Sáng học 5 tiết tại trường, buổi chiều lại “đèo” thêm 1 hoặc 2 ca học thêm… Lịch học kín mít khiến nhiều học sinh thở không ra hơi nhưng để yên tâm có bạn còn cố gắng tăng ca 3 vào buổi tối. Học thêm đã và đang trở thành 1 phần không thể thiếu và choáng ngợp hết thời gian của mỗi học sinh.
Nhốn nháo… đi học thêm
Đa số các buổi trưa, Quân đều không về nhà mà đi ăn ở quán cơm gần trường để tiết kiệm thời gian. Do khoảng cách từ nhà đến trường khá xa và lịch học thêm kín mít buổi chiều không cho phép Quân về nhà để có thể ăn cơm mẹ nấu. Nhìn Quân lè lưỡi vớt con muỗi ra khỏi bát nước canh trong suất cơm khiến cho người khác vừa có cảm giác buồn cười vừa thấy tội tội. Tuy nhiên, trường hợp của Quân không phải là cá biệt mà có rất nhiều teen cũng như vậy. Về nhà sau khi tan học ở trường đang dần trở thành một khái niệm xa xỉ với nhiều bạn, đặc biệt là những bạn đang học cuối cấp vì những ca học thêm liên tiếp dồn dập nhau.
Có nhiều lý do từ chính đáng đến “hết đỡ” khiến cho teens đi học thêm như: Học trên lớp không đủ, tự học ở nhà thì không đảm bảo, hay sợ bị thầy cô giáo “trù” nếu không đi học thêm... M.Phương (16t) chia sẻ: “Cô chủ nhiệm của em dạy thêm văn nên hầu như cả lớp đứa nào cũng đi học. Tuy cả lớp được chia làm 2 nhóm học vào những ngày khác nhau nhưng vì nhà cô chật nên vẫn phải ngồi chen chúc nhau. Cả giờ học phải ngồi cố định một tư thế mà chép bài. Sau mỗi lần như thế bọn em đứa nào cũng đau hết mình mẩy nhưng vẫn phải cố.”
Dẫu sao được ngồi chép bài như Phương vẫn còn là mơ ước đối với nhiều bạn đi học ở các trung tâm luyện thi. Để có được 1 chỗ ngồi ưng ý nhiều bạn phải đến trước cả nửa tiếng đồng hồ để xếp hàng lên lớp. Chèn người nọ, ép người kia để lấy được chỗ ngồi và giữ chỗ cho bạn của mình cũng đủ làm nhiều bạn “đứt cả hơi” và chẳng có sức lực để tập trung vào bài giảng của thầy cô.
Mục đích chính của học thêm là để mọi người có thể bổ sung và ôn luyện kiến thức của mình nhưng đối với nhiều teens học thêm trở thành một phong trào. Vì “nghe bọn nó nói học ở hết chỗ này đến chỗ khác mà mình chỉ đi học mỗi ở trường thì tự nhiên lại thấy lo lo”- V.Anh (17t), “ Không đi học thêm rồi đến lớp chẳng có chuyện gì mà buôn với bọn bạn luôn. Ai cũng thi nhau kể là mình học ở thầy này thầy kia rồi một ngày học 3, 4 ca. Nếu mình không đi học thêm thì thấy không hợp thời sao ý”- Lan (18t).
Áp lực học quá nhiều khiến cho nhiều bạn bị stress
Học thêm theo phong trào nên thấy ai nói chỗ nào hay, thầy dạy tốt là teens nhà mình đều đi học cho biết nên việc sắp xếp lịch học trở thành một chuyện hết sức nan giải. Ca này trùng vào ca khác mà bỏ buổi nào thì cũng tiếc hoặc đã trót mua phiếu học cả tháng mất rồi. Học thêm cho bằng bạn bằng bè nên nhiều teen đi học chủ yếu với mục đích giao lưu, kết bạn là chính hoặc biến lớp học thêm thành nơi để ngủ.
Tuy nhiên không chỉ có teens mà nhiều bậc phụ huynh cũng “nhốn nháo” vì chuyện đi học thêm. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy không an tâm khi con mình ngồi ở nhà trong khi con người ta thì đi học ầm ầm. Cha mẹ của nhiều bạn quan niệm rằng : "Càng học nhiều thì càng tốt, tranh thủ tối đã thời gian để học” và tích cực đi tìm và đăng kí các lớp học thêm cho con mình. “Thà cho nó đi học nhiều 1 chút, mệt mà có được kiến thức còn hơn để nó ở nhà hay ra ngoài đường long nhong nghịch ngợm. Như thế cô chú không thể nào yên tâm được”- cô L.Thư nói.
Gánh nặng học phí...
Mỗi teen đi học thêm với một mục đích khác nhau nhưng tiền học phí thì bắt buộc ai cũng phải đóng. Và điều đó khiến cho không ít teens và bố mẹ phải “méo mặt”.
Tuy chỉ đi học thêm 3 môn chính Toán, Văn, Anh nhưng 1 tháng Linh cũng phải đóng tầm 600K, cộng thêm cả tiền học phí ở trường 350K, là 1 tháng đã tiêu tốn 1 triệu. Nhà không khá giả gì nên Linh thấy rất ngượng mỗi khi phải xin tiền bố mẹ đóng học, “Em hay là người đóng tiền sau cùng của cả lớp nên thỉnh thoảng bị cô giáo nhắc nhở. Những lúc như thế em chẳng biết phải giải thích như thế nào”.
Đăng kí học hết lớp này sang lớp khác, mỗi khi xin tiền học Dũng thường khiến bố mẹ tá hoả vì số tiền quá nhiều. Khi nghe bố mẹ khuyên nên bỏ 1 số lớp học không cần thiết thì Dũng đâm ra “dỗi” và cho rằng bố mẹ không đầu tư cho việc học của mình.
Đặc biệt đối với teens cuối cấp thì gánh nặng tiền học phí càng được nhân lên gấp nhiều lần. Cắt giảm chi tiêu trong nhà để trả tiền học thêm là chuyện thường thấy trong nhiều gia đình.
Nhiều bạn còn rơi vào tình trạng stress do bị bố mẹ nghi ngờ khi xin quá nhiều tiền học thêm. “Mình mệt mỏi lắm. Xin nhiều cũng bị nói mà xin ít thì cũng bị kêu là thế tháng trước lấy tiền đi chơi à? Mình cũng đâu có thích đi học thêm cơ chứ. Nhiều khi chỉ muốn ở nhà ngủ thôi”- B.Trâm (18t) tâm sự.
(Theo kenh14.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét