Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Hội Thảo “Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc”

Hội thảo vừa diễn ra ở Hà Nội ngày 10-5 do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), NXB Chính Trị Quốc Gia và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch phối hợp tổ chức.



Giảng viên Trần Bách Hiếu (Đại học KHXH&NV): “Tôi muốn nghiên cứu tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được áp dụng vào cuộc sống như thế nào” - Ảnh: Hà Hương

“Làm rõ hơn nữa hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc và nội dung cách mạng, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc theo con đường vô sản. Trên cơ sở đó rút ra những bài học, gợi mở những vấn đề thực tiễn nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng theo con đường mà Hồ Chí Minh đã vạch ra phù hợp với bối cảnh đất nước và thời đại hôm nay” là mục tiêu chung của các báo cáo khoa học tại hội thảo.

77 báo cáo đã được công bố với sự hiện diện của gần 300 nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hồ Chí Minh và lịch sử, tư tưởng, xã hội học VN cận - hiện đại. Các nghiên cứu: Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân (Lê Hoàng Lê), Vấn đề các mặt đối lập trong tư tưởng biện chứng Hồ Chí Minh (GS Trần Nhâm), Nguyễn Ái Quốc và các tổ chức chính trị trên hành trình tìm đường cứu nước 1911-1930 (ThS Trương Thị Bích Hạnh), Đồng chí Nguyễn Ái Quốc có dự Hội nghị trung ương tháng 10-1930 không (TS Chu Đức Tính), Tìm hiểu thêm về thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Mỹ, Anh 1912-1917 (TS Nguyễn Thị Tình), Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước hay tìm một mô hình nhà nước kiểu mới (TS Ngô Đăng Tri)... đã gợi mở nhiều tranh luận thú vị tại hội thảo.

Theo GS Đinh Xuân Lâm - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, “những công bố mới này một lần nữa khẳng định bản lĩnh, nhân cách và vị trí của Nguyễn Ái Quốc trong tình hình khó khăn của cách mạng VN, trong quan hệ phức tạp giữa Nguyễn Ái Quốc và các học trò”.

GS Lâm bày tỏ mong muốn “các cơ quan nghiên cứu về lịch sử Đảng và về Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức các hội thảo tương tự, với tinh thần khách quan, khoa học để làm sáng tỏ những vấn đề tồn tại trong quá trình nghiên cứu về sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chí Minh”.

Giảng viên Trần Bách Hiếu (Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nghiên cứu về Bác, tác phẩm rất nhiều, tìm ra cái mới rất khó. Con đường mà tôi muốn đi đó là nghiên cứu việc tư tưởng của Hồ Chí Minh đã được áp dụng vào cuộc sống như thế nào. Cũng như cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cái quan trọng là thanh niên, trong bối cảnh hiện nay, nhận thức như thế nào về tư tưởng Hồ Chí Minh và làm theo ra sao. Chứ không phải học để trả bài, học xong mà hỏi đến vấn đề gì cũng chỉ thấy tù mù. Mọi lý thuyết hay tư tưởng đều phải mang tính ứng dụng”.

Ông Trần Bách Hiếu kể: “Tôi đi dạy phần tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh và ứng dụng của nó trong điều kiện thực tiễn. Ngoài các vấn đề lý thuyết, sinh viên của tôi đặt ra rất nhiều câu hỏi như về những việc trái ngang còn tồn tại. Nhưng phải hiểu rằng dân chủ trong xã hội phương Đông khác xã hội phương Tây, nếu không hiểu rõ vấn đề này, chúng ta sẽ rất hoang mang. Thanh niên tiếp cận thông tin ở nhiều nơi, nghe người này nói người kia nói lại thấy “ồ, đúng quá!” nhưng không hiểu bản chất thật sự đằng sau sự việc. Tiếp nhận tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới cũng có nghĩa thanh niên phải luôn xác định và kiên trì tư tưởng độc lập dân tộc trong bất cứ trường hợp và hoàn cảnh nào”.

TS Nguyễn Thị Tình (nguyên giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) - người có gần 40 năm sưu tầm tài liệu và nghiên cứu về Bác, vừa công bố những tài liệu quý về Nguyễn Tất Thành ở Mỹ, Anh từ năm 1912-1917 - bày tỏ: “Cần một thái độ cởi mở hơn trong việc nghiên cứu tiểu sử cuộc đời Hồ Chí Minh. Giai đoạn Hồ Chí Minh ở Anh và ở Mỹ trước nay chỉ có một dòng ngắn gọn. Các nhà nghiên cứu cần đặt ra vấn đề, tranh luận khoa học để làm rõ những điểm còn chưa rõ trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Người”.

THU HÀ - HÀ HƯƠNG (Theo Dân Trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến