Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2009

Những thầy giáo bỗng dưng ... nổi tiếng

1. Thầy Nguyễn Anh Tuấn - GV Toán trường THPT chuyên Bắc Giang với cái gọi là "Đường lên đỉnh Olympia"
Sự việc này xảy ra cách đây hơn 4 tháng...

Đêm 2.11.2008, chủ nhật…
GIẢ DỐI, đó là điều đọng lại trong chúng tôi khi bước khỏi trường quay S9 của cái gọi là… Đài truyền hình Việt Nam.
Là sự thất vọng tràn trề trên gương mặt các thí sinh tỉnh ngoài về Thủ đô dự thi cái gọi là… “Đường lên đỉnh Olympia”.
Trận thi tháng hôm nay gồm các thí sinh Chí Thiện của trường THPT Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, Hoàng Hiệp của trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chúng tôi, Hoàng Hải của trường THPT Chuyên Amsterdam, Hà Nội và Ngọc Thảo - em nữ duy nhất của trường THPT Chuyên, tỉnh Phú Yên.
Chương trình này quay để phát trong dịp Tết Nguyên Đán - Kỷ Sửu 2009, cho nên có sự giả dối ở đây là các cây hoa Đào và hoa Mai giả xếp quanh trường quay, thí sinh Hoàng Hải giả vờ là đang dịp… sinh nhật và nhiều điều giả dối còn… khốn nạn hơn thế!
Em Hoàng Hiệp của chúng tôi trước khi thi đã bị sốt 39,2 độ vì mấy ngày nay phải lội nước vào - ra cái trường quay khốn khổ này, em phải đi tiếp nước và tiêm để vào thi.
Vòng khởi động, Chí Thiện và Hoàng Hiệp thi tốt đẹp, mỗi em được 40/60 điểm. Đến lượt “người Hà Nội” (NHN) thi thì đến câu thứ 4 em này không trả lời được, người dẫn chương trình Nguyễn Hữu Việt Khuê (VK) phán “Câu này đã phát rồi nên phải hỏi lại với câu hỏi khác…” - Một câu nói thật hết sức vô lý? Sau đó NHN cũng được 40/60 điểm…
Đến vòng thi ô chữ vượt chướng ngại vật thì sự khốn nạn đã lộ rõ…
Hàng ngang thứ nhất Chí Thiện và các em có đáp án “Quảng Ninh”, đúng 100%. Sau đó Hoàng Hiệp mở hàng ngang thứ 7 là “Cọc” và tất cả đều có thể trả lời được đáp án của câu này, thế thì mới có “Vấn đề”…
VK nói “Các em bấm quá nhiều nên bị treo máy…” (?) Một câu nói rất vô lý, với một chương trình trí tuệ này không thể xảy ra điều đó, mà lại xảy ra ở trường quay của cái gọi là Đài THVN? Người ngu nhất cũng hiểu rằng nếu có một thí sinh đã bấm thì các thí sinh còn lại bấm cũng bằng… không, hoặc như “Ai là triệu phú” thì tất cả cùng được bấm và máy cho biết người bấm sớm nhất… Phải chăng đây là sự cố ý của nhà Đài để làm những chuyện khuất tất?
Và cứ như vậy 3 lần anh chàng VK này nói như thế khi thấy trên màn hình là tên Hoàng Hiệp và Chí Thiện dừng lại? Anh ta còn dọa Hoàng Hiệp “Em có muốn thi hay dừng chơi, tôi nói là 5 giây bắt đầu mới được quyền bấm chứ…”, một thái độ không thể chấp nhận được. Anh ta là cái quái gì mà cấm thí sinh dừng chơi?
Lần thứ 4 máy dừng lại ở chữ… Chí Thiện nhưng VK bảo Hoàng Hải đã bấm chuông (?). Chí Thiện thắc Mắc “Sao màn hình báo tên em mà anh lại bảo là Hoàng Hải”. VK trả lời không biết ngượng rằng “Tên em hiện lên là do em bấm… cuối cùng” (?) Người ngu nhất cũng hiểu rằng vậy là VK nói điêu, vì ban nãy anh ta bảo bấm nhiều treo máy và dọa thí sinh - điều không thể chấp nhận với một người dẫn chương trình, bây giờ bấm nhiều thì không treo máy (?) mà là… hiện tên người bấm cuối cùng. Vậy cứ cho là đúng đi thì làm quái gì mà biết được em nào bấm đầu tiên? Khốn nạn, khốn nạn hết chỗ nói!
Chí Thiện vẫn bức xúc “Tại sao khi em và bạn Hiệp bấm mà chuông không kêu?” Điều này không chỉ ông trời biết mà chúng tôi cũng cảm nhận được.
Vẻ mặt thất thần trên khuôn mặt ba thí sinh không phải “người Hà Nội”, còn thí sinh Hoàng Hải với vẻ mặt nhăn nhở từ khi bắt đầu cuộc thi “Đợt này sắp sinh nhật em, em muốn là người chiến thắng hôm nay để làm phần thưởng cho… chính mình”. Một sự ngạo mạn ngu dốt, người tử tế thì sẽ nói “Em mong hôm nay em và các bạn chơi gặp nhiều may mắn”.
Tôi rất thương Chí Thiện và Ngọc Hảo, hai em ở tận miền trong ra, Thiện hôm qua về nhì sau em Hiệp của chúng tôi nhưng chúng tôi đều khâm phục em, Thiện ra đây cùng Ba em và thầy giáo em còn Hảo ra đây cùng cô ruột thôi… Các em ra đây đã bơ vơ giữa chốn Hà Thành khắc nghiệt này. Tôi thương cả em Hiệp của chúng tôi bị ốm bất ngờ nữa. Mà thương các em cũng là do sự khốn nạn của trốn này.
Vậy là câu này NHN ăn trọn 80 điểm. Nhiều người bức xúc ra yêu cầu ban tổ chức cho câu khác nhưng nhân viên nhà Đài trối đây đẩy, chắc họ cũng phải làm theo một thế lực đen tối, bẩn thỉu lớn hơn ở phía sau (?). Họ cũng nhục nhã lắm chứ!
Cuối cùng thì NHN “chiến thắng” trong sự ngượng ngịu của chính mình và sự thất thần của 3 thí sinh còn lại cùng với sự khinh bỉ của các thầy giáo chúng tôi.
Tôi mới thấy rằng nhà Đài mị dân rất giỏi nhưng không qua mặt được các em chứ chưa cần nói đến chúng tôi. Vậy chúng tôi dạy các em những điều tốt đẹp trong cuộc sống thế nào đây?
Diễn, diễn và diễn… các “diễn viên” của nhà Đài rất dở. Đọng lại trong các em và chúng tôi nỗi thất vọng quá lớn về cái gọi là “Đường lên đỉnh Olympia” này.
Chúng tôi bước vội ra khỏi Đài THVN để lên ô tô vì không thể chịu được sự ngột ngạt và bẩn thỉu trong trường quay S9 này…
Thôi các em ạ, lũ không bao giờ về Hà Nội được nhưng đợt này lụt đã về Hà Nội. Mọi chuyện trong cuộc đời đều có thể xảy ra dù đó là điều… khốn nạn nhất…
Nhưng trẻ con đã mất niềm tin tại nơi nhẽ ra không bao giờ và không được phép để xảy ra những điều như vậy!
Đêm hoang mang…
(Nhật kí đêm 2.11.2008 của thầy Nguyễn Anh Tuấn)

Bài viết này lập tức trở thành một đề tài được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn và blog cá nhân. Báo Pháp luật cũng đã vào cuộc. Nhà Đài cũng đã thanh minh (xem ở đây). Tất cả đã tạo nên sự nổi tiếng ngoài mong đợi cho thầy Tuấn.

2. Thầy Nguyễn Đình Hòa - GV Văn trường THPT Quang Trung - Đà Nẵng với cái gọi là "Hoa hậu Việt Nam"

Hoa hậu Thùy Dung không hề e ngại những định kiến sau scandal - "vì đi thi này thi nọ mà bỏ bê học hành". Dưới đây là cái nhìn về cô học trò nhỏ của người thầy giáo đã từng dạy môn Văn cho Thùy Dung tại trường cấp 3 Quang Trung, Đà Nẵng.
Photobucket
Những ấn tượng đầu tiên
Tôi là người đã từng rất gắn bó với trường THPT tư thục Quang Trung, nơi Thùy Dung đã và đang theo học. Có thể nói những thế hệ học sinh trường Quang Trung gần đây đều biết tôi - thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Ngữ văn, Giám thị điều hành, Thư ký hội đồng, Phó bí thư Đoàn trường, thành viên Hội đồng kỷ luật nhà trường.

Tôi cũng đã tực tiếp dạy em Thùy Dung năm lớp 11 (năm học 2006 - 2007). Tuy nhiên, do đặc thù công tác, tôi đã có ấn tượng về Thùy Dung từ trước đó.

Năm học 2005 - 2006, trường Quang Trung tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo hình thức phỏng vấn trực tiếp. Tôi phụ trách khâu nhập thông tin, dữ liệu và chia lớp. Tôi không trực tiếp phỏng vấn em Thùy Dung, nhưng cũng được nghe từ những người phỏng vấn cho viết sẽ có một học sinh có chiều cao rất ấn tượng, khá dễ thương, nhưng nói năng không trôi chảy lắm, sẽ nhập học.

Quả thật, Thùy Dung cao hơn hẳn tất cả mọi người trong trường, kể cả các anh chị lớp 12, và ngay cả các thầy cô giáo ai cũng phải "ngước nhìn". Lúc đó, em có dáng điệu rất ngây thơ, tính tình cũng hiền lành, ít nói và nói năng cũng nhỏ nhẹ. Em được xếp vào lớp 10/4 do cô Nguyễn Kim Thành chủ nhiệm.

Trong năm học đó, theo phong trào chung của thành phố, trường Quang Trung tổ chức thi học sinh thanh lịch, tôi cũng là thành viên Ban giám khảo. Thùy Dung hồn nhiên trong chiếc đầm trắng tinh khiết, làn da trắng cùng với khuôn mặt trong trẻo, ngây thơ, em chiếm cảm tình của khá nhiều người. Nhưng nét trẻ con vẫn còn đậm quá. Tôi nghĩ em giống như nàng Bạch Tuyết trong bộ phim dành cho thiếu nhi. Vì thế, Ban giám khảo đã chấm em giải nhì, giải nhất thuộc về em Minh Thu và giải ba là em Kim Liên.

Thùy Dung và Minh Thu được dự thi Học sinh, Sinh viên tài năng, thanh lịch của thành phố. Cũng vì lý do trên và khâu giao tiếp vụng về, Dung đã bị loại ngay từ vòng đầu.

Đã nhiều năm dạy học và phụ trách công tác Đoàn cùng với quản lý học sinh, tôi nghiệm ra một điều rằng hầu hết các nữ sinh sau khi đoạt giả thanh lịch thường lơ là việc học, bắt đầu săm se, đua dòi, chăm sóc nhan sắc và nhiều hệ lụy khác. Thùy Dung cũng không ngoại lệ. Em gia nhập câu lạc bộ người mẫu của thành phố. Mái tóc dài của em đột nhiên cắt ngắn cũng cỡn và nhuộm màu, nghe đâu em làm mẫu tóc cho một thẩm mĩ viện khá nổi tiếng ở Đà Nẵng. Và cũng từ đó, em thường xuyên nghỉ học.

Điều đáng buồn là gia đình em thấy em làm một người mẫu là một niềm tự hào nên cũng ủng hộ em nghỉ học. Chỉ cần hơi mệt mỏi, hay bị thầy cô giáo la rầy, bạn bè trêu chọc, hay đơn giản là muốn đi đâu đó, em lại nhắn ba lên xin phép nhà trường cho về. Chỉ sau khoảng 10 - 15 phút, ba em gặp Ban giám hiệu xin cho em về. Có nhiều lần, ngay sau khi về, tôi lại gặp em tung tăng ngoài phố với chiếc xe ga màu trắng mà ba em vừa chở em về. Có thể hoàn cảnh đã khiến ba em không cần phải lo lắng nhiều lắm cho gia đình.

Tiếp xúc
Năm học 2006 - 2007, tôi được nhà trường phân công phụ trách giảng dạy môn Ngữ văn lớp 11/4 của Thùy Dung. Lớp được cô Nguyễn Kim Thành tiếp tục phụ trách chủ nhiệm. Cô Kim Thành là người theo khá sát học sinh, tất cả mọi tình hình đều được cô ghi chép cẩn thận trong sổ chủ nhiệm. Cô ngoài miệng thì hay la lối, nhưng thực tâm thì rất thương học sinh. Chính cô là người khiển trách, xử phạt Thùy Dung nhiều lần, nhưng cũng chính cô đã nhiều lần đứng ra bảo vệ Thùy Dung, ngay cả khi có sự cố của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, dẫu không còn công tác tại trường, cô vẫn một mực bảo vệ học trò mình.

Tuy nhiên, chủ nhiệm được nửa năm, cô Kim Thành nghỉ hộ sản. Nhà trường phân công cô Trần Thị Thùy Dương phụ trách chủ nhiệm lớp 11/4.

Cũng chính trong năm học này, tôi cũng nghe nhiều hơn những lời than phiền của các thầy cô giáo, đặc biệt là từ các cô giáo trẻ về thái độ học tập của Thùy Dung. Lúc này chiều cao của Thùy Dung tiếp tục được nâng lên, đã ra dáng vẻ của một thiếu nữ. Các giáo viên than phiền em không chịu học bài, không chịu ghi bài, trả lời thầy cô một cách cộc lốc và tiếp tục nhắn gia đình lên xin về khi không thích học. Có lẽ em không nhận thức được rằng, em là người nổi bật giữa đám đông, bị nhiều người chú ý, nên em không hề không chịu chú ý khâu giao tiếp. Hay là vì gia đình quá cưng chiều từ nhỏ nên em bất cần từ nhỏ?

Tuy vậy trong giờ học Ngữ văn của tôi, em cũng khá ngoan. Em học không khá nhưng ngồi học nghiêm túc, viết tương đối đầy đủ, đôi khi tôi phải nhắc nhở em ghi bài. Em hay ghi bài bằng mực tím, chữ viết rõ ràng, vở sạch sẽ. Em ít khi nói chuyện với những bạn xung quanh. Thỉnh thoảng vẫn cười đùa khi bị mấy bạn phía sau lưng trêu chọc. Em ít hòa đồng nhưng cũng không phải là người tách biệt ra khỏi tập thể.

Những lần tôi gọi lên kiểm tra bài cũ, em nói không được gãy gọn cho lắm, nhưng thái độ cũng nhỏ nhẹ. Chỉ có điều em cao quá nên tất cả các học sinh khác tôi đều yêu cầu đứng ngay ngắn trên bục giảng, riêng em tôi lại yêu cầu đứng dưới bục giảng để trả bài vì "em che cả mắt thầy" - tôi vốn nhỏ nhắn mà. Và cũng vì thế mà có lần tôi lấy em và tôi ra để giải thích cho chính em thủ pháp đối lập: rất đơn giản, khi em đứng cạnh tôi, chiều cao của em nổi bật hơn hẳn. Em và cả lớp đều cười vui vẻ.

"Em phải đi dép kiểu thấy thế này rồi mà thầy cứ bắt em đứng dưới hoài là sao vậy? Phân biệt đối xử thế?"

Năm học này, em nghỉ học nhiều hơn, có lẽ vì có nhiều sô diễn hơn. Các môn hầu hết bị thiếu điểm. Tôi buộc lòng phải cho em điểm thấp nhất các bài kiểm tra em vắng mặt mà không đi kiểm tra lại.

Năm này em cũng bị ra Hội đồng kỷ luật. Thực ra đơn giản thế này: thấy em như vậy các nam sinh hay trêu chọc, trong đó có T., V. (bạn cùng lớp, ngồi ngay phía sau) và Th. (một nam sinh khác lớp, gầy, đen, hơi nữ tính - thực ra Th. là do các bạn khác gán ghép đùa). Tính Thùy Dung ít nói và cũng ít thích đùa.

Khi các nam sinh này đùa quá trớn đã bị Thùy Dung... lấy guốc đánh. Thực ra, nếu em là người khác thì cũng chẳng ra Hội đồng kỷ luật. Giờ giải lao có khối nữ sinh cầm guốc rượt nam sinh chạy dài theo các hành lang. Học trò mà. Vì thế, dẫu có ý kiến này ý kiến nọ về hạnh kiểm của Thùy Dung, tôi vẫn cho rằng em là người ngoan nhưng vụng về. Nếu em có một người lớn có hiểu biết dẫn dắt, chỉ bảo, có lẽ em không phải chịu nhiều sóng gió như vậy.

Sang năm 12, cô Thùy Dương chuyển sang trường khác. Nhà trường ban đầu phân công cô Nguyễn Thị Bích là chủ nhiệm lớp 12/4 nhưng vì cô Bích đang học cao học, chồng lại đi tu nghiệp ở nước ngoài nên cô Đồng Thị Quế Giang làm chủ nhiệm, cô Bích làm phó chủ nhiệm. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, Thùy Dung bị giáo viên kỷ luật không cho vào lớp.

Sau đó gia đình lên cam kết với Ban giám hiệu, em mới được tiếp tục học. Rồi gia đình làm hồ sơ cho em đi du học. Thùy Dung nghỉ gần 2 tháng để vào Thành phố Hồ Chí Minh, có người bảo làm hồ sơ du học, có người bảo làm người mẫu. Sau đó gia đình xin rút hồ sơ để em nghỉ hẳn.

Sự cố
Tôi lu bu với công việc, nhà trọ chỉ có một mình, lại không có tivi nên tôi cũng không theo dõi và cũng chả quan tâm tới cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008. Đêm chung kết, bỗng có một giáo viên điện thoại hỏi gấp "Hòa! Có phải em học sinh cao cao học trường Quang Trung là Trần Thị Thùy Dung không?", tôi thoáng nghĩ rồi xác nhận. Giáo viên kia phấn khởi "Hắn đăng quang Hoa hậu Việt Nam kìa!". Liên tiếp mấy ngày sau, nhiều người quen gọi điện thoại nhờ tôi xác nhận hộ mỗi thông tin đó.

Thời đại công nghệ thông tin, chỉ hôm sau là cư dân trên mạng đã đưa rất nhiều thông tin, nhiều lời bình về đương kim Hoa hậu Việt Nam 2008. Và chuyện người ta quan tâm nhất vẫn là trình độ văn hóa của Thùy Dung: em chưa tốt nghiệp THPT.

Theo mấy người bạn làm báo thì tôi biết rằng, đêm chung kết, phía Ban tổ chức đã gọi điện cho Hiệu trưởng trường Quang Trung để xác định thông tin về Thùy Dung. Tôi không rõ nội dung trao đổi, nhưng vương miện thì đã được trao. Ít nhiều, Ban giám hiệu trường Quang Trung cũng đã có lỗi khi đã có sự bao biện nhất định với báo chí.

Báo chí lên tiếng khá ầm ĩ. Tôi liên quan vì có tên tôi trong học bạ lớp 12 của Thùy Dung. Có nhiều người lên tiếng gay gắt, tôi cũng không nhắc lại làm gì. Chỉ khi câu chuyện đã có quãng lùi, bình tâm lại thì chẳng có gì ghê gớm lắm. Theo tôi, quyển học bạ đó chẳng qua được làm để đi du học. Mà đi du học thì học bạ cấp 3 là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Có khối người làm học bạ giả, bị phát hiện, chưa phát hiện cũng nhiều.

Ngay sau sự cố, nhiều người trong ngành giáo dục lẫn ngoài ngành hỏi tôi "Kiếm được bao nhiêu?", tôi chỉ cười chua chát. Đâu phải chỉ mình em! Mà học bạ giả thì nghĩa lý gì. Nhiều người tai to mặt lớn, có địa vị, có học vấn hẳn hoi mà vẫn xài đồ giả: chân giả, tay giả, yêu giả, bằng đại học giả thậm chí là bằng tiến sĩ giả... Quan trọng hơn là tiền thì thật. Vậy rồi các vị đó vẫn bình yên. Chỉ tội nghiệp em nhiều người để ý quá mà em chẳng biết gì để phòng vệ. Ban tổ chức đã phạm luật. Nhưng em cũng thiếu một người có đủ năng lực để hướng dẫn.

Thay lời kết
Bây giờ em đã chấp nhận đi học lại, tôi hiểu đây là một quyết định khó khăn nhưng em đã rất dũng cảm. Qua cách trả lời báo chí về việc đi học lại, tôi thấy em đã khôn ngoan hơn rất nhiều. Cuộc đời đã dạy cho em những bài học quý giá. Cổ nhân cho rằng trên đời có hai loại người mạnh mẽ: loại thứ nhất là không bao giờ mắc lỗi, loại này tôi tin chắc không có trên trần gian; loại thứ hai là những người mắc lỗi nhưng biết nhận ra và không bao giờ mắc lại một lỗi tương tự.

Năm hết, Tết đến, đuổi con ma năm cũ đi, đón niềm vui năm mới vào. Hãy giữ cho hơi thở thật nhẹ, thật sâu để tâm hồn thảnh thơi; hãy nở một nụ cười hỷ xả, bỏ hết muộn phiền, tràn đầy hạnh phúc. Đừng nắm chặt. Hãy mở rộng bàn tay để cảm nhận sự sống quanh ta. "Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai" (Mãn Giáo).
(Nhật ký ngày 14/01/2009 của thầy Nguyễn Đình Hòa)

Lại một bài viết gây xôn xao dư luận. Gia đình Thùy Dung lên tiếng dọa kiện thầy Hòa. Tên tuổi thầy Hòa cũng đã xuất hiện khắp các trang báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến