Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Hướng dẫn cơ bản về SEO - Google


Google đã phát hành (vào tháng 11 năm 2008) một tài liệu cơ bản giúp các webmaster hiểu rõ hơn về SEO (search engine optimization), một thuật ngữ quen thuộc với những người làm web.
Tài liệu đã được dịch sang tiếng Việt để các webmaster Việt Nam dễ tiếp thu các kiến thức cơ bản về SEO.
Download tại đây: Search engine optimization (SEO) guide

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Bài tập Giải tích trên đa tạp - English version


Một tập tài liệu hữu ích cho các học viên cao học Toán. Đây là cuốn bài tập bằng tiếng Anh, biên soạn bởi Kubota, edited by DongPhD, giải các bài tập trong cuốn "Calculus on manifolds" (Giải tích trên đa tạp) của Spivak.
Download tại đây: DOWNLOAD
Bạn có thể download cuốn "Calculus on manifolds" của Spivak để đối chiếu ở đây.

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Bài tập Phạm trù và Hàm tử - Huỳnh Kỳ Anh, DongPhD


Phạm trù và Hàm tử là môn học cơ sở ở Cao học Toán. Đây là một môn rất trừu tượng và khó. Với mục đích chia sẻ cho các học viên Cao học khóa sau, Huỳnh Kỳ Anh - K13, ĐHSP Huế và DongPhD - K16 đã biên soạn hai cuốn bài tập phạm trù với những lời giải chi tiết. Hầu hết các bài tập được lấy từ cuốn "Cơ sở đại số hiện đại" của Nguyễn Xuân Tuyến và GS. Lê Văn Thuyết.
Download ở đây: Download

Xem thêm: Sách phạm trù và hàm tử

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

257 bài tập phương trình, bất phương trình mũ và logarit

Tuyển tập 257 bài tập phương trình, bất phương trình, hệ phương trình mũ và logarit (biên tập từ các tài liệu trên mạng). Học sinh 12 và GV Toán có thể dùng làm tài liệu tham khảo.
Download tại đây: Download 257 pt mu

Mặt tròn xoay GSP


Đây là bài soạn công phu của thầy Lê Quang Hùng (THPT Đặng Trần Côn - Huế). Toàn bộ bài giảng được soạn bằng GSP với những hình ảnh động rất đẹp. GV Toán có thể dùng để dạy bài "Mặt tròn xoay" ở Hình học 12 - ban cơ bản (và nâng cao).
Download ở đây: DOWNLOAD

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Đề thi học sinh giỏi năm học 2008-2009 của 21 tỉnh thành


Tuyển tập các đề thi học sinh giỏi một số tỉnh thành trong năm học 2008-2009. Biên soạn bởi PhucHung - THPT Quốc Học Huế. Tập tài liệu dày 44 trang với khoảng 40 đề của 21 tỉnh thành trong cả nước.
Download ở đây: DOWNLOAD

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hoàng - Đại học Huế

Trong thời gian vừa qua, một số tờ báo, tạp chí* có đăng những bài phê phán cách dùng tiếng Việt không chuẩn trong giao tiếp cũng như trong các văn bản chính thống. Nói chung, nhiều ý kiến nêu ra là đúng đắn nhưng thường ít phân tích lý do, hoàn cảnh của các hiện tượng ấy và cũng chưa chỉ ra cách điều chỉnh hợp tình. Bài viết này thử bàn một số ý theo cách suy diễn của người ngoại đạo đối với văn chương chữ nghĩa.

1. Việc dùng tiếng nước ngoài

Có người thấy đôi lúc, đôi nơi có dùng một vài từ nước ngoài trong văn bản tiếng Việt thì lên tiếng phê phán rằng ta hay “Nhịu tây”* nhưng chưa phân tích đầy đủ cũng như đánh giá tại sao tình hình “nhịu tây” ấy xảy ra. Bất cứ ngôn ngữ của dân tộc nào đều có sự giao thoa, vay mượn, hội nhập nên trong tiếng Việt đôi lúc cần thiết cũng có chen tiếng nước ngoài hoặc viết theo kiểu nước ngoài ấy là điều khá tự nhiên. Chức năng chính của ngôn ngữ là thông tin, truyền tải, thu nhận. Nếu các ngôn từ nào đó biểu đạt thông tin không sai lệch, mọi người đều hiểu được, cùng chấp nhận và tiện lợi thì có thể dùng theo một khuôn phép ước định.
Nhìn chung, ngày nay nhờ sự phát triển nhanh chóng của Công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, những tên gọi, thuật ngữ và những cách viết tắt thông dụng xuất hiện ngày càng nhiều trong các ngôn ngữ chính (chẳng hạn tiếng Anh) thì tiếng Việt cũng không ngoại lệ. Một số người lên tiếng phê phán* cách viết tắt như VND (tiền Việt), VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam),… Nếu xem đó là các thuật ngữ chuyên môn khi nói về các vấn đề đối ngoại, kinh tế, thể thao trong việc giao lưu quốc tế thì ta dễ nhìn nhận mặt tích cực của nó trong việc hội nhập thế giới. Nói như vậy có thể chưa thuyết phục lắm nhưng về mặt thực tiễn rõ ràng dùng VND để ký hiệu tiền Việt thì cũng thuận lợi như khi dùng các biểu trưng USD, £, ¥ cho tiền các nước Mỹ, Anh, Nhật hay dùng các ký hiệu quốc tế như kg, m để chỉ đơn vị trọng lượng, độ dài,…
Trên báo chí, truyền hình, cách viết theo kiểu nửa tây nửa ta cũng xuất hiện khá lâu và giờ đây được chấp nhận rộng rãi, như là một phần đương nhiên trong tiếng Việt. Chúng ta đã gặp thường xuyên kiểu dùng từ như thế này: VTV, bệnh “ếch” (AIDS), bệnh “xác” (SARS) rồi nào là GDP, GPS,… Nếu bây giờ viết tắt bằng tiếng Việt, ta thấy nó cồng kềnh, khó đọc chẳng hạn VTTHVN (Vô tuyến truyền hình Việt Nam), HCSTHMD (Hội chứng suy thoái hệ miễn dịch), HCVPCT (Hội chứng viêm phổi cấp tính), TSPQN (Tổng sản phẩm quốc nội), HTĐVTC (Hệ thống định vị toàn cầu)... Có thể đây là do đặc trưng của tiếng Việt là đơn âm tiết; muốn diễn tả một khái niệm thì cần nhiều từ đơn tạo thành,… thêm nữa một số thuật ngữ nước ngoài về khoa học, nghệ thuật khi dịch sang tiếng Việt chưa được thống nhất (do thông tin cập nhật từ nhiều nguồn nước ngoài, trên TV, trên mạng internet, … dẫn đến mỗi người dùng mỗi kiểu) nên cách viết tắt theo kiểu tây vẫn thuận lợi. Dù vậy cũng không nên lạm dụng. Các văn bản nghiêm túc, chính thống thì cần phải được dùng một cách thận trọng. Còn với văn phong thông thường hay văn phong báo chí thì có lẽ không nên quá câu nệ.
Trong tiềm thức của người Việt, việc chấp nhận kho từ Hán Việt là điều tự nhiên, không thể tách rời tiếng Việt hiện đại vì rõ ràng ta không áy náy khi nói Trường Đại học Răng hàm mặt, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn,…dạng “Hán Việt đề huề. Ngày nay nhiều từ nước ngoài đi vào cuộc sống một cách tự nhiên như dĩa CD, tia Laser, Gala cười,…
Đôi lúc tiếng nước ngoài giúp ta hiểu được các thuật ngữ tiếng Việt. Kinh nghiệm cho thấy khi nghe đài, đọc báo gặp các cụm từ như “bị vong lục”, “tối huệ quốc”,… ta muốn biết sơ lược nghĩa của chúng nhưng tra từ điển thông thường thì không tìm thấy được. Nhờ đọc các văn bản song ngữ, có thể thấy trong tiếng Anh đó là “(diplomatic) memorandum” hay “most favored nation”, thì dễ biết ngay nghĩa nôm na của nó. Một ví dụ khác nữa, khi được hỏi về Đại nội ở Huế, nhiều bạn trẻ không rõ từ “tử” trong Tử cấm thành nghĩa là gì, hoặc hiểu sai nghĩa. Nhưng nếu đọc biển ghi bằng tiếng Anh “Purple Forbidden Citadel”, họ mới chấp nhận “tử” ấy là màu tím tía,…

2. Âm chuẩn, giọng chuẩn

Nói đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chữ quốc ngữ xem ra cần phải thống nhất một số điểm cơ bản trước khi phân tích trao đổi vì vấn đề tỏ ra muôn phần phức tạp. Từ thế kỷ 16, các giáo sĩ phương tây dùng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt rồi được Alexandre de Rhode tập hợp một cách hệ thống, tiếp theo Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của phổ biến ở miền nam vào cuối thế kỷ 19. Sự tiện lợi lớn lao trong việc học, đọc và viết khiến chữ quốc ngữ nhanh chóng thay thế chữ Nôm trong một giai đoạn ngắn nhất. Một sản phẩm ban đầu mang tính tình thế, chúng ta sử dụng hơn 100 năm nhưng chưa có một sự cải tiến, chỉnh sửa tử tế. Những đề xuất tâm huyết về cải cách chữ viết chưa nhận được sự đồng tình của nhiều người. Từ lúc thể hiện tiếng Việt thông qua chữ quốc ngữ, chúng ta ắt có gặp những cuộc tranh luận cho rằng giọng Hà Nội chuẩn hơn giọng miền nam về việc phân biệt các thanh hỏi, ngã; giọng miền nam thì chuẩn hơn trong việc phân biệt ch, tr,.. Thật ra nếu dùng hệ thống ký âm khác (chẳng hạn mẫu tự Thái, Phạn…) hoặc tiếp tục dùng chữ Nôm thì người bình thường phân biệt các điều đó như thế nào? Theo thông lệ, người ta dùng cách phát âm của một vùng (thường là thủ đô) làm chuẩn quốc gia (và ký âm theo chuẩn đó). Còn cách phát âm nơi khác thì được chấp nhận là những biến thể. Do vậy, nếu bây giờ cố đô Huế vẫn tiếp tục là thủ đô, chắc giọng chuẩn của tiếng Việt là giọng Huế! Vậy cần phải quy định thống nhất cách viết tiếng Việt trong các văn bản nhà nước, báo chí, sách giáo khoa,… cho dù giọng nói địa phương có thể không “chuẩn” được. Chẳng hạn, người Huế khó phát âm đúng cũng như không phân biệt được các thanh hỏi, ngã như nguời Bắc nhưng trong văn bản không ai chấp nhận “vui vẻ” viết thành “vui vẽ”. (Tuy vậy, thay cho các từ “bệnh viện”, “nhật báo”, một số tờ báo viết theo giọng miền nam thành “bịnh viện”, “nhựt báo”, hoặc một số từ khác nữa vẫn còn thấy).
Thời gian qua, có nhiều bài viết tranh luận “nảy lửa” về việc dạy chữ E hay chữ A trước trong bộ chữ cái ở lớp vỡ lòng. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là vấn đề phát âm các chữ cái A,B,C… ( điều này thỉnh thoảng trên báo chí có đề cập). Các em nhỏ ở trường tiểu học được dạy đọc một kiểu, lên bậc PTCS hay PTTH thầy giáo đọc kiểu khác. Ngay phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước là phát thanh, truyền hình; các phát thanh viên hay các vị lãnh đạo vẫn đọc không nhất quán. Thường gặp nhất là các từ “GDP”, nhóm “G7”, khi thì đọc “Giê đê pê, Gi đi pi,” nhưng lại nhóm“Gờ 7”,…
Vấn đề chuẩn hoá cách đọc này không khó. Chỉ cần phân biệt tên gọi các mẫu tự và âm phát ra từ các mẫu tự ấy. Ngay tiếng nước ngoài cũng vậy. Chữ “r” trong tiếng Anh được đọc là “a” nhưng nó có âm “rờ” khi ghép với các cụm từ khác, chữ “h” tên gọi và âm phát ra cũng khác nhau, thì việc không đồng nhất tên gọi các mẫu tự và âm phát ra của chữ quốc ngữ cũng bình thường. Chỉ cần quy định rõ, khi nào đọc theo tên các mẫu tự, khi nào thì đọc âm đối với các chữ cái ấy.

3. Việc dùng những từ ngữ đã có sẵn

Sự biến đổi của sinh ngữ xảy ra liên tục theo những cách thức như biến mất, tái tạo, chuyển dịch nghĩa đôi khi xảy ra một cách “vô thức” nhưng việc làm “méo mó” các từ đã quen dùng trước đây hay là “sáng tạo” ra cách dùng từ mới có lẽ do một số người không nắm được từ nguyên tiếng Hán Việt nên đọc sai, dùng sai và ngay cả phương tiện thông tin đại chúng đôi lúc cũng sai nốt. Có thể kể ra vài ví dụ thường thấy như sau: những từ và cụm từ như “ta thán”, “đào ngũ”, “vô hình trung”, “hấp thụ”, “sử dụng” “tham quan”… lại được viết thành “ca thán”, “đảo ngũ”, “vô hình dung”, “hấp thu”, “xử dụng”, “thăm quan”… (nay từ ca thán cũng được đưa vào từ điển rồi, xem như đồng nghĩa với ta thán!)
Một số từ có lẽ do cấn cái khi diễn đạt nên phải nói chệch đi, nay được dùng khá thường xuyên, đó là biến một danh từ thành tính từ hoặc động từ, chẳng hạn “hoàn cảnh”, “tâm tư”. (Ví dụ: Hôm nay đồng chí giám đốc tâm tư quá hoặc: Thưa thầy em hoàn cảnh lắm, thầy giúp em,…) Cũng do tâm lý không dứt khoát hoặc sợ mếch lòng nên trong lúc phê bình thì chỉ có ưu điểm và tồn tại mà không vạch rõ ra ưu điểm và khuyết điểm chứ tồn tại là cái gì cơ chứ! Nếu cho rằng đó là cách nói nhẹ, nói trại đi thì rõ ràng không đúng với thái độ cần đấu tranh phê bình thẳng thắn. Hơn nữa nếu dùng “uyển ngữ” phải tùy lúc chứ khi nào cũng áp dụng thì sẽ không còn là biện pháp tu từ nữa.

4. Sáng tạo từ mới và cách dùng mới các từ

Những nhà ngôn ngữ học có lẽ không phủ nhận hoặc phản bác sự sáng tạo ngôn ngữ của quần chúng vì có một số từ dân gian được tạo ra trong thời gian sau này tỏ ra có sức sống như “đánh võng”, “dỏm”, “rách việc”…
Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó. Lạm dụng là không hay, không tốt. Ta hãy lấy ví dụ ngôn ngữ bóng đá. Có lẽ không nên phê phán những vấp váp của bình luận viên khi họ phải nói liên tục, phản xạ nhanh trước các tình huống gay cấn, hấp dẫn và nhất là ngôn ngữ dành cho các bạn yêu bóng đá thường có tính phóng khoáng thoải mái. Nhưng từ đó một số bài báo ca tụng ngôn ngữ của người bình luận bóng đá, lăng xê lên thành nghệ thuật hoặc là sáng tạo tuyệt vời trong cách dùng tiếng Việt thì không nên. Chẳng hạn nói “cột dọc từ chối bàn thắng của đội A”, “ông huấn luyện viên đọc được trận đấu”, “đội A làm nhục đội B”, “đội C thất bại nhục nhã”, “Tiền đạo X tung phát quyết định kết liễu đội Y”… nghe ra thì cũng kêu, cũng lạ tai, kích thích người hâm mộ bóng đá, nhưng lỡ mai này kiểu nói như vậy đi vào ngôn ngữ chính thống thì vấn đề bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt sẽ ra sao, làm sao? (Có người cho rằng dùng từ “đọc” trong câu Ông huấn luyện viên đọc được trấn đấu là cách dùng rất “đắt”, nhưng cũng chưa chắc, ta thử thay từ “đọc” bằng các từ khác như là “ngửi”, “sờ”, “nếm” đôi khi “épphê” hơn). Một số cách nói “tào lao” ngoài đời hay ngôn ngữ kiếm hiệp nay cũng bắt đầu nhảy vào chiếu trên của các bài văn nghị luận như “hơi bị”, kiểu em hơi bị đẹp, nói hơi bị hay, hoặc “tẩu hoả nhập ma”, “vô chiêu thắng hữu chiêu”,…
Hiệu ứng sử dụng từ ngữ của các vị lãnh đạo cao cấp đối với quần chúng rất quan trọng. Giai đoạn vừa qua cũng như hiện nay, các từ hơi cổ hoặc khá mới như là “nội lực”, “ bất cập”, “quan chức”, “nổi cộm”,… thường được dùng với tần suất lớn sau khi có vị lãnh đạo cao cấp sử dụng trong các bài phát biểu hay diễn văn.

Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ta phải làm gì?

-- Hoặc để ngôn ngữ phát triển một cách thoải mái, không cần phải uốn nắn, từ ngữ tồn tại được hay không tuỳ theo sức sống và người sử dụng rồi sẽ được sàng lọc theo thời gian.
-- Hoặc cần “chuẩn hóa” bởi một viện hàn lâm về ngôn ngữ, có đầy đủ uy tín, năng lực và quyền hạn.

Nhưng dù sao đi nữa, những người có trách nhiệm (các vị lãnh đạo, nhà văn, thầy giáo, người viết báo, phát thanh viên,…) cần phải chuẩn mực trong việc sử dụng ngôn từ, thận trọng đối với các từ vỉa hè, bình dân,…
------------------------------------------------------
* Tạp chí Tia Sáng, các số 1, 8, 14/2003.

(Bài viết gốc của TS Nguyễn Hoàng có nhan đề: "Chữ và nghĩa tiếng Việt".
  Tiêu đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do MathVn đặt. 
Lưu ý thêm rằng thầy Nguyễn Hoàng là một tiến sĩ Toán học.)

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

"Đại học" ở Việt Nam không còn ý nghĩa

“Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa...”.
Đó là chia sẻ của GS. TS Trần Thanh Vân, việt kiều Pháp khi ông về Việt Nam dự Hội nghị “Người Việt Nam trên toàn thế giới” lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.
 
Giáo sư Vân bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi được về dự đại hội này. Đây là cơ hội cho các kiều bào gặp gỡ, trao đổi với nhau. Qua đại hội nhiều kiều bào có dịp bày tỏ quan điểm với Chính phủ và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước”.
 
Chọn trường là những lo âu của nhiều thí sinh khi kì thi ĐH đến gần.
 
Nên loại bỏ số đông trường đại học
 
Là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho khoa học thế giới, đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng, ông nhận xét gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
 
Tôi nhận thấy giáo dục THPT của mình rất tốt, không thua các nước trong khu vực ở các cuộc thi Olympic. Còn giáo dục đại học nhiều anh em ở nước ngoài thấy rằng còn rất nhiều khó khăn, cần phải khắc phục.
 
Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa, ví dụ như về kinh tế có đến mấy chục trường ĐH Kinh tế, người dân biết tin tưởng vào trường nào. Ở Pháp, người dân rất giàu nhưng họ không thể mở được đại học tư nhân vì Chính phủ quản lý rất chặt.
 
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy 90% đại học của mình là đại học… doanh nghiệp. Ở Pháp, tôi nhận được lời mời của 20 trường đại học tư nhân Việt Nam nhưng tôi đều từ chối vì nghĩ đó không phải là đại học đúng nghĩa.
 
Vậy GS có “biện pháp” gì để khắc phục tình trạng trên?
 
Để khắc phục được tình trạng này thì chỉ có Chính phủ mới làm được. Trước hết Chính phủ bỏ một số đông trường đại học không đủ điều kiện là trường đại học chuyển thành trường dạy nghề.
 
Nên để mô hình trường đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Huế... vì trong đó có các trường đại học, họ hoạt động rất quy củ và chất lượng.
 
Bên cạnh đó, tôi thấy Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế và đào tạo 20.000 tiến sĩ, đây là một điều rất mừng. Với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ nhiều người lo ngại chất lượng không tốt nhưng theo tôi, trong số này có 500 tiến sĩ giỏi thì tốt lắm rồi, ít còn hơn không.
 
Việc chúng ta cần làm hiện nay là đào tạo 1 số sinh viên giỏi để trong vòng 5 - 10 năm nữa Việt Nam sẽ có đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Thời gian vừa qua, tôi và GS Nguyễn Văn Hiệu đã thành lập chương trình đào tạo chất lượng cao sau đại học tại ĐHQG Hà Nội và hoạt động rất tốt.
 
Sống ở Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều ở nước ngoài
 
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân nhận bằng khen của Chính phủ năm 2008.
 


Tối 20/11 vừa qua, GS. TS Trần Thanh Vân đã có mặt tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt với tư cách khách mời. Nói về Giải thưởng ý nghĩa này, GS. Vân chia sẻ: “Tôi thấy Nhân tài Đất Việt tổ chức rất tốt, rất hay. Cách tổ chức rất đẹp, tôi phục cách tổ chức ấy, mặc dù tôi cũng đã tổ chức trao nhiều giải thưởng nhưng không hoành tráng và trang trọng như buổi lễ này.

 

Về nội dung, tôi thấy BTC chọn lựa để trao giải hết sức kỹ càng, mỗi giải chỉ được 1 - 2 thí sinh nhưng tôi nghĩ đây là giải thưởng dành cho Nhân tài Đất việt, Ban tổ chức nên chọn lựa và trao cho nhà khoa học trẻ vì đây là một giải thưởng lớn, rất vinh dự, rất quý đối với họ, để họ tiến xa hơn nữa”.

Dư luận nói rất nhiều về việc Việt Nam để “chảy máu” chất xám khi sinh viên giỏi đi học ở nước ngoài không về nước, có phải họ “chê” Việt Nam?
 
Việt Nam để chảy máu chất xám như nhiều người nói cũng có phần đúng nhưng đó chỉ là ý kiến nhỏ.
 
Những người Việt Nam ở nước ngoài cũng phấn đấu rất nhiều và đạt được thành công nhất định làm rạng danh cho Việt Nam như GS Đàm Thanh Sơn (36 tuổi) đã rất nổi tiếng ở Mỹ. Nếu Sơn về Việt Nam vẫn có thể làm việc tốt nhưng theo tôi hãy để cho những người tài năng bay nhảy.
 
Vì vậy Việt Nam không nên đặt vấn đề là gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo và yêu cầu khi học xong phải về nước làm việc. Những năm 1960, nhóm bạn học của tôi người Hàn Quốc khi tốt nghiệp họ không về nước. Tuy nhiên đến khoảng 1980 - 1990 thì 90% người Hàn Quốc học ở Mỹ đều về nước làm việc vì Hàn Quốc khi đó đã có sự tiến bộ.
 
Có phải do Việt Nam còn nghèo, lạc hậu hay vì lý do nào khác mà không thu hút được các tài năng về làm việc thưa GS?
 
Tôi khẳng định rằng, người Việt Nam ở nước ngoài rất muốn trở về Việt Nam để làm việc. Tôi nói thật người Việt mình sống ở nước ngoài như Mỹ, Pháp cũng khổ lắm, đi làm việc cả ngày khi về phải nấu ăn, rửa chén bát, làm hết mọi việc trong gia đình.
 
Tôi thấy sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài. Các GS được xã hội rất tôn trọng, sinh viên kính phục ở nước ngoài không được như thế.
 
Nhưng Việt Nam muốn thu hút các tài năng về làm việc thì phải trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tôi biết số lượng GS ở Việt Nam rất ít mà lương GS ở Việt Nam lại rất thấp nên để trang trải cuộc sống họ phải đi dạy thêm không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.
 
Tôi mong rằng 5 - 10 năm tới, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn thì Chính phủ có tiền để trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc độc lập thì tự nhiên các GS, PGS sẽ đổ về làm việc, không cần phải kêu gọi gì.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hạn chế bớt những thủ tục rườm rà trong việc tuyển chọn phong hàm chức danh GS, PGS vì tôi thấy 90% GS của Việt Nam đều lớn tuổi cả, có người 50 tuổi rồi mà vẫn là PGS.
 
Xin cám ơn giáo sư!
 





GS Trần Thanh Vân.

GS Trần Thanh Vân người gốc Quảng Bình. Năm 1953, khi mới 17 tuổi, ông qua Pháp học. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Paris với 2 bằng cử nhân vật lý và toán học. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và đến 1966 trở thành tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản.

Ông đã giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu KH Quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự.

GS Vân đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về vật lý mang tên ông.

 
(Dân trí)

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Cách truy cập vào Facebook bằng Open DNS


Cách đây 10 tháng, Blogger.com đã bị VNPT và một số nhà mạng của Việt Nam chặn đứng (1 tháng sau mới thôi "cấm vận"). Bây giờ đến lượt Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng bị VNPT, Viettel,... ngăn cản.
Bài viết mà tôi viết cách đây 1 năm sẽ cho chúng ta một cách "vượt tuờng rào" của các nhà mạng để vào bất cứ trang nào mà mình mong muốn. Xem chi tiết cách khắc phục ở đây: http://www.mathvn.com/2009/01/s-dng-opendns-truy-cp-vo-bloggercom-v.html

Thứ Năm, 12 tháng 11, 2009

Những trường đại học tốt nhất thế giới năm 2009

Harvard là trường ĐH tốt nhất toàn cầu năm 2009. ĐH Stanford, Berkeley, Cambridge và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nằm trong top 5.

Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) vừa xuất bản bảng xếp hạng học thuật thường niên lần thứ 7 về những trường ĐH thế giới. Bảng xếp hạng được công bố đầu tháng này tại một hội thảo giáo dục tại Thượng Hải.

Hardvard là trường ĐH tốt nhất thế giới năm 2009 theo bảng xếp hạng của trường ĐH Giao thông Thượng Hải. (Ảnh: Forbes)

Để thực hiện việc xếp hạng, các nhà nghiên cứu đánh giá hơn 1.000 trường ĐH khắp thế giới. Họ xét các tiêu chuẩn như những giải thưởng lớn mà các cựu sinh viên và giảng viên đạt được, số lượng các nhà nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi trong các lĩnh vực họ nghiên cứu, số lượng các nhà nghiên cứu là tác giả các bài viết trên tạp chí Science (Khoa học) và Nature (Tự nhiên) Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng xét đến thành tích của các trường xét theo quy mô.

Bởi vì tiêu chí xét giải thưởng dường như nghiêng về các trường thiên về nghiên cứu khoa học và kỹ thuật nên trong danh sách này có sự áp đảo của các trường kỹ thuật.
 

ĐH Stanford (Mỹ) xếp hạng 2. (Ảnh: Forbes)

Trong xếp hạng này, các trường đại học Bắc Mỹ thống trị danh sách các trường tốt nhất thế giới, với 59 trường lọt vào danh sách top 100 trường ĐH tốt nhất thế giới. Châu Âu có 32 trường, châu Á có 9 trường.

Mỹ là nước có nhiều trường lọt vào danh sách này nhất, tiếp đó là Anh, Nhật Bản, Đức, Canada, Pháp, Australia, Thụy Sỹ, Thụy Điển và Hà Lan. Không có trường ĐH nào ở châu Phi hoặc Nam Mỹ được chọn vào danh sách top 100.
 

Trường ĐH Cambridge (Anh) xếp hạng 4. (Ảnh: Forbes)

Các chuyên gia nhận định rằng việc các trường ĐH châu Á tăng thứ hạng trong danh sách top 100 là một dấu hiệu tốt của việc cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục trong vùng. Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố những tham vọng chuyển 9 trường ĐH thành “phiên bản” của những trường ĐH Ivy League (nhóm các trường đại học hàng đầu của Mỹ). Đồng thời, nhiều trường ĐH trong khu vực châu Á đang nỗ lực để vươn tới vị thế quốc tế giống như các trường ĐH phương Tây hàng đầu.

Philip G. Altbach, giám đốc Trung tâm Giáo dục bậc cao quốc tế của trường Cao đẳng Boston, nhận định rằng phải mất một thời gian khá dài thì các trường ĐH ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, mới có thể thực sự vươn dạy. Ông Philip cho rằng: “Không chỉ là cơ sở hạ tầng. Đó còn là văn hóa học thuật, là cách tổ chức nền giáo dục bậc cao”.
 

Trường ĐH Oxford (Anh) xếp hạng 10. (Ảnh: Forbes)

Theo Jamil Salmi, điều phối viên giáo dục bậc ĐH của tổ chức World Bank, mặc dù bảng xếp hạng này không xét đến chất lượng giảng dạy và học tập nhưng những trường trong bảng xếp hạng đều là trường có chất lượng giảng dạy tốt. “Việc dạy học tại trường ĐH Harvard rất tuyệt vời. Những sinh viên học tập tại trường ĐH Stanford cũng rất tuyệt. Những trường này được xếp hạng tốt không chỉ bởi vì tốt về mặt nghiên cứu” - điều phối viên Jamil nhấn mạnh.



10 trường ĐH tốt nhất châu Á

Dưới đây là danh sách top 10 trường ĐH tốt nhất châu Á theo bảng xếp hạng do trường ĐH Giao thông Thượng Hải công bố. Trong danh sách này có tới 5 trường ĐH ở Nhật Bản. Đáng chú ý là đại diện của Israel xếp vị trí số 4:
 

10. Trường ĐH Quốc gia Đài Loan (Đài Loan)

9. Trường ĐH Sydney (Australia)

8. Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản)

7. Trường ĐH Nagoya (Nhật Bản)

6. Trường ĐH Melbourne (Australia)

5. Trường ĐH Osaka (Nhật Bản)

4. Trường ĐH Hebrew tại Jerusalem (Israel)

3. Trường ĐH Quốc gia Australia (Australia)

2. Trường ĐH Kyoto (Nhật Bản)

1. Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản)


Theo Dân trí, Forbes

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2009

Bất đẳng thức tích phân - Nguyễn Phú Khánh


Chuyên đề bất đẳng thức tích phân - tập tài liệu 33 trang của thầy Nguyễn Phú Khánh - Đà Lạt, gồm nhiều ví dụ và bài tập có lời giải.
Download ở đây: Download

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Bất đẳng thức Cauchy trong các đề thi Đại học môn Toán


Tập tài liệu 67 trang của thầy Nguyễn Phú Khánh - Đà Lạt, gồm một số vấn đề cơ bản trong bất đẳng thức và ứng dụng của bất đẳng thức Cauchy để giải các bài bđt trong các đề thi Đại học những năm gần đây.
MATHVN xin giới thiệu cùng bạn đọc: Download.

Tuyển tập các đề thi dự bị Đại học môn Toán 2002-2009


Tuyển tập các đề thi dự bị Đại học môn Toán từ 2002-2009 được tổng hợp thành file .chm.
Download ở đây: Download

Bài đăng phổ biến