Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Một người Huế rung chuông vàng 2009

Điều chưa từng xảy ra trong chương trình Rung chuông vàng đã trở thành sự thật khi Nguyễn Nguyễn Thái Bảo (Đại học Y dược Huế) và Nguyễn Thị Bích Hồng (Học viện Tài chính Hà Nội) cùng Vượt qua câu hỏi thứ 20 một cách xuất sắc trong đêm chung kết 2009, 13/9.
Cả hai cùng bước lên bục rung chuông vàng và chia đôi giải thưởng 40.000 USD.

2 người cùng Rung chuông vàng 2009
Thái Bảo và Bích Hồng
Nguyễn Nguyễn Thái Bảo là một gương mặt không còn xa lạ với những ai yêu thích chương trình truyền hình. Chàng trai có gương mặt sáng, điển trai chính là Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 5. Nhiều người đã nhận ra Bảo ngay từ những phút đầu tiên và thốt lên: “À! Thì ra là người cũ. Thằng bé này giỏi lắm!”
Khi tham dự chung kết Rung chuông vàng, nỗi ám ảnh của chàng trai này là sợ “lại về nhì”, bởi như Bảo tâm sự thì không chỉ trong Đường lên đỉnh Olympia mà ngay cả trong kì thi Rung chuông vàng do trường đại học Y dược Huế tổ chức, dù rất cố gắng nhưng Bảo cũng luôn là người về sau - giải nhì…
“Nếu đêm nay mà cũng đạt giải nhì nữa, chắc từ nay em sẽ phải cam lòng với giải nhì trong mọi cuộc thi” - Bảo không giấu nổi sự lo lắng.
Tuy nhiên, trong đêm chung kết Rung Chuông vàng 2009 diễn ra hôm 13/9, nỗi ám ảnh ấy đã được giải toả, Bảo đã rung được chuông vàng.!
Có lẽ đây sẽ là dấu mốc để Bảo “mở ra một thời kỳ mới với những giải nhất” như lời em chia sẻ sau đêm chung kết…

2 người cùng Rung chuông vàng 2009
Khác với Thái Bảo, Nguyễn Thị Bích Hồng là một gương mặt hoàn toàn mới. Trước khi cùng Thái Bảo bước vào những câu hỏi cuối cùng, Hồng tâm sự: “Trước đây, khi xem Đường lên đỉnh Olympia, em đã rất thần tượng Bảo và luôn cổ vũ cho bạn ấy…”. Và, thật bất ngờ, Hồng và “chàng thần tượng” năm xưa đã có một cuộc chơi ngang tài ngang sức, “cân não” cho đến những phút cuối cùng…
Cuộc đua giữa Thái BảoBích Hồng thực sự bắt đầu từ câu hỏi số 16, sau khi các thí sinh trụ đến câu thứ 15 bị loại… Liên tục cùng đưa ra những đáp án đúng ở những câu hỏi 16, 17 và 18, Thái BảoBích Hồng càng lúc càng làm không khí tại sân khấu nóng lên. Hồi hộp và căng thẳng! Nhiều người đã băn khoăn nghĩ tới điều chưa bao giờ xẩy ra “nếu cả hai cùng vượt qua 20 câu hỏi thì phần thưởng sẽ thuộc về ai?”…
Tuy nhiên tới câu hỏi thứ 19, đòi hỏi kiến thức chung, Thái Bảo quá căng thẳng đã phải xin ra ngoài mấy giây (với sự giám sát chặt chẽ của người của chương trình), trường quay như ngừng thở… Nhiều người đã phán đoán “số phận về nhì” của Thái Bảo đã... an bài. Nhưng thật bất ngờ, khi bảng chữ được giơ lên, hai người cùng một đáp án.
Câu hỏi thứ 20, Thái Bảo ghi đáp án nhanh và gương mặt như giãn ra… Hồng ghi đáp án chậm hơn nhưng cũng đầy tự tin… MC công bố kết quả, trường quay như vỡ oà. Lần đầu tiên, hai thí sinh cùng được bước lên bục rung chuông vàng và cùng chia nhau giải thưởng…

2 người cùng Rung chuông vàng 2009
Các thí sinh Rung chuông vàng 2009 trong đêm chung kết 13/9
Chung kết Rung chuông vàng đã diễn ra vào đêm qua tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với sự tham gia của 102 thí sinh xuất sắc nhất đến từ các trường đại học trong cả nước…

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

Chưa biết đi đã bắt chạy

- Học sinh lớp 1 phải viết chính tả, đọc những cụm từ tiếng Anh... ngay trong những tuần đầu năm học. Tiếp cận với thực tế tại một số trường tiểu học, chúng tôi phát hiện thêm nhiều chuyện bất ngờ.



HS lớp 1/7 Trường tiểu học Bàu Sen. Theo lời giáo viên chủ nhiệm thì khoảng 2/3 số HS trong lớp đã học chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh: H.HG.

Giờ tan học ở Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5, TP.HCM), học sinh túa ra như đàn chim non. “Mẹ ơi, ngày mai mẹ cho con đi học thêm ở nhà cô nhé”. “Mới lớp 1 đâu cần học thêm làm gì con”. “Cần chứ mẹ. Đi học thêm để viết chữ đẹp hơn. Trong lớp con có bạn H.B. (vì lý do tế nhị chúng tôi viết tắt tên của các nhân vật trong bài) ngày nào cũng bị cô đánh vì tội viết chậm, viết xấu. Con sợ lắm...”.

Thoạt nghe mẩu đối thoại trên của hai mẹ con một em học sinh, chúng tôi không khỏi giật mình.

Đi học là bị... đau bụng

Cô L. - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/7 - thừa nhận: “Có đánh em B. nhưng chỉ đánh bằng tay chứ không đánh bằng thước. Em B. học hơi chậm, viết cũng chậm, chưa đánh vần được, chỉ những âm nào học rồi bé mới biết mà thôi”.

Chúng tôi thắc mắc: “Bé mới vào lớp 1, âm nào cô dạy bé mới biết chứ”. Cô L. thanh minh: “Phụ huynh em B. cũng không quan tâm đến việc học của con vì không thấy ký tên vào tập chuẩn bị bài”. Theo lời cô L., lớp 1/7 là lớp tăng cường tiếng Anh, HS dạn dĩ và năng động hơn các lớp thường. Trong đó hơn 2/3 số HS đã học chữ trước khi vào lớp 1.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc giáo viên đánh HS, ông Nguyễn Xuân Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen - trầm ngâm: “Đây là điều đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh chúng tôi đang nỗ lực thực hiện môi trường học thân thiện, HS tích cực. Tôi thường xuyên đi kiểm tra ở các lớp nhưng rất tiếc những ngày vừa qua tôi không phát hiện. Vụ việc này tôi sẽ sinh hoạt và rút kinh nghiệm với giáo viên toàn trường”.

Chiều 15-9, tiếp xúc với anh C.N., phụ huynh một HS Trường tiểu học Hòa Bình, anh thắc mắc: “Báo đã biết chuyện HS lớp 1 bị cô giáo đánh vì viết chậm chưa? Nghe đâu bé HS đó sợ quá, không chịu đi học nữa, phụ huynh phải xin chuyển lớp cho bé...”.

Trao đổi thêm, anh cho biết: “Mấy đứa con lớn của tôi ngày xưa đều học Trường Hòa Bình. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng cho bé Q. vào trường chơi, bé rất thích và mong đến ngày được đi học như anh chị mình. Có ai ngờ mới đi học hơn một tuần, niềm háo hức, hồn nhiên và vui tươi của cô HS lớp 1 biến đâu mất, bé than đau bụng không chịu đi học. Tôi biết là do bé không được đi học chữ trước nên không theo kịp các bạn trong lớp, bé viết không đẹp, không đúng nên hay tẩy xóa...”.

Phải biết đọc - viết tiếng Anh

Cứ tưởng việc viết chính tả sẽ chỉ diễn ra đối với HS lớp 2. Nhưng ở TP.HCM rất nhiều giáo viên đã đọc chính tả cho HS lớp 1 viết ngay từ tuần đầu tiên của năm học 2009-2010.

Một giáo viên giỏi ở Q.9 chia sẻ: “Chỉ những HS đã học chữ trước mới có thể viết chính tả ngay từ đầu năm. Những HS chưa học chữ đương nhiên sẽ không viết được hoặc viết sai, sai kích cỡ, viết không kịp... Tâm lý của trẻ sáu tuổi mới đi học được vài ngày mà gặp phải những yêu cầu quá cao, vượt khả năng bản thân thì sẽ sợ hãi, chán nản. Thêm vào đó, cô giáo còn la mắng hoặc khẻ tay là HS sẽ rất sợ đến trường”.

Trong khi đó, nhiều trường tiểu học ở nội thành cho biết số HS lớp 1 đã học chữ chiếm 50-75% số HS/lớp (thậm chí có lớp chỉ 1-2 em chưa học).

Chị T. - phụ huynh lớp 1A2 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký - còn phản ảnh: “Đầu năm học các bé mới chập chững vào lớp 1, tâm hồn cũng như kỹ năng viết như tờ giấy trắng. Vậy mà cô giáo cho viết rồi đọc tiếng Anh những cụm từ như: “take out your book”, “point to the poster”...

Các bạn cùng lớp với con tôi đều viết được và viết rất đẹp. Con tôi chưa học chữ nên viết không kịp cả môn tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Vô tình bé thành trường hợp cá biệt. Vì thế tôi bị cô giáo mắng vốn hoài: “Bé viết chậm, bé không biết viết, hôm nay bé không chịu viết bài, mong phụ huynh về nhà cho bé viết hết bài...”.

Nói rồi chị T. lấy tập của con mình ra cho chúng tôi xem: “Bé viết sai ô li như thế này nhưng cô không hề sửa, chỉ chấm điểm một cách lạnh lùng. Về nhà tôi phải gom lại hết những chữ viết sai, kêu bé tẩy đi rồi viết lại cho đúng. Nhiệm vụ rèn luyện HS viết cho đẹp, cho đúng hình như của phụ huynh chứ không phải giáo viên”.

“Kẽ hở” từ quy định

Một trang tập viết môn tiếng Anh của HS lớp 1A2 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký - Ảnh: H.HG.

Theo nhiều giáo viên giỏi ở TP.HCM, việc tăng tốc (dạy nhanh hơn so với khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT) môn tiếng Việt lớp 1 chỉ có thể thực hiện ở học kỳ 2 của năm học. Bởi chương trình môn tiếng Việt lớp 1 là cho học sinh học hết âm, vần trong học kỳ 1; học kỳ 2 chỉ ôn tập lại và mở rộng thêm. Nếu tăng tốc ngay từ học kỳ 1, những học sinh chưa học chữ sẽ bị “hẫng”. Chỉ những học sinh học chữ trước mới theo kịp chương trình.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 14-9, khung phân phối chương trình của bộ là bài 13 (SGK Tiếng Việt 1 tập 1) thì rất nhiều giáo viên ở Q.3, Q.5, Q.Bình Thạnh, Q.9... đã dạy đến bài 15, 16. Thậm chí có giáo viên còn dạy đến bài 19. Tất cả trường hợp trên đều được xem là “hợp pháp” vì Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức cho phép giáo viên tiểu học tự phân phối chương trình phù hợp với điều kiện lớp học.

Đây có phải là “kẽ hở” để giáo viên “bỏ rơi” những em chưa được học chữ trước?

HOÀNG HƯƠNG - Dân Trí

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Chuyện vui nghề dạy học: Thầy giáo lười


Thầy giáo lười

Có một ông thầy rất lười biếng, thường kiếm cớ để không phải dạy dỗ gì cả. Một hôm ông vào lớp hỏi học sinh:
- Các em có biết hôm nay học cái gì không?
Cả lớp trả lời:
- Thưa thầy không!
Thầy tỏ vẻ giận dữ:
- Không biết? Vậy tới trường để làm cái gì? Về hết đi!
Đám học trò khúm núm kéo về hết và bàn với nhau là lần sau thầy có hỏi thì sẽ trả lời biết xem thầy tính sao.
Hôm sau, thầy giáo lại hỏi:
- Hôm nay các em có biết sẽ học cái gì không?
Cả lớp đồng thanh trả lời:
- Dạ biết!
- Đã biết hết rồi thì còn ở đây làm cái gì vậy? Về hết đi!
Tụi học trò tức lắm, cho nên bàn rằng kì sau thầy có hỏi thì nửa lớp sẽ trả lời “có” và nửa lớp sẽ trả lời “không” xem thầy tính sao.
Ngày kế tiếp thầy hỏi:
- Các em biết hôm nay học cái gì không?
Nửa lớp trả lời:
- Thưa biết!
Nửa lớp còn lại thì đáp:
- Thưa không!
- Vậy thì đứa nào biết ở lại dạy mấy đứa không biết, còn thầy về đi ngủ!
???!!!

Đạo đức và tiền

Thầy giáo hỏi học sinh:
Nếu có 1 túi đạo đức và 1 túi tiền ở đường thì em nhặt túi nào?
Trò không suy nghĩ, trả lời luôn:
- Thưa thầy, em nhặt túi tiền.
Thầy liền hắng giọng:
- Nếu như là thầy thì thầy sẽ nhặt túi đạo đức chứ không nhặt túi tiền, mà vì sao em lai nhặt túi tiền?
Trò đáp tỉnh bơ:
- Thì thì thì … em nghĩ ai thiếu gì thì nhặt thứ ấy!

(posted 11/02/2009, edited 19/9/2009).

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Tạp chí MathVn số 1, 2, 3

Tạp chí MathVn số 1 và số 2: Đã đăng ở đâyở đây.
Tap chi MATHVN
Tạp chí MathVn số 3 vừa được phát hành vào ngày 13/09/2009, gồm các bài viết sau:

+ Câu chuyện Toán học

- Toán học và Điện ảnh - Dương Tấn Vũ

+ Bài viết Chuyên đề MathVn

- Phép nghịch đảo - Ứng dụng trong giải và chứng minh Hình học phẳng – Nguyễn Lâm Minh

- Applying R, r, p method in some hard problems - Tran Quang Hung

- Các phương pháp tính tích phân - Nguyễn Văn Vinh
- Bài toán Kakeya – Mạch Nguyệt Minh, Phan Thành Nam
+ Bài viết chuyên đề dịch thuật
- Phương trình và bất phương trình Hàm số - Đinh Ngọc Vương
+ Bạn đọc Tìm tòi
- Bí ẩn của các tập đóng lồng nhau - Trần Bạt Phong
+ Cuộc thi giải toán MathVn

- Đề toán dành cho Học sinh

- Đề toán danh cho Sinh viên

- Các vấn đề mở

- Lời giải kì trước
+ Olympic Học sinh - Sinh viên

- Olympic Sinh viên Kiev 2009

- Olympic Xác suất MGU

- Vietnam TST 2009 – Đề thi lời giải và bình luận - Trần Nam Dũng

+ Nhìn ra thế giới

- Kỳ thi Qualify cho nghiên cứu sinh ở Mỹ

+ Sai lầm ở đâu?
- Độ đo Metric
Download bản điện tử (PDF, 4.94 MB) ở đây: Download.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

Luyện tập đánh máy bằng 10 ngón tay

Image

Trong những kỹ năng sử dụng máy vi tính, kỹ năng đánh chữ nhanh, chính xác rất quan trọng. Nếu bạn thao tác chậm chạp có thể làm cho công việc định trệ, và nhàm chán. Tuy nhiên, không phải ai cũng có một tốc độ đánh máy nhanh bẩm sinh. Muốn cải thiện tốc độ đánh chữ, bạn phải biết sử dụng hết tất cả các ngón tay của mình một cách có phương pháp và thời gian tập luyện cũng không ngắn.

Như vậy, làm sao để đánh chữ được nhanh? Câu trả lời là để đánh chữ được nhanh, bạn phải tận dụng hết 10 ngón tay của mình để phối hợp với nhau trên mặt bàn phím. Chính vì thế không cách nào khác hơn là luyện tập để các ngón tay hiểu
nhau và không tranh giành vị trí với nhau.

Phương pháp chung để luyện tập là qui định vị trí (các phím) cho các ngón tay của bạn.

Cách qui định như sau:


Bước 1:
Đầu tiên, bạn phải ghi nhớ các vị trí phím của cấu trúc keyboard tổng quát.

Image


Bước 2:
Ghi nhớ 5 vị trí tay quan trọng (quan trọng nhất)

- Ngón trỏ trái đặt tại phím F
- Ngón trỏ phải đặt tại phím J
- Ngón Út trái đặt tại phím A
- Ngón Út phải đặt tại phím ;
- Ngón Cái cho phím trắng

- Các ngón khác gồm: ngón giữa, áp út và ngón út đặt cạnh nhau từ J qua phải và từ F qua trái.

Image

Khi thực hiện, 2 ngón Trỏ trái – Út trái và Trỏ phải – Út phải không được phép

đồng thời rời vị trí nhằm để định vị bàn phím cho các ngón khác. Ví dụ: Nếu Ut phải rời vị trí ; thì Trỏ phải phải đặt hờ vào vị trí J và ngược lại.


Nên nhớ rằng vị trí của Ngón tay Út rất ít di chuyển nên ngón Út là điểm để định vị bàn phím dễ nhất.

Cứ vị trí đó, hãy để các ngón linh hoạt vươn lên trên hay xuống dưới, qua trái hay qua phải để chọn cho mình 1 vị trí thích hợp nhất với kích cỡ bàn tay.

Để giúp các bạn luyện tập, mình dùng một tiện ích nhỏ của trang http://www.sense-lang.org/typing để các bạn thực hành. Mặc dù chương trình rất nhỏ, nhưng lại có nhiều bài tập đúng phương pháp.

Luyện tâp với chương trình.

Bước 1: Nhấp vào đây để khởi động chương trình. Nhấp chuột vào nút Lessons và chọn Lesson1 hay copy và past đoạn văn bản vào khung bên cạnh và Practice the texts.

Image

Bước 2: Dùng chuột nhấp vào nút Speed Indicator để bắt đầu luyện. Ấn các phím bằng các ngón tay tương ứng theo các ký tự của dòng trên cùng của bài tập. Mỗi khi bạn ấn đúng phím, chương trình tiếp tục dời sang ký tự tiếp theo. Nếu bạn ấn sai, chương trình sẽ hướng dẫn bạn ngón tay nào sẽ ấn phím đó bằng hình ảnh minh họa.

Image

Nếu bạn kiên trì luyện tập và ứng dụng đúng phương pháp, bạn sẽ thấy tốc độ đánhchữ của bạn được cải thiện ít nhiều đến khi nào các ngón quen với vị trí các phím, bạn sẽ thao tác được 10 ngón mà không cần nhìn vào bàn phím.

Bổ sung: Download tài liệu này (để in ra cho tiện, theo yêu cầu của một độc giả) tại đây.

Theo Helloict

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Tuyển tập đề thi và lời giải APMO từ 1989 đến 2009

(Theo Vnmath) APMO là viết tắt của Asian Pacific Mathematics Olympiad. Hằng năm, APMO được tổ chức vào chiều ngày thứ Hai thứ nhì của tháng Ba cho các quốc gia tham dự đến từ Nam, Bắc Mĩ và sáng thứ Ba thứ hai của tháng Ba cho các nước đến từ Tây Thái Bình Dương và châu Á.
Dưới đây là tuyển tập đề thi và lời giải của APMO trong 21 năm (từ 1989 đến 2009): Download

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Thư của tổng thống Obama nhân ngày khai trường


Tôi đã nói về trách nhiệm của thầy cô giáo trong việc khuyến khích và thúc đẩy các em học.

Tôi đã nói về trách nhiệm của cha mẹ các em trong việc giúp các em đi đúng hướng, hoàn tất các bài tập về nhà thay vì dành mỗi giờ trong ngày trước tivi hay cái Xbox.

Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của nhà nước trong việc thiết lập một chuẩn cao trong giáo dục, hỗ trợ giáo viên và các vị hiệu trưởng ở những trường còn đang đi sau – nơi mà các em chưa có được cơ hội mà đáng lẽ các em phải có.

Nhưng nói gì thì nói, cho dù chúng ta có những giáo viên tâm huyết nhất, những bậc phụ huynh có trách nhiệm nhất và những ngôi trường tốt nhất trên thế giới, tất cả sẽ chẳng có nghĩa gì trừ khi tất cả các em hoàn thành trách nhiệm của mình: đến lớp hàng ngày, chú ý đến các bài giảng của thầy cô giáo, lắng nghe lời cha mẹ và người lớn, cũng như nỗ lực hết sức trong việc học.
...
Một số các em có thể không có cha mẹ để làm nơi nương tựa. Có thể một ai đó trong gia đình các em vừa mất việc và không có đủ tiền để xoay sở. Các em có thể sống trong một môi trường không được tốt, hay bị bạn bè ép buộc làm những việc mà bản thân biết là không đúng.

Nhưng cho dù hoàn cảnh của các em là như thế nào – các em giống ai, các em có bao nhiêu tiền, các em phải làm gì ở nhà – đó không phải là lý do để biện hộ cho việc không làm bài tập về nhà hay có một thái độ xấu. Đó không phải là lý do để giải thích cho việc cãi lại lời thầy cô, cắt tiết hay bỏ học. Đó không phải là lý do để không cố gắng.

Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình.
...
Đó là lý do tại sao hôm nay, tôi kêu gọi mỗi em cần tự ác định cho mình một mục tiêu và làm mọi thứ để đạt được nó. Mục tiêu đó có thể đơn giản chỉ là hoàn thành tất cả các bài tập về nhà, tập trung trong lớp hay dành thời gian mỗi ngày để đọc một cuốn sách. Có thể các em quyết định rằng mình sẽ tham gia vào một hoạt động ngoại khóa nào đó hoặc tham gia tình nguyện trong khu vực mình sinh sống.

Cho dù mục tiêu đó là gì đi nữa, tôi muốn các em đặt hết quyết tâm vào nó.
...
Đó là câu chuyện của những học sinh từng ngồi đây cách đây 250 năm và tiếp tục phát động cuộc cách mạng xây dựng nên đất nước này. Đó là những học sinh từng ngồi đây 75 năm trước và vượt qua cuộc khủng hoảng lớn để rồi dành chiến thắng trong cuộc chiến tranh thế giới, đấu tranh cho quyền bình đẳng và đưa con người lên mặt trăng. Đó là những học sinh từng ngồi đây cách đây 20 năm và sau này sáng lập ra Google, Twitter, Facebook và thay đổi cách chúng ta liên lạc với mọi người.

Hôm nay tôi muốn hỏi các em, các em sẽ có thể đóng góp điều gì? Các em sẽ phát minh ra những gì? Một vị tổng thống trong 20 hoặc 50 năm nữa khi quay lại đây sẽ nói như thế nào về những đóng góp của các em cho đất nước này?
...
Tôi hi vọng các em sẽ nỗ lực hết sức trong tất cả những gì mình làm. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng trong mỗi cá nhân các em. Đừng để tôi thất vọng. Đừng để cha mẹ, đất nước hay bản thân các em thất vọng. Hãy làm chúng tôi tự hào về các em. Tôi biết các em có thể làm được điều đó.

[Người tập viết lược dịch từ Prepared Remarks of President Barack Obama Back to School Event]

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Tìm ước chung lớn nhất và bội chung nhỏ nhất của 2 số

Hãy nhập 2 số tự nhiên mà bạn muốn tìm ước chung lớn nhất và bội chung nhỏ nhất vào 2 ô đầu tiên. Sau đó bấm nút "calculate", lập tức bạn sẽ có kết quả.
Thực hành ở đây:
Lưu ý: Script này ko chạy được trên IE, bạn phải dùng 1 trong các trình duyệt sau: Chrome, FireFox.
Xem thêm: Thuật toán phân tích một số nguyên ra các thừa số nguyên tố.

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

Bộ trưởng mất ngủ

“Khi mới làm bộ trưởng, vẫn là học việc, lúc đó tôi chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày, giờ thì có thể ngủ được 5 tiếng”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã kể như vậy vào chiều 31-8-2009, trong buổi giao lưu trực tuyến qua website Chính phủ. Vậy nhưng, có vẻ như nền Giáo dục đã không vận hành theo thao thức của ông. Sau hơn 2 năm ông Nguyễn Thiện Nhân lãnh đạo ngành Giáo dục, UNESCO đánh giá “giáo dục Việt Nam tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng để đứng thứ 79 trên 129” (Báo cáo công bố ngày 3-11-2008).

Ngủ là rất quan trọng, một người bình thường nên ngủ 7 tiếng/ngày. Một nghiên cứu mới đây của trường Y, đại học Pennsylvania, nói rằng, chỉ cần một đêm mất ngủ, bộ não của bạn sẽ “tạm thời ngưng hoạt động” và sau đó sẽ “không ổn định và hạn chế khả năng ngay cả với những nhiệm vụ đơn giản nhất”. Nghiên cứu này khuyên, “không nên thức cả đêm, việc ngủ ít cũng không nên”.

Chỉ cần theo dõi hoạt động của ông Nguyễn Thiện Nhân qua truyền thông, đủ thấy, ông là Bộ trưởng có rất ít thời gian để ngủ. Ông phát động các phong trào; ông đi suốt đêm xuống tận địa phương để kiểm tra thi cử; ông về tỉnh dự nghe chuyện một thầy giáo “lấy điểm gạ tình”; ông vào tận toilet để kiểm tra độ sạch sẽ; ông chủ trì hội nghị… Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, “Trung bình 3 ngày, ngành Giáo dục có một cuộc họp cấp quốc gia hoặc cấp vùng; có cuộc họp đông tới 800 người”. Tất cả công việc mà ông làm đều cần. Nhưng, một bộ trưởng phải làm sao để không phải xuống trực tiếp kiểm tra mà trường lớp vẫn sạch tới từng toilet.

Có lẽ ông Nguyễn Thiện Nhân nên dành lấy một ngày ngủ sao cho tròn 7 tiếng, rồi khi tỉnh dậy, vừa uống một tách trà, vừa mở sổ ra, gạch cho mình mấy cái đầu dòng, lựa chọn một thứ tự ưu tiên những việc mà nền giáo dục đang cần ở ông với tư cách là một người đưa ra chính sách.

Cho dù ông bị một vài cựu Bộ trưởng Giáo dục chỉ trích, công bằng mà nói, thứ hạng mà nền giáo dục Việt Nam hiện đang được xếp là hậu quả của những chính sách cách đây hàng chục năm; dấu ấn nặng nề nhất là công cuộc “cải cách giáo dục” đầu thập niên 80. Điều đáng quý ở ông là đã không đổ lỗi cho những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, giữa một “mớ bòng bong” ông đã quá hăng hái, thay vì tìm cách để tháo gỡ từ từ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đã cho tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 một cách khắt khe; kết quả là chỉ có 67,5% học sinh thi đậu. Nhưng, ngay sau đó, ông đã phải cho các em thi lại vì nếu không tốt nghiệp thì xã hội sẽ lãng phí 12 năm học của 417 nghìn học sinh. Một nền giáo dục chỉ sản xuất được máy công nông mà đem tiêu chuẩn Toyota kiểm soát “đầu ra” thì sản phẩm của nó làm sao xuất xưởng.

Tổ chức tốt một kỳ thi cũng có cái hay là đánh giá được mình, nhưng muốn đưa nền giáo dục thoát ra thì trước hết phải biết mình có khả năng tới đâu và định cung cấp những sản phẩm như thế nào cho xã hội. Trên cơ sở ấy mới thay đổi công nghệ và thu hút nguồn nhân lực. Các học giả cho rằng phải bắt đầu bằng triết lý giáo dục; nhưng, có lẽ chỉ nên diễn dịch vấn đề đơn giản: cần có một nền giáo dục sao cho, những người bình thường sau khi học xong tự kiếm được cơm ăn, những người tài năng thì không chỉ có khát vọng thành đạt cho bản thân mà còn có trách nhiệm với tương lai tổ quốc.

Làm sao để lấy lại niềm tin cho con trẻ, để phụ huynh không phải tìm nơi cho con em “tị nạn giáo dục” như cách nói của GS Võ Tòng Xuân, vừa được nhắc lại bởi nhà văn nữ Dạ Ngân. Thay khẩu hiệu, thay phong trào bằng những bước đi thiết thực; thay những giờ học vẹt bằng những giờ học phát huy sức sáng tạo; giảm những môn học mà ngay cả thầy cũng không còn tin. Bộ Giáo dục có thể độc quyền viết sách giáo khoa về Marx- Lenin; nhưng, môn tiếng Anh thì có thể giảm chi phí bằng cách xin bản quyền những chương trình giảng dạy tiếng Anh nổi tiếng.

Bắt đầu từ những năm 80, những người giỏi nhất đã không còn thi vào ngành sư phạm. Những người giỏi còn lại thì bị thách thức trước thu nhập ở ngành khác cao hơn. Một cô giáo có trình độ tiếng Anh nói và nghe được có thể tìm việc 5-6 trăm “đô” làm sao có thể yên tâm dạy với 2 triệu đồng/tháng. Đã là nhà giáo thì phải có lương tâm, nhưng nhà nước cũng không thể để cho những người làm “nghề cao quý” phải quan tâm “lương tháng”.

Ngân sách đã chi rất lớn cho giáo dục, Bộ biết rõ khoản tiền 4,7 tỷ USD (năm 2008) ấy có thực sự được chi đúng mục tiêu. Nếu ngân sách không thể tăng thì phải khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư. Đừng bắt tư nhân phải “chạy” giấy phép, đừng bắt các khoa, các trường đại học phải ra Hà Nội để ký tá… hãy để những chi phí “thủ tục” ấy trực tiếp biến thành con chữ cho dân. Người dân Việt Nam đã bỏ hàng tỉ đô la để đưa con em đi “tị nạn”. Người dân Việt Nam cũng có thể dùng số tiền ấy để đóng học phí nếu có trường lớp tử tế và chính sách rõ ràng.

Nếu bắt tay giờ đây, từ ngưỡng cửa của trường sư phạm, thì sự thay đổi trong nền giáo dục chỉ có thể bắt đầu 5-6 năm sau. Có thể những đóng góp về chính sách hôm nay, phải hàng thập kỷ mới được ghi nhận. Nhưng, sự nghiệp của một nhà chính trị không phải là quyền cao chức trọng mà là thực sự làm được những gì. Ông Nguyễn Thiện Nhân đã rất khiêm tốn nói, thời gian đầu khi làm Bộ trưởng, ông chỉ là người “học việc”. Có lẽ không ở đâu xa xỉ như Việt Nam, một bộ trưởng bắt đầu học khi đã ngồi vào ghế. Nhưng, ông đã có hơn ba năm, có thời gian nhìn lại để lựa chọn mốc mới cho một sự nghiệp lâu dài, một sự nghiệp có thể lưu danh.

Một dân tộc muốn ngửng cao đầu thì trước hết phải biết xấu hổ. Một quốc gia sẽ không có tương lai nếu một nền giáo dục không kiên quyết quay lưng với những điều giả dối. Ngay từ trong nhà trường mà học sinh không biết tư duy độc lập, không có chính kiến thì cho dù có hàng chục nghìn tiến sỹ, đất nước cũng không thực sự có trí thức. Muốn cải cách giáo dục thì cần phải có những nhà lãnh đạo mất nhiều đêm thao thức, nhưng, trước khi đưa ra một chính sách, chính các nhà lãnh đạo ấy, cần phải ngủ sao cho đủ giấc.
Huy Đức

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Mồng 2 tháng 9 năm 2009





Trên đây là một số hình ảnh chụp được trong này Quốc khánh. Tin vui là Google và Yahoo đều treo cở của Việt Nam. Xúc động hơn khi nghe đội quân danh dự của người anh em Venezuela hát quốc ca của nước ta.

Một ngày đặc biệt với công dân mạng. Chúc mừng Quốc Khánh!

Bao giờ cháu mới được học dưới mái trường XHCN ?

Trong buổi giao lưu trực tuyến với bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân diễn ra vào ngày 31/08/2009, tôi ấn tượng với 3 câu hỏi của những công dân trẻ.

* Độc giả: Nguyễn Văn Tuấn - Nam 17 tuổi - học sinh

Em được biết học phí năm 2009 sẽ cao hơn mọi năm. Vậy em xin hỏi tại sao đất nước Cuba còn khó khăn hơn nước ta mà còn miễn học phí cho học sinh, sinh viên. Ở nước ta học phí không được miễn giảm hoàn toàn mà lại ngày càng thay đổi theo hướng tăng. Đến khi nào chúng em được miễn học phí theo chế độ XHCN?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
Rất hoan nghênh câu hỏi của em, nhưng trong câu hỏi có một số nội dung không chính xác đó là hiện nay không phải học phí của chúng ta ngày càng tăng, vừa rồi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính, khẳng định: với giáo dục phổ thông, việc đóng học phí là phù hợp khả năng chi trả tức là những người nghèo, phần dành cho con em đi học ví dụ một tháng không đủ dành vài chục nghìn để mua quần áo sách vở, diện đó hoàn toàn không phải đóng học phí, không phải chỉ miễn mà còn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sách vở đi học.

Đây là chính sách mới, không phải miễn mà còn cho thêm để đi học. Còn những hộ ở đô thị có thu nhập tương đối cao thì sau trước vẫn đóng nhiều hơn nhưng theo nguyên tắc là không gây khó khăn về chi trả. Cần nhấn mạnh là chúng ta không hề có chủ trương là tăng học phí ở cấp phổ thông mà ngược lại tiếp tục miễn giảm, thậm chí còn cho thêm. Ví dụ như vừa qua Quốc hội đề xuất phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đối với vùng miền núi, có trường công lập rồi mà gia đình vẫn không đủ tiền cho con đi học thì nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ toàn bộ.

* Độc giả Đỗ Huy - Nam 27 tuổi - giáo viên

Tôi có cô em họ có bằng đại học loại giỏi, đồng thời là thủ khoa của Đại học SPHN, vậy mà đi xin việc thật khó khăn. Bộ trưởng có biện pháp nào để trọng dụng những thủ khoa như vậy không? Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Trước hết chúc mừng anh có một người em tốt nghiệp thủ khoa. Đấy là một niềm tự hào của bản thân cũng như của gia đình. Tuy nhiên có thể thủ khoa ở một ngành, hoặc bậc học mà chúng ta vừa trao đổi, thì có thể ở địa bàn thuận lợi đã có đủ giáo viên rồi thì chúng ta phải chấp nhận công việc ở một địa bàn khác. Đây cũng là bài học là chúng ta học xong đại học mới bắt đầu đi tìm việc làm, và trong lĩnh vực đại học cũng như dạy nghề. Bộ GDĐT đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng đến giải pháp là những người học đại học ngay khi học xong một nửa thời gian đào tạo, phải xúc tiến khả năng tìm, chọn được việc làm thích hợp. Như vậy sự chủ động của người học nghề, học đại học cao đẳng được tìm nghề là rất quan trọng, tự tìm và tự tiếp thị cho mình trong chuyện này. Còn như trường hợp của cháu thì đồng chí Phó Cục trưởng Cục nhà giáo vừa trao đổi, sẽ làm vai trò cầu nối cho cháu tìm được nơi làm việc cho phù hợp nhất trong hoàn cảnh chung hiện nay.

* Độc giả: Bùi Thị Quỳnh - Nữ 25 tuổi - Giáo Viên

Kính chào Phó Thủ tướng. Nhà cháu có 2 anh em, anh cháu tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, cháu tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội khoa Sinh. Bố mẹ chúng cháu làm nông nghiệp nuôi 2 anh em đã vất vả lắm rồi, khi ra trường tưởng xin việc đơn giản vì 2 ngành này nhà nước luôn cần, nhưng qua tìm hiểu xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Xin Bộ trưởng cho cháu một lời giải thích và chỉ cho chúng cháu một con đường?

Ông Trần Xuân Mậu - Phó Cục trưởng cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Tôi xin chia sẻ việc nuôi 2 con ăn học của gia đình nông dân đã là cố gắng rất lớn.

Đối với việc tuyển giáo viên, Bộ GDĐT đã chỉ đạo thực hiện Quyết định 62 của Bộ năm 2007 cũng như Thông tư 07 về phân cấp trong vấn đề tuyển dụng biên chế của các nhà trường. Việc này, tại mỗi địa phương có nhu cầu khác nhau. Có địa phương cần tuyển thêm, cũng có địa phương, hiện nay, số giáo viên tương đối bão hòa, bảo đảm cơ cấu, số lượng.

Vấn đề tuyển thay mới hàng năm vẫn tiếp tục, chúng tôi đề nghị, đối với Cục nhà giáo, là đơn vị quản lý chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, chúng tôi xin phép là cầu nối, nếu các bạn sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn về việc làm, gia đình khó khăn, … có thể liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ thông qua các kênh liên lạc quản lý giới thiệu cho các bạn tới làm việc trực tiếp ở các địa phương có nhu cầu.

Việc đào tạo của các trường sư phạm có một số ngành, lĩnh vực lại vượt quá nhu cầu, theo chỉ đạo của Bộ giáo dục chúng tôi đang triển khai chỉ đạo tại các địa phương trong vấn đề: các địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ đến năm 2015, kế hoạch này phải được kết nối với các trường sư phạm trên địa bàn để việc đào tạo giáo viên đáp ứng số lượng, cơ cấu cho đội ngũ giáo viên tại địa bàn. Việc này đòi hỏi thời gian, Cục nhà giáo đang tham mưu cho Bộ về vấn đề trên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT: Cháu tốt nghiệp Đại học Y, chưa có việc làm tại Hà Nội, nếu có thể đến vùng khó khăn, miền núi… chắc chắn có nhiều nơi rất cần. Đối với giáo viên cũng vậy.

Tuy nhiên, hiện tượng giáo viên khó tìm được việc làm cho thấy ngành giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu giáo viên các cấp. Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội.

Từ năm học này, ngành giáo dục có chủ trương trong 3 năm tới, các sở giáo dục phải quy hoạch lại nhu cầu giáo viên, tiến hành đào tạo theo đặt hàng cho các trường ĐH, CĐ. Liên quan tiến tới ngành giáo dục phải đào tạo theo đúng nhu cầu cho địa phương, từ thực tiễn đó tổng hợp lại để có dự báo cho nhu cầu đào tạo của trường.

Anh chị em nào vừa qua đào tạo hệ sư phạm, nhưng thực tế ở ngành đó địa phương không có nhu cầu, chúng ta có thể học bổ túc chuyển đổi sang bằng 2. HIện nay, một số địa phương đã thực hiện đào tạo 3 năm đầu là khoa học cơ bản, năm thứ tư đào tạo chuyên ngành mới quyết định chuyển hệ sư phạm hay kỹ sư. Những người này nếu học sư phạm, 3 năm đầu kiến thức kỹ thuật vẫn có thể làm cử nhân kỹ sư kỹ thuật, một thời gian nếu thấy không có điều kiện, có thể quay lại xin học bổ túc để lấy bằng 2, lúc đó vẫn có thể có thể phát huy nền tảng. Nếu một cơ quan có kỹ sư làm kỹ thuật lại học sư phạm, có thẻ giúp đào tạo kỹ sư cho công ty.

P.S: Phó Thủ tướng hướng bạn đi theo các con đường mà bạn luôn muốn tránh!

Bài đăng phổ biến