Microsoft đã sẵn sàng phiên bản Service Pack đầu tiên cho hệ điều hành Windows 7 đình đám.
Mới đây, blog của Công ty cũng cho thấy các phiên bản OEM (cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị cài đặt sẵn trong máy tính mới trước khi xuất xưởng) của Windows 7 Service Pack 1 đã được chuyển tới tay các nhà sản xuất máy tính kể từ ngày 15/1/2010. Với vai trò là bản vá lớn đầu tiên hệ điều hành chủ đạo của Microsoft và là hệ điều hành rất được người dùng ưa chuộng hiện tại, Service Pack rõ ràng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm. Câu hỏi đặt ra là: nó sẽ đem lại cho người dùng những gì?
Sửa các lỗi phát sinh
Một trong những đặc trưng không thể thiếu của bất cứ bản Service Pack nào chính là việc khắc phục các lỗi của hệ điều hành nguyên gốc, bao gồm cả lỗi sử dụng lẫn lỗi bảo mật. Có thể kể tới ở Windows 7 là các lỗi liên quan tới tính tương thích, lỗi khi sử dụng thẻ SD dung lượng trên 32GB, lỗi Hibernate khi khôi phục trạng thái gốc sẽ khiến máy bị treo hay đôi khi các hệ thống Windows 7 bị đứng máy không có lý do (KB2265176) chẳng hạn. Dĩ nhiên hầu hết các lỗi nghiêm trọng dạng này đều đã được Microsoft xử lý thông qua hệ thống Windows Update theo định kỳ. Tuy nhiên, với Service Pack, người dùng sẽ có một gói vá toàn diện để sử dụng mỗi lần cài đặt hệ điều hành mà không cần phải ngồi tải từng bản cập nhật rất mất thời gian.
Hỗ trợ chính thức chuẩn USB 3.0 tốc độ cao
Một trong số các tính năng mới được trông đợi nhất ở Windows 7 Service Pack 1 chính là khả năng hỗ trợ chính thức USB 3.0. Hiện tại nhiều nhà sản xuất phần cứng đã tích hợp chuẩn mới này vào sản phẩm của mình (chủ yếu là các bo mạch chủ, ổ đĩa cứng lắp ngoài và ổ USB Flash). Tuy vậy, những phiên bản đầu tiên này thường yêu cầu trình điều khiển riêng, cài đặt không đơn giản - ngược lại hoàn toàn với đặc tính cắm - chạy dễ sử dụng thường thấy của USB từ trước tới nay. Lý do chính của điều này là bởi Windows 7 chưa thực sự hỗ trợ USB 3.0 như một chuẩn thực sự. Với Service Pack 1, điều này đã trở thành hiện thực. Những người dùng USB 3.0 cũng sẽ tận dụng được tốt hơn các thiết bị của mình mà không còn phải lo ngay ngáy về việc cài đặt trình điều khiển mỗi khi đem sang một PC mới. USB 3.0 được ra mắt thị trường vào đầu 2010 với hứa hẹn băng thông dữ liệu tối đa lên tới 5Gbit/giây – nhanh hơn 10 lần so với USB 2.0.
Bên cạnh đó, USB 3.0 cũng có khả năng tải lên và tải xuống dữ liệu cùng lúc (2 chiều) so với chỉ một trong hai chiều của USB 2.0 cũ. Tốc độ mới sẽ tạo điều kiện cho một loạt đồ chơi công nghệ số mới xuất hiện như các loại ổ lưu trữ dung lượng siêu lớn, đầu đọc đĩa Bluray lắp ngoài, máy quay số, máy ảnh số với nội dung chi tiết cao hơn… Thậm chí, các loại màn hình hay card âm thanh sử dụng giao tiếp USB cũng sẽ được lợi. Ngoài ra, USB 3.0 cũng có ưu thế về khả năng cấp điện nguồn. USB 2.0 cho phép cấp điện nguồn khoảng 500mW/cổng chính. Trong khi đó, USB 3.0 vừa nhanh hơn cả hai lại vừa có khả năng cấp nguồn công suất cao hơn.
Hơn thế nữa, USB 3.0 có khả năng quản lý điện năng tốt hơn hẳn các đàn anh đi trước. Nó cho phép thiết bị chuyển vào các trạng thái rỗi, nghỉ và thậm chí là ngủ khi cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc MTXT của bạn sẽ có thời lượng pin sử dụng lâu hơn, PC để bàn dùng ít điện hơn… khi sử dụng thiết bị ngoại vi USB 3.0. Với các loại ĐTDĐ hỗ trợ USB 3.0, máy ảnh và máy tính bảng, điều này cũng là ưu thế rất lớn của chuẩn mới. Như vậy, sự hỗ trợ chính thức của Windows 7 đối với USB 3.0 là điều cực kỳ quan trọng.
Công nghệ bộ nhớ động Dynamic Memory và Remote FX
Đối với người dùng khối doanh nghiệp, 2 công nghệ hỗ trợ ảo hóa (Virtualization) gồm Dynamic Memory và Remote FX trong bản Service Pack 1 tới sẽ thực sự là cải tiến đáng kể. Dynamic Memory sẽ mở rộng tính năng cho Hyper-V – công nghệ của Microsoft – nhằm cho phép nó quản lý lượng bộ nhớ sử dụng cho tất cả các máy ảo vận hành trên máy tính chính. Hyper-V sẽ quản lý toàn bộ lượng bộ nhớ vật lý và chia ra theo nhu cầu sử dụng. Đây là tính năng giúp hạn chế tối đa các trường hợp hụt bộ nhớ trên các máy ảo bận rộn cũng như giảm thiểu tình trạng lãng phí tài nguyên trên các máy ảo rỗi. Điều đặc biệt quan trọng là các quản trị sẽ không còn mất công sức kiểm soát vấn đề này nữa.
Hiện tại, phiên bản SP1 đã bắt đầu được đưa lên mạng Internet thông qua các kênh không chính thức. Theo nhiều website đăng liên kết tải xuống, phiên bản cho Windows 7 32-bit có dung lượng vào khoảng 537,81 MB trong khi đó, bản cho Windows 7 64-bit lại nặng hơn khá nhiều (vào khoảng 903,20 MB). Những người dùng quan tâm muốn dùng thử có thể tải từ cả Torrent (hoặc tham khảo tại đây).
Trong khi đó, Remote FX lại cho phép các máy ảo và máy tính điều khiển từ xa (Remote Desktop) có được môi trường đồ họa tốt hơn. Theo Microsoft, với Remote FX, người dùng sẽ có thể làm việc từ xa thông qua mạng nội bộ mà vẫn có được đủ giao diện Aero của Windows 7, xem phim ở tốc độ tốt nhất đồng thời thưởng thức các hiệu ứng động của Silverlight, ứng dụng 3D… với chất lượng không thua gì khi đang sử dụng trực tiếp. Bạn có thể tham khảo trình diễn cả 2 công nghệ này tại đây.
Lịch trình ra mắt của Service Pack 1
Bản thân Windows 7 và Windows Server 2008 R2 sử dụng chung một nền tảng mã nguồn. Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi bản vá Service Pack 1 sẽ có mặt cùng lúc trên cả 2 phiên bản này. Để nắm chính xác thời điểm ra mắt, bạn có thể nhìn lại lịch trình của Windows Vista.
Phiên bản Service Pack đầu tiên của Vista được công bố khoảng 5 tháng sau khi hệ điều hành ra mắt. Sau đó, bản Beta được tung ra trong khoảng tháng 9/2007 rồi tới RC trong tháng 12/2009. Cuối cùng, bản chính thức có mặt vào giữa tháng 3/2010. Với lịch trình tương tự như vậy, người dùng hoàn toàn có thể suy đoán ra thời điểm mà Windows 7 Service Pack 1 có mặt. Thêm vào đó, chính việc Microsoft đã tung ra bản RTM của Service Pack 1 cho các nhà sản xuất vào ngày 15/1/2011 vừa qua cũng cho thấy ngày ra mắt bản dành cho người dùng cuối sẽ không còn xa.
Nhiều ý kiến cho rằng Microsoft sẽ không vội vàng trong việc ra mắt bản vá này của Windows 7 dẫn tới việc người dùng phải chờ đợi thêm chút ít. Điều này không phải là không có lý. Trước hết, bản thân Windows 7 và người anh em cho môi trường máy chủ của nó vận hành khá hoàn hảo ngay từ đầu và đối với phần đông người dùng, bản Service Pack lại không quá quan trọng do họ không vướng phải lỗi nào nghiêm trọng cần khắc phục ngay lập tức như với Vista trước đây.
Thay vào đó, phần đông khi đến với Service Pack 1 này sẽ trông đợi ở các tính năng mới nhiều hơn. Một cuộc thu thập ý kiến mới đây do Dimensional Research thực hiện cho thấy 46% các quản trị hệ thống không muốn chờ Service Pack 1 rồi mới cài Windows 7. Đây là mức đáng ngạc nhiên vì từ trước tới nay hầu như sự chờ đợi này đã trở thành “truyền thống”. Đây rõ ràng là một dấu hiệu khả quan đối với Microsoft.
PCWord
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét