Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Giảm tải vội vàng!

Giảm tải chương trình giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT vừa đưa vào triển khai trong năm học này đã nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, việc giảm tải này quá vội vàng, kết quả sẽ không đi đến đâu, nặng vẫn hoàn nặng.

Giảm không thực tế!

Ủng hộ chủ trương giảm tải chương trình học của Bộ GD-ĐT nhưng GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam lo lắng cho rằng do bị sức ép nên Bộ GD-ĐT quá vội vàng triển khai giảm tải như vậy sẽ không hiệu quả.

Phân tích về vấn đề này, GS Phạm Tất Dong cho biết: “Khi thực hiện giảm tải cần phải có sự chuẩn bị, thí điểm và hỏi ý kiến những nhà khoa học, giáo sư đầu ngành để xem họ nhận xét như thế nào về chương trình học hiện nay và giảm cái gì, thêm cái gì cho phù hợp với thực tế. Sau đó, bàn với các thầy viết sách một cách cẩn thận chứ không nên giao cho vụ này, vụ kia nghiên cứu rồi đề xuất giảm, tôi thấy không ổn”.

Về chương trình học quá tải hiện nay, GS Dong cho hay: “Nhiều kiến thức học sinh không nên học vội như chương trình tiểu học, các em đã phải tìm hiểu Liên hợp quốc là gì hoặc các em bậc tiểu học phải có thái độ tốt với Ủy ban nhân dân xã; thái độ của em với người nước ngoài… Trong khi đó nhiều em học sinh ra đương gặp người già còn chưa chào đến khi người nước ngoài. Thậm chí viết trong chương trình còn ghi là Ủy ban nhân dân thôn, xóm. Thôn, xóm làm gì có Ủy ban nhân dân… Kiến thức tưởng phù hợp với thực tế nhưng lại không thực tế".

Xét đến hậu quả của việc giảm tải chương trình vội vàng này của Bộ GD-ĐT, GS Phạm Tất Dong cho rằng: “Sẽ gây ra lộn xộn và không có tác dụng. Với cách làm này tuy không gây ra sai sót quá lớn vì vẫn sách cũ và chương trình cũ chỉ đến lớp không nói đến cái bài giảm tải nữa. Quan điểm của tôi là giảm tải bỏ đi những cái gì không cần thiết và những cái gì cần phải thêm vào. Giảm không có nghĩa là cắt. Nên gọi cho chuẩn xác việc giảm tải này là điều chỉnh chương trình cho vừa sức”.

Học sinh Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới. Hiện nay chương trình học quá nặng khiến học sinh mệt mỏi. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Nặng vẫn hoàn nặng

Có lẽ thực tế nhất trong việc giảm tải chương trình này vẫn là các hiệu trưởng, giáo viên trực tiếp đứng lớp.

Một giáo viên dạy Ngữ Văn ở Trường THPT Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình, Hà Nội) nhận định: “Chủ trương giảm tải là hợp lý, đáp ứng được mong đợi của người dạy, người học, nhưng nội dung giảm tải có cảm giác mới chỉ là bước “thăm dò” đầu tiên của Bộ GD-ĐT. Lẽ ra cần mạnh dạn cắt bỏ hơn nữa. Đối với chương trình môn Văn lớp 11, việc cắt giảm một số nội dung không giải quyết được vấn đề gì đáng kể, nếu làm quyết liệt thì phải sắp xếp lại toàn bộ chương trình”.

Còn PGS Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: "Việc giảm tải hiện nay còn khá rụt rè, chưa mạnh dạn, cần giảm đi 30% chương trình thì mới có thể tạo ra một sự thay đổi thực chất. Đối với môn Toán của chương trình THPT, việc giảm tải khá vụn vặt, ví dụ chỉ làm bài tập này, không cần làm bài tập kia, bỏ ví dụ này, bỏ hoạt động (thao tác) kia".

Thầy giáo Lê Trung Tuấn, hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hồng Phong (Hà Đông, Hà Nội) đồng thời là giáo viên dạy Toán lại cho rằng: “Chương trình giảm tải rất hợp lý, giáo viên dạy cũng ít đi, học sinh học cũng nhẹ nhàng hơn trong buổi học chính khóa. Tuy nhiên, những bài giảm tải, chúng tôi cho vào học buổi 2 và để học sinh về nhà tự đọc”.

Phân tích kỹ hơn về việc giảng dạy tại lớp học hiện nay, ông Hà Huy Bằng, hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội), cũng là giáo viên môn Vật lý, cho hay: “Chúng tôi rất hoan nghênh chủ trương giảm tải chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng theo tôi giảm tải phải đồng bộ, cắt đi một số phần và có cầu nối với phần khác để kiến thức không bị trục trặc. Giảm tải không có nghĩa là bỏ cái này, bớt cái kia mà phải vừa bỏ vừa thêm vào đồng nghĩa với chương trình cho đơn giản để học sinh dễ hiểu tránh học thêm, thi đại học tốt”.

“Chương trình Vật lý hiện nay cũng khá nặng về câu hỏi trắc nghiệm bài tập như đánh đố học sinh. Nếu theo đúng chương trình học, học sinh khó có thể thực hiện tốt. Thậm chí nhiều câu hỏi đến giáo viên còn thấy khó nữa chứ đừng nói học sinh. Theo tôi, sách giáo khoa hiện nay còn sơ sài vì vậy giảm tải nhưng vẫn phải thêm. Trong môn Vật lý phổ thông phải có câu hỏi trắc nghiệm sâu hơn về vấn đề lý thuyết. Câu hỏi bài tập trắc nghiệm cần soạn lại, thêm nhiều kiến thức” - ông Bằng nhận định.

Góp ý để nâng cao chất lượng việc giảm tải, GS Phạm Tất Dong cho rằng: “Đến năm 2015, Bộ GD-ĐT chuyển đổi chương trình sách giáo khoa và chính giảm tải là một trong những chương trình chuyển đổi này. Để việc giảm tải thực hiện có hiệu quả, Bộ GD-ĐT cần có những hội đồng khoa học họp bàn về giảm tải và quyết định sang năm nên học thế nào chứ tôi nghĩ việc làm tải này không mang lại kết quả gì lớn, nặng vẫn hoàn nặng”.

Hồng Hạnh

Nguồn: Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến