Thứ Tư, 18 tháng 8, 2010

Ngô Bảo Châu và vận mệnh Toán học Việt Nam 10 năm tới

Sau bốn thập kỷ hoạt động nghiên cứu và đào tạo, giáo sư Hà Huy Khoái và viện Toán của ông lần đầu cảm nhận được rõ rệt rằng, dường như đang mở ra một “giai đoạn mới” cho các nhà nghiên cứu ngành toán trong nước, đặc biệt là khi người học trò xuất sắc của ông – Giáo sư Ngô Bảo Châu, trở thành ứng viên số một của giải thưởng Fields danh giá.
Nhân sự kiện này, giáo sư Hà Huy Khoái đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị.
Lý giải “hiện tượng Ngô Bảo Châu”
Được biết, nhiều năm qua giáo sư thường xuyên tham gia giảng dạy đội tuyển Olympic toán của Việt Nam mà trong đó Ngô Bảo Châu là một trong những thành viên. Bây giờ, Ngô Bảo Châu đã là một tên tuổi lớn của toán học Việt Nam và toán học thế giới. Giáo sư lý giải như thế nào về “hiện tượng Ngô Bảo Châu”?
Tôi có dạy một số buổi ở đội tuyển của Ngô Bảo Châu trước khi lên đường đi thi Olympic toán quốc tế khi Châu còn học phổ thông. Đó là một người tài năng xuất chúng, một người đặc biệt kiên trì, có ý chí vô cùng lớn, dám dấn thân, đặt cả sự nghiệp của mình vào toán học. Từ khi làm luận án tiến sĩ đến nay, Ngô Bảo Châu không thay đổi mục tiêu lớn đã đặt ra từ đầu, mặc dù đó là một đề bài vô cùng khó.
Ngô Bảo Châu có một phẩm chất xứng đáng là nhà khoa học: sự tự tin và anh may mắn được làm việc tại một trung tâm toán học lớn, có đủ điều kiện để theo đuổi đam mê toán học. Và chính ở đây, với những yếu tố hội đủ, “xác suất đã xảy ra”! Nếu không hội đủ các yếu tố trên, rất khó có “hiện tượng Ngô Bảo Châu”!
Ngô Bảo Châu và vận mệnh Toán học Việt Nam 10 năm tới
GS.TSKH Hà Huy Khoái sinh tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Năm 1963, ông là sinh viên toán đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1978, ông bảo vệ luận án tiến sĩ và năm 1984 là tiến sĩ khoa học tại viện Toán học, viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Từ năm 2001 – 2007, ông là viện trưởng viện Toán học Việt Nam. Năm 2004, ông được bầu là viện sĩ viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, là phó chủ tịch hội Toán học Việt Nam, uỷ viên hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, chủ tịch hội đồng Chức danh giáo sư ngành toán (2009 – 2015), uỷ viên hội đồng khoa học ngành toán của quỹ Nafosted.
Giáo sư đánh giá thế nào về giải thưởng Fields danh giá (được ví như giải Nobel dành cho toán học) dành cho các nhà toán học trẻ dưới 40 tuổi mà thời điểm này, Ngô Bảo Châu của chúng ta đã gần như cầm chắc trong tay?
Đến giờ phút này, tôi tin giải thưởng sẽ thuộc về Ngô Bảo Châu. Đây là một vinh dự mà không nhiều quốc gia đạt được. Một đất nước có truyền thống như Đức, cũng chỉ mới một lần. Trung Quốc, là một quốc gia mạnh về toán, cũng chưa từng có. Thế mà Việt Nam có Ngô Bảo Châu dành được, thật không tưởng tượng nổi. Giải thưởng Fields chỉ trao cho các nhà toán học xuất sắc dưới 40 tuổi, đây là độ tuổi người làm khoa học có thể có được những ý tưởng xuất sắc nhất, cách mạng nhất.Tôi nghĩ, 14g ngày 19.8.2010 (giờ Việt Nam) sẽ là thời khắc quan trọng đi vào lịch sử Việt Nam như một điều kỳ diệu.
Xã hội hồi trước coi trọng toán học hơn bây giờ
Thuở viện Toán Việt Nam mới thành lập, có ai nghĩ rằng sẽ có ngày hôm nay, Việt Nam có thể tỏa sáng trên bản đồ toán học thế giới…
Lúc ấy chúng tôi ít nghĩ xa xôi. Chỉ thích toán và làm toán. Xã hội hồi ấy coi trọng toán học hơn bây giờ. Những nhà lãnh đạo như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bộ trưởng bộ Giáo dục Tạ Quang Bửu rất quan tâm toán học, coi toán học là nền tảng của mọi khoa học và có khuynh hướng chọn những học sinh giỏi nhất gửi đi nước ngoài học toán. Bây giờ, người học đi sang nhiều ngành nghề khác do xã hội có nhu cầu, nhưng những người giỏi nhất không phải đều học toán mà chỉ có những người say mê toán mới học toán.
Thưa giáo sư, có một sự thật là, những năm qua, ngoài những dịp học sinh của ta đi thi Olympic toán có thành tích cao được nhiều người biết đến, trong khi ngành toán trong nước nói chung có vẻ trầm lắng…
Tôi có lần đã ví toán học cần cho cuộc sống như không khí, nhưng không khí thì trong suốt, ai cũng cần nhưng không ai chịu bỏ tiền làm sách, đó là chưa kể người ta sinh ra đã sống trong không khí nhưng lại phát hiện ra nó rất muộn, dùng nó mà lại không nhận ra nó. Toán học trong đời sống cũng vậy. Ảnh hưởng bề ngoài của toán học đối với xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới, không lớn hơn so với các lĩnh vực bề nổi khác. Số người biết đến Ngô Bảo Châu chắc sẽ ít hơn số người biết đến cầu thủ Lê Công Vinh hay ca sĩ Hồ Ngọc Hà…Đổi lại là chúng tôi được làm việc mình thích, cho nên nếu có “hy sinh” cho toán học thì cũng là sự công bằng. Ai đã đi theo toán học, thì phải từ bỏ giàu sang, quyền lực và sự nổi tiếng. Có thể nói, từ khi bước vào cơ chế thị trường cho đến gần đây, với chủ trương “tự sống”, các ngành khoa học cơ bản trong đó có ngành toán gặp rất nhiều khó khăn. Đây là lĩnh vực cần thiết có sự đầu tư lâu dài. May là một hai năm lại đây, khoa học cơ bản trong đó có ngành toán được xã hội và nhà nước chú ý hơn một chút…
Ngô Bảo Châu và “vận mệnh” ngành toán 10 năm tới
Là người từng giữ cương vị cao nhất ở viện Toán nhiều năm, theo giáo sư, ngoài lương, nhà nước nên có những chính sách nào đủ sức hấp dẫn chất xám từ bên ngoài, giúp ngành toán Việt Nam có thêm nhiều Ngô Bảo Châu trong tương lai?
“Thu hút người tài từ bên ngoài là rất cần, nhưng song song với việc đó, phải tạo điều kiện cho người trong nước phát triển tốt vì đây là lực lượng chủ yếu”.

Hiện đã có những tiến bộ hơn trước như việc thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ, từ chỗ chi dàn trải 50 triệu đồng cho 1 đề tài thực hiện trong 1-2 năm với hàng chục người làm, đến chỗ được phép trả thù lao khá hơn, có tính khích lệ hơn như chủ nhiệm đề tài trong 2 năm được nhận thù lao 17 tháng, mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng; người làm nghiên cứu chủ chốt, mỗi tháng được nhận 7 triệu đồng… Đây là một tín hiệu tốt, một cuộc cách mạng. Nếu phát triển theo hướng này, sẽ có những thúc đẩy rõ nét đối với khoa học cơ bản trong nước. Rõ ràng là đồng lương không làm cho nhà khoa học giàu nhưng phải đủ để giúp họ yên tâm làm việc, vì người muốn làm giàu sẽ không chọn làm khoa học.
Hai chữ “giàu - nghèo” là sự chi phối có thật đối với cả người giỏi toán và người mê toán. Việc nhà toán học Ngô Bảo Châu hàng năm vẫn về nước dạy, được trả lương mức cao nhất 5 triệu đồng/tháng, chỉ bằng một ngày lương đi dạy ở nước ngoài, cho thấy đời sống của người làm khoa học trong nước nói chung, trong đó có các nhà toán học, chưa đủ mạnh để tạo nên những “đột biến”, thưa giáo sư?
Ngô Bảo Châu và vận mệnh Toán học Việt Nam 10 năm tới
GS Ngô Bảo Châu tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 13.8, trước giờ lên đường sang Ấn Độ dự hội nghị Toán học thế giới. Ảnh: Ngọc Hà
Nghề toán cũng như lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung đều nghèo, rất khó khăn cho thế hệ trẻ để họ có thể kiên định đi theo con đường này. Nhất là khi nhìn ra bên ngoài, thấy có nhiều ngành nghề khác dễ giàu hơn… Trong nước thì vậy, với những sinh viên du học nước ngoài, cũng không chỉ ít về nước làm việc mà còn không dám đi theo nghề toán. Tuy nhiên hiện nay, ở viện Toán, có khá nhiều bạn trẻ say mê toán. So với những người trẻ, chưa chắc họ đã thuận lợi hơn vì thế hệ chúng tôi yên tâm say mê toán học hơn họ. So với các khoa toán ở các trường, lực lượng ở viện khoảng 100 người là không nhiều lắm, nhưng là lực lượng chủ chốt trong cộng đồng toán trong nước, có đóng góp đáng kể: có nhiều công trình nghiên cứu, chiếm khoảng 50% số bài đăng trên các tạp chí toán quốc tế có uy tín…
Mỗi năm có khoảng 150 -200 người bảo vệ luận án tiến sĩ toán tại viện. Với nhiều người Việt làm ngành toán ở nước ngoài, hàng năm vẫn về nước tham gia đào tạo, tìm học bổng… nhằm giúp ngành toán trong nước phát triển một cách tự phát, chủ yếu là với nhiệt tình cá nhân. Trong khi đó, nhà nước vẫn chưa có chính sách thu hút nhân tài thực sự hiệu quả. Tôi hy vọng trường hợp Ngô Bảo Châu, anh vẫn đi về đó thôi, vấn đề quan trọng là mở ra một thay đổi đột phá trong chính sách, tạo môi trường nghiên cứu khoa học một cách tự do của nhà nước. Phải nói rằng Ngô Bảo Châu đã làm cho các nhà lãnh đạo nhận ra vấn đề quan trọng về nguồn nhân lực cho các ngành khoa học cơ bản trong nước một cách rõ rệt hơn.
Vậy, nói rõ hơn, “sự kiện Ngô Bảo Châu”, theo giáo sư, sẽ không chỉ là câu chuyện một người Việt Nam trẻ tuổi dành được giải thưởng “Nobel toán học”, mà còn là câu chuyện rất lớn liên quan đến “vận mệnh” của ngành toán thời điểm này?
Để cải thiện tình hình đời sống toán học trong nước, phải nói thẳng là viện Toán không đủ khả năng ngoài việc cố gắng nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo và đó là lý do tồn tại của viện 40 năm qua. Nhưng, từ năm 2007, cùng với bộ Giáo dục – đào tạo, viện Toán, hội Toán và một số trường đại học đã xây dựng Chương trình phát triển toán học trong 10 năm (2011 - 2020) với những mục tiêu phát triển toàn diện, đòi hỏi đầu tư tương đối lớn: 800 tỉ đồng. Toán học Việt Nam chưa bao giờ nhận được con số đầu tư cỡ đó. Tôi chưa biết chương trình có được chấp nhận hay không, nhưng khi đệ trình, lần này lần khác vẫn bị phản đối và chưa được thông qua. Nếu được thông qua, toán học sẽ được thúc đẩy phát triển một bước mạnh mẽ và từ đó thúc đẩy các ngành khoa học cơ bản khác phát triển.
Như thế, sự kiện Ngô Bảo Châu có thể coi là một “cú hích”, một may mắn lớn cho ngành toán trong nước. Sự kiện đó có một ý nghĩa rất lớn đối với những người làm toán học trong nước. Có thể chúng ta nhìn thấy được một số điều, nhưng còn có những điều rất lớn nữa chúng ta chưa nhìn thấy. Trong khoa học, vai trò cá nhân rất quan trọng. Tôi cho rằng Ngô Bảo Châu có vai trò này trong việc thay đổi “vận mệnh” ngành toán nước nhà.
Đầu tư cho giáo dục đang bị… hẫng
Trên trường quốc tế, học sinh phổ thông Việt Nam khá vẻ vang với các tấm huy chương vàng, bạc tại các kỳ Olympic toán học; nhưng ở bậc học cao hơn, thì vị thế quốc tế lại kém hơn (may mà tới đây Việt Nam sẽ được nhắc đến nhiều hơn với tên tuổi Ngô Bảo Châu). Tại sao vậy, thưa giáo sư?
Đây không phải là vấn đề của riêng lĩnh vực toán học. Tôi đã từng thử lý giải, tại sao học trò phổ thông giành nhiều đỉnh cao, lên đại học lại kém đi. Có lẽ vì ở bậc phổ thông, các gia đình đầu tư cho con cái rất lớn, tuy nhiên khi con vào đại học, thì việc đầu tư chỉ dừng lại ở chuyện ăn ở chứ không tiếp tục đầu tư cho việc học. Như thế, dẫn đến sự hẫng hụt. Việc đầu tư trở thành việc của nhà nước, chỉ còn nhà nước lo mà lại lo ở mức không thỏa đáng. Trong khi đó, muốn có nền giáo dục đại học ngang tầm quốc tế, phải đầu tư không kém, thậm chí là hơn. Trong giáo dục không thể dùng “gậy tầm vông” để có chất lượng. Mỹ dùng 1.000 USD thì Việt Nam phải 2.000USD, chứ không phải là 100USD, vì hiệu suất làm việc chúng ta kém hơn, trình độ thấp hơn. Thực tế thì đầu tư cho đại học của ta luôn ở mức rất thấp. Sinh viên của ta, nói chung trình độ thấp hơn các nước và càng lên cao trình độ càng thấp so với thế giới. Câu chuyện đầu tư cho giáo dục, do vậy phải là sự tổng thể của các nguồn lực: gia đình, xã hội, nhà nước… Họ trò xuất sắc bậc phổ thông mà ở bậc học cao hơn tiếp tục được đầu tư không thua các nước, thì kết quả cũng không thua các nước.
Tôi có ví von thế này: Một em bé Việt Nam tập gánh từ bé, năm 12 tuổi có thể gánh khỏe hơn một “ông Tây”, nhưng lớn lên nữa thì lại bị “còi”, vậy là gánh thua… Một vấn đề khác, xã hội Việt Nam vốn trọng bằng cấp, nhưng trọng một cách hình thức, ít khi phân biệt bằng cấp của trường này trường kia, tốt nghiệp loại gì, để nhiều người học giỏi ra trường lại thua cả người học kém hơn mình. Điều này khiến sinh viên không chịu nỗ lực để học giỏi. Do vậy, đổ lỗi giáo dục đại học kém chất lượng hoàn toàn do ngành giáo dục hay ông bộ trưởng là bất công. Phải thấy xã hội cũng có trách nhiệm trong việc này. Chừng nào xã hội còn không nhìn vào bằng cấp gắn với tên trường, thì tình trạng trên còn chưa thay đổi.
Nhiều người nói, làm học trò ở Việt Nam thì “mệt”, vì chương trình khó và nặng, nhưng làm học trò ở nước ngoài thì “sướng” , vì chương trình của họ nhẹ hơn, dễ hơn?
Tôi cho rằng học trò Việt Nam “mệt” không phải vì chương trình khó hay nặng mà vì phải học nhồi nhét nhiều thứ vô ích. Phần khác, do chương trình của ta chưa hợp lý, còn “đóng” quá, trong khi chương trình học của người ta được thiết kế có độ mở nhất định, “nặng” với người này nhưng “nhẹ” với người kia, để học sinh hơi non một chút vẫn có thể tiếp thu bài mà học sinh khá giỏi cũng có thể phát triển được.
Không chỉ là chuyện học nhiều, một số bà mẹ còn lo sợ chất lượng dạy chữ, dạy người ở trường nên phải cho con đi học thêm về kỹ năng sống!
Tôi nghĩ ở Việt Nam chuyện dạy chữ, dạy người đã bị phân biệt độc lập, thậm chí đối lập nhau. Sai. Dạy chữ cũng chính là dạy người. Nếu nói dạy chữ rồi mà trò chưa “thành người”, đó là do dạy chữ chưa tốt. Học chữ tốt, chắc chắn thành người tốt. Điều này có thể dẫn chứng vì sao dưới mái trường thực dân, chúng ta có được những nhà khoa học, nhà trí thức lớn như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa…Họ học được trong trường thực dân những kiến thức của nhân loại để từ đó trở thành những nhà khoa học yêu nước chân chính. Kiến thức nhân loại luôn tồn tại khách quan. Ai tiếp thu được nó thì sẽ “thành người”.
Theo Nhị Hà - SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến