Thứ Năm, 1 tháng 9, 2011

Phát triển tư duy cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi

Ba đến sáu tuổi là thời điểm quan trọng để bồi dưỡng và phát triển khả năng tư duy cho trẻ. Cha mẹ cần tiến hành rèn luyện tư duy cho trẻ một cách có kế hoạch, tạo nền móng cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ ở trẻ. 

Bồi dưỡng năng lực tư duy hành động trực quan

Trẻ 3 tuổi đã biết các động tác cơ bản, cha mẹ có thể dạy bé các điệu múa hoặc các bài thể dục đơn giản phù hợp với trẻ. Khi trẻ lớn hơn thì cha mẹ có thể tăng độ khó trong các bài tập lên. Cha mẹ cũng cần chú ý khích lệ trẻ tìm tòi khám phá thế giới xung quanh về kích cỡ, hình dáng, màu sắc, cứng và mềm, nóng và lạnh...

Rèn luyện khả năng tư duy hình tượng

Khi trẻ 3 - 4 tuổi, tư duy hình tượng đã bắt đầu xuất hiện, bé đã có thể dùng những đường nét đơn giản để thể hiện quan hệ giữa các vật thể bé đã vẽ. Đến khi được 4 - 5 tuổi, khả năng giải quyết vấn đề thông qua tư duy hình tượng của trẻ đã tăng lên rõ rệt. Sau 5 tuổi, tư duy hình tượng của trẻ phát triển khá tốt trong các mặt như hội họa, kể chuyện, lao động thủ công, hoạt động âm nhạc... Vì vậy, để bồi dưỡng năng lực này cho bé cần:
- Trong hội họa: Cha mẹ cần thường xuyên hướng dẫn trẻ quan sát khi ra ngoài đường bằng cách, đặt câu hỏi giúp trẻ nắm bắt được đặc trưng của những sự vật, tìm mối liên hệ hay sự khác biệt giữa các sự vật hiện tượng; chỉ cho bé hiểu chỗ nào đẹp, chỗ nào chưa đẹp và khơi dậy nguyện vọng vẽ tranh của bé. Sau khi bé bắt đầu vẽ thì nên để bé phát huy hết khả năng tưởng tượng của mình để sáng tạo ra các loại hình tượng.
- Nghe kể chuyện: Nên kể cho bé nghe những câu chuyện tình tiết khúc mắc, hứng thú như những câu chuyện thiếu nhi kinh điển. Cần chọn cho trẻ nghe những câu chuyện phù hợp với độ tuổi, sự nhận thức của trẻ. Trong khi kể chuyện cần đặt ra câu hỏi để kích thích khả năng tư duy của trẻ như: Cô Tấm có xinh không? Cô mặc áo màu gì?
- Hướng dẫn trẻ làm thủ công: Cha mẹ mua đất nặn, giấy trắng, giấy màu... những đồ thủ công, sau đó hướng dẫn bé chơi, dạy bé cách bố trí các bức tranh, sắp xếp cân đối...


Phát triển khả năng tư duy trừu tượng

Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tiến hành các loại tiểu thực nghiệm như nam châm để hút sắt và kính lúp để phóng to các vật....
Khi bé 4 tuổi là lúc bắt đầu có thể học đố, cho nên cha mẹ cần ra những câu đố phù hợp với trẻ, tốt nhất là đố về các vật dụng xung quanh và quen thuộc với trẻ.

Bồi dưỡng khả năng tư duy phân loại

Theo tính chất công dụng của sự vật và sắp xếp chúng theo từng loại. Có thể dùng sự vật tiến hành và bạn cũng có thể dùng hình ảnh để thực hiện. Ví dụ khi rèn luyện, bé tự mình sắp xếp quần áo và đồ dùng hàng ngày, xếp áo khoác với nhau, xếp váy với nhau, để tất cùng một chỗ...

Rèn luyện tư duy so sánh

Để rèn luyện khả năng này, cha mẹ cần hướng dẫn bé phát hiện những điểm khác nhau trong sự vật gần giống nhau và những điểm giống nhau trong các sự vật khác nhau.
Bồi dưỡng khả năng so sánh cho bé có thể đi từ đời sống xung quanh chúng ta. Khi bé bắt đầu nhận thức sự vật, hướng dẫn bé tiến hành so sánh những sự vật khác nhau, như “trong 2 anh em chú mèo kia, chú nào to chú nào bé?”, “Con nhìn hai cây bên đường kia, cây nào cao hơn và cây nào thấp hơn?”, khi trẻ lớn hơn có thể dạy trẻ so sánh ở mức độ khó hơn như so sánh trực quan và so sánh hình vẽ...


Rèn luyện khả năng phân tích và tổng hợp cho trẻ từ trò chơi

Bồi dưỡng khả năng phân tích tổng hợp cho bé có thể tiến hành từ khi bé còn nhỏ, phương pháp tốt nhất là nói chuyện với bé, trong quá trình nói chuyện hướng dẫn bé phân tích và tổng hợp, từ đó phát triển khả năng ngôn ngữ. Như hướng dẫn bé quan sát, phân tích và giải thích các hiện tượng tự nhiên. Ví dụ: Tại sao mây lại bay? Tại sao con cá bơi được?

Bồi dưỡng khả năng giải quyết vấn đề cho trẻ

Bồi dưỡng cho trẻ khả năng này rất đơn giản, vì những vấn đề cần giải quyết có rất nhiều xung quanh trẻ, chỉ cần cha mẹ để ý hướng dẫn trẻ là trẻ sẽ biết cách làm. Cha mẹ cần chú ý là không làm thay trẻ mà chỉ hướng dẫn trẻ để trẻ tự giải quyết. Ví dụ, trẻ không tìm thấy đồ chơi đâu, trẻ hỏi bố “ Bố ơi! Ô tô của con đâu rồi?” Bố không tìm giúp trẻ mà trả lời trẻ: “Thế con chơi ô tô lần cuối cùng vào khi nào, chơi xong con cất ở đâu, con thử đi tìm xem”, nếu trẻ tìm không thấy thì hỏi “có thể có ai đó mang ô tô của con đặt vào chỗ khác không?”...

Bồi dưỡng tính nhanh nhậy trong tư duy

Bé còn nhỏ nên khi suy nghĩ về các vấn đề hoặc khía cạnh liên quan đến nhau của một vấn đề còn rất hạn chế. Ví dụ, khi trẻ chỉ ra công dụng của gỗ bé chỉ nêu được công dụng kiến trúc của gỗ như là để làm bàn, ghế, tủ... mà không biết được các công dụng khác của gỗ như có thể làm giấy, vỏ bút chì… Vì thế, cha mẹ nên lấy ví dụ hướng dẫn bé suy nghĩ nhiều, suy nghĩ nhanh:
- Nêu ra các sự vật có cùng đặc trưng: Như những đồ vật có cùng hình vuông. Những vật có thể bay.
- Lấy ví dụ từ gần nghĩa: Nói ra một từ để nói từ gần nghĩa với nó như từ “béo” có các từ gần nghĩa như “mập”, “lớn”, “to”...
- Từ ngữ nối tiếp: Nói ra một từ hoặc một câu, để bé nói ra một chuỗi từ hoặc câu, khiến cho chuỗi từ hoặc câu này được sắp xếp liền nhau. Ban đầu, bạn có thể chọn những bài hát hoặc những bài thơ mà bé quen thuộc, sau đó mở rộng sang những bài mà bé chưa từng nghe.
Khi rèn luyện cho bé khả năng này, bạn cần chú ý dạy bé phản ứng nhanh chứ không phải phản ứng vội vàng, gặp vấn đề cần suy xét kĩ càng, suy nghĩ chu đáo, sau đó thong thả trả lời.

Khích lệ bé tưởng tượng những điều kì diệu

Cha mẹ cần tạo bầu không khí gia đình vui vẻ thoải mái. Bé có thể đặt ra rất nhiều các câu hỏi ngộ nghĩnh, thậm chí có vẻ buồn cười nhưng cha mẹ không nên cản trở bé tự do phát triển trí tưởng tượng và đặc biệt là không nên cười nhạo, phê bình; không được dùng suy nghĩ của người lớn để yêu cầu trẻ. 
Dạy trẻ sáng tạo ra các câu chuyện cũng là một phương pháp tốt để phát triển tư duy của bé. Cha mẹ có thể tạo ra một số cảnh, một số tình huống để khích lệ bé suy nghĩ đến tình tiết và kết cục khác nhau của câu chuyện, sau đó cho bé tự kể lại theo suy nghĩ của mình. Hoặc trên nền một câu chuyện có sẵn, nhưng thử hỏi bé là: theo con thì câu chuyện có thể kết thúc như thế nào?

Khuyến khích trẻ tìm thế hiểu giới xung quanh

Cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng khả năng vận động cho trẻ, cố gắng tạo cho trẻ cơ hội tìm hiểu về thế giới xung quanh trên cơ sở tự mình hoạt động. Nên chuẩn bị đồ chơi nhiều công dụng và điều kiện vui chơi cho bé, hướng dẫn trẻ chơi hết mình, khiến chúng động não suy nghĩ trong khi chơi để chúng hoàn thành các loại nhiệm vụ, độc lập giải quyết vấn đề

Nguồn: mangthai.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến