Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

Dự thảo “chuẩn” mầm non: Thực tế khác xa lý thuyết

Lý tưởng nhưng khó có thể thực hiện được là ý kiến của nhiều giáo viên, phụ huynh về những tiêu chuẩn nêu ra trong dự thảo lần bốn về thông tư liên tịch hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập, vừa được Bộ GD&ĐT công bố.

Một lớp học mầm non. Ảnh chỉ mang tính minh họa

Một lớp học mầm non. Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Lý thuyết: 25; Thực tế: 86

Theo dự thảo lần bốn về thông tư liên tịch hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập, do Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, mỗi lớp mầm non công lập phải đảm bảo dưới 35 cháu với hai cô giáo. Từ mức này trở lên, cứ thêm 10 cháu, phải thêm một cô giáo. Trẻ 3 – 4 tuổi đảm bảo 25 cháu một lớp, lứa 4 – 5 tuổi là 30 cháu một lớp, 5 – 6 tuổi: 35 cháu một lớp.

Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với định mức mà Bộ GD&ĐT hướng tới. Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, cho thấy, số lượng học sinh các lớp mầm non công lập thường gấp đôi quy định, thậm chí có lớp lên đến 86 trẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở mầm non.

Chị Nguyễn Cẩm Phương, có con đang học trường Mầm non Tuổi Hoa (Hà Nội) thẳng thắn: “Lớp con tôi quá đông, lên tới 86 cháu. Dù đông thế vẫn không đủ lớp, nhiều cháu phải học ở tư thục.

Chị Phương cũng chia sẻ, theo dự thảo về nhóm trẻ ở độ tuổi từ 25 đến 36 tháng như con chị, chỉ có không quá 15 cháu một cô và không quá 25 cháu một nhóm. Tuy nhiên, thực tế, lớp học đông gấp hơn ba lần. Lớp có 86 cháu nhưng chỉ có ba giáo viên.

Với thực trạng trên, nhiều người cho rằng, nếu đảm bảo 25 trẻ một lớp ở lứa 3 – 4 tuổi thì số trẻ còn lại sẽ học ở đâu?

Con chị Giang ở Láng Hạ (Hà Nội) cũng phải học ở một lớp “quá tải”. “Lớp con tôi 76 cháu. Nếu muốn học lớp ít học sinh, chỉ có chuyển con sang trường tư thục, nhưng gia đình chúng tôi không có nhiều tiền”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, cô Thái Liên Hương – Giáo viên Trường Mầm non Chu Văn An (Hà Nội), cho biết: “Tình hình chung là tất cả các trường mầm non công lập đều thiếu diện tích và giáo viên. Nếu bắt làm theo chuẩn thì không thể… chuẩn. Gần 10 lớp học sinh mẫu giáo nhỏ và lớn trường tôi đều hơn 50 cháu. Làm sao đủ lớp mà nói đến số chuẩn như thế”.

Cô Nguyễn Thị Báu – Hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Hoa (Hà Nội), nơi có 750 học sinh với 11 lớp, trung bình mỗi lớp 70 em, cho biết, nếu đáp ứng đúng tuyến, sĩ số của trường phải hơn 2.000 cháu, gấp ba lần hiện tại. Trường phải lấy phòng thể chất để làm phòng học thêm”. Trường có 11 lớp thì lớp ít nhất gần 70 cháu, cao nhất hơn 80 cháu.

Từ thực tế, cô Báu nhận định, sĩ số từ 25 – 35 học sinh một lớp với biên chế trung bình 2,5 giáo viên là niềm mơ ước và rất tuyệt vời. Quy định đó rất lý tưởng nhưng với sự phát triển về dân số như hiện nay thì khó có thể thực hiện, đặc biệt trong nội thành.

Nên có “ba tăng”: Giáo viên, đất, học phí

Những người trong cuộc cho rằng, muốn có số giáo viên đứng lớp và số trẻ trên lớp như trong dự thảo, các trường phải “phình” gấp đôi, gấp ba số lớp và giáo viên so với hiện tại.

Theo bà Doãn Thị Hạ – Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh này, chỉ gần 60% phòng học kiên cố, còn lại hơn 40% là bán kiên cố. Định biên đứng lớp chỉ 1,2 giáo viên, trong khi điều lệ là hai giáo viên một lớp. Ở khu dân cư đông, lớp học đều trên 50 học sinh.

Bà Hạ cho rằng, kèm theo thông tư liên tịch, nên có văn bản “cởi mở” hơn về vấn đề học phí. Bộ cần đưa ra khung học phí mới cho hệ mầm non.

“Học phí cho bậc mầm non áp dụng từ những năm 1990, trong khi lương cơ bản thì liên tục tăng. Khung học phí giờ đã lạc hậu, cần nới rộng ra, mức dao động lớn hơn để phù hợp với từng khu dân cư. Khi có học phí phù hợp, nhà trường mới dám lấy thêm giáo viên, giáo viên đủ thì mới mở rộng được nhóm lớp ra theo như quy định” – Bà Hạ nói.

Nhân viên nuôi dưỡng nên được vào biên chế

“Tôi nhất trí với dự thảo của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Nhưng, dự thảo nên quan tâm đến chế độ biên chế hoặc hợp đồng có chỉ tiêu của nhân viên nuôi dưỡng. Vì ở lứa tuổi mầm non, các cháu không chỉ được dạy dỗ về kiến thức mà còn phải được quan tâm về vấn đề chăm sóc sức khoẻ và nuôi dưỡng. Nuôi và dạy là đặc thù riêng trong trường mầm non. Để giáo viên mầm non yên tâm công tác và gắn bó với nghề, hàng năm, nên có chế độ xét tuyển biên chế hoặc hợp đồng có chỉ tiêu và hưởng lương theo bằng cấp”- Bà Nguyễn Thị Báu- hiệu trưởng trường Mầm non Tuổi Hoa.

Đỗ Hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến