.

Cố gắng trình bày theo phom chuẩn đáp án của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Có thể tham khảo, phân tích các đáp án đề thi đại học gần đây để làm quen với cách trình bày khoa học và hiểu được những lỗi nào hay mắc phải, có thể trừ mỗi 0,25 điểm nhưng rất ảnh hưởng đến kết quả bài thi. Khi trình bày, gạch đầu dòng thật rõ ràng, dùng từ và lập luận chặt chẽ. Hồi trước khi thi, mình đã đọc rất kĩ các ví dụ ở sách giáo khoa để làm quen với từng câu mà các tác giả biên soạn đã dùng, vì thường họ trình bày rất logic và súc tích.

Đối với câu khó, đặc biệt câu bất đẳng thức hay tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất, không nên quá bận tâm khi mới bắt đầu làm bài. Trình bày xong xuôi, kiểm tra một lần nữa các câu khác, xong lại dành thời gian cho câu này. Tư duy chính vẫn là đặt ẩn phụ, biến đổi đưa về dạng đồng nhất và đối xứng. Và thường, chỉ cần một bước đặt nhẹ nhàng đã có thể ghi thêm cho bạn 0,25 điểm, mặc dù chưa giải xong bài tập đó.

Hy vọng với những kinh nghiệm của "thủ khoa tuyệt đối", các thí sinh khối A, B, D năm 2011 sẽ tự tin hơn khi làm bài thi môn Toán.

Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền của Trung Quốc

Tin tuần từ 30/5 - 6/6

Tin tuần từ 30/5 - 6/6

- (BNG Việt Nam 29/5) Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam

- (Nhân Dân 30/5) Kiên quyết phản đối phía Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

- (Tuổi Trẻ 30/5) Nếu không cương quyết, Trung Quốc sẽ leo thang -Luật gia Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ

- (Thanh Niên 30/5) Trung Quốc cố tình đánh lừa dư luận - Biến khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam thành khu vực tranh chấp, Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận. Đó là thông điệp từ Bộ Ngoại giao Việt Nam; Trung Quốc gây bất ổn trên biển Đông - Nguy cơ bất ổn vẫn chực chờ trên biển Đông do các hành động “phô trương cơ bắp” của Trung Quốc dưới cái lốt “trỗi dậy hòa bình”;Hành động để chấm dứt sự ngang ngược

- (PLTP 30/5) Miệng nói hòa bình không xưng bá - Tay làm phức tạp hóa tình hình; Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Trung Quốc đã tự làm xấu mình

- (VNN 30/5) Hải giám Trung Quốc: Công cụ quấy nhiễu tàu nước ngoài?

- (Petro Times 28/5) VIDEO CLIP: Tàu Trung Quốc ngang ngược vi phạm lãnh hải, cắt cáp địa chấn của Việt Nam

- (BBC 29/5) Hà Nội phản bác lại Trung Quốc

Nguồn: nghiencuubiendong.vn

Cả năm chỉ có 1 đề tài nghiên cứu về giáo dục

Trong 5 năm (2006 - 2010), TP.HCM chỉ có 23 đề tài nghiên cứu ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) được hội đồng khoa học do Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM lập xét duyệt và giám định.

Đáng ngại hơn, số lượng đề tài trong các năm sau giảm mạnh, năm 2010 chỉ có một đề tài được xét duyệt. Số liệu trên đây được đưa ra tại hội thảo kết quả nghiên cứu khoa học lĩnh vực giáo dục - đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 do Sở KH-CN TP.HCM vừa tổ chức.

Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM Phan Minh Tân (trái) chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực GD-ĐT cho đại diện trường Cao đẳng Nghề TP.HCM

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục quá ít so với con số trên 75 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên (trong đó có 42 tiến sỹ, 667 thạc sỹ và nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học).
Cũng tại hội thảo trên, Sở KH-CN TP.HCM đã chuyển giao 15 đề tài nghiên cứu khoa học giai đoạn từ năm 2006 - 2010, cho Sở GD-ĐT TP.HCM.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu đề tài “Xây dựng website định hướng chọn ngành, trường đại học, cao đẳng thi phù hợp với sở thích và năng lực”  và “nghiên cứu thiết kế, chế tạo mô hình nồi hơi công nghiệp phục vụ dạy nghề” cũng đã được chuyển giao cho ĐH Quốc gia TP.HCM và trường Cao đẳng Nghề TP.HCM.
Theo các đơn vị được chuyển giao, kết quả nghiên cứu sẽ được xem xét để áp dụng vào thực tiễn dạy, học và quản lý.

Theo Võ Ánh

Đất Việt

Ngọn sóng biển Đông trong lòng người Việt

Sáng qua 28-5, câu chuyện nóng bỏng bên ly cà phê buổi sáng ở nhiều nơi trên đất nước này với nhiều người không phải là trận chung kết Cúp Champions League “siêu kinh điển” giữa hai đội Barca-Manchester United diễn ra rạng sáng nay dù bóng đá có là niềm đam mê kỳ diệu với người Việt và gần như ai cũng là tín đồ của “tôn giáo bóng đá”.

Xem thêm Có thể kiện ra tòa án quốc tế về Luật biển



Không gì nóng bằng những thông tin trên hàng trăm trang báo mạng và báo in về sự kiện ba chiếc tàu hải giám của Trung Quốc đã táo tợn xâm nhập lãnh hải, vi phạm chủ quyền đất nước, phá hoại tài sản của con tàu thăm dò địa chấn Bình Minh  02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Câu chuyện mỗi ngày trên biển Đông vẫn luôn nóng bỏng ngay cả giữa những ngày thời tiết biển đang bão bùng mưa rét.

Từ trưa 26-5, khi sự kiện này chỉ vừa được biết đến trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã đưa thông tin này lên, cho đến cuộc họp báo sáng 27-5 của PVN tại Hà Nội thì tất cả đã rõ ràng: không còn nghi ngờ gì nữa về những hành động của những con tàu Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Không còn là những hành động bắt bớ ngư dân đòi tiền chuộc hay lén lút xâm nhập ngư trường Việt Nam khai thác đánh bắt thủy hải sản. Lần này những con tàu của Trung Quốc đã bị gọi đích danh chức năng và số hiệu. Và hành động xâm nhập, cản trở, phá hoại kia cũng được gọi chính xác là “táo tợn”, “ngang ngược”. Chúng ta cũng đòi hỏi Trung Quốc phải đền bù các thiệt hại mà họ đã gây ra đối với tàu Bình Minh 02.

Nhưng những phản ứng của nhân dân Việt Nam, những người đang sống trong nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài về hành động ngang ngược của những con tàu Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam những ngày qua đang làm bùng cháy ngọn lửa yêu nước trong trái tim mỗi người, cho thấy một chân lý về tinh thần của người Việt Nam.

Chủ quyền Tổ quốc, trong tâm thức người Việt, luôn luôn lớn hơn sinh mạng chính mình. Và chính vì thế, cho dù biển Đông thân yêu của chúng ta hôm nay đang đối đầu với bao âm mưu thôn tính, rình rập nhưng chắc chắn không một ai có thể khuất phục được tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

LÊ ĐỨC DỤC

Nguồn: tuoitre.vn

17 đề luyện thi ĐH cấp tốc 2011 môn Toán khối A, B, D (lời giải chi tiết)

Trong bài viết này, mathvn.com xin giới thiệu đến bạn đọc bộ 17 đề luyện thi ĐH cấp tốc 2011 môn Toán khối A, B, D với lời giải chi tiết. Bộ đề được soạn thảo bởi bạn Văn Phú Quốc, sinh viên khoa Toán Sư phạm, ĐH Quảng Nam. Mặc dù không có phần chung, phần riêng như trong cấu trúc đề thi đh nhưng đây là bộ đề hay với những câu hỏi mới (như đề số 1, có sự lồng ghép lượng giác vào câu khảo sát hàm số).
De luyen thi dh cap toc 2011 mon toan khoi a, b, d
Tải bộ đề luyen thi dh cap toc 2011 tại đây: Download

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Tài liệu ôn thi Olympic Toán sinh viên phần Giải tích

Tài liệu ôn thi Olympic Toán sinh viên phần Giải tích, gồm 76 bài tập có lời giải xoay quanh 3 vấn đề: Liên tục, Khả vi, Khả tích. Biên soạn bởi bạn Văn Phú Quốc, sinh viên khoa Toán khóa 07, ĐH Quảng Nam. Tác giả gửi đăng trên mathvn.com.
On thi olympic toan sinh vien, giai tich
Tải file PDF ở đây: On thi Olympic Toan Sinh vien phan Giai tich.

Xem thêm: Tài liệu ôn thi Olympic Toán sinh viên của ĐHSP Huế / Bộ đề thi Olympic sinh viên Việt Nam và thế giới.

Dạy thụ động, HS làm sao sáng tạo?

"Trong gia đình, người lớn áp đặt trẻ con. Ngoài xã hội, cấp trên áp đặt cấp dưới, không thích cấp dưới cãi mình. Cái đó đã tạo thành một sức ì của cả xã hội và trong nhà trường của chúng ta".

Đó là trao đổi của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. 

Cả xã hội chạy đua

 

Ông suy nghĩ thế nào về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?

 

Hiện nay, đang có tình trạng ganh đua của phụ huynh rất ghê gớm buộc các cháu phải học quá nhiều. Học chính khóa, bán trú không đủ còn học thêm rất tràn lan. Ở đây, có tác động xấu của cơ chế thì trường vào trong trường học. Các thầy các cô kêu lương thấp, muốn có thu nhập cao hơn. Nhưng lương các thầy cô bậc tiểu học là 2 - 3 triệu đồng, chưa kể thu nhập khác ở trường, thì mức lương đó cũng không phải là thấp so với mức chung của xã hội. Bây giờ dường như trong cuộc sống mới ai cũng chạy đua với nhau.

Nhưng tôi nghĩ nếu chỉ là chạy đua hay đua tranh nhau thì ít nhiều nó cũng có ý nghĩa tích cực. Nhưng đằng này lại là nạn "chạy điểm", "chạy chỗ", "chạy trường"!.

Chuyện này do nhiều nguyên nhân nhưng không phải chỉ do ngành giáo dục. Bởi khi đời sống khá hơn, bố mẹ có điều kiện quan tâm đến con nhiều hơn.

 

Vậy ông có thấy nền giáo dục đang có quá nhiều bức xúc: Đầu năm học là nạn chạy trường, chạy lớp, đóng góp quá nhiều; Cuối năm là chuyện thi cử...?

Thực ra ngành giáo dục cũng không đến mức tệ như thế đâu. Nhưng phải nói những năm qua ngành này như là một chỗ để xả, để xì hơi của những những bức xúc. Bây giờ có tâm lý học xong cứ có tiền là được bố trí công tác, người học giỏi lại rất khó xin việc. Tâm lý đó làm hỏng cả một nền giáo dục và đó cũng là cái khổ của ngành giáo dục.

Tôi được biết, có địa phương, để được về dạy tại một trường cấp huyện thôi anh phải bỏ ra tám chục triệu. Hay ở một thành phố miền Trung chẳng phải ghê gớm gì cũng phải mất một trăm, trăm rưỡi mới vào được. Chuyện này đều là thực tế và nguy hiểm hơn, nó tạo ra tiêu cực. Bởi những thầy cô giáo bỏ ra mấy chục triệu hay cả trăm triệu đồng để về dạy ở thành phố anh sẽ phải tìm cách "bóp", "nặn" học sinh, phụ huynh để bù lại khoản đã "đầu tư".
 
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Chậm đổi mới

Việc tạo kỹ năng cho các em chưa tốt có một phần lỗi rất lớn ở phía các thầy cô. Vừa qua, có cô giáo tiếng Anh còn mắng chửi học sinh khi học sinh này góp ý về cách phát âm của cô?

Đúng thế, ngay trong chương trình đại học, nhiều thầy nói tiếng Anh sai bét. Nhưng nguyên nhân của tất cả những vấn đề đó ở đâu? Tôi cho rằng, có nguyên nhân đó là do đổi mới chậm. Chính thầy cô vẫn phải tuyệt đối trung thành với giáo trình, phải theo đúng chương trình sách giáo khoa. Thầy vẫn đóng vai giảng bài cho học sinh, không thoát được ra khỏi giáo án, thì sao học sinh có thể sáng tạo.

Theo dõi tất các cấp học, tôi thấy càng lên cấp cao đổi mới càng mờ nhạt. Giáo viên dạy văn ở phổ thông hiện nay dạy chẳng khác gì mấy chục năm trước. May ra thì có  thêm vài cái máy chiếu, có thêm hình ảnh thôi, nhưng cái đó không phải là bản chất của đổi mới.

Nhưng rõ ràng tôi thấy ngành giáo dục của ta kêu gào "thảm thiết" nhiều năm nay rằng: phải đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm?


Sức ì quá lớn của một đội ngũ quá lớn. Tôi vẫn nói, dạy theo kiểu thầy chủ động trò thụ động thì  dễ hơn. Còn nếu trò chủ động, thầy thụ động thì khó hơn. Ở đại học có thầy cô nào dám để cho trò chủ động đâu. Nếu để trò chủ động, trên mạng có chuyện gì đó trò đọc được đưa ra hỏi mà thầy không biết là thầy chịu "chết".

Bản thân Bộ GD-ĐT khi đặt ra yêu cầu đổi mới thì nhiều khi cũng lúng túng, chưa biết đổi mới là đổi mới ở khâu nào, đổi mới thế nào. Mở  sách giáo viên ra sẽ thấy là chúng ta chưa hướng dẫn được gì nhiều để đổi mới, mà  chỉ mới là hướng dẫn nội dung, cách đặt câu hỏi để học sinh trả lời theo hướng này hay hướng kia. Hỏi đáp chưa phải là đổi mới, hỏi đáp thì từ thời tôi đi học đã có rồi. Hơn nữa hỏi đáp và hướng dẫn học sinh phải trả lời theo hướng này, hướng kia chính là một thứ áp đặt.

Chính các cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn các thầy cô đổi mới cũng đang băn khoăn, chưa biết đổi mới thế nào. Mới chỉ là hô hào đổi mới chung chung chứ chưa đưa ra được những cái cụ thể.  

Làm dự án giáo dục

 

Dư luận cho rằng, bây giờ những người làm giáo dục không còn tâm huyết như trước. Sách giáo khoa thì năm nào cũng phải thay đổi, nhưng vẫn có nhiều sai sót, rồi có những người chuyên làm dự án về giáo dục?

Thực ra thì nói như vậy cũng chưa đúng. Bởi khi có biến đổi về  mặt xã hội thì phải chỉnh lý sách giáo khoa, như chỗ này ngày xưa là Hà Tây giờ là Hà Nội thì phải thay đổi chứ. Hay những sai sót phụ huynh, dư luận phát hiện thì phải điều chỉnh. Tôi nghĩ sách giáo khoa thì không đến mức là làm tiền học sinh đâu vì giá rẻ lắm.

 

Có thể thấy rất rõ, kỹ năng thực hành của học sinh cả phổ thông lẫn đại học còn yếu. Các em học giỏi toán nhưng bảo đo diện tích cái bàn chưa chắc đã làm được, vì không có kỹ năng khái quát hóa để tính. Hay nhiều em học xong không viết nổi một cái đơn. Đấy là do kỹ năng thực tế, thực hành yếu. Có rất nhiều kỹ năng sống các em đã không được dạy, hoặc dạy không đến nơi đến chốn.

Còn câu chuyện về dự  án giáo dục thì có đấy. Đó là đưa vào học đường các dự án về phòng chống HIV, về giao thông, kỹ năng sống... Những dự án này làm chương trình nặng lên. Nhưng muốn gì cũng phải có thời gian cho học sinh thở chứ. Bây giờ xã hội có quá nhiều đơn đặt hàng với ngành giáo dục. Tôi cũng có lần nói: sao các vị nhồi nhét học sinh nhiều thế, thì họ nói đấy là dự án. Mà dự án thì có tài trợ. 

Xã hội hóa giáo dục thời gian qua đã đem lại một số kết quả đáng khích lệ, bản thân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ở nước ta có một nghịch lý, cái đáng xã hội hóa nhanh nhất là kinh tế - tức là sản xuất thì lại rất chậm. Chúng ta đã vào WTO rồi nhưng vẫn ôm ấp, nâng đỡ các tập đoàn sử dụng vốn Nhà nước, bất chấp cả lỗ lãi và nguyên tắc cạnh tranh. Những lĩnh vực Nhà nước phải chịu trách nhiệm bao cấp là chính như giáo dục, văn hóa, y tế... thì mình lại chưa được quan tâm đúng mức. Giáo dục mà làm theo kiểu buông cho thị trường sẽ sinh ra những trường kém chất lượng.

Tất nhiên, chúng ta không ngăn cản người dân bỏ tiền mở mang giáo dục, nhưng không nên buông hẳn ra. Phải đầu tư trường công thật tốt. Ngay Hà Nội có 6 phường ở khu vực phố cổ không có trường tiểu học, có trường mấy chục năm phải học nhờ trong đình làng... Bởi hình như tất cả những địa điểm đẹp nhất của thành phố là nhà hàng khách sạn, những chỗ thu được nhiều tiền...

Vâng. Đúng là như vậy nhưng như ông đã nói ở trên thì để thay đổi được điều đó còn rất khó. Xin cảm ơn ông đã trò chuyện.

Theo Bảo Ngân

Khoa học & Đời sống online

Tàu Trung Quốc táo tợn xâm phạm lãnh hải Việt Nam

Ngày 27-5, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết sáng 26-5, một tốp tàu hải giám của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, xâm nhập, cản trở và gây thiệt hại đối với tàu Bình Minh 02 của PVN đang hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực thềm lục địa Việt Nam.

1/ Tàu hải giám số 84 của Trung Quốc -Ảnh: TTXVN
2/ Phó tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trình bày chứng cứ việc tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02
3/Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)

Theo PVN, thực hiện kế hoạch thăm dò năm 2011 của PVN, tàu Bình Minh 02 của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (thuộc PVN) đã khảo sát tại khu vực lô 125, 126, 148, 149 thuộc thềm lục địa miền Trung. Việc khảo sát này được Bình Minh 02 tiến hành hai đợt, đợt một vào năm 2010 và đợt hai từ ngày 17-3. Theo PVN, việc khảo sát diễn ra bình thường và Bình Minh 02 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, nhưng đến sáng 26-5 nhóm tàu Trung Quốc đã đến ngăn cản và gây thiệt hại.

3 tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập trái phép

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại

Ngày 27-5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đại diện của bộ đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối việc tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận lúc 5g58 ngày 26-5, trong khi tàu Bình Minh 02 của PVN đang tiến hành khảo sát tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã bị ba tàu hải giám số 12, 17 và 84 của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tọa độ bị cắt cáp ở vị trí 12O48’25” Bắc và 111O26’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm cho phía Trung Quốc, yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.

Nội dung công hàm cũng nêu rõ hành động nói trên của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình, vi phạm công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc về việc không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.

H.Giang

Vụ việc diễn ra sáng sớm 26-5. Khoảng 5g05, rađa trên tàu Bình Minh 02 phát hiện tàu lạ di chuyển với tốc độ rất nhanh để tiếp cận mà không hề ra tín hiệu cảnh báo. Chỉ sau 5 phút, hai tàu nữa cùng xuất hiện hỗ trợ. Khi tàu lạ đến gần, tàu Bình Minh 02 phát hiện đó là tàu hải giám của Trung Quốc. Tàu Bình Minh 02 đã chủ động hạ thấp thiết bị thăm dò trước tốc độ di chuyển của các tàu Trung Quốc để tránh thiệt hại nhưng không vì thế mà các tàu hải giám dừng lại.

Khoảng 50 phút sau, đến 5g58, các tàu hải giám Trung Quốc đã chủ động chạy thẳng đến gần tàu Bình Minh 02, tiếp cận khu vực thả dây cáp và có hành động cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục uy hiếp tàu thăm dò của Việt Nam và ra thông báo tàu Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-5, ông Đỗ Văn Hậu, phó tổng giám đốc PVN, xác nhận thông tin ba tàu hải giám của Trung Quốc cản trở tàu Bình Minh 02 và cho biết khu vực tàu Trung Quốc ngăn cản trái phép tàu Bình Minh 02 ở ngoài khơi tỉnh Khánh Hòa, điểm gần nhất cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) chỉ 116 hải lý.

Vị trí tàu Bình Minh 02 khi bị quấy rối là ở tọa độ 12O48’25’’ Bắc, 111O26’48’’ Đông. Ông Hậu khẳng định tất cả các lô mà tàu Bình Minh 02 thăm dò dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Sau khi tàu Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền Trung Quốc, ông Hậu cho biết tàu Bình Minh 02 đã cương quyết bác bỏ luận điệu này. Song khi Bình Minh 02 tiếp tục công việc của mình đã bị ba tàu Trung Quốc cản trở.

Đến tận 9g ngày 26-5, ba tàu Trung Quốc mới chịu rút khỏi khu vực chủ quyền Việt Nam. Các tàu bảo vệ và tàu Bình Minh 02 đã phải dừng việc khảo sát trong ngày 26-5 thu lại các thiết bị hỏng để sửa chữa. Theo ông Đỗ Văn Hậu, PVN và Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí đã chỉ đạo tàu Bình Minh 02 sửa thiết bị tại chỗ chứ không rút về và tới 6g ngày 27-5, tàu này đã hoạt động trở lại bình thường.

Theo ông Hậu, mức độ thiệt hại mà tàu hải giám Trung Quốc gây ra cho PVN là lớn. Hơn nữa, việc tàu hải giám của Trung Quốc vào rất sâu lãnh hải Việt Nam để phá hoại thiết bị, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của PVN là hành động hết sức ngang ngược và táo tợn, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

PVN đã báo cáo và đề nghị Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhất có thể đối với phía Trung Quốc.

PVN cũng khẳng định công việc khảo sát địa chấn tại khu vực vừa xảy ra hoạt động phá hoại của ba tàu Trung Quốc sẽ vẫn được tiến hành bình thường vì đây là khu vực hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam. PVN sẽ có biện pháp phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo hoạt động cho tàu Bình Minh 02 được hiệu quả, an toàn.

Thực tiễn và pháp lý đều chứng minh chủ quyền Việt Nam

Theo cuốn Những điều cần biết về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thềm lục địa phía Nam của Cục Chính trị Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam, chiếu theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 thì Việt Nam có diện tích biển trên 1 triệu km2, chiếm 30% diện tích biển Đông (cả biển Đông có diện tích gần 3,5 triệu km2).

Theo quy định xác định và bảo vệ chủ quyền, biển Việt Nam có các vùng: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Mũi Đại Lãnh và 10 đảo ven bờ như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Nhạn (Kiên Giang), Hòn Đá Lẻ (Cà Mau), Cồn Cỏ (Quảng Trị) được Việt Nam lấy làm điểm mốc để lập đường cơ sở ven bờ lục địa.

Bên trong đường cơ sở này là vùng nội thủy, được coi như lãnh thổ trên đất liền của Việt Nam, đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối. Từ đường cơ sở ra ngoài 12 hải lý là vùng lãnh hải của Việt Nam, Việt Nam cũng được thực hiện chủ quyền đầy đủ, toàn vẹn với vùng trời, đáy biển và lòng đất khu vực này.

Tiếp sau vùng lãnh hải ra ngoài 12 hải lý là vùng tiếp giáp lãnh hải. Từ vùng này trở vào, Chính phủ Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh, quyền lợi về hải quan, thuế, đảm bảo sự tôn trọng về y tế, di cư, nhập cư.

Theo Bộ tư lệnh hải quân, vùng đặc quyền kinh tế tiếp liền sau vùng tiếp giáp lãnh hải và tính từ đường cơ sở ra 200 hải lý. Như vậy, tàu Trung Quốc xâm nhập vào khu vực cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) chỉ 116 hải lý là đã vào tận khu vực giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, Bộ tư lệnh hải quân cho rằng Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, đáy biển và trong lòng đất, đáy biển ở vùng đặc quyền kinh tế.

Việc Trung Quốc cho rằng tàu Bình Minh 02 vi phạm chủ quyền tại khu vực biển phía Đông tỉnh Khánh Hòa, cách rất xa Trung Quốc, là hoàn toàn phi lý và ngang ngược.

CẦM VĂN KÌNH

Nhật ký tàu Bình Minh 02 (trích)

Tàu địa chấn 2D được hoán cải từ tàu cá

mang tên Pavlovsk hệ Atlantic 333. Tàu có kết cấu tốt, được trang bị vỏ cứng và dày, tuổi thọ cao, bảo đảm hoạt động dài ngày với mọi điều kiện thời tiết trên tất cả các vùng biển, kể cả điều kiện băng giá. Tàu được thay máy chính

năm 2003 và đại tu tháng 2-2006. Tàu dài 62,26m, rộng 13,82m.

Toàn bộ các thiết bị địa chấn của tàu được trang bị mới 100% từ các hãng nổi tiếng trên thế giới như Sercel (Pháp), Seamap (Mỹ), Quest (Anh)... với công nghệ và cấu hình chuẩn hiện nay.

Ngày 19-3-2009, tàu địa chấn 2D đã được nhà thầu Nordic Maritime bàn giao cho Tổng công ty Khai thác dầu khí sau khi chạy thử thành công và được chính thức mang tên Bình Minh 02.

...5g05 ngày 26-5: phát hiện một tàu không có tên trên rađa - có thể là tàu hải quân của Trung Quốc - đang tiến về khu vực khảo sát, thuyền trưởng đã cố gắng liên lạc liên tục với tàu này nhưng không nhận được trả lời nào.

5g10: phát hiện thêm hai tàu, không có tên hiển thị trên rađa - đang tăng tốc hướng về phía khu vực khảo sát.

5g20: ba tàu không mang tên trên rađa, không nhận trả lời tàu Bình Minh 02 vẫn tăng tốc độ tiến về phía tàu khảo sát Bình Minh 02.

5g27: streamer (dây cáp thu tín hiệu địa chấn) được điều khiển chìm sâu xuống 30m để tránh ảnh hưởng khi tàu Trung Quốc đi qua.

5g58: tàu Trung Quốc mang phiên hiệu  China Marine Surveylang đã cắt đứt streamer tại vị trí Bird (thiết bị giữ cân bằng cáp địa chấn) số 06, khoảng 1/3 cáp địa chấn.

6g02: tàu bảo vệ Đông Nam 02 được điều động tăng tốc hết máy về phía phao đuôi để bảo vệ phao đuôi. Cố gắng giữ liên kết với phao đuôi tránh tuột mất đoạn streamer bị cắt đứt (khoảng > 2/3 chiều dài cáp địa chấn = 6km).

6g05: nhận được chỉ đạo của ban giám đốc cố gắng theo giữ đoạn streamer bị đứt, nhanh chóng thu đoạn cáp còn lại lên tàu. Đoạn streamer bị đứt sẽ được hai tàu bảo vệ neo và kéo khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc. Lúc này ba tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục bao vây tàu Bình Minh 02 mặc dù thuyền trưởng liên lạc liên tục với ba tàu này nhưng vẫn không nhận được câu trả lời. Vị trí tàu Bình Minh 02 lúc 6g10 ngày 26-5 là: 12O45.98 N, 111O27.608 E.

6g45: tàu Trung Quốc liên lạc lại với tàu Bình Minh 02. Thông báo tàu mình đã vi phạm chủ quyền khảo sát trên lãnh hải Trung Quốc. Yêu cầu tàu Bình Minh 02 lập tức rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng trả lời khẳng định đây là khu vực thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam, nhưng vẫn không nhận được câu trả lời hợp tác từ ba tàu Trung Quốc.

Tàu Trung Quốc vẫn thông báo tàu Bình Minh 02 phải rời khỏi khu vực này. Thuyền trưởng vẫn khẳng định lại tàu Bình Minh 02 hoạt động trên lãnh hải Việt Nam và bị tàu Trung Quốc cắt đứt thiết bị khảo sát lúc 5g58 ngày 26-5. Tàu Bình Minh 02 phải thu lại thiết bị khảo sát đã bị cắt đứt. Tàu Trung Quốc không có câu trả lời lại.

7g00: ban giám đốc chỉ đạo cố gắng dùng tàu bảo vệ kéo đoạn streamer bị đứt rời khỏi khu vực có ba tàu Trung Quốc, đảm bảo an toàn cho nhân sự làm việc trên tàu Bình Minh 02 và ba tàu bảo vệ. Đồng thời đảm bảo cho streamer không bị chìm sâu thêm và trôi dạt nhiều.

9g15: tàu không thể mạo hiểm quay lại tiếp tục cuộc khảo sát vì ba tàu Trung Quốc vẫn tuần tiễu quanh khu vực đó, sẵn sàng cắt streamer hoặc có biện pháp mạnh hơn...

Chứng cứ đoạn cáp của tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc phá hoại cắt đứt - Ảnh: TTXVN

Tổng đội hải giám Trung Quốc

Đội tàu hải giám của Trung Quốc, trong đó có chiếc tàu số hiệu 84 đã vi phạm lãnh hải Việt Nam sáng 26-5-2011 - Ảnh: lu Han Xin, Xinhua

Ngày 5-5-2011, Trung Quốc chính thức thành lập chi đội Tây Nam Trung Sa trực thuộc Tổng đội hải giám Nam Hải để đưa vào tuần tra trên biển Đông.

Tính đến nay, tổng đội hải giám Nam Hải (đơn vị có nhiệm vụ tuần sát biển của Trung Quốc) có 3 chi đội và 10 đại đội.

Ông Lý Lập Tân - giám đốc Sở hải dương Nam Hải - cho biết Tổng đội hải giám Nam Hải Trung Quốc hiện có 13 tàu tuần tra và ba trực thăng. Trong đó có chiếc hải giám 84 vừa được hạ thủy ngày 8-5, sau đó đưa ngay vào đội tàu tuần tra của nước này trên khu vực biển Đông.

MỸ LOAN (Theo THX)

Tàu đánh cá Trung Quốc tràn sang vùng biển Việt Nam

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry điện đàm với ngư dân đánh bắt xa bờ tối 27-5 - Ảnh: Duy Thanh

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết sáng 27-5, sau khi nhận được điện từ Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng thông báo việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh thông báo cho tất cả tàu thuyền Phú Yên đang hoạt động trên biển nắm tình hình trên, nếu phát hiện diễn biến mới liên quan thì báo ngay cho bộ đội biên phòng qua hệ thống liên lạc trên biển.

19g tối 27-5, tại trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng (thuộc đồn biên phòng 352 Bộ đội biên phòng Phú Yên), thượng úy Nguyễn Ngọc Ry - đội phó đội kiểm soát hành chính của trạm - mở máy bộ đàm để tiếp nhận thông tin từ các ngư dân Phú Yên đang đánh bắt trên biển. Qua điện đàm, ông Trần Văn Hùng (37 tuổi, ở P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), thuyền trưởng tàu câu cá ngừ PY92618TS, cho biết tàu của ông đang đánh bắt ở vị trí thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam, nhưng xung quanh tàu ông có gần 30 chiếc tàu làm nghề chụp mực của ngư dân Trung Quốc.

“Tàu tôi đánh bắt ở khu vực này khoảng bốn ngày nay, ngày nào cũng gặp rắc rối với các tàu chụp mực của Trung Quốc. Khoảng 10g tối là mình kéo câu, nhưng đề nghị họ kéo dàn neo để tàu mình qua thì họ không chịu. Mỗi khi tàu mình chạy đến gần là họ xông ra dùng dao rựa, mã tấu hăm dọa, đòi đánh, chém. Có khi họ gọi vài chục chiếc khác đến uy hiếp tàu mình. Hành động của họ thật ngang ngược. Chúng tôi thật sự gặp khó khăn khi đánh bắt ngay trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước mình” - ông Hùng nói qua bộ đàm.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Trung, 26 tuổi, cũng ở P.6, TP Tuy Hòa, đang điều khiển tàu PY2836TS đánh bắt gần vùng biển tàu ông Hùng, cho biết: “Ở vùng biển từ 9-17 độ vĩ Bắc, 111-115 độ kinh Đông hiện nay dày đặc tàu của ngư dân Trung Quốc hành nghề, có ngày lên đến vài trăm chiếc. Ban đêm họ chong dàn đèn sáng đến 15 hải lý, chụp sạch mực một vùng rộng lớn, làm ngư dân chúng tôi không còn mực để câu, thiếu thứ làm mồi để câu cá ngừ đại dương. Do vậy, sản lượng đánh bắt của anh em chúng tôi gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Chúng tôi mong cấp trên đấu tranh để bảo vệ chủ quyền vùng biển, bảo vệ ngư dân Việt Nam làm ăn trên biển”.

Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry cho hay qua điện đàm với các ngư dân, bộ đội biên phòng cũng đã báo cáo lên cấp trên phản đối việc tàu cá Trung Quốc liên tục xâm nhập vùng biển Việt Nam. “Chúng tôi thật sự lo lắng và xót xa cho ngư dân của mình. Do vậy, ngư trường của bà con bây giờ hẹp dần, việc đánh bắt hết sức khó khăn” - thượng úy Ry nói. Ngư dân cho hay thời gian gần đây, Trung Quốc đưa khoảng 20 tàu hải quân thường xuyên kiểm soát gần vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, ngăn chặn không cho ngư dân Việt Nam hành nghề.

DUY THANH

Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982

Việc Trung Quốc cản trở hoạt động của tàu Bình Minh 02 là vi phạm nghiêm trọng công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Hồi 5g58 sáng ngày 26-5-2011, tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khi đang thăm dò địa chấn tại lô 148 trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam bị 3 tàu hải giám của Trung Quốc lao vào cắt cáp (7km cáp bị cắt), làm hỏng một số thiết bị của tàu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến kế hoạch công tác của Tập Đoàn dầu khí Việt Nam tại khu vực này.

Lô 148 hoàn toàn nằm trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Vị trí cáp thăm dò bị phía Trung Quốc cắt chỉ cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên khoảng 120 hải lý, tức là còn 80 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý. Khác với tình hình trong Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan, ở khu vực miền Trung vào phía Nam, trong đó có lô 148, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn không chồng lấn với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc.

Xin lưu ý là địa điểm tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp ngày 26-5-2011 cách bờ biển đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 340 hải lý. Do đó, việc Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí Việt Nam vào sáng ngày 26-5-2011 đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền  của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình. Là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 nhưng hành động này của Trung Quốc lại hoàn toàn trái với nghĩa vụ của mình theo Công ước này.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc đã quy định rõ phạm vi, quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như vùng biển quốc tế. Theo Điều 76 của Công ước, thềm lục địa của quốc gia ven biển có chiều rộng tối thiểu 200 hải lý (mỗi hải lý bằng 1852m). Chiều rộng này được bảo đảm tuyệt đối kể cả khi ở trên thực tế rìa ngoài của thềm lục địa của quốc gia ven biển hẹp hơn 200 hải lý.

Còn nếu rìa ngoài của thềm lục địa thực tế của quốc gia ven biển rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia đó có quyền mở rộng phạm vi thềm lục địa đến 350 hải lý theo đúng các quy định của Công ước (cụ thể là các quốc gia liên quan phải gửi Báo cáo quốc gia đến Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên hợp quốc để Ủy ban này xem xét và ra khuyến nghị).

Về quy chế pháp lý của thềm lục địa, Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa của mình. Họ có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở trong thềm lục địa của mình. Các tài nguyên thiên nhiên này bao gồm tài nguyên khoáng sản và tài nguyên phi sinh vật khác ở đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Các quốc gia ven biển cũng có quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình ở thềm lục địa của mình. Cách thức thực hiện quyền chủ quyền này hoàn toàn do các quốc gia ven biển quyết định. Có khi các quốc gia này tự mình tiến hành thăm dò và khai thác tài nguyên ở thềm lục địa. Có khi các quốc gia ven biển cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài thăm dò và khai thác.

Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc là một điều ước quốc tế nên một khi đã tham gia Công ước này, các quốc gia ven biển phải chấp nhận sự ràng buộc của Công ước. Điều này có nghĩa là đồng thời với việc hưởng các quyền chủ quyền đôí với thềm lục địa của mình, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ quyền của các quốc gia thành viên khác đối với thềm lục địa của họ. Quyền và nghĩa vụ phải song hành với nhau. Không thể chỉ hưởng thụ các quyền mà bỏ qua nghĩa vụ tương ứng. Đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống.

Yêu cầu thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế không phải là ngoại lệ của Công ước Luật Biển năm 1982 mà chính là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế hiện đại. Đó là nguyên tắc "pacta sun servanda" đã được pháp điển hóa trong Công ước năm 1969 của Liên hợp quốc về Luật Điều ước quốc tế giữa các quốc gia. Yêu cầu này cũng chính là một nghĩa vụ của 192 thành viên Liên hợp quốc theo Hiến chương của tổ chức này.

Căn cứ vào các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý của mình. Đoạn 4 trong Tuyên bố ngày 12-5-1977 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã tái khẳng định điều này.

Thực hiện quyền chủ quyền theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, từ những năm 80 của thế kỷ XX Nhà nước Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của mình. Hiện nay, hàng chục công ty dầu khí từ nhiều nước khác nhau trên thế giới (Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Canada, Úc, Singapore v.v…) đang hợp tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam để thăm dò, khai thác tại các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam. Việc làm này của Việt Nam là hết sức bình thường. Các quốc gia khác ven Biển Đông như Trung Quốc, Phillippines, Indonesia, Brunei, Campuchia, Thái Lan, Malaysia cũng đang thăm dò, khai thác thềm lục địa của mình.

Năm 2002, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã long trọng ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (gọi tắt là DOC). Việc Trung Quốc cho tàu vũ trang cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02, phá hoại hoạt động kinh tế bình thường của Việt Nam ngay trong thềm lục địa Việt Nam cũng đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố này.

Theo DOC, ASEAN và Trung Quốc đã cam kết không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, không sử dụng vũ lực. Trong nhiều Tuyên bố chung giữa ASEAN và Trung Quốc, Lãnh đạo cao cấp của ASEAN và Trung Quốc đều tái khẳng định tuân thủ tăng cường nỗ lực để thực hiện toàn diện DOC, tiến tới xây dựng một văn kiện pháp lý cao hơn là Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct, viết tắt là COC).

Tóm lại, xét từ góc độ pháp lý quốc tế, đến góc độ chính trị cũng như góc độ quan hệ láng giềng thân thiện, việc tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 ngày 26-5-2011 hoàn toàn không thể biện minh được. Điều rõ ràng là, dù vì bất kỳ lý do gì và với bất kỳ động cơ gì, thì việc làm nói trên của Trung Quốc cũng hoàn toàn không có lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, không phù hợp với nỗ lực thúc đẩy thực hiện toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, và cũng không có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

NGUYỄN HOA CHƯƠNG

Nguồn: tuoitre.vn

Bài đăng phổ biến