Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Nuôi ước mơ từ những tờ vé số

Hàng ngày, sau những buổi học trên lớp, chàng sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, trường Đại học Nông lâm Huế Nguyễn Xuân Mỹ lại rong ruổi khắp các ngả đường của TP Huế trên chiếc xe đạp cọc cạch để bán vé số kiếm chút tiền trang trải cho bản thân.
Ước mơ từ những tờ vé số

Chàng sinh viên nghèo Nguyễn Xuân Mỹ đang bán những tờ vé số cho khách hàng.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 6 anh chị em ở làng Hương Cần (thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), Nguyễn Xuân Mỹ trải qua tuổi thơ với nhiều vất vả. Hàng ngày, cứ sau buổi học tập trên lớp, Mỹ đều tranh thủ giúp đủ mọi công việc nhà. Cậu bạn tâm sự: “Trước đây, do gia đình quá khó khăn nên mình bị gián đoạn chuyện học một thời gian. Sau đó, lại tiếp tục được đến trường và quyết tâm thi vào trường ĐH Sư phạm, nhưng không thành. Tưởng chừng chuyện học đối với mình sẽ lại tiếp tục gián đoạn nữa…”.
Sau đó, Mỹ chuyển sang học ngành Quản lí đất đai tại trường CĐ Sư phạm Huế. Do nhà xa trường nên Mỹ phải thuê ở nhà trọ để thuận tiện cho việc học tập. Để tự trang trải cho bản thân trong những năm đại học, năm đầu Mỹ làm đủ việc từ bán cà phê, làm gia sư cho đến bán vé số. Mỹ tâm sự: “Lúc đầu chưa quen nên ngại lắm anh à. Có bữa đi mỏi cả chân, mệt cả người nhưng có bán được tờ nào đâu. Nhưng rồi dần cũng quen. Bây giờ em thường tranh thủ ngoài giờ học để la cà dọc các tuyến đường Hùng Vương, Bến Nghé bán vé số cho khách hàng”.
Với nghị lực phi thường của mình, chàng sinh viên Nguyễn Xuân Mỹ đã vượt qua những khó khăn để giờ đây có thể lo cho bản thân mà không cần đến hỗ trợ của gia đình. “Không làm thì lấy nguồn thu nhập nào để trang trải cho mình và em gái đây. Gia đình thì khó khăn, túng bấn hoài. Kiếm nguồn mô để chu cấp cho anh em mình mỗi tháng. Phải tự lực thôi…” - Mỹ cho biết thêm.
Tiếp tục nuôi ước mơ vào ĐH, Mỹ vừa học CĐ Sư phạm vừa làm thêm và tự ôn thi ở nhà. Một lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, áp lực ngày càng nhiều, không ít lần Mỹ đã định từ bỏ ước mơ. Nhưng nhờ có ý chí kiên cường với suy nghĩ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, Mỹ đã cố gắng thu xếp mọi công việc và thời gian, vượt qua khó khăn để hôm nay vững bước trên giảng ĐH.
Mỹ càng vui hơn khi hay tin cô em gái Nguyễn Thị Thùy Trang trúng tuyển nguyện vọng 2 ngành Hán - Nôm của Trường ĐH Khoa học Huế. Vậy là cuối cùng ước nguyện của cha mẹ vào 2 anh em Mỹ đã trở thành hiện thực. Ngày hay được tin cả 2 anh em Mỹ cùng đậu vào trường ĐH, cha mẹ vừa mừng vừa lo.
Bước vào năm học mới ở giảng đường ĐH, Mỹ đã “tận dụng” số tiền mà mình đã tích cóp từ suốt 2 năm qua để lo cho cô em gái. Mặc dù số tiền không lớn nhưng với Mỹ, đó là tất cả niềm vui và tự hào mà cậu đã bỏ công sức để làm ra. Hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Mỹ đã từ chối nhận số tiền ít ỏi mà bố mẹ dành dụm gửi cho 2 anh em. Mỹ bảo: “Nhà đã nghèo rồi, bố mẹ lại làm nông thì lấy đâu có tiền nhiều. Mình tự làm như vầy, nhiều hôm may mắn cũng kiếm được vài chục ngàn để mà tự trang trải”.


Ước mơ từ những tờ vé số

Chiếc xe đạp cọc cạch cùng Nguyễn Xuân Mỹ đi khắp các nẻo đường của TP Huế bán những tờ vé số.

Công việc đi bán vé số dạo của Mỹ bắt đầu từ buổi trưa, sau khi đã chuẩn bị xong cơm nước. Mỗi lần như vậy, Mỹ phải rảo khắp các quán nhậu, quán cà phê ven đường. Rong ruổi cuốc bộ cả hàng chục cây số, có khi đến 10-11 giờ khuya Mỹ mới về nhà, rồi lúc ấy mới chuẩn bị bài vở cho ngày tiếp theo. “Mệt thì có mệt nhưng mà vui anh à. Có hôm trời mưa, cả người ướt đẫm nhưng em cố giữ không để cho ướt những tờ vé số. Đó là cả cuộc sống của hai anh em…”- Mỹ cho biết thêm.
Nhìn Nguyễn Xuân Mỹ với chiếc xe đạp cọc cạch mua được bằng số tiền tích cóp khi bán vé số, chúng tôi không khỏi khâm phục chàng sinh viên nghèo có nghị lực phi thường và ý chí quyết tâm theo đuổi ước mơ. Chia tay Mỹ khi trời xứ Huế đã về khuya, chúng tôi thầm cầu chúc cho em có một tương lai tươi sáng được vun đúc lên từ những tờ vé số.
Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến