Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Grigory Perelman - Tuổi thơ bị đánh mất của thiên tài khổ hạnh

Đầu tháng 7 vừa rồi, nhà toán học Nga Grigory Perelman từ chối nhận giải thưởng 1 triệu USD của Viện Toán học Mỹ Clay (U.S.Clay Mathematic Institute) trao tặng vì đã giải được một trong “bảy thách đố thiên niên kỷ” của toán học là giả thuyết Poincaré, khiến các nhà toán học đau đầu trong suốt thế kỷ XX.

Bốn năm trước (2006), nhà toán học này cũng đã không sang Tây Ban Nha nhận giải thưởng Fields của Hội Toán học Quốc tế, giải thưởng được ví như “Nobel Toán học”.

Vì sao Grigory Perelman lại có cách hành xử lập dị như vậy và trên thực tế ông là con người như thế nào?
Grigory Perelman - Tuổi thơ bị đánh mất của thiên tài khổ hạnh

Tuổi thơ bị đánh mất

Đối với Grisha (tên gọi thân mật của Grigory Perelman) thời thơ ấu kết thúc năm lên 4 tuổi. Trong khi các bạn bè cùng lứa ngồi nghịch cát hay phóng xe đạp đuổi nhau thì cậu bé Do Thái cặm cụi đọc các cuốn sách giáo khoa toán tiểu học.

Grisha là một cậu bé kỳ lạ, tôi không bao giờ nhìn thấy cậu chơi đùa trong sân - Zinaida Timofeevna, người phụ nữ hàng xóm của Perelman nhớ lại. - Cậu ta không thích những trò nghịch ngợm của trẻ con. Khi bạn bè đá bóng thì cậu đọc sách lịch sử hay ngồi đánh cờ với bố. Cậu bé này phát triển không đúng lứa tuổi”.

Năm lên sáu Grisha đến trường. Ở tuổi này cậu bé đã có thể dễ dàng làm nhẩm những phép tính ba con số. Trong khi đó một số bạn học mới chỉ biết đếm đến 100.

Tám năm đầu tiên Perelman học tại Trường phổ thông số 301 thuộc quận Kupchino ở vùng ven Leningrad. Mẹ Grisha là giáo viên của trường, bà buồn rầu vì không thể xin cho con vào học trường tốt hơn, và sợ rằng kiến thức của đứa con trai tài năng mai một đi khi tiếp xúc với các bạn có học lực yếu hơn.

Học xong lớp 4, Grisha tham gia câu lạc bộ toán học của Cung Thiếu nhi. Một năm sau cậu bắt đầu tham gia câu lạc bộ hoá học và vật lý.

Năm 1982 Grigory Perelman chuyển đến Trường phổ thông toán-lý số 239. Để vào được trường này mẹ của nhà toán học tương lai đã chạy vạy xin xỏ và luôn mồm khoe với các giáo viên về năng khiếu đặc biệt của con mình. Về sau hoá ra, sự lo lắng của bà là không cần thiết. Khi thi vào trường, Grisha đều đạt điểm xuất sắc ở tất cả các môn.

Grigory Perelman hai lần đoạt giải nhất học sinh giỏi toán toàn Nga. Năm 1982 anh đoạt huy chương Vàng trong kỳ thi toán quốc tế tổ chức ở Budapest. Lúc bấy gờ cậu bé 15 tuổi giành được điểm kỷ lục 42/42. Đây là một thành tích hiếm hoi.

Một tháng sau Perelman nhận được lời mời của một trong những trường đại học Mỹ ở New York. Những người thân của Grigory nói, ngay lúc bấy giờ người Mỹ đã biết rằng tương lai to lớn đang chờ đợi nhà toán học trẻ. Tuy nhiên anh đã từ chối lời mời hấp dẫn đó.

“Nhiều nhân vật kiệt xuất đã tốt nghiệp trường chúng tôi. Một số người hiện nay đang giữ những chức vụ cao trong chính phủ”, - bà hiệu trưởng Tamara Efimova nói. Mặc dù Grisha không bao giờ tham gia vào các hoạt động vui chơi, không ai trêu chọc cậu. Đơn giản là Perelman không còn một phút rảnh rỗi nào. Bởi ngoài những giờ học ở trường, Grisha hai lần trong tuần tham gia câu lạc bộ toán, học chơi vĩ cầm. Nhân tiện nói thêm, cậu cũng học rất giỏi các môn xã hội. Viết văn rất chuẩn, là một diễn giả tuyệt vời. Thế nhưng một học sinh tài năng như vậy mà vẫn không được nhận huy chương vàng.

Perelman được vào học thẳng khoa Toán cơ Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Leningrad.

Thông minh như người ngoài hành tinh
Grigory Perelman - Tuổi thơ bị đánh mất của thiên tài khổ hạnh

Khoá học của Grigory Perelman được chia ra các bộ môn. Anh chọn một trong những bộ môn khó nhất - hình học. Những môn chính tại bộ môn của anh là giải tích hàm, cơ lý thuyết, điều khiển vật lý - toán, lý thuyết xác suất và tiếng Anh.

Perelman chỉ giao tiếp với một nhóm nhỏ gồm những học sinh tốt nghiệp Trường trung học phổ thông toán-lý Leningrad, - Elena Baltiskaya, một cựu học sinh trường này khẳng định. - Tất nhiên, tôi cũng có nghe nói về những năng khiếu đặc biệt của cậu ấy về môn toán, nhưng Grisha không phải là người duy nhất trong khoá.

Ví dụ, cùng học với chúng tôi có một cậu bé 14 tuổi. Còn trên các giờ giảng thường có mặt một thần đồng 9 tuổi. So với những cậu bé này Grisha chỉ là một sinh viên bình thường. Tôi không bao giờ trò chuyện với cậu ấy. Thời sinh viên, chúng tôi yêu đương, chơi bời thoải mái. Về mặt này Grisha không được các bạn gái nào để ý”.

Grisha là một sinh viên rất thông minh và rất độc đáo, - Stanislav Brzhozovsky nhớ lại. - Bất luận chúng tôi bàn về vấn đề gì, Grisha bao giờ cũng có ý kiến của mình, khá lập dị. Đồng thời những lý lẽ của cậu không bao giờ giống quan điểm của số đông. Thuyết phục Perelman là một nhiệm vụ bất khả thi. Cậu ta lầm lỳ và rắn chắc như một cỗ xe tăng. Cậu coi quan điểm riêng của mình là duy nhất đúng”.

Nhiều bạn lúc bấy giờ cảm thấy rằng Grisha hoàn toàn phớt lờ mọi người và dư luận xã hội.

Một trong những bạn cùng khoá của Perelman nhận xét nhà khoa học Peterburg như sau: “Grisha thông minh như người ngoài hành tinh. Cậu ấy uyên bác về tất cả mọi lĩnh vực. Nếu không có kinh nghiệm giao tiếp với những người như vậy, bạn không thể hiểu anh ta”.

Năm 1987 Grigory Perelman tốt nghiệp đại học tổng hợp. Mấy năm sau anh được mời đi giảng bài ở nước ngoài. Là một nhà toán học thành đạt, kiếm được nhiều tiền. “Cuộc sống bắt đầu dễ thở”, - nhiều lần anh hoan hỉ nói. Nhưng tất cả thay đổi trong nháy mắt, khi cuối năm 1991 bố anh di tản sang Israel.

Bà Luybov Lvovna kiên quyết từ chối rời bỏ nước Nga cùng chồng. Cuộc chạy trốn của người bố bị con trai coi như một sự phản bội đối với gia đình.

Từ đó chàng trai hoàn toàn sống ẩn dật. Lúc bấy giờ anh quyết định dứt khoát không bao giờ rời khỏi S.Peterburg, không bao giờ bỏ mặc mẹ mình.

Em gái của Grigory, Elena Perelman, lại xử sự theo cách khác. Cô đã sang Thuỵ Điển sống và giảng dạy toán ở đấy.

Thiên tài khổ hạnh

Năm 1999, Grigory Perelman mua căn hộ một phòng tại chung cư mới 9 tầng trên phố Bolshevich. Từ đây đến nhà mẹ anh đi bộ mất 10 phút.

“Lần gần nhất tôi nhìn thấy Perelman cách đây mấy ngày - người phụ nữ láng giềng của nhà toán học nói. - Anh ấy mặc một chiếc áo khoác màu cháo lòng có mũ trùm đầu và chiếc quần dài màu xám lấm bẩn. Chúng tôi gặp nhau cạnh hòm thư. Anh ấy lấy báo và cuốc bộ lên tầng sáu. Nhìn thấy mẩu thư trên cánh cửa, đọc rồi đi luôn. Không vào nhà.

Nói chung tôi luôn luôn cảm thấy Perelman là một con người khá kỳ quặc. Anh ấy sống ở đây đã gần chục năm mà tôi thậm chí không biết tên. Tất nhiên anh ấy luôn luôn chào hỏi, nhưng không thích tiếp xúc gần gũi hơn.

Lúc đầu tôi trộm nghĩ: hay là một tay khủng bố nào đến sống ở đây? Trông anh ta chẳng có gì nổi bật: tóc tai bù xù, râu không cạo, móng tay dài nghêu, ăn mặc như một kẻ hành khất. Quả thật, sống hết sức lặng lẽ.

Không bao giờ sinh sự, nói năng nhỏ nhẹ, không đưa phụ nữ về nhà. Giá bạn biết anh ta nghèo đến mức nào! Một lần điện thoại của chúng tôi bị hỏng, tôi đến nhờ giúp đỡ. Ghé mắt vào căn hộ anh ấy, ngoài chiếc giường, cái bàn và điện thoại ra, tôi không thấy gì nữa”.

Điện thoại bàn trong căn hộ của Perelman bị hỏng. Chuông cửa cũng không kêu.

Không thể nào tìm được nhà khoa học. Thế nhưng chúng tôi đã gặp được người có thể chia sẻ một số thông tin về anh.

Từ tháng 1 năm 2006, Grigory Perelman trở thành thất nghiệp. Nhà khoa học không kịp tích luỹ tiền phòng khi gặp khó khăn. Trước đây, số tiền lương 4000 rúp mà anh nhận được ở phân hiệu S.Peterburg của Viện Toán học chỉ đủ trả tiền thuê hai căn hộ và vé ôtô tháng.

Có lần, một người tò mò hỏi Grigory có bạn gái không, nhà toán học khoát tay thất vọng nói: “Làm sao có được bạn gái, nếu tôi không có tiền mua vé vào phòng hoà nhạc”. Hiện nay gia đình nhà toán học sống lay lắt. Số tiền lương hưu ít ỏi của mẹ anh chỉ đủ cho những nhu cầu tối thiểu.

“Năm 2006 Grisha không đi nhận giải thưởng ở Tây Ban Nha, vì không có tiền mua vé, - cô giáo cũ của Perelman ở trường phổ thông nói tiếp. - Rất có thể, các cán bộ của Viện Toán có thể tạo điều kiện giúp đỡ cậu ấy. Nhưng chắc gì các đồng nghiệp cũ biết được hoàn cảnh của Grigory. Hơn nữa, Grigory không bao giờ chìa tay nhận sự giúp đỡ của một cơ quan đã sa thải anh”.

Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi trực tiếp đến phân hiệu S.Peterburg của Viện Toán mang tên V.A.Steklov.

“Làm gì có chuyện đó, không ai sa thải Grisha hết. Năm 2004 anh ấy được bổ nhiệm chức danh nghiên cứu viên chính, mà đó là một vị trí khá cao, chỉ sau viện sĩ thông tấn và tiến sĩ khoa học, - nữ nhân viên phòng cán bộ nói - Tôi cũng không hiểu vì sao anh ta xin thôi việc. Còn nhớ, khi Grisha mang đơn đến, tôi suýt ngã khuỵu xuống. “Anh sẽ sống bằng gì?” - tôi hỏi.

“Tôi còn một ít tiền tiết kiệm”, - Grisha an ủi tôi. Bản thân ông viện trưởng cũng thuyết phục anh ấy ở lại. Nhưng Grisha không thể từ bỏ một quyết định đã được thông qua”.

Vào ngày hôm đó, chúng tôi liên lạc với các đồng nghiệp cũ của Perelman.

Grisha làm việc nhiều năm tại phòng thí nghiệm hình học và lý thuyết topo. Nhưng có thời gian anh ấy cãi nhau với các nhà hình học và chuyển sang chỗ chúng tôi, tại phòng thí nghiệm toán-lý, - Aleksey Vakulenko, một cán bộ của Viện, nói. - Công việc ở bộ phận chúng tôi không thích hợp với chuyên môn của anh ấy. Chúng tôi khó tìm thấy tiếng nói chung, mà bắt đầu lại từ số không không phải đơn giản. Grisha ngại giao tiếp, sống ẩn mình như các thiên tài. Hơn nữa, anh ấy ít khi đến cơ quan, chủ yếu làm việc ở nhà. Nhưng khi một đồng nghiệp nào đó cần tư vấn, Grisha vui vẻ nhận lời”.

“Các nhà toán học nói chung là những con người lập dị, - một cán bộ Viện xin giấu tên, nói. - Sống với họ rất khó khăn. Những người bình thường không hiểu được thế giới nội tâm của họ. Toán học đòi hỏi sự tập trung cao độ.

Hơn nữa, tất cả các thiên tài toán học đều mắc bệnh tự kỷ. Tự kỷ trước hết là sống khép kín, cách li với thế giới bên ngoài, tuyệt đối tin vào lẽ phải và tầm quan trọng của mình. Ví dụ, khi được hỏi ai là thầy của anh, Perelman trả lời một cách đầy tự tin: “Tôi không có những người thầy, mọi thứ đều do tôi tự phấn đấu”.

Những người này không quan tâm tới dư luận xã hội. Thông thường họ rất giỏi toán và hoàn toàn mù tịt về con người. Bạn còn nhớ phim “Người trong mưa” (Một bộ phim nổi tiếng của Mỹ với nhân vật chính do Dustin Hoffman đóng - BT) không? Grisha của chúng ta là thế đấy”.
Mathvn.Com (LDO-RU)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến