Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Lương không theo kịp lạm phát

Chiều 21-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu cho biết không chỉ nông dân mà cả cán bộ, công chức... đang phải gồng mình chống chọi với lạm phát, giá cả nhiều mặt hàng tăng cao.



Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) lo ngại: “Hiện tín dụng đen phát triển với lãi suất rất cao, vừa rồi vỡ nợ nhiều nơi. Như vậy bên cạnh việc giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng phải có biện pháp giám sát tín dụng ngoài ngân hàng” - Ảnh: VIỆT DŨNG

Một số đại biểu chỉ rõ những tồn tại yếu kém là do điều hành và cần kiên quyết tái cơ cấu nền kinh tế với giải pháp cụ thể, có địa chỉ...

Người dân tâm tư

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đánh giá năm 2011 cực kỳ khó khăn. Chỉ số giá tăng mạnh quá, tiếp xúc cử tri thấy người dân tâm tư, đặc biệt là người nghèo. Giá vật tư đầu vào nông nghiệp tăng cao, họ không có lãi, đời sống khó khăn càng khó khăn hơn. Bà Hường thông tin và băn khoăn chi an sinh xã hội của Chính phủ đúng là số tiền lớn nhưng có đến đúng người, đúng việc? “Cử tri phản ảnh hỗ trợ của Chính phủ một số nơi đến không đúng đối tượng” - bà Hường nói.

"Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng đầu tư phát triển. Trong khi đang tái cấu trúc mà xây dựng kế hoạch vẫn dựa vào các doanh nghiệp nhà nước  là không hợp lý"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng không chỉ nông dân mà cả cán bộ, công chức đều gặp khó khăn với lạm phát. “Đồng lương nếu tính về mặt số học thì cao hơn nhưng không cải thiện được cuộc sống. Mua cân thịt trước kia có mấy chục nghìn đồng, bây giờ hơn một trăm nghìn. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra. Đây là một cảnh báo về mặt bất ổn xã hội”.

Thành tích giảm nghèo của VN tuy được thế giới đánh giá cao nhưng ông Vinh cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật với lạm phát như hiện tại, thành tích xóa nghèo là không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Trong khi đó văn hóa, giáo dục tồn tại nhiều vấn đề, đạo đức xuống cấp, tội phạm phức tạp. Ông Vinh cho biết nhiều ý kiến đánh giá “chúng ta quá chăm chú vào tăng trưởng mà coi nhẹ nhiều mặt khác”. Kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, đầu tư lớn nhưng hiệu quả thấp nên ông Vinh so những cái đạt được do tăng trưởng với những mất mát về môi trường, xã hội thì... chẳng còn lại được bao nhiêu.

Đề cập khía cạnh khó khăn trong việc làm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu bất cập: trong khi phải chi nhiều tiền cho an sinh xã hội, mỗi năm cả nước tăng thêm khoảng 700.000 lao động mới, cộng thêm với số lao động thất nghiệp nhưng hiện VN lại để đến 74.000 lao động nước ngoài hiện diện trong nước. “Diện phải cấp phép là 62.000, nhưng mới cấp phép được 39.000” - ông Lợi thông tin và đánh giá VN quy định lao động nước ngoài vào VN phải là người có tay nghề nhưng thực tế phần lớn là lao động phổ thông.

Báo cáo còn chung chung

Bên cạnh bức xúc về lạm phát, nhiều đại biểu đã tập trung vào đánh giá cách làm báo cáo của Chính phủ. Đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng báo cáo của Chính phủ còn chung chung, ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. An toàn giao thông báo cáo “còn ở mức cao” không thấy hết được vấn đề. Ông Thạch cho biết không đồng tình với nhiều đánh giá trong báo cáo của Chính phủ. “Cách báo cáo chung chung của Chính phủ vẫn như chiến lược” - ông Thạch nói.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phê bình và cho rằng đã đến lúc yêu cầu các ủy ban Quốc hội nâng cao tính phản biện. “Tôi nghe báo cáo của Ủy ban Kinh tế hôm qua thấy thất vọng.

Chính phủ trình, Quốc hội phải phản biện để tìm ra giải pháp tốt nhất”. Ông Quyền đánh giá: “Báo cáo của Chính phủ là để xem làm được gì, chưa làm gì, nguyên nhân, giải pháp. Trong khi đó, báo cáo Chính phủ chủ yếu phản ánh tình hình năm năm qua”. “Ta phải rành mạch, xét báo cáo là nói đến trách nhiệm hành pháp chứ không phải để biết tình hình”. Trong khi đó, ông Quyền cho rằng nhiều bất cập trong kinh tế - xã hội là do quản lý nhà nước gây ra, do yếu kém nền hành chính. “Phải xem lại bộ máy từ tổ chức, thực thi, điều hành vĩ mô bất cập chỗ nào” - ông Quyền nói.

Tái cấu trúc phải có địa chỉ

Đề cập các giải pháp thời gian tới, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng việc thực hiện thắt chặt hai nhóm giải pháp tiền tệ và tài khóa cũng như “uống thuốc kháng sinh liều cao, dẫn đến tác dụng phụ rất nặng”. Do đó Chính phủ cần làm rõ khó khăn đối với doanh nghiệp ở mức nào để có chính sách phù hợp. Ông Lịch nói qua Hội nghị Trung ương 3, xã hội phấn khởi vì các chủ trương đúng được đề ra, tuy nhiên, ông băn khoăn vì vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng về chính sách để người dân nhìn vào.

Dẫn số liệu dự kiến đến năm 2015 nợ công nước ta khoảng 60-65% GDP, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị cần cân nhắc xây dựng lại chỉ tiêu này vì đối với nhiều quốc gia đang phát triển, nợ công chỉ cần trên 40% đã đáng lo. Ông Nghĩa khuyến cáo trong phát triển cần tránh lệ thuộc thương mại vào một quốc gia, ví dụ nhập siêu từ một quốc gia quá nhiều hay tình trạng công ty của quốc gia đó thắng thầu liên tục...

Về đầu tư cho tập đoàn, tổng công ty, đại biểu Trần Ngọc Vinh đánh giá “rất lớn”, nhưng hiệu quả đem lại về mặt kinh tế rất đáng quan ngại. “Chúng ta nói xây dựng các “ông lớn” này để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng làm ăn cứ thua lỗ thế này thì không rõ sẽ định hướng sao đây?” - ông Vinh hỏi và cho rằng phải tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhưng cảnh báo: “Chủ trương đúng mà giải pháp không quyết liệt, thiếu đồng bộ thì hậu quả sẽ rất khó lường”.

Ông Nghĩa cho rằng việc tái cấu trúc nền kinh tế tới đây, nhất là đối với doanh nghiệp nhà nước, cần có địa chỉ cụ thể những tập đoàn, tổng công ty nào sẽ cơ cấu lại, việc thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là bao nhiêu, lộ trình thế nào.

Cắt giảm đầu tư công chưa nghiêm túc

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - ngân sách về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, công tác thanh tra, kiểm toán từ đầu năm đến hết tháng 8-2011 đã phát hiện khuyết điểm, vi phạm kinh tế tới 4.585 tỉ đồng, gần 2.000ha đất và phải kỷ luật hành chính 275 tập thể, 766 cá nhân. Các bộ, ngành địa phương đã tạm dừng mua xe công, máy điều hòa... và tiết kiệm trên 1.000 tỉ đồng, trong đó riêng ôtô là 514 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - ngân sách nhận định tình trạng lãng phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí vẫn tồn tại trên... tất cả lĩnh vực và ở các mức độ. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ về tình trạng lãng phí còn thiếu cụ thể.

Đặc biệt, một số bộ, ngành, địa phương thực hiện không nghiêm túc nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô. Trong mua sắm tài sản công còn hiện tượng mua vượt tiêu chuẩn. Việc đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm đầu tư công còn hiện tượng không đúng đối tượng, thực hiện chưa nghiêm túc, sau cắt giảm, việc phân bổ cho số dự án khởi công mới vẫn lớn và dàn trải.

C.V.KÌNH - L.KIÊN - V.V.THÀNH

Nguồn: tuoitre.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến