(Phản hồi bài “Sẽ “cởi bỏ” áp lực cho giáo viên”, Tuổi Trẻ ngày 10-12-2009)
- Tôi không phản đối việc đặt chỉ tiêu thi đua cho giáo viên. Bởi lẽ nếu bỏ chỉ tiêu thi đua thì người nhiệt tình cũng như kẻ lười nhác, người có tâm và người vô tâm đều bị đánh đồng như nhau. Tuy nhiên, hiện nay chỉ tiêu thi đua đã bị biến thành áp lực đối với giáo viên là do lỗi của nhà quản lý giáo dục.
Thông thường, người ta đặt chỉ tiêu chung cho toàn thành phố, rồi quận đặt chỉ tiêu cao hơn thành phố và trường đặt chỉ tiêu cao hơn quận. Thế là các trường đều ra chỉ tiêu hơn 90-99% học sinh phải làm bài thi trên trung bình. Có lẽ chỉ tiêu 100% học sinh làm bài thi trên trung bình là bình thường đối với lớp chọn, nhưng quá phi lý đối với mức học của số đông học sinh.
Thực tế cho thấy các hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải bỏ công sức để kèm cặp học sinh yếu (không trả lương) chứ không bao giờ chấp nhận tình trạng học sinh ở lại lớp. Nói cách khác, để nâng cao chất lượng học sinh, lãnh đạo nhà trường chỉ áp dụng mỗi một cách: đề ra chỉ tiêu thi đua chứ không hề có bất cứ biện pháp hỗ trợ nào. Vậy đâu là giải pháp để giảm áp lực cho giáo viên và nâng cao chất lượng học tập của học sinh?
Tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
- Các nhà quản lý phải đưa ra chỉ tiêu cho từng khu vực cụ thể.
- Phải giám sát, kiểm tra chất lượng thi đua của từng trường. Theo đó, các trường có chất lượng thi đua tiệm cận với mức tuyệt đối (100% học sinh làm bài thi trên trung bình) hoặc có đến 50% học sinh dưới mức trung bình thì đều phải thanh tra. Nếu gần 100% học sinh làm bài trên trung bình thì phải xem thi cử có nghiêm túc không, có bị lộ đề không, giáo viên gác thi như thế nào, nội dung ôn thi có bị giới hạn quá nhiều không (hiện nay nhiều trường cho nội dung ôn tập có khi chưa tới một trang giấy).
Còn nếu học sinh làm bài dưới trung bình đến 50% cũng không thể chấp nhận được. Trường hợp này phải tìm hiểu xem đề thi có vừa sức học sinh không, chất lượng giáo viên ra sao...
- Phải có thù lao cho giáo viên dạy phụ đạo hoặc kèm học sinh yếu. Một giáo viên chỉ có thể kèm 4-5 học sinh yếu mà thôi. Học sinh đã yếu thì không thể dạy đại trà theo hình thức một lò luyện mà phải kèm theo nhóm nhỏ vài em.
- Phải chấp nhận một tỉ lệ học sinh ở lại lớp (có thể khoảng 10%). Các nhà quản lý giáo dục ngày nay rất dị ứng với việc học sinh ở lại lớp. Thế nên học trò nhà ta thừa hiểu muốn ở lại lớp còn khó hơn được lên lớp, vì thế nhiều em chẳng cần cố gắng học tập.
- Chương trình cũng phải hợp lý hơn.
NGUYỄN THỊ BÍCH PHƯỢNG - DÂN TRÍ
“Thầy yên tâm, em sẽ tốt nghiệp cho thầy coi!” Tôi thường được phân công dạy các lớp cuối cấp. Ở nhiều lớp tôi dạy, hơn phân nửa học sinh đã mất căn bản. Ở các lớp dưới, năm nào học sinh cũng được thầy cô nhắc nhở phải chăm học, nếu không sẽ bị ở lại lớp. Nhắc nhở như vậy nhưng nhiều học sinh học rất yếu vẫn được lên lớp bình thường. Vì sao như vậy? Xin thưa là do bệnh thành tích hiện tại vẫn còn rất nặng trong các trường học! Học sinh của chúng ta còn quá nhỏ để ý thức được hậu quả của việc lười học đối với tương lai của chính các em. Mang tâm trạng không cần học đàng hoàng vẫn lên lớp nên khi lên lớp trên, giáo viên có nói gì thì học sinh cũng không tin, không sợ, cứ lười học, chơi, phá thoải mái rồi cũng tốt nghiệp như ai thôi. Thú thật, nhiều khi tôi không dám nói với học trò rằng nếu các em lười học sẽ ở lại lớp. Vì nói như vậy nhưng thực tế đâu có như vậy! Nhiều em không học bài, không biết làm bài còn cười vui vẻ khi giáo viên cho 1 điểm. Tôi xin trích mẩu đối thoại ngắn giữa tôi và một học sinh cuối cấp: - Sao em không học đàng hoàng? Bài em không học, thầy cô giảng em không nghe, không chép bài. Em toàn nói chuyện và nghịch thôi thì sao em có thể tốt nghiệp được? - Thầy yên tâm, em sẽ tốt nghiệp cho thầy coi! … ÁI NHIỆM |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét