Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Bao giờ cháu mới được học dưới mái trường XHCN ?

Trong buổi giao lưu trực tuyến với bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân diễn ra vào ngày 31/08/2009, tôi ấn tượng với 3 câu hỏi của những công dân trẻ.

* Độc giả: Nguyễn Văn Tuấn - Nam 17 tuổi - học sinh

Em được biết học phí năm 2009 sẽ cao hơn mọi năm. Vậy em xin hỏi tại sao đất nước Cuba còn khó khăn hơn nước ta mà còn miễn học phí cho học sinh, sinh viên. Ở nước ta học phí không được miễn giảm hoàn toàn mà lại ngày càng thay đổi theo hướng tăng. Đến khi nào chúng em được miễn học phí theo chế độ XHCN?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:
Rất hoan nghênh câu hỏi của em, nhưng trong câu hỏi có một số nội dung không chính xác đó là hiện nay không phải học phí của chúng ta ngày càng tăng, vừa rồi Quốc hội thông qua Đề án đổi mới cơ chế tài chính, khẳng định: với giáo dục phổ thông, việc đóng học phí là phù hợp khả năng chi trả tức là những người nghèo, phần dành cho con em đi học ví dụ một tháng không đủ dành vài chục nghìn để mua quần áo sách vở, diện đó hoàn toàn không phải đóng học phí, không phải chỉ miễn mà còn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sách vở đi học.

Đây là chính sách mới, không phải miễn mà còn cho thêm để đi học. Còn những hộ ở đô thị có thu nhập tương đối cao thì sau trước vẫn đóng nhiều hơn nhưng theo nguyên tắc là không gây khó khăn về chi trả. Cần nhấn mạnh là chúng ta không hề có chủ trương là tăng học phí ở cấp phổ thông mà ngược lại tiếp tục miễn giảm, thậm chí còn cho thêm. Ví dụ như vừa qua Quốc hội đề xuất phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đối với vùng miền núi, có trường công lập rồi mà gia đình vẫn không đủ tiền cho con đi học thì nhà nước vẫn sẽ hỗ trợ toàn bộ.

* Độc giả Đỗ Huy - Nam 27 tuổi - giáo viên

Tôi có cô em họ có bằng đại học loại giỏi, đồng thời là thủ khoa của Đại học SPHN, vậy mà đi xin việc thật khó khăn. Bộ trưởng có biện pháp nào để trọng dụng những thủ khoa như vậy không? Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng!

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Trước hết chúc mừng anh có một người em tốt nghiệp thủ khoa. Đấy là một niềm tự hào của bản thân cũng như của gia đình. Tuy nhiên có thể thủ khoa ở một ngành, hoặc bậc học mà chúng ta vừa trao đổi, thì có thể ở địa bàn thuận lợi đã có đủ giáo viên rồi thì chúng ta phải chấp nhận công việc ở một địa bàn khác. Đây cũng là bài học là chúng ta học xong đại học mới bắt đầu đi tìm việc làm, và trong lĩnh vực đại học cũng như dạy nghề. Bộ GDĐT đã làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng đến giải pháp là những người học đại học ngay khi học xong một nửa thời gian đào tạo, phải xúc tiến khả năng tìm, chọn được việc làm thích hợp. Như vậy sự chủ động của người học nghề, học đại học cao đẳng được tìm nghề là rất quan trọng, tự tìm và tự tiếp thị cho mình trong chuyện này. Còn như trường hợp của cháu thì đồng chí Phó Cục trưởng Cục nhà giáo vừa trao đổi, sẽ làm vai trò cầu nối cho cháu tìm được nơi làm việc cho phù hợp nhất trong hoàn cảnh chung hiện nay.

* Độc giả: Bùi Thị Quỳnh - Nữ 25 tuổi - Giáo Viên

Kính chào Phó Thủ tướng. Nhà cháu có 2 anh em, anh cháu tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội, cháu tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội khoa Sinh. Bố mẹ chúng cháu làm nông nghiệp nuôi 2 anh em đã vất vả lắm rồi, khi ra trường tưởng xin việc đơn giản vì 2 ngành này nhà nước luôn cần, nhưng qua tìm hiểu xin vào đâu cũng phải mất một khoản tiền khá lớn. Xin Bộ trưởng cho cháu một lời giải thích và chỉ cho chúng cháu một con đường?

Ông Trần Xuân Mậu - Phó Cục trưởng cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Tôi xin chia sẻ việc nuôi 2 con ăn học của gia đình nông dân đã là cố gắng rất lớn.

Đối với việc tuyển giáo viên, Bộ GDĐT đã chỉ đạo thực hiện Quyết định 62 của Bộ năm 2007 cũng như Thông tư 07 về phân cấp trong vấn đề tuyển dụng biên chế của các nhà trường. Việc này, tại mỗi địa phương có nhu cầu khác nhau. Có địa phương cần tuyển thêm, cũng có địa phương, hiện nay, số giáo viên tương đối bão hòa, bảo đảm cơ cấu, số lượng.

Vấn đề tuyển thay mới hàng năm vẫn tiếp tục, chúng tôi đề nghị, đối với Cục nhà giáo, là đơn vị quản lý chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, chúng tôi xin phép là cầu nối, nếu các bạn sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn về việc làm, gia đình khó khăn, … có thể liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ thông qua các kênh liên lạc quản lý giới thiệu cho các bạn tới làm việc trực tiếp ở các địa phương có nhu cầu.

Việc đào tạo của các trường sư phạm có một số ngành, lĩnh vực lại vượt quá nhu cầu, theo chỉ đạo của Bộ giáo dục chúng tôi đang triển khai chỉ đạo tại các địa phương trong vấn đề: các địa phương phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ đến năm 2015, kế hoạch này phải được kết nối với các trường sư phạm trên địa bàn để việc đào tạo giáo viên đáp ứng số lượng, cơ cấu cho đội ngũ giáo viên tại địa bàn. Việc này đòi hỏi thời gian, Cục nhà giáo đang tham mưu cho Bộ về vấn đề trên.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT: Cháu tốt nghiệp Đại học Y, chưa có việc làm tại Hà Nội, nếu có thể đến vùng khó khăn, miền núi… chắc chắn có nhiều nơi rất cần. Đối với giáo viên cũng vậy.

Tuy nhiên, hiện tượng giáo viên khó tìm được việc làm cho thấy ngành giáo dục chưa có dự báo đầy đủ về nhu cầu giáo viên các cấp. Các trường sư phạm vẫn đào tạo theo khả năng, chưa theo nhu cầu của xã hội.

Từ năm học này, ngành giáo dục có chủ trương trong 3 năm tới, các sở giáo dục phải quy hoạch lại nhu cầu giáo viên, tiến hành đào tạo theo đặt hàng cho các trường ĐH, CĐ. Liên quan tiến tới ngành giáo dục phải đào tạo theo đúng nhu cầu cho địa phương, từ thực tiễn đó tổng hợp lại để có dự báo cho nhu cầu đào tạo của trường.

Anh chị em nào vừa qua đào tạo hệ sư phạm, nhưng thực tế ở ngành đó địa phương không có nhu cầu, chúng ta có thể học bổ túc chuyển đổi sang bằng 2. HIện nay, một số địa phương đã thực hiện đào tạo 3 năm đầu là khoa học cơ bản, năm thứ tư đào tạo chuyên ngành mới quyết định chuyển hệ sư phạm hay kỹ sư. Những người này nếu học sư phạm, 3 năm đầu kiến thức kỹ thuật vẫn có thể làm cử nhân kỹ sư kỹ thuật, một thời gian nếu thấy không có điều kiện, có thể quay lại xin học bổ túc để lấy bằng 2, lúc đó vẫn có thể có thể phát huy nền tảng. Nếu một cơ quan có kỹ sư làm kỹ thuật lại học sư phạm, có thẻ giúp đào tạo kỹ sư cho công ty.

P.S: Phó Thủ tướng hướng bạn đi theo các con đường mà bạn luôn muốn tránh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến