Tác giả: PGS.TS Nguyễn Hoàng - Đại học Huế
Trong thời gian vừa qua, một số tờ báo, tạp chí* có đăng những bài phê phán cách dùng tiếng Việt không chuẩn trong giao tiếp cũng như trong các văn bản chính thống. Nói chung, nhiều ý kiến nêu ra là đúng đắn nhưng thường ít phân tích lý do, hoàn cảnh của các hiện tượng ấy và cũng chưa chỉ ra cách điều chỉnh hợp tình. Bài viết này thử bàn một số ý theo cách suy diễn của người ngoại đạo đối với văn chương chữ nghĩa.
1. Việc dùng tiếng nước ngoài
Có người thấy đôi lúc, đôi nơi có dùng một vài từ nước ngoài trong văn bản tiếng Việt thì lên tiếng phê phán rằng ta hay “Nhịu tây”* nhưng chưa phân tích đầy đủ cũng như đánh giá tại sao tình hình “nhịu tây” ấy xảy ra. Bất cứ ngôn ngữ của dân tộc nào đều có sự giao thoa, vay mượn, hội nhập nên trong tiếng Việt đôi lúc cần thiết cũng có chen tiếng nước ngoài hoặc viết theo kiểu nước ngoài ấy là điều khá tự nhiên. Chức năng chính của ngôn ngữ là thông tin, truyền tải, thu nhận. Nếu các ngôn từ nào đó biểu đạt thông tin không sai lệch, mọi người đều hiểu được, cùng chấp nhận và tiện lợi thì có thể dùng theo một khuôn phép ước định.
Nhìn chung, ngày nay nhờ sự phát triển nhanh chóng của Công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, những tên gọi, thuật ngữ và những cách viết tắt thông dụng xuất hiện ngày càng nhiều trong các ngôn ngữ chính (chẳng hạn tiếng Anh) thì tiếng Việt cũng không ngoại lệ. Một số người lên tiếng phê phán* cách viết tắt như VND (tiền Việt), VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam),… Nếu xem đó là các thuật ngữ chuyên môn khi nói về các vấn đề đối ngoại, kinh tế, thể thao trong việc giao lưu quốc tế thì ta dễ nhìn nhận mặt tích cực của nó trong việc hội nhập thế giới. Nói như vậy có thể chưa thuyết phục lắm nhưng về mặt thực tiễn rõ ràng dùng VND để ký hiệu tiền Việt thì cũng thuận lợi như khi dùng các biểu trưng USD, £, ¥ cho tiền các nước Mỹ, Anh, Nhật hay dùng các ký hiệu quốc tế như kg, m để chỉ đơn vị trọng lượng, độ dài,…
Trên báo chí, truyền hình, cách viết theo kiểu nửa tây nửa ta cũng xuất hiện khá lâu và giờ đây được chấp nhận rộng rãi, như là một phần đương nhiên trong tiếng Việt. Chúng ta đã gặp thường xuyên kiểu dùng từ như thế này: VTV, bệnh “ếch” (AIDS), bệnh “xác” (SARS) rồi nào là GDP, GPS,… Nếu bây giờ viết tắt bằng tiếng Việt, ta thấy nó cồng kềnh, khó đọc chẳng hạn VTTHVN (Vô tuyến truyền hình Việt Nam), HCSTHMD (Hội chứng suy thoái hệ miễn dịch), HCVPCT (Hội chứng viêm phổi cấp tính), TSPQN (Tổng sản phẩm quốc nội), HTĐVTC (Hệ thống định vị toàn cầu)... Có thể đây là do đặc trưng của tiếng Việt là đơn âm tiết; muốn diễn tả một khái niệm thì cần nhiều từ đơn tạo thành,… thêm nữa một số thuật ngữ nước ngoài về khoa học, nghệ thuật khi dịch sang tiếng Việt chưa được thống nhất (do thông tin cập nhật từ nhiều nguồn nước ngoài, trên TV, trên mạng internet, … dẫn đến mỗi người dùng mỗi kiểu) nên cách viết tắt theo kiểu tây vẫn thuận lợi. Dù vậy cũng không nên lạm dụng. Các văn bản nghiêm túc, chính thống thì cần phải được dùng một cách thận trọng. Còn với văn phong thông thường hay văn phong báo chí thì có lẽ không nên quá câu nệ.
Trong tiềm thức của người Việt, việc chấp nhận kho từ Hán Việt là điều tự nhiên, không thể tách rời tiếng Việt hiện đại vì rõ ràng ta không áy náy khi nói Trường Đại học Răng hàm mặt, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn,…dạng “Hán Việt đề huề. Ngày nay nhiều từ nước ngoài đi vào cuộc sống một cách tự nhiên như dĩa CD, tia Laser, Gala cười,…
Đôi lúc tiếng nước ngoài giúp ta hiểu được các thuật ngữ tiếng Việt. Kinh nghiệm cho thấy khi nghe đài, đọc báo gặp các cụm từ như “bị vong lục”, “tối huệ quốc”,… ta muốn biết sơ lược nghĩa của chúng nhưng tra từ điển thông thường thì không tìm thấy được. Nhờ đọc các văn bản song ngữ, có thể thấy trong tiếng Anh đó là “(diplomatic) memorandum” hay “most favored nation”, thì dễ biết ngay nghĩa nôm na của nó. Một ví dụ khác nữa, khi được hỏi về Đại nội ở Huế, nhiều bạn trẻ không rõ từ “tử” trong Tử cấm thành nghĩa là gì, hoặc hiểu sai nghĩa. Nhưng nếu đọc biển ghi bằng tiếng Anh “Purple Forbidden Citadel”, họ mới chấp nhận “tử” ấy là màu tím tía,…
2. Âm chuẩn, giọng chuẩn
Nói đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chữ quốc ngữ xem ra cần phải thống nhất một số điểm cơ bản trước khi phân tích trao đổi vì vấn đề tỏ ra muôn phần phức tạp. Từ thế kỷ 16, các giáo sĩ phương tây dùng mẫu tự Latinh để ghi âm tiếng Việt rồi được Alexandre de Rhode tập hợp một cách hệ thống, tiếp theo Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của phổ biến ở miền nam vào cuối thế kỷ 19. Sự tiện lợi lớn lao trong việc học, đọc và viết khiến chữ quốc ngữ nhanh chóng thay thế chữ Nôm trong một giai đoạn ngắn nhất. Một sản phẩm ban đầu mang tính tình thế, chúng ta sử dụng hơn 100 năm nhưng chưa có một sự cải tiến, chỉnh sửa tử tế. Những đề xuất tâm huyết về cải cách chữ viết chưa nhận được sự đồng tình của nhiều người. Từ lúc thể hiện tiếng Việt thông qua chữ quốc ngữ, chúng ta ắt có gặp những cuộc tranh luận cho rằng giọng Hà Nội chuẩn hơn giọng miền nam về việc phân biệt các thanh hỏi, ngã; giọng miền nam thì chuẩn hơn trong việc phân biệt ch, tr,.. Thật ra nếu dùng hệ thống ký âm khác (chẳng hạn mẫu tự Thái, Phạn…) hoặc tiếp tục dùng chữ Nôm thì người bình thường phân biệt các điều đó như thế nào? Theo thông lệ, người ta dùng cách phát âm của một vùng (thường là thủ đô) làm chuẩn quốc gia (và ký âm theo chuẩn đó). Còn cách phát âm nơi khác thì được chấp nhận là những biến thể. Do vậy, nếu bây giờ cố đô Huế vẫn tiếp tục là thủ đô, chắc giọng chuẩn của tiếng Việt là giọng Huế! Vậy cần phải quy định thống nhất cách viết tiếng Việt trong các văn bản nhà nước, báo chí, sách giáo khoa,… cho dù giọng nói địa phương có thể không “chuẩn” được. Chẳng hạn, người Huế khó phát âm đúng cũng như không phân biệt được các thanh hỏi, ngã như nguời Bắc nhưng trong văn bản không ai chấp nhận “vui vẻ” viết thành “vui vẽ”. (Tuy vậy, thay cho các từ “bệnh viện”, “nhật báo”, một số tờ báo viết theo giọng miền nam thành “bịnh viện”, “nhựt báo”, hoặc một số từ khác nữa vẫn còn thấy).
Thời gian qua, có nhiều bài viết tranh luận “nảy lửa” về việc dạy chữ E hay chữ A trước trong bộ chữ cái ở lớp vỡ lòng. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là vấn đề phát âm các chữ cái A,B,C… ( điều này thỉnh thoảng trên báo chí có đề cập). Các em nhỏ ở trường tiểu học được dạy đọc một kiểu, lên bậc PTCS hay PTTH thầy giáo đọc kiểu khác. Ngay phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước là phát thanh, truyền hình; các phát thanh viên hay các vị lãnh đạo vẫn đọc không nhất quán. Thường gặp nhất là các từ “GDP”, nhóm “G7”, khi thì đọc “Giê đê pê, Gi đi pi,” nhưng lại nhóm“Gờ 7”,…
Vấn đề chuẩn hoá cách đọc này không khó. Chỉ cần phân biệt tên gọi các mẫu tự và âm phát ra từ các mẫu tự ấy. Ngay tiếng nước ngoài cũng vậy. Chữ “r” trong tiếng Anh được đọc là “a” nhưng nó có âm “rờ” khi ghép với các cụm từ khác, chữ “h” tên gọi và âm phát ra cũng khác nhau, thì việc không đồng nhất tên gọi các mẫu tự và âm phát ra của chữ quốc ngữ cũng bình thường. Chỉ cần quy định rõ, khi nào đọc theo tên các mẫu tự, khi nào thì đọc âm đối với các chữ cái ấy.
3. Việc dùng những từ ngữ đã có sẵn
Sự biến đổi của sinh ngữ xảy ra liên tục theo những cách thức như biến mất, tái tạo, chuyển dịch nghĩa đôi khi xảy ra một cách “vô thức” nhưng việc làm “méo mó” các từ đã quen dùng trước đây hay là “sáng tạo” ra cách dùng từ mới có lẽ do một số người không nắm được từ nguyên tiếng Hán Việt nên đọc sai, dùng sai và ngay cả phương tiện thông tin đại chúng đôi lúc cũng sai nốt. Có thể kể ra vài ví dụ thường thấy như sau: những từ và cụm từ như “ta thán”, “đào ngũ”, “vô hình trung”, “hấp thụ”, “sử dụng” “tham quan”… lại được viết thành “ca thán”, “đảo ngũ”, “vô hình dung”, “hấp thu”, “xử dụng”, “thăm quan”… (nay từ ca thán cũng được đưa vào từ điển rồi, xem như đồng nghĩa với ta thán!)
Một số từ có lẽ do cấn cái khi diễn đạt nên phải nói chệch đi, nay được dùng khá thường xuyên, đó là biến một danh từ thành tính từ hoặc động từ, chẳng hạn “hoàn cảnh”, “tâm tư”. (Ví dụ: Hôm nay đồng chí giám đốc tâm tư quá hoặc: Thưa thầy em hoàn cảnh lắm, thầy giúp em,…) Cũng do tâm lý không dứt khoát hoặc sợ mếch lòng nên trong lúc phê bình thì chỉ có ưu điểm và tồn tại mà không vạch rõ ra ưu điểm và khuyết điểm chứ tồn tại là cái gì cơ chứ! Nếu cho rằng đó là cách nói nhẹ, nói trại đi thì rõ ràng không đúng với thái độ cần đấu tranh phê bình thẳng thắn. Hơn nữa nếu dùng “uyển ngữ” phải tùy lúc chứ khi nào cũng áp dụng thì sẽ không còn là biện pháp tu từ nữa.
4. Sáng tạo từ mới và cách dùng mới các từ
Những nhà ngôn ngữ học có lẽ không phủ nhận hoặc phản bác sự sáng tạo ngôn ngữ của quần chúng vì có một số từ dân gian được tạo ra trong thời gian sau này tỏ ra có sức sống như “đánh võng”, “dỏm”, “rách việc”…
Tuy nhiên cái gì cũng có mặt trái của nó. Lạm dụng là không hay, không tốt. Ta hãy lấy ví dụ ngôn ngữ bóng đá. Có lẽ không nên phê phán những vấp váp của bình luận viên khi họ phải nói liên tục, phản xạ nhanh trước các tình huống gay cấn, hấp dẫn và nhất là ngôn ngữ dành cho các bạn yêu bóng đá thường có tính phóng khoáng thoải mái. Nhưng từ đó một số bài báo ca tụng ngôn ngữ của người bình luận bóng đá, lăng xê lên thành nghệ thuật hoặc là sáng tạo tuyệt vời trong cách dùng tiếng Việt thì không nên. Chẳng hạn nói “cột dọc từ chối bàn thắng của đội A”, “ông huấn luyện viên đọc được trận đấu”, “đội A làm nhục đội B”, “đội C thất bại nhục nhã”, “Tiền đạo X tung phát quyết định kết liễu đội Y”… nghe ra thì cũng kêu, cũng lạ tai, kích thích người hâm mộ bóng đá, nhưng lỡ mai này kiểu nói như vậy đi vào ngôn ngữ chính thống thì vấn đề bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt sẽ ra sao, làm sao? (Có người cho rằng dùng từ “đọc” trong câu Ông huấn luyện viên đọc được trấn đấu là cách dùng rất “đắt”, nhưng cũng chưa chắc, ta thử thay từ “đọc” bằng các từ khác như là “ngửi”, “sờ”, “nếm” đôi khi “épphê” hơn). Một số cách nói “tào lao” ngoài đời hay ngôn ngữ kiếm hiệp nay cũng bắt đầu nhảy vào chiếu trên của các bài văn nghị luận như “hơi bị”, kiểu em hơi bị đẹp, nói hơi bị hay, hoặc “tẩu hoả nhập ma”, “vô chiêu thắng hữu chiêu”,…
Hiệu ứng sử dụng từ ngữ của các vị lãnh đạo cao cấp đối với quần chúng rất quan trọng. Giai đoạn vừa qua cũng như hiện nay, các từ hơi cổ hoặc khá mới như là “nội lực”, “ bất cập”, “quan chức”, “nổi cộm”,… thường được dùng với tần suất lớn sau khi có vị lãnh đạo cao cấp sử dụng trong các bài phát biểu hay diễn văn.
Để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, ta phải làm gì?
-- Hoặc để ngôn ngữ phát triển một cách thoải mái, không cần phải uốn nắn, từ ngữ tồn tại được hay không tuỳ theo sức sống và người sử dụng rồi sẽ được sàng lọc theo thời gian.
-- Hoặc cần “chuẩn hóa” bởi một viện hàn lâm về ngôn ngữ, có đầy đủ uy tín, năng lực và quyền hạn.
Nhưng dù sao đi nữa, những người có trách nhiệm (các vị lãnh đạo, nhà văn, thầy giáo, người viết báo, phát thanh viên,…) cần phải chuẩn mực trong việc sử dụng ngôn từ, thận trọng đối với các từ vỉa hè, bình dân,…
------------------------------------------------------
* Tạp chí Tia Sáng, các số 1, 8, 14/2003.
(Bài viết gốc của TS Nguyễn Hoàng có nhan đề: "Chữ và nghĩa tiếng Việt".
Tiêu đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do MathVn đặt.
Lưu ý thêm rằng thầy Nguyễn Hoàng là một tiến sĩ Toán học.)
Tiêu đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" do MathVn đặt.
Lưu ý thêm rằng thầy Nguyễn Hoàng là một tiến sĩ Toán học.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét