Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Trò trờ thầy

- Năm học mới đã bắt đầu nhưng ở nhiều trường trên địa bàn TP.HCM, thời khóa biểu vẫn còn để trống nhiều ô vì phải chờ... giáo viên.



Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, từ khi đào tạo đa ngành, ĐH Sài Gòn đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào các ngành sư phạm. Trong ảnh: thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sài Gòn năm 2011 - Ảnh: TR.HUỲNH

“Trường cần 10 giáo viên nhưng đến thời điểm này mới chỉ một giáo viên đến nhận nhiệm sở. Phòng GD-ĐT cho biết đang làm thủ tục tuyển ba giáo viên nữa cho trường. Còn lại vẫn phải chờ...” - bà Lê Thị Hạnh, hiệu trưởng Trường mầm non 12, Q.3, cho biết. Thừa nhận tình trạng các trường đang mong ngóng giáo viên từng ngày, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.3, cho biết: “Sau khi tuyển dụng giáo viên đợt 1 cho năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn Q.3 vẫn còn thiếu 27 giáo viên".

"Hiện ban giám hiệu các trường đang trông chờ và hi vọng vào kết quả tuyển dụng giáo viên của đợt 2, 3, 4. Chứ tình hình như năm nay là rất khó khăn, thường nếu thiếu giáo viên thì các trường sẽ bố trí bảo mẫu lấp vào. Nhưng năm nay việc tuyển bảo mẫu cũng khó thực hiện, thu nhập bảo mẫu ở trường mầm non chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng thì làm sao tìm người?”.

Tăng sĩ số

Sáng 17-8, phụ huynh có con học lớp 2 và lớp 4 tại một trường tiểu học ở Củ Chi phản ảnh với Tuổi Trẻ: “Học sinh đã tựu trường từ 15-8 nhưng đến nay con tôi vẫn chưa học chương trình của năm học mới vì thiếu giáo viên. Học sinh lớp 2 phải nhờ một giáo viên mỹ thuật trông lớp giùm để chờ Phòng GD-ĐT đưa giáo viên mới về. Trong khi đó, học sinh lớp 4 phải tách ra, dồn vào những lớp khác, tăng sĩ số học sinh/lớp cũng vì thiếu giáo viên”.

Trao đổi về vấn đề trên, hiệu trưởng trường này chia sẻ: “Chúng tôi vừa nhận được thông tin Phòng GD-ĐT huyện sẽ đưa giáo viên về vào tuần sau nên dự kiến tuần sau học sinh sẽ chính thức học chương trình mới”.

Tương tự, ông Phan Văn Đồng, trưởng Phòng GD-ĐT Q.10, cho biết: “Hiện vẫn còn thiếu 66 giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học, THCS. Trong đó thiếu nhiều nhất là bậc mầm non. Trong khi chờ đợi, các lớp phải tăng sĩ số học sinh để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp”.

Tại hội nghị về công tác chuẩn bị năm học mới 2011-2012, bà Cao Thị Tuyết Mai, phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.4, thông tin: “Q.4 mới tuyển được 24 người so với nhu cầu 40 giáo viên mầm non, 14 người so với nhu cầu 35 giáo viên tiểu học. Ở bậc tiểu học, cả quận mới chỉ có hai trường có giáo viên thể dục, còn lại đều là giáo viên thỉnh giảng từ trung tâm thể dục thể thao. Hiện các trường vẫn đang chờ đợt tuyển thứ hai, thứ ba, thứ tư. Nếu không được, các trường đành hợp đồng với giáo viên đã về hưu hoặc giáo viên không có hộ khẩu TP.  Tuy nhiên, nguồn tuyển này không ổn định”.

Tận dụng nhiều nguồn

Trong khi đó, một số trường THCS trên địa bàn Q.8 đang điêu đứng vì năm nay số giáo viên xin nghỉ hoặc thuyên chuyển khá nhiều. Tại Trường THCS Phan Đăng Lưu, năm học này có nhiều giáo viên thuyên chuyển, như các môn văn, sử, thể dục, sinh, hóa. Có giáo viên của trường ngụ ở Bình Chánh nhưng được điều về dạy, phải đi xe buýt quá xa nên năm nay xin về dạy tại Bình Chánh.

Có giáo viên đã công tác 10 năm nhưng xin đi quận khác có thu nhập cao hơn. Những lý do muôn thuở mà giáo viên xin đi là bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, nhà xa... khiến hiệu trưởng cũng chẳng thể làm gì khác. Trường có 40 lớp nhưng hiện chỉ có một giáo viên dạy thể dục. Nhà trường phải hợp đồng với giáo viên thỉnh giảng nhưng gọi rất nhiều nguồn thì mới mời được hai giáo viên về dạy, bởi với mức lương thỉnh giảng 30.000 đồng/tiết, ít giáo viên nào chịu dạy.

Năm nay khá nhiều quận huyện cho biết giáo viên thể dục đang trở thành “hàng hiếm”, do mức lương thấp hơn nhiều so với dạy ở các trường đại học, cao đẳng nên giáo viên thể dục dần dần rời bỏ các trường phổ thông.

Tại Q.6, Phòng GD-ĐT vừa giải quyết 18 trường hợp xin thuyên chuyển đến công tác tại các quận huyện khác trong TP. Hiện Q.6 dự kiến tuyển thêm 101 giáo viên trong các đợt tuyển dụng tiếp theo. Trong đó quận xin tuyển giáo viên cấp mầm non và tiểu học không có hộ khẩu tại Q.6 để đáp ứng nhu cầu cấp bách về giáo viên của các cấp học này. Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng đợt 2 của Q.6 rơi vào giáo viên tiểu học, giáo viên các môn sinh học, thể dục, tin học, nhạc, họa và tăng cường tiếng Anh.

Không chỉ Q.6, năm nay khá nhiều địa phương đã phải sử dụng các nguồn tuyển khác nhau để có giáo viên đứng lớp như: tuyển giáo viên chỉ có hộ khẩu KT3, giáo viên đã về hưu, giáo viên THCS xuống dạy tiểu học... Thậm chí khi không còn nguồn tuyển, ban giám hiệu một số trường tiểu học cũng phải đứng lớp và làm luôn công tác chủ nhiệm.

Theo ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở dĩ có tình trạng thiếu giáo viên là vì những năm gần đây các trường sư phạm trên địa bàn TP đào tạo theo xu hướng đa ngành, chỉ tiêu đào tạo sư phạm giảm nên các trường nguồn tuyển giáo viên cũng giảm. Sở GD-ĐT TP đã và sẽ tiếp tục làm việc với các trường sư phạm cũng như đề xuất với Bộ GD-ĐT để tăng chỉ tiêu đào tạo ở trường sư phạm. Bên cạnh đó, sở khuyến khích các quận huyện thực hiện chế độ liên kết cử tuyển: Phòng GD-ĐT phối hợp trực tiếp với trường sư phạm chọn người ở ngay địa phương mình để đi học”.

H.HƯƠNG - LƯU TRANG

Hà Nội: sẽ tuyển thêm 7.500 cán bộ, giáo viên

Theo ông Nguyễn Hữu Độ - giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội, trong năm 2011 Hà Nội sẽ tuyển dụng vào viên chức 7.502 cán bộ, giáo viên nhưng trong số đó sẽ có 5.853 giáo viên và 250 nhân viên cho bậc giáo dục mầm non. Ông Độ khẳng định theo lộ trình đến hết năm 2015, sẽ giải quyết biên chế cho tất cả số giáo viên mầm non đang làm hợp đồng vào biên chế nhà nước. TP Hà Nội cũng đã thông qua cơ chế cho hơn 26.000 giáo viên mầm non được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức nhà nước.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, năm học 2011-2012 Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn việc luân chuyển giáo viên để bổ sung nguồn giáo viên có chất lượng cho các cơ sở giáo dục còn thiếu, yếu.

VĨNH HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến