Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Chủ tịch nước chưa giải được bài toán như thầy mong muốn

Trước khi ra Hà Nội nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước, ông Nguyễn Minh Triết đã thăm thầy dạy hồi tiểu học trong vùng kháng chiến.

Thầy giáo dặn ông: “Lần này, em ra Hà Nội tôi kì vọng em lắm. Ngày xưa em học toán giỏi, làm toán rất nhanh. Bây giờ em ra làm Chủ tịch nước thì có một bài toán mà tôi mong em giải thật tốt, đó là bài toán chống tham nhũng”.

‘Tôi hiểu mong mỏi của thầy cũng là mong mỏi của nhân dân. Cho đến hôm nay, tôi thấy nhiệm vụ đó mình đã cố gắng nhưng chưa được như mong muốn” – Chủ tịch  nước Nguyễn Minh Triết chia sẻ với phóng viên báo Giáo dục - Thời đại trong số báo Tết năm 2011.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: GDTD

Trả lời câu hỏi “đánh giá về việc sử dụng nhân tài hiện nay ở nước ta?”, người đứng đầu Phủ Chủ tịch nói, ông mong muốn sẽ đổi mới một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy tốt việc sử dụng nhân tài, đặc biệt trong khu vực quốc doanh.

Ông dẫn câu của Nguyễn Trãi, đất nước “mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt thời nào cũng có” rồi cho rằng, chúng ta sử dụng còn chậm, chưa phát huy đúng mức các tài năng.

So sánh với khu vực tư nhân,  sử dụng con người nhanh, mạnh tay hơn khu vực quốc doanh, trọng dụng ngay người có năng lực, Chủ tịch nước nhấn mạnh “ đổi mới cơ chế, chính sách sử dụng người tài, nhất là trong bộ máy nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước là việc rất cần được tiến hành mạnh mẽ”.

Với câu hỏi “cần làm gì để giáo dục-đào tạo đạt được kết quả tốt nhất trong công cuộc phát triển đất nước”, ông Nguyễn Minh Triết cho rằng, giáo dục đã có những thành tựu to lớn như nền học vấn đang phát triển tốt, đã phổ cập rộng rãi tri thức cho mọi người dân,v.v…nhưng còn những yếu kém như học lý thuyết tốt nhưng thực hành còn chưa tốt, chương trình cũng còn nhiều việc phải bàn.

“Nói chung, giáo dục của mình có nhiều điều đáng tự hào nhưng cũng còn một số vấn đề phải điều chỉnh” – ông kết luận.

Năm 2011 đánh dấu sự kiện Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, tham gia vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình.
Trả lời câu hỏi: "Trong lịch sử, chúng ta thấy nhiều nước sau khi thoát khỏi chiến tranh khoảng 30-40 năm đều có sự phát triển vượt bậc. Và Việt Nam chúng ta đang ở trong giai đoạn này, đâu là nguồn lực và động lực để có sự tăng trưởng năng động như vậy?", Chủ tịch nước lấy ví dụ của Nhật Bản.

Ông nói rằng, sau thế chiến thứ II, Nhật Bản tan hoang nhưng đã làm nên kỳ tích bằng đôi tay, khối óc.

"Một số nước, chỉ sau 30 năm họ có những bước phát triển có thể gọi là thần kỳ. Điều đó đáng để chúng ta nghiên cứu, học tập. Nhưng mỗi nước có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta sau 25 năm đổi mới đã có những bước phát triển rất đáng tự hào và đang trong những bước đi thận trọng, vững chắc".

Trở lại với câu chuyện của phóng viên về giáo dục, ông bày tỏ: "Tôi luôn mong muốn thầy và trò mãi luôn giữ được tình cảm gắn bó”.

"Tình nghĩa thầy trò luôn đậm đà, sâu sắc và thiêng liêng” – là thông điệp đầu năm mới mà Chủ tịch nước gửi các thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.

Vân Phong

Theo: VietNamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến