Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Những điều lưu ý khi điền hồ sơ đăng kí dự thi Đại học

Hôm qua12/3, Bộ GD-ĐT phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010”. Đây sẽ là cơ sở chính để thí sinh có thể làm và nộp hồ sơ ĐKDT. Vậy khi làm hồ sơ ĐKDT thí sinh cần phải lưu ý những điểm gì?
 
Theo tình trạng chung của các năm tuyển sinh trước đây, trong 16 mục ở hồ sơ ĐKDT thì có các mục 2, 3 và 8 là thí sinh thường hay nhầm lẫn và mắc sai lầm.
Bên cạnh đó nhiều thí sinh vẫn mơ hồ về việc đăng ký NV2, NV3 ngay trong hồ sơ ĐKDT. Xin nhấn mạnh lại: Trong hồ sơ ĐKDT không có mục đăng ký NV2 hay NV3. Hai nguyện vọng này chỉ xuất hiện sau khi thí sinh không trúng tuyển NV1 và có điểm thi đạt từ mức điểm sàn ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT công bố trở lên. Hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 là hoàn toàn độc lập với hồ sơ ĐKDT.

Thí sinh cần đặc biệt lưu ý đến mục 2, 3 khi điền hồ sơ ĐKDT.
Để hạn chế những lỗi không đáng có, Dân trí xin hướng dẫn các bạn điền các mục này.
* Mục 2, 3:
Đây là hai mục mà thí sinh thường hay bị nhầm lẫn trong quá trình làm hồ sơ ĐKDT. Đối với hai mục này thí sinh cần phải luôn nhớ quy định sau:
+ Nếu đăng ký NV1 vào các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi tuyển thì chỉ sử dụng mục số 2 và đừng bận tâm đến mục số 3 (nói cách khác là bỏ trống mục 3).
+ Nếu muốn đăng ký NV1 vào các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH thì thí sinh bắt buộc phải sử dụng cùng lúc mục số 2 và 3. Trong đó mục 2 là thông tin trường ĐH, CĐ mà thí sinh muốn ĐKDT dự thi nhờ và mục 3 là thông tin NV1 mà thí sinh muốn đăng ký vào trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển.
- Mục số 2, thí sinh ghi rõ tên trường ĐH, CĐ dự thi vào đường kẻ chấm, ghi rõ ký hiệu trường ĐH, CĐ dự thi vào 3 ô đầu. Hai ô tiếp theo ghi khối thi quy ước: ô thứ nhất ghi A, B, C hoặc D; ô thứ 2 dùng cho thí sinh dự thi khối D: thi tiếng Anh ghi số 1, thi tiếng Nga ghi số 2; thi tiếng Pháp ghi số 3; thi tiếng Trung ghi số 4; thi tiếng Đức ghi số 5; thi tiếng Nhật ghi số 6. Ba ô cuối cùng ghi mã ngành dự định học.
- Mục số 3, dành cho thí sinh có nguyện vọng (NV) 1 học tại trường ĐH, CĐ không thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Thí sinh lưu ý, đây không phải là mục ghi NV2. Thí sinh thuộc diện này không cần ghi mã ngành ở mục 2 (là trường sẽ dự thi nhưng không có NV học), nhưng tại mục 3 vẫn phải ghi đủ tên trường, ký hiệu trường, khối thi, mã ngành của trường mà thí sinh có NV học (NV1).
Ví dụ: Thí sinh có NV1 học tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (trường không thi tuyển sinh), thi khối D1, ngành 106, nhưng nộp hồ sơ ĐKDT tại trường ĐH Bách khoa HN, khối D1.
Mục 2 ghi như sau: Ký hiệu trường: BKA, khối thi: D1; mã ngành: để trống.
mục 3 ghi: Ký hiệu trường: SKH, khối thi: D1; mã ngành: 106.
Lưu ý: Đối với những thí sinh đăng ký NV1 vào các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi thì khi nộp hồ sơ cần phải nộp thêm 1 bản phô-tô-cóp-py mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.
* Mục 8: Thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên nào thì khoanh tròn vào ký hiệu của đối tượng đó. Sau đó ghi ký hiệu vào hai ô. Nếu không thuộc ưu tiên thì để trống.
Nếu thí sinh thuộc nhiều đối tượng ưu tiên thì chỉ được chọn quyền ưu tiên duy nhất để khoanh tròn.
Ví dụ: Thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên 01 đồng thời thuộc đối tượng ưu tiên 06 thì thí sinh chỉ chọn đối tượng ưu tiên cao nhất là 01.
Nguyên tắc quyền ưu tiên như sau:
Nhóm ưu tiên 1: gồm đối tượng 01, 02, 03, 04 sẽ được cộng tối đa 2 điểm vào kết quả thi.
Nhóm ưu tiên 2: gồm các đối tượng 05, 06, 07 sẽ được cộng tối đa 1 điểm vào kết quả thi.
Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến