Suốt hơn một tháng qua, dư luận xôn xao về chuyện thầy giáo Võ Hải Bình bị Hội đồng kỷ luật trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) buộc thôi việc. Đây là một ví dụ cho thấy gánh nặng trách nhiệm dồn lên vai người thầy!
Quyết định kỷ luật này hầu hết mọi người đều cho là quá nặng. Rất nhiều ý kiến, trong đó có những cựu học sinh học được trực tiếp học thầy Bình, đề nghị trường Lê Quý Đôn và Sở GD-ĐT TPHCM xem lại mức kỷ luật cho thấu tình tình đạt lý đối với một người thầy đã đứng lớp 26 năm liên tục. Tuy nhiên, chiều 15-12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã bỏ phiếu chuẩn y kết quả của hội đồng kỷ luật trường THPT Lê Quý Đôn: buộc thôi việc đối với thầy Võ Hải Bình. Nếu loại trừ được những động cơ thiếu trong sáng thì quyết định quá mức nghiêm khắc này có thể là nhằm răn đe, ngăn chặn những hệ lụy buồn tương tự xảy ra trong tương lai.
Trong thời đại thông tin nhanh chóng lan rộng như hiện nay thì những thông tin đó rất nhiều người biết, giáo viên lại càng không thể không biết. Thế nhưng mới đây, tại Quảng Bình lại xảy ra một chuyện buồn của ngành giáo dục: Thầy Nguyễn Đức Luân, GV trường THCS Quảng Hợp đánh một học sinh trong trường đến nỗi chảy máu mũi.
Vì sao môi trường học đường- nơi giáo dục học sinh tình yêu thương, hướng thiện và sống đẹp, lại xảy ra những vụ việc mà người thầy đối xử thô bạo với học sinh của mình? Vì sao báo chí lên tiếng cảnh tỉnh nhiều mà vẫn tái diễn? Vì sao người thầy được đào tạo trang bị kỹ năng sư phạm với những hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, xử lý tình huống sư phạm… nhưng lại chọn cách xử lý rất đáng trách, trong đó có cả người thầy nhiều năm kinh nghiệm?
Trong nhiều trường hợp như thầy giáo dùng thước đánh học sinh bầm mông, rạn xương; bạt tai thủng lỗ nhĩ; bắt “thụt dầu” dẫn tới hậu quả phải nhập viện… Qua những bản tường trình chúng ta mới chỉ thấy nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ việc. Tuy nhiên, biết nguyên nhân trực tiếp thì không thể ngăn chặn những chuyện tương tự xảy ra, bởi chỉ có hiểu biết nguyên nhân sâu xa thì mới có thể giải quyết tận gốc vấn đề.
Theo tôi, nguyên nhân sâu xa khiến người thầy vi phạm là do có quá nhiều áp lực dồn lên vai người thầy. Áp lực từ phụ huynh, nhà trường và từ chính cuộc sống còn nhiều khó khăn, trong đó áp lực lớn nhất là “bệnh thành tích”.
Người thầy ngày nay luôn phải chịu một áp lực lớn về thành tích học tập của học sinh, mặc dù bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tuyên bố chống bệnh thành tích. Thực tế hầu như chưa thay đổi. Trong các báo cáo tổng kết, các hội nghị thi đua, người ta vẫn nêu bật yếu tố bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh lên lớp… Làm giáo viên, ai không muốn trường mình, lớp mình đạt thành tích cao. Thành tích gắn liền với danh hiệu thi đua, với việc tăng lương trước thời hạn, với tiền thưởng.
Còn không có thành tích sẽ có nguy cơ bị chuyển đi vùng sâu, vùng xa, là mang tiếng yếu chuyên môn. Từ nguồn gốc sâu xa đó, giáo viên luôn cảm thấy bức bách, nhất là khi học trò mất trật tự và phá quấy trong lớp học, không chịu nghe thầy giảng bài, và không học thuộc bài, trả lời những câu hỏi kiểm tra của thầy rất ngớ ngẩn! Trong lúc bực mình về thái độ học tập của trò, họ quên đi quy chế, quên đi những hình phạt đáng lẽ không được phép áp dụng với học trò.
Hãy nghe lời tâm sự của một giáo viên: “Nếu ai từng làm nghề dạy học sẽ luôn có cảm giác khó chịu khi mình đang khản cổ truyền đạt kiến thức mà nhìn xuống lớp thấy HS vô tư nói chuyện. Bực nhất là không khí ồn ào như một cái chợ của những lớp có sĩ số đông. Phòng ốc chật chội, thời tiết nóng nực, trong người mệt mỏi triền miên với hàng tá việc trường, việc nhà, gặp HS không học bài, không chép bài hoặc không nghe giảng thì khó mà dịu dàng, kiềm chế được sự bực tức …”. Chỉ mới thế thôi mà đã “khó mà dịu dàng, kiềm chế được…” thì khi học sinh ngang nhiên nghịch ngợm, cười đùa trong lớp, không ghi bài…giáo viên nhắc nhở không nghe lại còn có thái độ thách thức, vô lễ thì giáo viên có là “thánh” mới không nổi nóng. Đã thế, nhiều quy định quá hạn chế và ngặt nghèo về quyền người thầy làm cho uy lực và tiếng nói của giáo viên mất đi nhiều trọng lượng khiến học sinh không sợ. Hơn nữa bệnh thành tích cũng làm cho học sinh không cần cố gắng vẫn được lên lớp. Khi học sinh lười học giáo viên nhắc nhở phải chăm học, nếu không sẽ ở lại lớp. Thế nhưng sự thật là nhiều học sinh học yếu vẫn lên lớp bình thường. Mới đây báo chí đưa tin về câu chuyện hết sức khôi hài ở Quảng Trị một học sinh học xong lớp 5 vẫn mù chữ là minh chứng rõ nhất cho điều này. Khi nhìn thấy xung quanh những chuyện như thế, các em sẽ mang tâm lý không cần học nghiêm túc vẫn lên lớp, vẫn tốt nghiệp, nên giáo viên có nói gì thì học sinh cũng không tin, không sợ, cứ lười học, chơi, quậy phá thoải mái, thầy có dám làm gì đâu, rồi cũng tốt nghiệp như ai thôi. Vì vậy, xin đừng dồn quá nhiều áp lực lên vai người thầy, nhất là áp lực về “bệnh thành tích”. Hãy “cởi bỏ” áp lực cho giáo viên như tuyên bố của một quan chức giáo dục. Đó là cách để người thầy được thoải mái đem tâm huyết cống hiến cho nghề và ngành giáo dục, không còn xảy ra những chuyện đau lòng phải kỷ luật buộc thôi việc một người thầy hầu như đã cống hiến gần trọn đời cho sự nghiệp “trồng người”.
Phạm Được (Đà Nẵng)
LTS Dân trí - Một người Thầy nào cũng mong muốn học sinh của mình chăm chỉ học hành và nhanh tiến bộ. Nhưng trên thực tế thì học sinh ngày nay có nhiều em hư, không chịu nghe lời thầy; vai trò và uy tín của người thầy không bằng xưa; sự đãi ngộ đối với người thầy chưa tương xứng với trách nhiệm được giao.
Vì vậy, người thầy vừa phải bươn chải trong cuộc sống hằng ngày, vừa không thoải mái về mặt tinh thần, chịu nhiều áp lực từ nhiều phía và nhiều người cảm thấy bất lực trước sự quậy phá của những học sinh hư, do vậy dẫn tới những hành động bột phát khó kìm chế, và cuối cùng người thầy lại phải gánh chịu mọi hậu quả.
Muốn khắc phục từ gốc tình trạng đó, cần nghiêm túc xem xét lại cơ chế quản lý của nhà trường hiện nay vì sao dẫn tới tình trạng mất nền nếp, chưa tạo ra môi trường hành nghề thuận lợi cho thầy cô giáo, giúp cho họ có điều kiện hoàn thành tốt trọng trách được giao là vừa “dạy chữ” vừa “dạy người”.
Người Thầy phải thật sự được tôn trọng; học sinh không được phép vô lễ với thầy, không được làm mất trật tự trong giờ học. Đấy là nền nếp và kỷ cương của học đường mà cơ chế quản lý nhà trường cần thiết lập bằng được.
Nguồn: dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét