Đây là những lời tâm sự của tập thể giáo viên đang giảng dạy tại một trường công lập gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, trong quá trình thực hiện phong trào “Hai không” do Bộ GD-ĐT phát động.
“Năm học vừa qua, cuộc vận động “Nói không với bệnh thành tích trong trường học” của Bộ trưởng được chúng tôi hưởng ứng nhiệt liệt. Chúng tôi vừa thực hiện, vừa theo dõi tin tức trong cả nước về sự thay đổi của ngành giáo dục nước nhà.
Chúng tôi rất cảm phục ông Hiệu trưởng của Trường THPT Nguyễn Huệ, Ninh Phước, Ninh Thuận mà một số báo đã đưa tin. Kết quả 95% học sinh yếu kém của trường này thật sự là một con số kinh khủng. Thế nhưng vị Hiệu trưởng này vẫn can đảm nhìn nhận sự thật đau lòng này.
Không những thế, ông còn được sự đồng tình của Sở Giáo dục tỉnh Ninh Thuận. Có thể nói sự kiện này làm chúng tôi rất mừng vì thấy giáo dục nước nhà đã từng bước đi lên. Nếu ai cũng được như vậy thì đến một lúc nào đó, học sinh không còn ngồi nhầm lớp nữa.
Trông người mà thấy buồn cho mình. Phần lớn học sinh mà chúng tôi đang giảng dạy rất kém. Có thể nói chúng tôi đang dạy các kiến thức của cấp III cho học sinh cấp I. Các em đến trường như một phản xạ. Các em đến trường không mục đích. Các em nhìn lên bảng một cách thờ ơ, cặp mắt vô hồn, đầu óc trống rỗng. Chúng tôi đứng trên bục giảng nhìn các em và chúng tôi hiểu tại sao các em như vậy. Các em không hiểu thầy cô đang nói gì.
Bộ trưởng có tưởng tượng được học sinh lớp 10 trường chúng tôi không phân biệt được hình vuông với hình bình hành và hình thoi không? Chúng tôi không thể truyền đạt được cho các em những kiến thức cơ bản nhất mà sách giáo khoa yêu cầu. Các em không có khả năng hiểu được các môn tự nhiên và môn Ngoại ngữ. Các em cũng không thể học thuộc được các môn xã hội. Mỗi khi có kiểm tra thì các em lại dùng tài liệu như một thói quen.
Năm nay là một năm, mà theo chúng tôi, đầy sóng gió. Mặc dù trường tôi là một trường bán công, học sinh đầu vào rất thấp nhưng chưa năm nào chúng tôi thấy nhiều học sinh yếu kém như năm nay. Chúng tôi quyết tâm không để các em ngồi nhầm lớp. Chúng tôi muốn các em học thật, lên lớp thật. Nhưng chúng tôi không thể ngờ việc này lại đầy khó khăn và trở ngại.
Trường chúng tôi vừa tổng kết năm học với hơn 60% học sinh yếu kém (con số này theo nhiều giáo viên trong trường vẫn còn là con số ảo). Ban giám hiệu nhà trường lập tức yêu cầu các giáo viên phải chỉnh sửa điểm cho học sinh từ ở lại được thi lại, từ thi lại được lên lớp với lí do “không biết ăn nói như thế nào với phụ huynh”.
Kết quả ảo từ cấp I, II làm chúng tôi lao đao, khốn đốn. Các giáo viên chủ nhiệm chúng tôi phải nháo nhào đi xin điểm các thầy cô bộ môn. Gặp người dễ thì không sao, gặp người nghiêm túc, chủ nhiệm chúng tôi phải chịu đựng những ánh mắt khó chịu xen chút khinh bỉ. Và vấn đề lớn là chuyện học nhầm lớp vẫn cứ tiếp diễn. Ngồi nhầm lớp phải chăng đã trở thành “quốc nạn”?
Thưa Bộ trưởng, vì cuộc sống, chúng tôi không thể theo lí tưởng mà Bộ trưởng đề ra. Có lẽ câu nói ngày xưa vẫn còn đúng với ngày nay: “phép vua thua lệ làng”. Hiệu trưởng nhiều lần đề nghị chúng tôi làm đơn xin nghỉ việc vì cho rằng học sinh yếu kém là do lỗi của chúng tôi (thật sự chúng tôi không biết mình có lỗi gì vì chúng tôi đã dốc hết sức để giảng dạy cho các em), Hiệu trưởng còn cho rằng chúng tôi không có khả năng giảng dạy!
Chúng tôi có gia đình. Khi chúng tôi bị đuổi việc, không ai bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi đành phải cấy điểm ảo cho các em mà trong lòng ray rức không yên. Khi cho các em lên lớp là thương hay không thương các em?
Thưa Bộ trưởng, chúng tôi thật có lỗi với đất nước, có lỗi với Bộ trưởng. Chúng tôi không đủ can đảm và sức mạnh để chống chọi với cái gọi là “bệnh thành tích”. Phải chăng chúng tôi đã góp phần làm trì trệ sự nghiệp giáo dục của nước nhà ? Những học sinh mà chúng tôi đào tạo, sau này sẽ biết làm gì để xây dựng đất nước với đầu óc của một đứa bé thơ?
Cuối cùng, chúng tôi rất mong Bộ trưởng có những văn bản rõ ràng gửi về các Sở Giáo dục, các trường học, trong đó nêu rõ việc kỉ luật như thế nào đối với những cá nhân vi phạm qui chế chuyên môn và chúng tôi cũng mong Bộ trưởng đưa ra được các biện pháp hữu hiệu để có thể bảo vệ được những giáo viên chân chính. Có như vậy, chúng tôi mới có thể cùng với Bộ trưởng tiêu diệt được quốc nạn ngồi nhầm lớp”.
(Theo Trang tin của Bộ Giáo dục - moet.gov.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét