Ba kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây, mỗi năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có một số cải tiến về các khâu tổ chức thi, chấm thi, giám sát, thanh tra...Tuy nhiên mùa thi năm nay e rằng bệnh thành tích lại tái phát.
Những nỗ lực cải tiến của Bộ và toàn ngành giáo dục đã thu được kết quả bước đầu khả quan, tạo cho kỳ thi có nề nếp, nghiêm túc; những biểu hiện lộn xộn, tiêu cực lớn, phổ biến trước đây đã được chấn chỉnh. Tuy nhiên, công tác tổ chức thi tốt nghiệp năm 2010 có một số điểm mới mà chính những điều đó có thể dẫn tới nguy cơ quay trở lại kiểu thi tốt nghiệp THPT đầy rẫy tiêu cực, bất ổn như những năm trước 2006.
Là một người trong cuộc, đã có hàng chục năm làm công tác thi, thanh thi, chấm thi tốt nghiệp THPT, tôi xin nêu rõ những hạn chế, bất cập trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp hiện nay và mạnh dạn đề xuất một số giải pháp xử lý, khắc phục.
1- Năm nay, Bộ Giáo dục tiếp tục triển khai cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo cụm trường, giống như năm ngoái. Một số trường ở nơi xa xôi, đi lại khó khăn thì được tổ chức thi riêng, với sự đồng ý của Bộ. Thực tế mỗi tỉnh thành chí ít cũng có đến mười mấy cụm thi, vài chục hội đồng thi. Tuy là tập trung về thành phố, thị xã, thị trấn nơi có điều kiện tốt hơn để tổ chức thi nhưng thực ra vẫn còn phân tán, nhỏ lẻ .Do vậy, các cụm thi, hội đồng thi khó kiểm soát kịp thời và khó đạt được sự nghiêm túc, đồng bộ. Phải tiến tới, mỗi tỉnh chỉ có từ 1 đến 3 Cụm thi, với 5, 7 hội đồng thi, tất cả đều tập trung, dồn hết về trung tâm tỉnh lị. Tất nhiên, di chuyển xa là có khó khăn cho việc đi lại, ăn ở của nhiều thí sinh. Nhưng muốn có được sự chính xác, công bằng, nghiêm túc, đồng bộ của kết quả kì thi Tốt nghiệp THPT thì không thể làm khác.
2- Lực lượng thanh tra uỷ quyền của Bộ GD & ĐT năm nay về số lượng giảm đáng kể so với năm ngoái, từ 9000 người xuống còn 600 người. Cách thức hoạt động của thanh tra Bộ cũng khác, không còn cắm chốt ở các hội đồng thi, công việc này trao cho thanh tra của các Sở giáo dục, thanh tra Bộ chỉ đi lưu động, giám sát, thanh tra đột xuất mà thôi. Giải thích về thay đổi này, ông Lê Quang Hưởng, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT trải qua 3 năm thực hiện cuộc vận động hai không và đạt nhiều chuyển biến tích cực, mọi việc đi vào nề nếp. Hơn nữa, những năm qua trong một hội đồng thi cùng một lúc có hai lực lượng thanh tra và đó là điều không cần thiết.Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, tinh giản lực lượng thanh tra ủy quyền là nới lỏng vai trò giám sát của Bộ đối với kỳ thi. Ông Hưởng nói: “Kỳ thi nghiêm túc hay không là phải từ giám thị, thí sinh, cán bộ lãnh đạo hội đồng. Không nên coi thanh tra là người quyết định việc nghiêm túc của kỳ thi”.
Theo tôi, việc giảm số lượng thanh tra của Bộ trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, đáng lo hơn là đáng mừng. Vì thực tế cho thấy, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp năm 2007, năm đầu tiên thực hiện chủ trương hai không, là nề nếp, nghiêm túc, lúc đó thanh tra Bộ có uy, giám thị, thí sinh còn nể, còn sợ. Còn hai năm nay, nhất là năm vừa rồi, mặc dù lực lượng thanh tra được tăng cường nhiều hơn nhưng "liều thuốc" thanh tra ở nhiều hội đồng đã bị " nhờn", thậm chí có nơi bị tê liệt. Những biểu hiện tiêu cực của thí sinh và giám thị trong thi cử, ở nhiều địa phương, hội đồng thi không phải ít, có điều họ tìm cách dấu đi... khi báo cáo lên trên, nói với báo chí thôi. Nay, giao cho thanh tra của các Sở giáo dục cắm chốt, chịu trách nhiệm chính, chẳng khác nào com chấm com, vì thanh tra Sở đều là người nhà ta cả. Mấy ai lại đi bắt, xử lý quân mình? Bắt và xử lý nghĩa là làm xấu mặt lãnh đạo, ngành giáo dục địa phương, còn gì nữa. Trước đây, có hai lực lượng thanh tra Bộ và thanh tra Sở cùng cắm chốt, vừa phối hợp vừa dè chừng, giữ thế lẫn nhau, không bên nào dám chủ quan... Còn nay, thanh tra Bộ, chỉ đi thanh tra đột xuất, giống như những năm trước đây thì có ăn thua gì. Mỗi hội đồng thi, giỏi lắm đến “cưỡi ngựa xem hoa” được vài ba vòng, chừng 10 đến 20 phút là cùng. Đi rồi, mọi việc đâu vào đó. Đồng ý rằng, kỳ thi nghiêm túc hay không còn phụ thuộc nhiều vào giám thị, lãnh đạo hội đồng thi. Nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm giám thị, lãnh đạo hội đồng thi thực sự có ý thức, trách nhiệm, làm việc đồng bộ, công tâm, không “gà” này, “vịt” kia, không có biểu hiện chạy theo bệnh thành tích....?
Tôi dám khẳng định rằng, không còn thanh tra Bộ cắm chốt nữa, hội đồng thi - chỉ đều là "người nhà" hết - thì nguy cơ biến kỳ thi tốt nghiệp THPT có những chuyển biến tích cực 3 năm nay, sẽ trở về thời kỳ bát nháo, tệ hại như trước đây là rất cao. Vì cái lề lối xấu... đã ăn sâu, bám chặt vào từng thầy cô giáo, ngành giáo dục từ lâu rồi, nay từ bỏ nó, đoạn tuyệt nó không dễ, cần có biện pháp, lực lượng để chế ngự, điều chỉnh dần dần. Thời điểm hiện nay chưa đủ chín muồi để bỏ thanh tra Bộ cắm chốt tại các Hội đồng thi. Hô hào, kêu gọi về ý thức này nọ đối với giám thị, lãnh đạo hội đồng thi của địa phương xem ra còn xa vời lắm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT không có thanh tra Bộ cắm chốt , cũng chẳng khác nào như tham gia giao thông ở ta không có cảnh sát giao thông, thì ý thức tham gia giao thông của nhiều người sẽ như thế nào, chúng ta biết cả.
3- Cái đáng sợ, đáng lo nữa là thái độ, tinh thần trách nhiệm của các lực lượng tại địa phương, gồm lãnh đạo sở, các trường và giáo viên... tham gia trong kì thi. Lực lượng này rất hùng hậu, có nghiêm túc và công bằng hay không ..đều do lực lượng này mà ra cả. Bao nhiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT đã qua, chúng tôi không hiểu vìo sao Bộ Giáo dục lại quá tin tưởng và giao toàn bộ khâu tổ chức kì thi cho Sở giáo dục, các lãnh đạo ( hiệu trưởng, hiệu phó), các thầy cô giáo các trường trong nội bộ của các địa phương? Vì, trong thực tế, họ vẫn còn nặng tư tưởng o bế “con em mình”, “địa phương mình”, rồi “căn bệnh” sính thành tích vẫn còn âm ỉ nay lại có cơ hội bùng phát: “mình làm nghiêm túc thì thiệt cho học sinh mình, còn ở hội đồng thi khác chắc gì họ đã làm nghiêm túc như mình”. Hai, ba năm qua, kì thi tốt nghiệp chưa phản ánh đúng thực chất... là do tâm lí, tư tưởng, suy nghĩ trên chi phối. Vì vậy, không nên để lãnh đạo hội đồng thi và tất cả giám thị trong tỉnh coi học sinh trong tỉnh, trong địa phương mình (do lâu nay có rất nhiều tiêu cực đã xảy ra, nào quen biết, nào gửi gắm, nào bà con, em cháu của mình, nào chúng ta cùng giúp lẫn nhau...). Cho nên, chỉ có cách chuyển đổi, hoán đổi toàn bộ lãnh đạo hội đồng và giám thị tỉnh này sang tỉnh khác, có vậy mới đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc, hạn chế đến mức thấp nhất những "quan hệ" ...của những thầy cô trong cùng địa phương đã quá " quen mặt". Tuy có tốn kém khi di chuyển đi xa, nhưng để cho kì thi đạt được mục đích đề ra thì dù có tốn kém về tài chính đến đâu, chúng ta vẫn phải làm.
4- Chấm các môn trắc nghiệm khách quan bằng máy quét nên tiếp tục giao cho sở tại từng tỉnh làm. Nhưng qui trình chấm và khâu giám sát, thanh tra cần được tăng cường hơn, để ngăn chặn những tiêu cực có thể nảy sinh, đừng nghĩ rằng mọi cái đã giao cho máy làm là an toàn, đảm bảo. Chấm chéo các môn tự luận như năm vừa rồi, nhìn chung là tốt, việc đánh giá, cho điểm của giám khảo là khách quan, chính xác. Kết quả chấm thanh tra lại của Bộ cho thấy điều đó. Yếu tố châm chước, nhẹ nhàng cho học sinh tỉnh mình như nhiều năm trước đó không còn nữa. Nhưng tính đồng bộ trong đánh giá chưa cao, vì các hội đồng chấm bị chia nhỏ ra từng tỉnh, tỉnh này chấm tỉnh khác. Để khắc phục hạn chế này, theo tôi, Bộ nên gom về một số cụm chấm, có thể tập trung về 10 cụm chấm chẳng hạn. Tất nhiên, việc ăn ở, đi lại của giám khảo sẽ vất vả và tốn kém hơn. Khâu thảo luận ở các tổ chấm rất quan trọng, các tổ trưởng chấm ở mỗi bộ môn phải có tiếng nói thống nhất trong cách hướng dẫn chấm cho tất cả giám khảo môn đó. Mỗi anh một kiểu, anh thì bám chặt theo đáp án chấm, anh thì chấm thoáng, cho điểm dễ dàng, là không đồng bộ, đều tay. Hướng dẫn chấm hay chấm chung 10 bài, cũng chỉ là những cái chung nhất thôi. Còn thực tế, bài làm của thí sinh thì rất đa dạng, không bài nào giống bài nào. Nếu chọn phải những giám khảo không có kinh nghiệm, chuyên môn hạn chế thì làm sao chấm cho đúng, cho chuẩn được. Cho nên khâu chọn giám khảo chấm cũng hết sức quan trọng. Các sở phải chọn được những thầy cô có chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm, đã và đang dạy lớp cuối cấp.
(Thanh Bình, bạn đọc của Dân Trí)
Theo ý kiến của PGS Văn Như Cương, năm nay tỉ lệ tốt nghiệp sẽ rất cao bởi "tôi đồ rằng thế nào Bộ GD-ĐT cũng phải chỉ đạo ra đề thi như thế nào để tránh gây sốc và để có một kết quả tương đối đẹp khi hoàn thành cuộc vận động “hai không”". Hơn thế, với tình trạng coi thi có phần lỏng lẽo như phản ánh của một số em ở phần commnets của các bài Đáp án đề thi tốt nghiệp năm 2010 thì năm nay sẽ là năm trở về số mo (trở lại tình trạng như trước khi phát động chống bệnh thành tích trong thi cử).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét