Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Biết kết quả giải thưởng Fields 4 ngày trước giờ khai mạc

Biết kết quả giải thưởng Fields 4 ngày trước giờ khai mạc
TSKH Vũ Công Lập
"Tôi nhận được email từ Tổng thư ký liên đoàn toán học thế giới vào 17h12 ngày 15/8. Vui sướng đến bất ngờ nhưng mặt khác tôi khổ sở vô cùng vì phải cam kết không tiết lộ người đoạt giải", Tiến sĩ Vũ Công Lập, người phát ngôn giải Fields 2010 ở VN chia sẻ với chúng tôi.

- Trong việc thông tin về giải thưởng Fields năm nay, ở VN, ông là người đặc biệt khi biết kết quả trước khi công bố tới 4 ngày. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Để tuyên truyền cho Liên đoàn toán học, đại hội toán và các giải thưởng thì Liên đoàn toán học phải chọn ra phóng viên tín cẩn ở các nước. Tôi đủ tiêu chí và cũng có duyên khi là người duy nhất ở VN được chọn. Tôi nhận được email từ ông Groetschel, Tổng thư ký liên đoàn toán học thế giới vào 17h12 ngày 15/8. Trong email dài 14 trang, việc Ngô Bảo Châu được vinh danh với huy chương Fields đề cập ở trang 3.
Vui sướng đến bất ngờ nhưng mặt khác tôi khổ sở vô cùng vì khi nhận văn bản ấy, tôi phải cam kết không tiết lộ, không giao dịch với ai mà không được phép của họ. Đến nỗi vợ tôi nói với con gái "ông già làm sao ấy". Ngày 19/8 khi Châu được xướng tên, tôi hạnh phúc vỡ òa. Bất ngờ hơn là tên Ngô Bảo Châu được viết đầy đủ, có dấu tiếng Việt theo đúng trật tự, chứng tỏ người ta rất trân trọng mình.
Biết Ngô Bảo Châu đoạt Fields 4 ngày trước giờ khai mạc
Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields
Đây là sự kiện lớn mà tôi cho nếu nói vĩ đại cũng không phải quá lời. Bất cứ ai bước chân vào con đường học hành, khoa học thì đều thấy danh xưng giải Nobel là choáng ngợp. Với giải thưởng "Nobel toán học", Ngô Bảo Châu đã bước sang một đẳng cấp khác trong giới khoa học.
Trong cuộc trò chuyện với giáo sư Gerard Laumon, người thầy của Bảo Châu, ông có nói, Ngô Bảo Châu đã trở thành một trong những người dẫn đầu của toán học thế giới nhưng trong một lĩnh vực rất rộng lớn của toán học chứ không phải trong một chuyên ngành. Vì chỉ khi làm chủ nhiều lĩnh vực toán mới có thể chứng minh được Bổ đề cơ bản của Chương trình Langlands. Toán có rất nhiều chuyên ngành, chỉ riêng việc đứng đầu một chuyên ngành đã là rất giỏi rồi.
- VN có những lò đào tạo trẻ tốt, đoạt nhiều giải Olympic nhưng rồi không phát triển ngang tầm những bạn đồng lứa ở các nước. Theo ông, thành tích của Ngô Bảo Châu để lại bài học gì cho việc đào tạo khoa học cơ bản ở VN?
- Giải thưởng của anh Ngô Bảo Châu không thể che lấp những khiếm khuyết của mình liên quan tới khoa học, giáo dục. Mình phải tỉnh táo nhìn ra. Thực ra, cảm xúc đầu tiên của tôi khi nghe tin Ngô Bảo Châu giành huy chương Fields là kiểm điểm lại. Nhiều thành tích VN đạt được cho đến nay như là ngôi sao chổi, lòe một cái rồi mất tăm.
Mình phải làm sao cho giải thưởng của Ngô Bảo Châu không như thế. Cơ hội nhìn thấy rất cụ thể, anh Châu bây giờ có những người bạn cùng đẳng cấp khắp thế giới. Những người bạn vì có anh Châu mà có thể đến VN trong khi trước đây thì không. Thắng lợi của Châu cũng khiến Nhà nước, Chính phủ quan tâm tới toán học hơn thì nên tận dụng tất cả cơ hội ấy.
- Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là một người VN xuất chúng nhưng không thể hoạt động thường xuyên ở trong nước vì thiếu những điều kiện cần thiết. Ông nghĩ gì nếu liên hệ với trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu?
- Tôi không nghĩ Ngô Bảo Châu là người tách rời quê hương. Hồi học ở VN, bài toán, lời giải của anh, anh biếu lại các thầy với chia sẻ không biết có giúp được gì các em khóa sau. Hay bây giờ đi nước ngoài, Viện Toán học có nhu cầu mời anh về là Châu sẵn sàng về.
Anh Châu không phải là người có tuyên bố này nọ, không gắn bó với quê hương theo kiểu hình thức mà bằng việc làm. Nhờ có người học trò như Châu làm cầu nối mà những người như giáo sư Gerard sẵn sàng sang giúp Viện Toán học.
Anh Châu ở đâu tôi cho là không quan trọng. Ngô Bảo Châu có thể ở Pháp, ở Mỹ nhưng đóng góp cho VN có thể còn nhiều hơn so với việc định cư ở VN. Thế giới bây giờ khác xưa, không quan trọng làm ở đâu mà là làm được cái gì. Chẳng hạn như việc sắp tới anh ấy làm việc ở ĐH Chicago (Mỹ), lúc về VN anh gọi theo 3-4 người giỏi cỡ ngang anh cùng về giảng dạy không phải là quá tốt ư? Cho nên không quan trọng anh ấy làm việc ở VN hay làm việc ở nước ngoài.
GS Ngô Bảo Châu và bố
GS Ngô Bảo Châu và bố, ông Ngô Văn Cẩn.
- Môi trường quốc tế có vai trò rất lớn trong việc tôi rèn nên một Ngô Bảo Châu như hiện nay. Theo ông, đến bao giờ VN có thể tạo ra được môi trường tốt như vậy, để những học sinh xuất sắc không cần phải xa quê hương mà vẫn đạt được thành tựu mang tầm thế giới?
- Tôi cho là VN đang cố gắng làm điều đó. Trong chương trình phát triển toán học, hạt nhân là thành lập Viện nghiên cứu và đào tạo cao cấp về toán làm theo mô hình ĐH Princeton tức là tạo ra môi trường, tạo ra chỗ để các nhà toán học đến đây làm toán, không phải nghĩ đến những chuyện khác.
Còn tạo ra như thế nào thì tôi cho rằng bây giờ có anh Châu mình thuận lợi hơn rất nhiều. Anh có khả năng mời những vị khách đồng đẳng, mà thử nghĩ, cả 4-5 ông đoạt giải Fields cùng ngồi lại trao đổi, giảng dạy thì môi trường đào tạo nó khác hẳn.
Nhưng mặt khác, nói chuyện với các anh ở Viện Toán học, các anh cho biết, như giáo sư Laszlo Lovasz, ông đến VN không phải không sẵn lòng nhận học trò mà mình chưa chuẩn bị đầy đủ để trở thành học trò của ông ấy. Giáo sư Lovasz là Chủ tịch liên đoàn Toán học thế giới hiện nay, một người rất giỏi, cùng lứa giáo sư Ngô Việt Trung. Ông Lovasz từng 5 lần thi Olympic, 4 lần đạt huy chương vàng.
Thế nên bước chuẩn bị của Ngô Bảo Châu khi sang Pháp là rất tốt. Bây giờ VN phải chuẩn bị như thế, mình đang cố gắng tạo môi trường như thế. VN thành lập được Viện toán cao cấp, anh Châu là đồng viện trưởng thì tôi cho sẽ giải quyết được vấn đề. Toán học VN đang đứng trước những cơ hội rất thuận lợi.
- Theo ông, Chính phủ nên làm gì để tận dụng được đóng góp, chất xám của Ngô Bảo Châu mà vẫn để anh phát huy được khả năng, phát triển sự nghiệp?
- Với Châu, tốt nhất anh thích gì, muốn điều gì hay say mê gì thì cứ để cho anh theo đuổi, để mặc anh khám phá. Còn người khai thác để đem lại lợi ích cụ thể nào phải là người khác. Đừng có gợi ý, ép buộc, yêu cầu bắt Châu nghiên cứu hay làm gì để tăng năng suất lao động...
Nói một cách ví von, hãy để Châu là một người nghệ sĩ làm "nghệ thuật vị nghệ thuật". Toán học cần nhìn tổng thể, dần dần kết hợp với công nghiệp, chính trị để tạo ra động lực mới cho sự phát triển.
- Mô hình trường chuyên lớp chọn những năm gần đây có nhiều ý kiến phản đối nhưng nó lại là cái nôi đầu tiên đưa Ngô Bảo Châu đến với thành công. Quan điểm của ông thế nào?
- Tôi không phải chuyên gia giáo dục và trong thời gian gần đây ít để ý đến giáo dục phổ thông. Nhưng tôi thấy, trường chuyên lớp chọn ngày nay khác hẳn ngày xưa. Thời trước, qua các kỳ thi ở các nơi kết tinh lại một lứa tài năng. Hồi ra đời lớp toán Tổng hợp, tôi học Lý năm thứ 3 thì nghe có lớp toán đặc biệt, những học sinh của lớp là những người đặc biệt. Còn bây giờ thì đâu cũng thấy chuyên, đâu cũng thấy chọn thì không tinh túy, không tài năng như hồi xưa nữa, không còn là tinh bột mà là bột thường.
Cái thứ hai, thực tế hiện nay có khi tinh túy chả phải nhưng vẫn vào trường chuyên lớp chọn. Không như ngày xưa cụ Tạ Quang Bửu cho thi khiếp lắm, bình thường sao vào được. Có những cái chỉ dành cho một lớp người ưu tú thì đừng đem nó ra làm đại trà. Chúng ta sai là sai trong cách làm chứ không phải trong tư tưởng, phương pháp.
Phả hệ giải thưởng Fields
"
Phả hệ giải thưởng Fields
- Ông có cơ sở gì để kỳ vọng VN sẽ có thêm những Ngô Bảo Châu khác tương lai gần?
- Tôi nghĩ là có. Trong bài viết mới đây của giáo sư Ngô Việt Trung, trong sơ đồ phía trên, học trò của Laurent Lafforgue (đoạt huy chương Fields năm 2002) là Ngô Đắc Tuấn, học trò của Terence Tao (huy chương Fields năm 2006) là Lê Thái Hoàng. Đây toàn là những em đạt huy chương vàng Olympic toán. Anh Trung viết "với những người trẻ tuổi như Ngô Đắc Tuấn và Lê Thái Hoàng, biết đâu toán học VN tiếp tục nồng đượm với giải Fields...".
Hay một trường hợp khác được anh Lê Tuấn Hoa đề cập, Ngô Bảo Châu xuất sắc lắm nhưng khoảng cách với Vũ Hà Văn (con trai nhà thơ Vũ Quần Phương) không xa. Vũ Hà Văn là bạn của Terence Tao, công bố chung 15 công trình, Hà Văn ngay đằng sau Châu. Giới thiệu sơ đồ ấy cũng để mọi người thấy Ngô Bảo Châu của mình không phải là vàng bắt được mà đấy là vàng luyện hẳn hoi trong hệ thống có trục dọc, trục ngang. Anh Châu là một sản phẩm tinh túy của nền toán học Pháp. Nhưng Việt Nam đã góp phần để chuẩn bị cho anh bước chân vào môi trường đó.
MathVn.Com (Theo VNExpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến