Ý kiến 1:
Gần đây phong trào sử dụng bài giảng điện tử (BGĐT) trong các nhà trường diễn ra phải nói là rất rầm rộ. Mình được biết có những trường do Hiệu trưởng yêu Tin học nên phát động phong trào thi làm BGĐT mỗi tháng/lần, và giáo viên mỗi người dạy 1 tiết có sử dụng BGĐT sẽ được hỗ trợ 50k... Tuy nhiên, đối với môn Toán Học, có thầy- cô cho rằng đặc trưng của bộ môn này khác hoàn toàn các môn khác, vì học sinh cần phải thực hành biến đổi từ cái này sang cái kia... nên chỉ có thể sử dụng phương pháp truyền thống "Phấn trắng bảng đen", không thể dùng bài trình chiếu để thay thế.
Thiết nghĩ, thời đại Công nghệ số mà không giúp được giáo viên Toán hạn chế hít bụi phấn trong giờ lên lớp được hay sao? Quý thầy- cô giúp em thảo luận vấn đề này với ạ. Rằng dạy học Toán thì sử dụng bài trình chiếu như thế nào cho hiệu quả ạ?
Ý kiến 2:
Đơn giản là vì các thầy cô đó không biết phần mềm nào dùng để dạy cho môn Toán. Phần lớn các thầy cô chỉ biết đến phần mềm PowerPoint và dùng PowerPoint như một công cụ đa năng để giải quyết và mô tả mọi vấn đề trong dạy học .
Em cũng đồng ý với quan điểm dùng PowerPoint để dạy toán thì thà dạy bằng phấn trắng-bảng đen còn hơn.
Ý kiến 3:
Không hiểu từ đâu mà các giáo viên nhà ta cho rằng sử dụng CNTT trong dạy học nghĩa là phải làm một bài trình chiếu bằng PowerPoint, và sử dụng bài trình chiếu đó một cách liên tục trong thời gian giảng dạy. Họ đưa lên từ cái đề mục: Một la mã, hai la mã, cho chữ chạy ra chạy vào, màu đổi màu, nhấp nháy... rồi tìm cách trang trí phông nền cho thật bắt mắt, đưa vào các ảnh động đậy cho bài trình chiếu thêm... sinh động. Thế mới gọi là áp dụng công nghệ thông tin.
Mình nhớ hồi còn học ở trường SP, bản thân cô giáo dạy môn Phương pháp trong trường cũng từng nói về việc đi dự giờ các tiết thi GVDG, cô là một thành viên trong ban giám khảo, và cô đánh giá rất cao những bài giảng điện tử của những giáo viên mà chữ bắn ra bắn vào, đung đưa, kéo qua kéo lại (chắc là cô nghĩ để làm được như vậy là mất công lắm, trình độ phải siêu lắm chứ không biết rằng đó chỉ là một trong các hiệu ứng có sẵn của bản thân chương trình). Rồi những lần chuyên viên phòng về góp ý cho các bài giảng đi thi của giáo viên, cũng quan điểm như vậy, và lại còn chỉ rõ: đã đi thi giáo viên dạy giỏi thì phải xây dựng bài giảng điện tử bằng phần mềm PowerPoint (lại còn chỉ đích danh tên phần mềm mới chết chứ). Thế rồi lại lấy đâu ra việc chấm giáo án thông qua việc xem bài giảng điện tử. Và gọi chung là Giáo án điện tử (nếu không nhầm thì diễn đàn mình cũng đã tốn không ít page view cho chủ đề này). Thì từ đó ra chứ từ đâu ra nữa. Đến cấp trên còn mơ hồ, còn chỉ đạo sai thì giáo viên làm sao làm đúng được?
Khi chuyển sang trường Quốc tế, mình cũng chứng kiến những chuyện nực cười không kém, nhưng là chuyện với PHHS. Khi bộ phận tuyển sinh quảng cáo rầm rộ là trường ứng dụng CNTT hàng đầu trong dạy học, PHHS yêu cầu được biết danh sách các phần mềm dạy học mà trường sử dụng. Tuyển sinh hào hứng thông báo 100% các thầy cô sử dụng thành thạo phần mềm PowerPoint để soạn giảng và ngã ngửa khi PHHS phát biểu một câu: "Tôi đã đi đến nhiều nước và được biết đến nhiều nền giáo dục của các quốc gia, nhưng tôi không hiểu sao ở Việt Nam họ lại dùng PowerPoint để làm công cụ giảng dạy, và tôi phản đối việc dùng PowerPoint để dạy cho con tôi". Lời phát biểu đó của vị PHHS đã làm thay đổi hẳn quan điểm của lãnh đạo nhà trường, và ngay lập tức họ phải ký kết và làm hợp đồng đào tạo với những tổ chức cung cấp phần mềm dạy học. Nhưng nghe đâu giá trị hợp đồng cũng tương đối lớn.
Tóm lại, việc cần làm lúc này để cải thiện được tình hình lạm dụng PowerPoint trong dạy học là phải giới thiệu đến cho các thầy cô các phần mềm chuyên dụng trong việc dạy học. Thế nhưng biết đến là một chuyện, có được nó là chuyện khác. Các nhà trường, các thầy cô giáo liệu có sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua phần mềm dạy học, trong khi cơ sở vật của nhà trường còn nghèo nàn, đồng lương cho giáo viên còn ít ỏi. Cũng đáng suy nghĩ và cân nhắc lắm chứ.
CÒN BẠN ? BẠN NGHĨ THẾ NÀO VỀ VẤN ĐỀ NÀY ????
Tác giả: Lại Cao Đằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét