GS Ngô Bảo Châu là học trò khóa thứ 7, khóa cuối cùng thầy Tôn Thân giảng dạy tại Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Trong diễn văn tại lễ mừng GS Ngô Bảo Châu tại Mỹ Đình, GS đã nhắc tới thầy Tôn Thân đầu tiên, góp phần đào tạo ông về môn Toán. Trong ảnh, thầy Tôn Thân và GS Ngô Bảo Châu trong vòng vây người hâm mộ. |
Thầy Tôn Thân là giáo viên dạy toán cấp II của nhiều nhân vật nổi tiếng: GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Lê Hồng Vân, GS Vũ Đình Hòa, GS Đặng Vũ Minh, nhà báo Thu Uyên...
15 năm dạy các lớp chuyên toán của Hà Nội đặt tại Trường THCS Trưng Vương, bắt đầu từ năm 1969, thầy đã phát hiện và đào tạo nhiều HS, để rồi sau này, từ những viên gạch đầu tiên mà thầy đặt nền móng, từ sự yêu thương và công bằng của thầy đối với tất cả học trò, họ đã gặt hái nhiều thành công trên đường đời và luôn khắc ghi hình ảnh thân thương về thầy.
Thầy Tôn Thân, trong căn nhà mới chuyển đến gần chục năm nay, mới được sửa sang lại từ năm ngoái, đã tràn ngập những bông hoa chúc mừng của học trò cũ đến trước ngày 20/11.
Có ai đó đã nói rằng, muốn biết được tình cảm thực của trò, phải biết đợi! Đợi khi nào các em không còn học mình ở trường nữa, thầy Thân đùa là "khi nào các em hết là con tin của mình", đã ra trường, đã lặn lội ở phương trời nào mà về thăm mình mới là đáng quý, là thực.
Thầy Tôn Thân kể, từ ngày vẫn còn sống trong căn nhà rộng 22 mét vuông ở 16 Hàng Da, nơi gần chục người trong gia đình nhà thầy sinh sống, khi mà lương của thầy chỉ có 53 đồng/tháng, thầy đã không nhận bất cứ quà cáp biếu xén của phụ huynh.
Đã có thời người ta rẻ rúng ngành sư phạm quá, khiến cho người giỏi không muốn vào ngành sư phạm. Nhưng nếu vì nghèo mà người thầy ưa được biếu xén quà cáp thì HS coi thường. Thời nào cũng thế, người ta luôn ngưỡng mộ những người thầy có cả trí tuệ và nhân cách Tôn Thân |
Thầy Thân nhớ kỷ niệm, có một phụ huynh rút thăm được suất mua cái quạt máy vì liên tục là lao động giỏi nhiều năm liền (ngày đó quạt máy cực hiếm và không phải ai cũng được quyền mua), cứ nằng nặc biếu thầy suất mua đó, nhưng thầy không dám nhận, vì cái tình ấy, quà ấy lớn quá.
GS Vũ Hà Văn (HS cũ của thầy Tôn Thân, khóa 1980-1981) đến thăm thầy giáo cũ khi có dịp về Hà Nội. GS Vũ Hà Văn hiện là giáo sư đại học tại Mỹ, được coi là hàng đầu về Toán Tổ hợp. |
Thầy Tôn Thân không nhận bất cứ quà cáp gì, mặc dù cả hai vợ chồng đều là giáo viên, lương tháng đều thấp, con ốm đau không đủ tiền mua thuốc, không tiền mua sữa. Nhà thầy ở căn gác 2 phố Hàng Da, ngày ngày phải xuống xách nước sạch từ tầng một lên (thường 10 giờ khuya mới xuống xách nước vì lúc đó vắng người), xách nước bẩn từ trên xuống đem đi đổ. Năm 1982, thầy được giải nhất Cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm toàn quốc, được thưởng chiếc xe đạp thống nhất, nhưng hôm lĩnh thưởng phải dắt bộ về, vì sau đó phải sửa xe mới đi được.
Thầy bảo, "sở dĩ ngày đó, dù nghèo đến mấy, tôi không nhận quà biếu từ phụ huynh vì không muốn học trò coi thường mình. Trẻ con rất nhạy cảm, nếu mình làm không đúng là chúng biết. Nếu để chúng coi thường thì mình không dạy chúng được".
Thầy Tôn Thân, sau nhiều lần phụ huynh tha thiết đề nghị, đã phải chấp nhận một món quà, đó là sách. Những phụ huynh có điều kiện đi nước ngoài, thường mua tặng thầy sách dạy Toán bằng nhiều thứ tiếng.
Thầy Tôn Thân cho biết, nhờ hàng chục cuốn sách Toán mà phụ huynh và học trò tặng, bằng đủ mọi thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, về sau thầy đã áp dụng dạy cho học trò rất hiệu quả và trau dồi khả năng viết sách Toán từ lớp 6 đến lớp 9 của mình một cách xuất sắc.
Thầy cảm động mãi một chuyện đã qua nhiều năm, học trò Đặng Hoàng Trung (khóa học 1976-1977), một trong ba học sinh đầu tiên của thầy được huy chương Toán quốc tế (kỳ thi lần thứ 16), sau khi được đi học ở nước ngoài đã gửi về một kiện hàng toàn sách Toán, nặng 20kg, nhờ mẹ phải đưa tận tay thầy trước ngày 20/11.
Ngày 19/11, trời mưa tầm tã, thế mà vị phụ huynh ấy, ướt lướt thướt, đi bộ ôm bọc sách Toán bọc ni lông con gửi đến tặng thầy. Khi bóng người mẹ ấy đã khuất sau góc phố, thầy mới giật mình nhớ ra nhà của em Trung cách nhà thầy 2 cây số...
Người thầy của những nhà khoa học lớn
15 năm dạy chuyên toán ở trường THCS Trưng Vương, thầy Tôn Thân đã dạy 7 khóa học trò với 215 HS giỏi toán, đạt 42 giải toàn quốc. Năm 1974, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên dự thi toán quốc tế ở Đức, có 5 HS thì có tới 4 em là HS cũ của thầy Tôn Thân.
Đó là Hoàng Lê Minh (HCV), Đặng Hoàng Trung (HCĐ), Vũ Đình Hòa (HCB). Thầy mỉm cười nhớ lại khóa đầu tiên có Hoàng Lê Minh đạt HCV, và kết thúc khóa thứ 7 cũng có học trò cũ Ngô Bảo Châu đạt HCV.
Những học trò cũ vẫn thỉnh thoảng đến thăm thầy Tôn Thân. Với họ, thầy Tôn Thân là người thầy tỏa sáng về trí tuệ và nhân cách. |
Thầy cảm động khi nhớ lại, có một học trò sau nhiều năm ra trường vẫn lận đận nên nhất quyết không về thăm thầy theo lớp cũ, không phải trò không nhớ thầy, mà anh quyết tâm phải thành công mới dám về thăm thầy. Nhưng thầy Thân bảo, với thầy, học trò nào cũng như nhau, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, không chỉ học trò giỏi thầy mới yêu quý.
GS Vũ Đình Hòa, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người nhiều lần dẫn đoàn HS Việt Nam đi thi Olympic Toán quốc tế, học trò đầu tiên được HCV của thầy Tôn Thân đã từng có hồi ức về người thầy mà GS kính trọng thực sự:
"Khi cũng là người thầy trên bục giảng, tôi thấy đây là điều cốt yếu nhất của ngành sư phạm. Không có một phương pháp giảng dạy nào là tốt nếu người thầy không có tình yêu đằm thắm dành cho học trò...Thầy đã gợi cho HS của mình những ước mơ thật lớn, những đích thật cao xa. Với thầy Thân, chúng tôi đã được học bằng hình thức dạy học tiên tiến nhất. Có lẽ, thầy là người thứ hai sau bố mẹ luôn lo lắng thật sự cho chúng tôi. Những điều đó thầy làm bằng trái tim và và bằng cái tâm của một con người vì tương lai, chứ không phải vì thành tích cá nhân trước mắt. Tôi biết rất rõ điều đó, vì khi đó chúng tôi là những đứa trẻ ngây thơ nhưng nhạy cảm..."
- Theo Tú Uyên (Việt Nam Nét)
Thầy Tôn Thân, sinh năm 1943, là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Chiến lược và chương trình giáo dục (nay là Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam). Thầy có hơn 49 đầu sách về giáo dục toán học, chủ biên nhiều sách toán từ lớp 6 đến lớp 9. Thầy được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2006. Phương pháp dạy học mà thầy rất tâm đắc là: Đừng bắt người ta uống, hãy bắt người ta khát. Hình ảnh sinh động và cảm động nhất về thầy Tôn Thân và các học trò giỏi toán của mình đã từng thể hiện qua thiên ký sự đặc sắc nhất dài 15 chương của cựu nhà báo Đỗ Quốc Anh (nay là Vụ trưởng phụ trách Văn phòng Bộ GD-ĐT phía Nam). |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét