Với quyết định này, Thừa Thiên Huế đã cho trường Quốc Học Huế hạ cấp, tự nguyện bước ra khỏi tốp ba toàn quốc, để hoà mình vào tốp 60 trường chuyên, có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành (nhiều tỉnh có trường chuyên từ THCS đến THPT).
Cách đây 15 năm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đưa Trường THPT Quốc Học Huế và Trường THPT Chu Văn An - Hà Nội, Trường THPT Lê Hồng Phong – TPHCM, vào đề án xây dựng trường THPT chất lượng cao (CLC) với nhiệm vụ đào tạo học sinh CLC và học sinh khối chuyên. Có nghĩa là trong trường CLC đã bao gồm trường chuyên.
Năm 2005, điểm 10 môn văn trong kỳ thi tuyển sinh đại học xuất hiện sau nhiều năm vắng bóng là bài thi của một học sinh khối CLC trường Quốc Học Huế.
Bên cạnh trường CLC, Hà Nội và TPHCM còn phát triển thêm các trường chuyên như Amsterdam (Hà Nội), Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Thượng Hiền (TPHCM). Ngược lại, Thừa Thiên Huế tự nguyện thu mình lại, đi ngược với định hướng của đề án xây dựng trường CLC của Bộ GD&ĐT.
Việc Quốc Học Huế tự nguyện rút ra khỏi danh sách ba trường THPT CLC của cả nước cho thấy Huế tiếp tục mất dần vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực.
Kể từ sau năm 1945, Huế không còn là trung tâm chính trị nhưng vẫn giữ vai trò là một trung tâm văn hoá, trung tâm giáo dục. Với thương hiệu trường CLC, hàng năm Quốc Học Huế tuyển sinh không ít học sinh giỏi từ các tỉnh thành lân cận.
Nếu là trường chuyên đơn thuần, nguồn tuyển sinh này sẽ mất hẳn, Quốc Học Huế mất vai trò là trung tâm đào tạo cho cả khu vực.
Theo Thanh Tùng, Tiền Phong Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét