Thứ Ba, 28 tháng 4, 2009

Năm 2010: chỉ cần 3 điểm/môn là đỗ tốt nghiệp THPT

Số điểm đủ để thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT sẽ không là 30 điểm như hiện nay mà chỉ là 18 điểm và không có môn nào bị điểm 0, theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

Ngày 27/4, tại TPHCM, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia với lãnh đạo ngành GD&ĐT của một số tỉnh thành phía Nam. Dự kiến, những nội dung của bản quy chế này sẽ được áp dụng trong kỳ thi hai trong một năm 2010.

Dự kiến, kỳ thi quốc gia hai trong một sẽ được tổ chức vào tuần thứ hai của tháng Sáu hàng năm. Quy chế xét tuyển vào ĐH, CĐ, TCCN sẽ được áp dụng theo một quy chế khác, nhưng dự thảo cũng có đề cập và theo đó, có thể các trường sẽ tuyển sinh theo môn thi chứ không theo khối thi (A, B, C, D) như hiện nay nữa.

Những thí sinh ở trong và ngoài nước, đã học xong lớp 12 THPT hoặc tương đương, sẽ dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, hoặc để vừa được công nhận tốt nghiệp THPT vừa được xét vào ĐH, CĐ, TCCN. Những thí sinh (TS) có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, đang học ĐH, CĐ, TCCN cũng có thể tham dự kỳ thi để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hoặc trung cấp khác.

Theo TS. Nguyễn An Ninh – Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Bộ GD&ĐT, hình thức đề thi vẫn sẽ được giữ ổn định như năm 2007. Có bốn môn thi trắc nghiệm là vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Các môn khác sẽ thi theo hình thức tự luận. Cơ cấu chấm điểm sẽ là 60 phần trăm số điểm tương ứng với nội dung cơ bản trong SGK, giúp các thí sinh có học lực trung bình có thể làm được và 40 phần trăm số điểm có nội dung nằm trong chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, nhằm phân loại thí sinh vào các trường ĐH, CĐ, TCCN.

Số điểm đủ để thí sinh đỗ tốt nghiệp sẽ không là 30 điểm như hiện nay mà chỉ là 18 điểm và không có môn nào bị điểm 0. Sẽ có ba loại: trung bình (từ 18- 32 điểm), khá (lớn hơn 32- 46 điểm), giỏi (trên 46 điểm). Thí sinh sẽ dự thi sáu môn, trong đó có ba môn bắt buộc là văn, toán, ngoại ngữ; hai môn do TS tự chọn và môn còn lại do Bộ GD&ĐT quy định hằng năm. Tuy nhiên dự thảo của Bộ cũng để ngỏ: “Có thể từ năm 2010 hoặc 2011, thí sinh sẽ tự quyết cả ba môn không bắt buộc”.

Riêng những thí sinh theo học hệ giáo dục thường xuyên (GDTX), trong cơ cấu đề thi, phần để công nhận tốt nghiệp sẽ ra với nội dung nằm trong chương trình GDTX; phần đề phân loại xét tuyển ĐH, CĐ, trung cấp sẽ không phân biệt với giáo dục THPT.

Cũng theo dự thảo, thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT hoặc GDTX. Riêng những thí sinh dự thi nhưng không được công nhận tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ từng môn và được bảo lưu những môn có điểm từ 5 trở lên trong vòng ba năm. Trong thời gian đó, thí sinh có thể thi những môn còn lại để được công nhận tốt nghiệp.

Tuy vậy, tại hội thảo, việc Bộ GD&ĐT đề nghị xét điểm tốt nghiệp là 18 điểm cũng có nhiều điểm chưa hợp lý. Một số đại biểu cho rằng cần có điểm khống chế cho hai đối tượng tốt nghiệp khá và giỏi (dự thảo hiện chỉ yêu cầu không bị điểm 0) để tránh tình trạng học lệch ở học sinh.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét lại cách tính điểm khuyến khích, bởi nếu như 18 điểm được công nhận đạt tốt nghiệp mà điểm khuyến khích vẫn giữ như hiện nay (tối đa được cộng 4 điểm, gồm 2 điểm học nghề và 2 điểm HS giỏi) là quá lớn.


(Theo Tiền Phong)

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2009

Từ lý thuyết trò chơi đến giải quyết khủng hoảng

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ngày càng có chiều hướng xấu hơn, cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra, tờ báo Newsweek đã mời một số nhà kinh tế đoạt giải Nobel đưa ra đề xuất giải quyết khủng hoảng từ lý thuyết trò chơi để tư vấn cho Tổng thống sắp đắc cử. Ngài Clive W.J. Granger, Nobel Kinh tế năm 2003, hiện đang là giáo sư trường Đại học Califonia, San Diego đã đưa ra nhận định: “Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế đều được giải quyết thông qua sự thay đổi quan điểm và thái độ của những chủ thể chính như nhà đầu tư, nhà đầu cơ”.
Sự thay đổi quan trọng thường nhạy cảm và đi kèm với một ý tưởng mới nhưng nó sẽ được chấp nhận bởi một cuộc chơi mới được ra đời.



Thay đổi cuộc chơi
Lý thuyết trò chơi là một nhánh của Toán học ứng dụng, nghiên cứu các tình huống chiến thuật trong đó các đối thủ lựa chọn các hành động khác nhau để cố gắng làm tối đa kết quả nhận được.
Trong lý thuyết trò chơi có năm yếu tố cơ sở: người chơi ( Players); giá trị gia tăng (Added values ); quy tắc (Rules); chiến thuật (Tacties); phạm vi (Scope), 5 yếu tố đó hợp thành PARTS như là các thành phần của cuộc chơi.
Kinh doanh không giống các trò chơi khác ở chỗ nó cho phép có nhiều hơn một người thắng cuộc. Tuy nhiên kinh doanh còn khác ở một điểm hết sức cơ bản nữa, đó là: Trò chơi kinh doanh không bao giờ đứng yên. Các yếu tố trong trò chơi đều liên tục thay đổi và không bao giờ có gì là cố định ở đây cả. Tất cả mọi người đều có thể tự do thay đổi trò chơi kinh doanh sao cho có lợi nhất cho mình và dĩ nhiên họ luôn tìm cách làm điều đó.
Vì sao phải thay đổi trò chơi? Mặc dù, có thể chơi rất xuất sắc nhưng bạn có thể vẫn ở trong tình trạng xấu. Bạn phải thay đổi nó. Thậm trí một trò chơi đã hay đối với bạn vẫn có thể còn hay hơn nữa. Thành công sẽ đến từ sự tích cực định hình trò chơi bạn đang chơi, từ việc tạo ra trò chơi bạn muốn, chứ không phải chơi trò chơi bạn tìm được.
Cần phải thay đổi trò chơi thế nào ? Để thay đổi trò chơi, bạn chỉ cần thay đổi 5 yếu tố cơ bản – thay đổi PARTS. Mỗi yếu tố cấu thành đều là một công cụ đắc lực để chuyển trò chơi này sang trò chơi khác. Chính việc làm thay đổi trò chơi là lợi thế khiến lý thuyết trò chơi tìm thấy những cơ hội lớn nhất cho mình.

Người chơi (Players)
Khoảng hơn 10 năm trước, các ngân hàng đầu tư đã phát triển rất nhanh khi họ tạo ra cuộc chơi có tên “chứng khoán hoá”, mà sau này là một trong những tác nhân chính gây khủng hoảng tài chính-tín dụng Mỹ và thế giới 2007-2008. Phần lớn các nhà kinh tế đoạt giải Nobel đều đề xuất tái cấu trúc lại lĩnh vực tài chính theo hướng thay đổi cơ cấu chủ sở hữu và kiểm soát chặt chẽ hơn. Hai ngân hàng đầu tư lớn nhất Mỹ còn sót lại sau hàng loạt vụ mua bán sáp nhập do khủng hoảng là Goldman Sachs và Morgan Stanley đã nộp đơn xin chuyển đổi mô hình. Có lẽ những người chơi mới sẽ nhập cuộc. Theo quan điểm của Eric Maskin, người được giải Nobel năm 2007, ông mong muốn Tổng thống mới của Mỹ phân biệt rõ thị trường nào cần sự can thiệp của Chính phủ và thị trường nào không cần. “Rất nhiều thị trường hoạt động hiệu quả mà không cần hoạt cần ít sự can thiệp từ bên ngoài nhưng những thị trường khác, đặc biệt những thị trường có nhiều yếu tố ngoại vi, sự can thiệp của Chính phủ là cần thiết”, ông viết.

Giá trị gia tăng (Added-value)
Một trong ba đề xuất ngắn gọn của Paul Krugman, giáo sư kinh tế học trường Đại học Princeton, người mới được bầu chọn cho giải Nobel Kinh tế 2008, là cải cách hệ thống y tế nhằm hỗ trợ nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng. Đi xa hơn một chút, Joseph E. Stiglitz, giáo sư trường Đại học Columbia, người được giải Nobel năm 2001 khuyến cáo: “Tuy nhiên, để phục hồi chúng ta phải cần hành động nhiều hơn”. Theo ông, Chính phủ nên đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ mới giúp người dân bớt lệ thuộc vào năng lượng truyền thống. Chính phủ cũng nên cắt giảm chi tiêu quân sự và cải cách hệ thống y tế, một trong hai nguồn lực bị lãng phí nhất của kinh tế Mỹ hiện nay.

Quy tắc chơi (Rules)
Hầu hết các nhà kinh tế đều kiến nghị Tổng thống sắp đắc cử và Chính phủ nên nhanh chóng thay đổi, ban hành nhiều quy định mới liên quan đến lĩnh vực tài chính. Paul Krugman, cho rằng chính phủ phải nhanh chóng ban hành các quy định mới, trong đó có các tổ chức tài chính cần cứu trợ cũng phải được quản lý, giám sát như các ngân hàng. Còn Joseph E. Stiglitz, cho rằng nước Mỹ cần có một khung pháp lý mới, khung pháp lý không chỉ ngăn ngừa rủi ro từ các khoản cho vay xấu mà còn ngăn ngừa rủi ro từ các Tổng thống không hiểu vai trò của hệ thống pháp lý đối với một nền kinh tế hiện đại.
Đối với Edward C.Prescott, cựu cố vấn tiền tệ cao cấp của Cục dự trữ liên bang tại Minneapolis, người được giải Nobel năm 2004, ứng cử viên Tổng thống của đảng nào sắp đắc cử nhiệm kỳ tới đều không quan trọng, vấn đề là ông ta phải làm một điều gì đó trong bối cảnh hiện tại. Nhưng ông cũng cảnh báo Tổng thống mới với những thay đổi đáng kể, cuộc chơi có thể có những kết quả xấu, không phải là tối ưu. Vì vậy, gợi ý thay đổi quy tắc chơi có thể tạo ra tác động và tình huống mới cần phải được xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Chiến thuật (Tactics)
Mặc dù, các khoản cứu trợ đảm bảo thanh khoản của hệ thống tài chính đã được Mỹ và các nước trên thế giới lần lượt triển khai nhưng việc khai thông dòng chảy tín dụng, kích cầu giống như kế hoạch giải cứu thị trường của Chính phủ Anh gần đây cũng được các nhà kinh tế đề cập, đánh giá cao trong bản đề xuất. Giảm thuế cho người nghèo hay tăng thuế đối với những người có thu nhập cao hiện có thể là những yếu tố quan trọng trong các cuộc bầu cử và là nhân tố kinh tế quyết định ở những nước phát triển nhưng lúc này người dân cần niềm tin hơn bất cứ lúc nào khác.
Việc khôi phục niềm tin vào Chính phủ, vào thị trường cũng đặc biệt được các nhà kinh tế quan tâm. Theo Edmund Phelps, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2006 với công trình sự đánh đổi của các chủ thể kinh tế, quy chế lương thưởng cho tổng giám đốc phải được luật pháp quy định chặt chẽ và cổ đông phải có tiếng nói nhất định của mình. Có lẽ trường hợp của Richard Fuld, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Lehman Brothers cùng ban lãnh đạo cao cấp, sự liên đới của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm chưa kể những ảnh hưởng tiêu cực của kế hoạch cứu trợ trọn gói trị giá 700 tỷ USD đã gây xáo trộn xã hội, xói mòn niềm tin của đại bộ phận dân chúng Mỹ.

Phạm vi (Scope)
Sáng ngày 2/10, kế hoạch cứu trợ trọn gói 700 tỷ USD của bộ tài chính Mỹ được Thượng viện Mỹ thông qua. Ngày 4/10, tại dinh Tổng thống Pháp ở Paris, lãnh đạo bốn nền kinh tế lớn ở châu Âu đã nhóm họp bàn kế hoạch chống khủng hoảng. Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm 7 cường quốc công nghiệp (G-7) hôm 10/10đã nhất trí đưa ra một bản kế hoạch 5 điểm về việc cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính đang ngày càng lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn. Ngày 13/10 Chính phủ các nước châu Âu đồng loạt công bố kế hoạch cứu nguy hệ thống tài chính với tổng số tiền trên 1000 tỷ USD. Bộ trưởng tài chính của các nước G-7, G-20 (nhóm các nước đang phát triển) cùng các chuyên gia thượng thặng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã nhóm họp tại Washington tìm cách đối phó khủng hoảng trên phương diện toàn cầu. Giờ đây, phạm vi của cuộc chơi không còn mang tính cục bộ địa lý.
A. Michael Spence, giáo sư danh dự trường kinh doanh thuộc Đại học Stanford, giải Nobel Kinh tế năm 2001 kiến nghị Tổng thống cân nhắc một chính sách mới, phối hợp với chính sách của những nền kinh tế khác nhằm đảm bảo sự dịch chuyển dòng vốn một cách an toàn nhất.
Hiện nay, theo điều tra nghiên cứu có trên 89% dân số Mỹ cho rằng nền kinh tế nước nhà cần có sự dịch chuyển cơ bản. Liệu John McCain hay Barack Obama, bằng những kế hoạch đầy tham vọng của mình sẽ tìm được điểm dịch chuyển mới?

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2009

Kiểm Tra Chỉ Số Thông Minh, Test IQ, Kiểm tra IQ, Trắc Nghiệm IQ

Tags: Kiểm Tra Chỉ Số Thông Minh, Test iq, Kiểm tra iq miễn phí, Trắc nghiệm iq, Kiểm tra chỉ số iq, Test iq online, Game kiem tra iq, Download phan mem kiem tra iq.
test iq, kiem tra chi so thong minh
Bạn phải trả lời 39 câu hỏi trong vòng 40 phút. Các câu hỏi bằng hình ảnh nên không cần rành tiếng Anh, bạn vẫn có thể dễ dàng hiểu được.

Hãy chọn ngôn ngữ là English và bấm Start để bắt đầu.

Trả lời xong click vào Menu, chọn Send để xem kết quả.

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2009

Diễn đàn Toán học đã chính thức trở lại

Hôm 19/03, trang chủ của Diễn đàn toán học đã trở lại với một diện mạo mới và tên miền mới (vnmath.org). Tuy nhiên, forum để các thành viên thảo luận vẫn chưa đi vào hoạt động.
Hôm qua, được một bạn ghé thăm MathVn.Com và thông báo rằng Forum của Diễn đàn Toán học đã chính thức trở lại, tôi liền viết bài này để thông báo cho mọi người biết. Sau gần nửa năm thì Diễn đàn Toán học đã đánh mất vị trí số 1 của mình. Lượng truy cập hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Hy vọng trong nay mai, Diễn đàn sẽ sôi nổi trở lại.
Trang chủ của DDTH hoạt động ở địa chỉ : http://diendantoanhoc.net/home/index.php
Diễn đàn chính thức trở lại với địa chỉ: http://diendantoanhoc.net/forum/index.php
Chúc mừng!!!

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Chỉ số thông minh (IQ) của người Việt Nam

Trong danh sách 192 quốc gia, Hồng Kông là nước có chỉ số thông minh cao nhất . Chỉ số thông minh trung bình của họ là 107 (vào năm 2002) và 108 (vào năm 2006). Theo danh sách này, người việt Nam có chỉ số thông minh IQ cao thứ 48 trên thế giới (nếu các nước có cùng chỉ số IQ thì xếp theo Alphabe), đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á sau Singapore và vượt qua Thái Lan. Chỉ số thông minh bình quân của người Việt là 94 vào năm 2006. Trong top 10, thì đã có đến 7 quốc gia thuộc Châu Á.
Photobucket
Photobucket
Trong đó: *: ước tính, N/A: không có dữ liệu.

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Những thần đồng nổi tiếng thế giới (phần 2)

Michael Kearny biết bập bẹ nói những từ đầu tiên khi mới 4 tháng tuổi. Bước sang tháng thứ 6, cậu bé đã nói với bác sỹ nhi rằng: “Cháu bị viêm tai trái”. Rồi sau đó cậu bắt đầu học đọc khi mới 10 tháng tuổi.
>> Những thần đồng nổi tiếng thế giới (Phần 1)

Michael Kevin Kearney: Có bằng đại học năm 10 tuổi


Michael Kearney, 24 tuổi, nổi tiếng thế giới với tư cách là người có bằng đại học trẻ nhất thế giới, năm 10 tuổi. Năm 2006, Kearney đã bỏ túi 1 triệu USD trong trò chơi trên truyền hình: Ai muốn trở thành triệu phú?

Kearny sinh năm 1984, nổi tiếng nhờ nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới, và trở thành giảng viên đại học năm 17 tuổi.

Kearny biết bập bẹ nói những từ đầu tiên khi mới 4 tháng tuổi. Bước sang tháng thứ 6, cậu bé đã nói với bác sỹ nhi rằng: “Cháu bị viêm tai trái”. Rồi sau đó cậu bé bắt đầu học đọc khi mới 10 tháng tuổi.

Năm lên 10 tuổi, Michael tham gia vào các cuộc kiểm tra cho chương trình dành cho trẻ có khả năng toán học sớm của Johns Hopkins. Cậu đã đạt được điểm tuyệt đối. Cậu tốt nghiệp trung học năm lên 6 và vào trường Santa Rosa Junior College, tốt nghiệp năm lên 10, với bằng về Khoa học địa lý. Sách kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận Michael Kearney là người tốt nghiệp đại học trẻ nhất thế giới, năm 10 tuổi, nhận được bằng cử nhân về nhân chủng học. Trong suốt một thời gian dài, Michael Kearney còn nắm giữ danh hiệu là người có bằng cao học trẻ nhất thế giới.

Nhưng năm 2006, cậu mới thực sự nổi tiếng trên khắp thế giới sau khi đi đến những câu cuối cùng của trò chơi trên truyền hình Ai muốn trở thành triệu phú?, và trở thành triệu phú đầu tiên của chương trình này.

Saul Aaron Kripke: Triết gia vĩ đại

Là con trai của một giáo sỹ Do Thái, Saul Aaron Kripke sinh ra tại New York vào năm 1940 và lớn lên ở Omaha. Saul Aaron Kripke là một thiên tài thực sự xét về mọi phương diện. Mới học lớp 4 nhưng Kripke đã khám phá môn đại số và đến cuối năm học phổ thông, cậu trở thành thần đồng hình học, toán học và còn lĩnh hội cả triết học.

Khi vẫn còn là một cậu thiếu niên, Kripke viết hàng loạt bài viết đã làm thay đổi hẳn ngành nghiên cứu lô-gic hình thức. Một trong những bài viết đó đã khiến khoa toán của trường đại học Harvard mời cậu nộp đơn dạy ở trường. Nhưng cuối cùng cậu đã viết thư từ chối và giải thích: “Mẹ cháu nói rằng cháu nên học xong trung học và vào đại học trước đã”. Sau khi tốt nghiệp trung học, trường đại học mà cậu chọn cuối cùng lại là Harvard.

Kripke được trao giải Schock, giải thưởng tương đương với giải Nobel trong ngành triết học. Hiện nay, Kripke được coi là triết gia còn sống vĩ đại nhất thế giới.

Fabiano Luigi Caruana: Thần đồng cờ vua

Fabulous Fabiano năm nay 16 tuổi, là thần đồng cờ vua, đã giành được giải Grandmaster (giải cờ vua danh giá nhất thế giới). Fabulous Fabiano mang hai quốc tịch Italia và Mỹ.

Năm 2007, Caruana trở thành Grandmaster. Khi đó cậu mới 14 tuổi, 11 tháng và 20 ngày, là Grandmaster trẻ nhất trong lịch sử cả Mỹ và Italia. Mới đây, 4/2009, trong danh sách của Liên đoàn cờ vua quốc tế (FIDE), Caruana được xếp hạng Elo 2649, khiến cậu trở thành cầu thủ cờ vua dưới 18 tuổi được xếp hạng cao nhất thế giới.

Willie Mosconi:Thần đồng bi-a

William Joseph Mosconi, có biệt danh là “Ngài bi-a pool” và là cầu thủ chơi bi-a pool chuyên nghiệp tại Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ. Cha của Willie có một phòng chơi bi-a nhưng cậu không được phép chơi ở đó. Thay vào đấy, Willie tập chơi bằng các củ khoai tây trong bếp của mẹ và bằng một cái cán chổi cũ. Không lâu sau, cha cậu nhận ra tài năng của con trai và ông bắt đầu tổ chức các trận đấu đầy gay cấn cho con. Khi đó, Willie phải đứng trên một chiếc hộp để có thể với được tới bàn bi-a. Cậu đã đánh bại nhiều đối thủ kinh nghiệm hơn mình nhiều tuổi.

Năm 1919, một trận đấu trình diễn đã được sắp xếp giữa cậu bé Willie 6 tuổi và đương kim vô địch bi-a thế giới Ralph Greenleaf. Cả khán phòng chật ních người đến xem. Và mặc dù Ralph Greenleaf giành chiến thắng, nhưng Willie đã chơi rất tốt, đưa cậu đến với bi-a chuyên nghiệp. Năm 1924, ở tuổi 11, Willie là nhà vô địch bi-a thế giới ở hạng mục dành cho thanh thiếu nhiên.

Giữa những năm 1941-1957, Willie Mosconi giành giải vô địch thế giới bi-a pool BCA World Championship 15 lần. Mosconi là người tiên phong và tạo ra nhiều “ngón” đi mới, lập nhiều kỷ lục và giúp phổ biến môn thể thao bi-a.

Elaina Smith: Chuyên gia trả lời thư trẻ nhất thế giới, 7 tuổi

Đài phát thanh địa phương đã chấp nhận Elaina Smith vào làm việc sau khi cô bé hát và đưa ra lời khuyên cho một phụ nữ vừa bị “đá” gọi đến. Lời khuyên của Elaina là hãy đi chơi bowling và uống một cốc sữa thật to. Lời khuyên đã có hiệu quả đến nỗi hiện cô bé đã có hàng ngàn thính giả. Chuyên gia nhí Elaina tư vấn đủ mọi vấn đề, từ làm thế nào để “đá” bạn trai đến đối mặt với một mối quan hệ đổ vỡ, hay đối phó như thế nào với những ông anh trai luôn “bốc mùi”.

Khi một thính giả viết cho Elaina hỏi làm thế nào để có một người đàn ông, cô bé đã trả lời: “Hãy lắc mông trên sàn nhảy và nghe High School Musical”. Một người khác gọi đến hỏi làm thế nào để một chàng trai quay trở lại, Elaina đã nói: “Anh ta không đáng phải đau khổ. Cuộc sống quá ngắn ngủi, không đủ thời gian để buồn khổ vì một chàng trai”.

(Dân Trí)

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Những thần đồng nổi tiếng thế giới (phần 1)

Họ là những người vào đại học năm 4 tuổi rồi có bằng tiến sỹ năm 15 tuổi, được đề cử giải Nobel hòa bình ở tuổi 12, trở thành bác sỹ phẫu thuật khi lên 7, hay là ca sỹ được trả cát-xê cao ngất ngưởng lúc mới 3 tuổi…

Kim Ung-Yong: Vào đại học năm 4 tuổi, có bằng tiến sỹ năm 15 tuổi, có chỉ số IQ cao nhất thế giới

'10

Siêu thần đồng người Hàn Quốc này sinh năm 1962 và có lẽ là người thông minh nhất còn sống hiện nay. Anh được sách Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người có chỉ số thông minh IQ cao nhất hành tinh, ước tính trên 210 điểm.

Mới 4 tuổi, Kim Ung-Yong có thể đọc tiếng Nhật, Hàn, Đức và tiếng Anh. Vào sinh nhật lần thứ 5, cậu bé Kim có thể giải được trọn vẹn những bài toán phức tạp. Sau đó, trong một chương trình truyền hình của Nhật, Kim đã chứng tỏ trình độ “siêu đẳng” tiếng Trung, Tây Ban Nha, Việt Nam, Tagalog, Đức, Anh, Nhật và Hàn Quốc của mình.

Kim được mời trở thành sinh viên khoa vật lý trường Đại học Hanyang từ năm 4 tuổi đến năm 6 tuổi. Lên 7, Cơ quan hàng không vũ trụ NASA đã mời Kim tới Mỹ. Anh không những hoàn thành bậc đại học mà còn có bằng tiến sỹ về vật lý tại Đại học bang Colorado (Mỹ) trước khi tròn 15 tuổi.

Năm 1974, trong khi vẫn đang học đại học, Kim bắt tay vào làm nghiên cứu tại NASA và tiếp tục công việc cho đến khi anh trở về Hàn Quốc vào năm 1978. Về Hàn Quốc, anh đã quyết định chuyển từ ngành vật lý sang khoa công trình xây dựng dân dụng. Với ngành nghề mới này, anh cũng mang về bằng tiến sỹ. Kim được mời học ở một trong những trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên, anh đã chọn học tại một trường đại học địa phương và năm 2007, anh trở thành tài năng sáng giá của trường Đại học Quốc gia Chungbuk.

Gregory Smith: Được đề cử giải Nobel Hòa bình ở tuổi 12

'10

Sinh năm 1990, Gregory Smith có thể đọc khi mới 2 tuổi và vào trường đại học năm 10 tuổi. Nhưng đây chỉ là một nửa về câu chuyện “thần đồng” của Gregory Smith. Khi không còn hào hứng với chuyện học hành, cậu bé nhỏ tuổi này đã đi chu du khắp thế giới, đóng vai trò là nhà hoạt động hòa bình và hoạt động vì quyền trẻ em.

Cậu bé tâm huyết với thế giới này đã sáng lập ra tổ chức International Youth Advocates, một tổ chức thúc đẩy những nguyên tắc về hòa bình và hiểu biết trong giới trẻ trên khắp thế giới. Cậu đã gặp cả Bill Clinton và Mikhail Gorbachev, phát biểu trước đại hội đồng LHQ. Vì tất cả những điều này và những nỗ lực tình nguyện và nhân đạo khác, Smith đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình tổng cộng 4 lần.

Akrit Jaswal: Bác sỹ phẫu thuật 7 tuổi

'10

Akrit Jaswal, cậu bé người Ấn Độ, được mệnh danh là “cậu bé thông minh nhất thế giới”. Chỉ số IQ của Akrit Jaswal là 146 và được xem như là người thông minh nhất ở độ tuổi của cậu tại Ấn Độ.

Akrit Jaswal được thế giới biết đến khi năm 2000, cậu thực hiện những bước phẫu thuật đầu tiên tại nhà mình. Khiđó, cậu mới 7 tuổi. Bệnh nhân của cậu là một cô bé mới 8 tuổi và không có tiền đến bác sỹ. Tay của cô bé bị thiêu trong lửa, khiến cho các ngón tay nắm chặt lại, không thể mở ra được. Mặc dù không được đào tạo một cách bài bản và chưa có kinh nghiệm về phẫu thuật, Akrit đã làm cho ngón tay của cô bé có thể duỗi ra và co lại bình thường được.

Cậu đã dùng sự thông minh khác thường của mình phục vụ trong ngành y tế. Và mới 5 tuổi Akrit Jaswal đã tuyên bố sắp sửa tìm ra thuốc chữa ung thu. Hiện Akrit Jaswal đang theo học ngành khoa học tại Trường Chandigarh và là sinh viên trẻ nhất được trường đại học Ấn Độ chấp nhận cho vào học.

Cleopatra Stratan: Ca sỹ 3 tuổi được trả 1.000 euro cho một bài hát

'10

Clepotra sinh ngày 6/10/2002 tại Chisinau, Moldova và là con gái của ca sỹ Pavel Stratan người Moldova-Romania. Cô bé có lẽ là người trẻ nhất thế giới thành công trong ngành công nghiệp âm nhạc với album đầu tay được trình làng vào năm 2006, La vârsta de trei ani (Ở tuổi lên ba).

Cô bé nắm giữ nhiều kỷ lục, bao gồm nghệ sỹ trẻ nhất biểu diễn trực tiếp trong suốt 2 giờ liền trước một lượng khán giả lớn, nghệ sỹ trẻ được trả cao nhất, nghệ sỹ trẻ nhất được nhận giải MTV và nghệ sỹ trẻ nhất có bài hát đứng vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của một nước (bài “Ghita” trong bảng xếp hạng bài hát đơn ở Romania).

Aelita Andre: Nghệ sỹ 2 tuổi có tác phẩm trưng bày ở phòng tranh nổi tiếng

'10

Những bức tranh theo trường phái trừu tượng của nghệ sỹ đang lên Aelita Andre đã khiến giới nghệ thuật ở Australia phải trầm trồ ngạc nhiên. Aelita mới chỉ có hai tuổi và những tác phẩm nghệ thuật của cô bé được vẽ khi cô bé còn nhỏ hơn.

Aelita có cơ hội được trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của mình khi giám đốc phòng trưng bày Brunswick Street ở Melbourne, ông Mark Jamieson, được một nhiếp ảnh gia yêu cầu xem xét đến việc trưng bày tác phẩm của người khác, ngoài tác phẩm của nhiếp ảnh gia này. Jamieson đã thích những gì ông thấy và đồng ý đưa tác phẩm của nghệ sỹ khác vào trong show triển lãm.

Rồi Jamieson bắt đầu quảng bá cho buổi trưng bày, in những thiếp mời đẹp và đăng quảng cáo trên các tạp chí Art AlmanacArt Collector, chuyên đề cập đến các tác phẩm trừu tượng. Và chỉ đến khi đó, ông mới phát hiện ra sự thật đáng ngạc nhiên về nghệ sỹ mới: Aelita Andre là con gái của Kalashnikova và mới chỉ 22 tháng tuổi. Jamieson khi đó cũng cảm thấy “tẽn tò” nhưng vẫn quyết định tiếp tục cuộc trưng bày.

(Dân Trí)

Thứ Bảy, 11 tháng 4, 2009

Người đàn bà thứ hai

Bài thơ này đã được đăng vào ngày 20.10.2008, hôm nay edit và bổ sung bài hát cùng tên trong bộ phim cùng tên đang chiếu trên VTV3.

Nguyên bản của nhà thơ Phạm Thị Vĩnh Hà :

Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con anh ấy là của mẹ
Anh ấy có thể yêu con một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời anh yêu mẹ, mẹ ơi !

Mẹ đã sinh ra anh ấy trên đời
Hình bóng mẹ lồng vào tim anh ấy
Dẫu bây giờ con đuợc yêu thế đấy
Con cũng chỉ là người đàn bà thứ hai...

Mẹ đừng buồn những chiều hôm, những ban mai
Anh ấy có thể nhớ con hơn nhớ mẹ
Nhưng con chỉ là cơn gió nhẹ
Mẹ luôn là bến bờ thương nhớ của đời anh.

Con chỉ là cơn gió mong manh
Những người đàn bà khác có thể thay thế con trong tim anh ấy
Nhưng có một tình yêu âm ỉ cháy
Anh ấy chỉ dành cho mẹ, mẹ ơi !

Anh ấy có thể sống với con suốt cuộc đời
Cũng có thể chia tay trong ngày mai, có thể
Nhưng anh ấy suốt đời yêu mẹ
Dù thế nào, con chỉ là người thứ hai...

Sau này được phổ nhạc để làm bài hát cho bộ phim cùng tên đang chiếu trên truyền hình.
Nghe bài hát ở đây

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Lê Bá Khánh Trình ngày ấy, bây giờ ...

Tôi đã tò mò, để rồi cố công mà tìm hiểu về thần đồng toán học, người được mệnh danh là "cậu bé vàng của toán học VN" những năm đầu thập kỷ 1980, người đi thi toán học quốc tế đã vừa đoạt giải nhất trong số 8 giải nhất của 40 quốc gia tham dự, đồng thời là người duy nhất đoạt giải đặc biệt cho lời giải đẹp nhất kỳ thi năm ấy, ra sao bây giờ...

Đường đến với toán học

Lê Bá Khánh Trình sinh ra ở Huế trong một gia đình có 6 anh chị em, bố là giáo viên trường Đại học Y, mẹ là giáo viên cấp 2. Trước khi vòng nguyệt quế của giải thưởng Toán quốc tế đặt lên đầu anh, Khánh Trình chỉ là một cậu bé nghịch ngợm, ham chơi, học "lệt lệt" như lời anh tự nhận, dù thời đó, "con giáo viên" cũng là một thương hiệu cho sự học hành không đến nỗi nào của anh. Cơ duyên đến với toán học của cậu bé Khánh Trình cũng tình cờ : Nghỉ hè lớp 9, trong một lần xem Báo Thiếu niên tiền phong, thấy có đăng đề bài thi toán dành cho học sinh giỏi quốc gia, Trình mày mò tự giải, rồi ham thích những con số từ lúc đó. Cũng là cơ duyên khi đúng năm đó, tỉnh Bình Trị Thiên mở lớp chuyên toán ở Huế, Trình đi thi và trúng tuyển dù kết quả mà anh đạt được không phải là cao.

Toán học chiếm bao nhiêu thời gian với Khánh Trình khi bé ? Với những người học toàn diện thì không sao, nhưng anh học thiên về toán, các môn khác chỉ học cầm chừng. Toán học hấp dẫn anh đơn giản qua sự quan sát đối chiếu những nét tương đối để làm. Anh cũng không tự lý giải được tại sao mình lại theo môn toán mà không phải là một môn học nào khác. Trước kỳ thi học sinh giỏi toán toàn quốc, Khánh Trình chỉ đoạt giải ba trên tổng số gần 200 học sinh dự thi. Nhưng sau đó có 20 học sinh cao điểm nhất để chọn lấy 4 người sẽ được bồi dưỡng để thi toán quốc tế, Khánh Trình là một trong số đó. 4 học sinh đã ở chung với nhau trong 2 - 3 tháng ở nhà khách của Bộ Giáo dục để hằng ngày được các thầy bồi dưỡng, không chịu áp lực cụ thể nào ngoại trừ việc cố gắng giải bằng hoặc hơn học sinh thi quốc tế năm trước. Kỷ niệm của Khánh Trình thời ấy là những lần tắm ở bể nước, nhà khách không có nhà vệ sinh nên mọi sự giải quyết là chạy sang bờ đê bên kia. Riêng việc ăn uống được đặt cơm ở một nơi rất sang trọng, nơi đó như là chỗ của các bộ trưởng đến ăn. Khi đó tiền ăn được Nhà nước cho nhưng gia đình cũng phải góp thêm cho các em. Những người lớn thắc mắc về nhóm trẻ con ăn ở nơi có tiêu chuẩn dành cho bộ trưởng là sự thú vị còn rất lâu trong ký ức Lê Bá Khánh Trình.

Giải đặc biệt từ bài toán sai và sự ưu ái thời gian của giám thị !

Hồi đó, nhóm học sinh đi thi Olympic toán học quốc tế ở Anh cùng các thầy đã rất liều. Đó là Phạm Văn Tiệp (hiện đang ở Mỹ), Bùi Tá Long (trước làm ở Viện Cơ rồi chuyển sang Viện Môi trường), Phạm Ngọc Anh Cương (hiện sức khỏe rất yếu, đang ở nhà) và Lê Bá Khánh Trình. 4 người đều chưa có visa vào Anh nhưng vẫn lên đường, đi vòng sang Nga, ở đó gần một tuần lễ để xin visa vào Anh từ Moscow. Các thầy do Bộ Giáo dục cử đi là những người có kinh nghiệm trong việc đưa học sinh đi thi. Giấy mời của Bộ Giáo dục Anh đã khiến cho việc xin visa từ Nga không đến nỗi khó.

Lần đầu tiên, bước chân ra nước ngoài, ấn tượng của nhóm học sinh bé nhỏ ấy chỉ là sự sững sờ, choáng váng. Ngoại ngữ của các anh khi đó chỉ đủ để giao tiếp sơ sài. Ký túc xá của Đại học London là nơi tiếp đón các bạn của gần 40 đoàn từ các nước đến dự thi. Ngày đầu tiên thi, bài số 2 về hình học tương thích với cuốn sách hình học rất hay mà trước đây ở nhà Khánh Trình đã đọc rất hứng khởi với những bài tập anh làm rất kỹ, nên anh ứng dụng như cháo chảy.

Khánh Trình giải đề thi nhanh chóng, nhưng anh cũng tự nhận, dường như các thầy đã bồi dưỡng đúng hướng để các anh thi không bị khớp, bị bất ngờ với một đề thi từ một đất nước với văn hóa và ngôn ngữ xa lạ thời ấy. Tuy nhiên sau đó Khánh Trình phát hiện ra mình giải sai bài hình học khi chỉ còn 15 phút nữa là hết giờ. Sự lo lắng và sự cập rập của thời gian lại là động lực cho anh nghĩ ra cách giải mới mẻ, sáng tạo hơn. Bài đã giải là bài công phu, rất hay nhưng nó sai. Khi anh bắt đầu chép lời giải thì chỉ còn 10 phút, Khánh Trình xin phép giám thị người Anh cho thêm thời gian để làm, ông đã rất vui lòng ngồi chờ anh làm cho xong bài, anh được thêm 10 phút để hoàn thiện bài thi của mình.


Sau 2 ngày thi, 4 ngày chấm thi là có kết quả để phát thưởng. Khi thi xong, cảm giác ít nhiều mình cũng sẽ được giải vì bài làm tốt, trong bữa tiệc của ông Thị trưởng London chiêu đãi họ cũng đã nói nhóm học sinh VN đoạt giải cao. Cảm giác gì lúc đó ư? Chỉ là sự nhẹ nhõm rằng sau một thời gian tập trung vào học dài ngày để đi thi thì xong việc là yên tâm như trút đi một gánh nặng. Khi trở về, đoàn học sinh đoạt giải năm đó được mời xuống máy bay trước tiên với đại diện của Bộ Giáo dục ra đón và tặng hoa cho các thành viên đoạt giải. Trong đoàn có một bạn là cháu gọi Thủ tướng Phạm Văn Đồng bằng “ông trẻ” nên đoàn học sinh đã được gặp Thủ tướng trong một cuộc gặp mang tính chất gia đình.

Tôi chẳng có gì quá xuất sắc, cũng chẳng mong muốn gì !

* Giải thưởng đặc biệt và giải nhất (42/42 điểm) khi đó của anh có là một áp lực với anh khi đó không ?

- Có chứ, đơn giản nhất là việc đi và về đều được trọng thị. Lúc chuẩn bị đi được ưu đãi nhiều, mọi người cũng đặt niềm tin và mong đợi. Khi về, mọi người đón tiếp hồ hởi cũng gây ra một cảm giác mắc nợ với tôi. Nhưng khi đó tôi còn nhỏ, nên gánh nặng ấy cũng không đến nỗi là một áp lực. May mắn là nhờ giải thưởng đó, tôi được chọn vào thẳng đại học và được đi học ở nước ngoài.

* Khi học ở Đại học Lomonosov, thầy và các bạn học có biết anh là người từng đoạt giải đặc biệt, được coi như là thần đồng toán học khi ấy không ?

- Ít người biết lắm vì nước Nga là một nước có nền toán học cũng phát triển và vững mạnh trên thế giới. Họ đi thi học sinh giỏi cũng là chuyện bình thường. Tôi chỉ gặp lại một số người nhưng họ đã học trên tôi một khóa vì tôi còn phải học ngoại ngữ mất một năm ở VN nữa.

* Anh học gì ở Lomonosov ?

- Tôi học gì nghĩa là sao ? Tôi học toán thôi. Chuyên ngành toán, dù cũng được học thêm triết học, vật lý lượng tử, cơ... Theo nghĩa nào đó, học để thi cử thì tôi học cũng bình thường, các kết quả thi cũng tốt. Học bổng của tôi cũng đủ sống và cũng bởi tôi không đua đòi gì. Mùa hè tôi đi theo các đội xây dựng của Nga nhưng sức khỏe không đảm bảo nên tôi chỉ đi duy nhất lần ấy.

* Có một thời gian người ta gọi anh là "cậu bé vàng của toán học VN", sau khi anh được giải ?

- Ai gọi tôi như vậy kìa ?

* Nếu không có giải thưởng toán biến chú bé Lê Bá Khánh Trình trở thành "thần đồng toán học" "niềm tự hào của toán học VN", "cậu bé vàng của toán học VN" thì anh có hình dung mình sẽ trở thành một người khác không ?

- Tất nhiên là cảm giác lúc này lúc khác khác nhau cũng tùy thời điểm tùy sức khỏe. Tôi cũng chẳng có đam mê gì quá đối với một cái gì để được gọi là quá. Nhưng để làm việc tôi thấy dạy toán như thế này cũng được rồi.

* Khi đó anh có ý muốn ở lại Nga không ? Vì đó cũng là một môi trường lý tưởng để học tập và nghiên cứu ?

- Nếu mà mình xuất sắc, người ta đề nghị thì mình sẽ xem xét, nhưng thực ra tôi cũng chẳng có gì quá xuất sắc, cũng chẳng có mong muốn gì...

* Anh có muốn trở thành một nhà khoa học thay vì chỉ làm công việc giảng dạy ?

- Lúc ở Lomonosov có lúc tôi muốn, nhưng có lúc lại không muốn làm khoa học. Nhưng tôi thấy như ở Nga, một người làm khoa học phải có đam mê mãnh liệt, phải có những hy sinh nào đó, có những tố chất nào đó.

* Hy sinh ở đây là cái gì ?

- Là phải bỏ thời gian thường xuyên suy nghĩ về một thứ gì đó, không được lơ là.

* Anh học bao nhiêu năm ở Nga ?

- Gần 10 năm.

* Thầy giáo hướng dẫn cho anh là một người rất giỏi phải không ? Ông có hướng anh theo đuổi việc nghiên cứu khoa học hay không ?

- Tôi không có cảm giác ông muốn làm điều đó. Tôi nghĩ ông đánh giá công bằng, vừa phải.

* Anh có bao giờ nghĩ đến những ứng dụng của toán học không ?

- Tôi chỉ nghĩ đến mức độ lý thuyết thôi, có lẽ là do các thầy của tôi chỉ truyền đạt về mặt lý thuyết, còn nếu mà tự tìm hiểu nghiên cứu thì có lẽ tôi chưa có dịp.

* Anh thấy trong cách luyện thi học sinh để thi giỏi toán quốc tế như “luyện gà nòi” có vấn đề gì không ?

- Nếu không đặt vấn đề thành tích là thể diện quốc gia thì cũng không cần. Như Nga họ không cần, họ coi là cuộc chơi và thi cho vui thôi, có lẽ họ coi thể diện quốc gia sẽ được thể hiện ở những mặt khác.

* Tình yêu của anh với toán học có còn không ?

- Chắc là còn nhưng tôi không còn thời gian để làm một điều gì khác nữa. Có gia đình và lớn tuổi người ta suy nghĩ khác.

* Nếu không có toán học, thì anh sẽ như thế nào ?

- Tôi cũng chẳng biết tôi như thế nào ? Chắc tôi cũng sẽ tìm tòi học tập và truyền đạt điều đó qua công tác giảng dạy. Còn làm ngoại giao, kinh tế, lăn lộn cái gì đó chắc tôi không làm được.

* Lỗi có phải tại giải thưởng và sự vinh danh khi ấy quá sức anh không ?

- Tôi không hiểu, nếu mọi người kỳ vọng hay đánh giá gì vào tôi thì đó là từ phía mọi người thôi.

Những thất vọng không tạm thời

Lê Bá Khánh Trình thấy mình may mắn khi năm 34 tuổi, có một bà cụ viết cho anh một lá thư giới thiệu con gái của bà cho anh. Anh đã quen vợ trong hoàn cảnh đó, còn trước đó anh chưa bao giờ có bạn gái. Nơi anh đang sống là nhà của bố mẹ anh mua cho anh khi anh trở về từ Nga. Gia đình 5 chị em thì có 2 người đang sống ở Mỹ, cuộc sống của các anh em Khánh Trình đều yên ổn, thành đạt. Anh cũng không có ước mơ gì khác ngoài sự hài lòng với cuộc sống hiện tại, một chút lo lắng cho sức khỏe của mình, mong sao mình khỏe mạnh.

Bây giờ anh đã trở thành một người hoàn toàn khác với cậu bé Lê Bá Khánh Trình ở Huế thời chưa đội vòng nguyệt quế kia. Cặp kính cận trên khuôn mặt ngơ ngác đến tội nghiệp, cái dáng cao lòng khòng đi liêu xiêu trong buổi gặp hôm ấy làm tôi cảm thấy đau lòng. Dù anh hài lòng với cuộc sống hiện tại, dù anh chỉ mong nhất là sức khỏe cho mình, dù anh có một gia đình với 2 đứa con ngoan, tôi vẫn không ngăn được cảm giác thất vọng dâng lên trong lòng.

Một thần tượng của thế hệ trước chúng tôi nhiều năm, một cái tên mà những học sinh say mê toán học phải kính nể, thần đồng ấy hôm nay lại là một giáo viên luyện thi cho lớp năng khiếu của trường năng khiếu TP.HCM, anh chưa từng là trưởng khoa Toán của Đại học Khoa học Tự nhiên như người ta đồn đại. Anh sống bình dị, khép kín, giống một cái cây sau cơn bão không sao mà trổ những cành lá non kiêu hãnh khi các cành và mầm của nó đã bị vặt hết. Lê Bá Khánh Trình chưa bao giờ có một thành tích hay sự kiện gì trong cuộc đời vượt được giải thưởng mà anh giành được năm 1979 ở London.

Có điều gì đã xảy ra sau giải thưởng ấy, phải chăng là những áp lực, những kỳ vọng lớn lao của nhiều người để thay vì biết đâu theo nghiệp cha, anh có thể trở thành một bác sĩ giỏi, hay đơn giản hơn, một người nào đó có một cuộc sống và tâm thế không như hôm nay, để cảm giác không chỉ riêng tôi khi tiếp xúc với anh, là sự co ro, rụt rè, khiêm nhường dễ khiến người đối thoại nản chí, chưa bao giờ làm khoa học, chưa bao giờ phát minh ra bất cứ cái gì hay áp dụng toán học vào một lãnh vực nào đó trong cuộc sống trừ việc đi giải dạy chính môn toán mà anh đã học 10 năm ở trường đại học lừng danh không chỉ của nước Nga: Lomonosov.

Anh không quan tâm đến mục đích của tôi, dù tất nhiên tôi đã giới thiệu mình là nhà báo. Anh cũng không hỏi một lần bao giờ báo ra, viết cái gì về anh? Anh cũng hoàn toàn thờ ơ với những câu hỏi để lặng lẽ trả lời những câu trả lời không thể đơn giản hơn. Để đưa nhà báo "đi từ thất vọng này đến thất vọng khác", để tôi chỉ muốn hét lên "rằng tại sao anh lại nhận lời gặp tôi ? để làm gì khi anh không có câu chuyện nào để kể, không quan tâm đến mọi chuyện và cả cuộc đời ngoài cái giải thưởng "oan nghiệt" kia, anh không làm được bất cứ điều gì ?". Lê Bá Khánh Trình đến hẹn đúng giờ, và sau khi kết thúc thì xin phép ra về. Nhưng nụ cười duy nhất là khi phóng viên ảnh đến chụp hình. Cuộc phỏng vấn lần thứ nhất, anh ướt đẫm vì đi xe máy và hôm ấy đường Đồng Khởi thành sông, trong tiệm cafe Mojo dường như quá sang trọng khiến tôi thầm trách mình vì việc chọn địa điểm này mà gặp nhân vật. Cuộc gặp thứ hai ở Press cafe, nơi bình yên hơn, nhẹ nhõm hơn, nhưng Lê Bá Khánh Trình vẫn thế, vẫn đến đúng giờ, vẫn gọi một thứ trà nóng, uống bằng hai tay và uống xong, trong khoảng giữa của sự im lặng nơi tôi, anh xin phép ra về !

(Thái Hòa, Thanh Niên Online)

Phản hồi (Khoa, Minh Biện)

Bài Lê Bá Khánh Trình (LBTK) ngày ấy, bây giờ…” gần đây của Thái Hòa trên báo Thanh Niên có lẽ là bài phóng sự hay nhất về LBKT nhưng cũng đồng thời là một trong những bài viết củ chuối nhất về ông. Tại sao nó hay và tại sao nó lại củ chuối?
Có lẽ rất rất nhiều người dân VN ngộ nhận rằng giải đặc biệt toán quốc tế (IMO) là đỉnh cao của Toán Học và rằng hiện giờ LBKT là một nhà toán học lớn của VN. Do đó, trong nhiều bài viết trước đây, các nhà báo đã lăng xê một giảng viên Toán đã lớn tuổi LBKT bằng những chiến tích thời còn phổ thông, mặc dù nhân vật được đề cập chưa chắc đã hạnh phúc khi đọc những lời ca ngợi này. Tuy nhiên, những bài viết ca ngợi như thế này lại có ảnh hưởng khá tai hại, không những đối với đối tượng độc giả mà còn đối với ngay cả LBKT. Tôi biết, có một số người có thể vì ghen tị với những người được huy chương toán quốc tế hoặc vì muốn “chứng minh” rằng ông không giỏi như người ta ca tụng đã chỉ trích và ném đá LBKT (thay vì ném đá các nhà báo) khá nặng nề.
Theo tôi biết, LBKT không phải là một nhà khoa học và cũng chưa bao giờ tự nhận mình là người như thế. Do đó, việc nhiều người thất vọng khi phát hiện ra rằng ông, một nhà giáo, chẳng có công trình khoa học nào đáng kể chẳng khác nào một câu chuyện cười. Nó hài hước giống như việc bạn đòi hỏi David Beckham phải có công trình khoa học ác liệt. Nhưng có lẽ tại ông trầm tính và cũng không cho rằng mình là người của công chúng nên chẳng việc gì phải đi giải thích phân bua này nọ. Cho nên bài báo trên hay ở chỗ Thái Hòa hỏi thẳng LBKT “ông làm nghề gì”, “sao ông không ở lại Nga tiếp tục nghiên cứu”, “ông thật ra có còn nghiên cứu Toán không”,… để LBKT tự trả lời rất súc tích và trung thực về bản thân mình, bình dị chứ không chói lọi như người ta vẫn tưởng.
Sau đoạn phỏng vấn “tôi chẳng có gì quá xuất sắc” khá hay trên, tác giả Thái Hòa lại “thất vọng không tạm thời“. Đến giờ tôi vẫn không hiểu là tác giả thất vọng về ai và thất vọng vì cái gì. Thất vọng vì LBKT thờ ơ với tác giả (và với việc mình được lên báo) hay thất vọng vì “thần đồng toán học” chưa bao giờ nghiên cứu khoa học hay thất vọng vì một cái bệnh nào đó của Việt Nam? Giải thưởng Toán quốc tế là một niềm vui chứ không phải là một sợi dây thòng lọng buộc người ta phải gắn bó với khoa học suốt đời.
Đến đây, tôi mới tiết lộ cho các bạn biết rằng LBKT là một trong những thầy dạy Toán của tôi hồi cấp 3 và vẫn còn đọng lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp về một người thầy rất nhiệt tình đối với học sinh. Thường hay ngồi bàn đầu trong những buổi học chuyên đề (đặc biệt là chuyên đề về Lý Thuyêt Đồ Thị - Graph Theory) nên tôi không thể quên cái ấn tượng rằng thầy giảng bài nhiệt tình đến nỗi nước bọt thường xùi ra mép và có lúc văng cả lên tay tôi. Nói hơi quá thì những lần xùi bọt mép của thầy đã một phần nào đó giúp tôi cảm thấy các bài toán đồ thị hấp dẫn đến tận bây giờ. Việc nhiều cựu học sinh chuyên Toán Tin NK đang rất thành công trên con đường của mình không thể không có công đóng góp của các thầy dạy Toán NK. Do đó, thầy Trình, cũng như các thầy dạy Toán khác, đã thành công và đáng được khen ngợi trên cương vị một người thầy giáo. Khi viết rằng “Lê Bá Khánh Trình chưa bao giờ có một thành tích hay sự kiện gì trong cuộc đời vượt được giải thưởng mà anh giành được năm 1979 ở London”, tác giả Thái Hòa đã vô tình tự tát vào mặt mình.

Lịch và Toán - Phần 3: Tạo lịch theo phong cách toán

Trong bài viết này, MathVn.Com xin giới thiệu cách xếp lịch theo phong cách toán.
Trước hết bạn tải file sau về (File xếp lịch mẫu: Download) và in nó ra trên giấy A4 thông thường. Nếu thích bạn có thể in mỗi tờ trên mỗi màu giấy khác nhau. Sau đó cắt mỗi tờ làm 4 phần và xếp lại theo các bước dưới đây (xem các hình vẽ):










Nếu bạn không in ra thì có thể gấp theo mẫu dưới đây

Chúc thành công!

(Back link: MATHVN.COM)

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Lê Bá Khánh Trình thi cử thế nào?

Lê Bá Khánh Trình chơi với tôi từ thuở thường nhật khoác áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Hồi đó, hai đứa là bạn “đồng môn, dị phái”. Nghĩa là cùng khối lớp tại Trường Quốc Học - Huế, nhưng đứa chuyên... tán (toán), đứa chuyên... ăn (văn).
Giai đoạn Trình qua Liên Xô làm sinh viên rồi nghiên cứu sinh, lần nào về nước, Trình cũng tìm tôi để “bù khú cho đã”. Giờ đây, hạnh ngộ giữa Sài Gòn, hai đứa lại là bạn “đồng ngành, dị nghệ”. Nghĩa là cùng gọi Bộ Giáo dục - đào tạo là “Bộ mình”, nhưng đứa thường xuyên bám bục giảng, đứa mải mê viết văn và làm báo.

Bao buổi “trà dư tửu hậu”, Trình và tôi khề khà kể cho nhau nghe vô số chuyện vui buồn, trong đó có lắm điều liên quan thi cử. Nay tôi tái hiện vài buổi thi gay cấn đầy lý thú mà Trình từng tham dự.

IMO 1979: biến sai lầm thành... xuất chúng

Năm 1979, thi học sinh giỏi toán toàn quốc, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải ba. Trình được chọn vào đội tuyển Việt Nam, được nhà giáo Lê Hải Châu làm trưởng đoàn đưa sang London - thủ đô Anh quốc - dự thi Olympic toán quốc tế lần thứ XXI. Kỳ thi thường niên này gọi theo tiếng Anh là International Mathematical Olympiad, nên vẫn được viết tắt gộp với năm tổ chức thành IMO 1979.
Từ đất nước nhiệt đới tràn trề nắng gió Á Đông chuyển sang xứ sở sương mù giá lạnh Âu Tây, cơ thể Trình chưa kịp thích nghi bèn ho sù sụ. Bước vào phòng thi, Trình cắm cúi vừa ho vừa làm bài. Xong xuôi, đọc lại, Trình toát mồ hôi hột: “Hớ rồi! Hiểu lầm đề rồi!”.

Đề thi gồm sáu bài toán, trong đó bài hình học yêu cầu giải “cùng chiều” nhưng Trình lỡ lao phía “ngược chiều”. Nhìn đồng hồ, mặt Trình thêm tím tái: chỉ còn 15 phút. Làm sao giải thật đúng bài hình trong thời gian nhanh nhất?

Trình ôm ngực ho cả tràng “giải lao”, đoạn cuống quít “đại tu” bài thi. Giây phút ấy, bao nhiêu kiến thức cần thiết mà Trình đã được trang bị đều được huy động tối đa. Trình nộp bài muộn gần 10 phút. Giám thị cười:

- Thí sinh này bị bệnh. Thông cảm đấy nhé!

Kết quả IMO 1979 quá thú vị với dòng giống Lạc Hồng. Đội tuyển Việt Nam gồm bốn thí sinh thì ba người đoạt huy chương bạc: Phạm Hữu Tiệp, Bùi Tá Long, Phạm Ngọc Anh Cương. Riêng Lê Bá Khánh Trình đạt tổng số điểm tối đa 42/42 nên đoạt huy chương vàng, lại hân hạnh nhận thêm giải đặc biệt.

Trình thuật:

- Bài hình, tớ vụng về giải nhầm theo phương pháp “ngược chiều”. Khi hí hoáy chỉnh sửa, tớ bật ra hai cách xử lý “cùng chiều”, trong đó có một cách mà ban giám khảo chấm giải đặc biệt. Tớ về Huế, được thầy Trần Văn Khải - giáo viên chủ nhiệm - khen bằng một từ duy nhất rất ý nhị: “Đặng”.

MGU 1984: bất ngờ 1/59

Đại học Tổng hợp Matxkva mang tên Lomonosov được gọi theo tiếng Nga là Moskovskij Gosudarstvennyj Universitet, nên mọi người quen tắt hóa thành MGU. Ấy là năm 1984, Lê Bá Khánh Trình làm sinh viên khoa toán - cơ ở MGU. Chuẩn bị thi vấn đáp một môn, sĩ tử tất bật “đánh vật” với 60 câu hỏi đã được cho trước. Bận việc riêng đột ngột, Trình chỉ còn đủ thời gian để xem kỹ... một và chỉ một câu hỏi. Đó là định lý phát biểu “hơi bị”... lùng bùng. Đọc tới, đọc lui mấy chục lần, Trình cứ há hốc mồm:

- Cha chả! Há lẽ đầu óc mình... lùng bùng dễ sợ vậy ư?

Tức tối, Trình dành trọn cả buổi “xông pha” thư viện, tra cứu hàng chồng tư liệu, rốt cuộc mới vỡ vạc: phải nắm một định lý cơ bản của một ngành khác, áp dụng vào đây thì thấy rõ vấn đề. Sảng khoái, Trình ghé căng-tin, xơi một chầu ngon.

Đi thi, đầu óc Trình lại... lùng bùng:

- Còn 59 câu hỏi chưa “khai hoang vỡ hóa”. Lo ơi là lắng!

Cặp kính cận ngỡ nhòe mờ ngay sau khi Trình bốc đề: gặp 1 trong 59 câu... bí rị! Trình thở dài ngao ngán:

- Hỡi ôi! Lâm thế nhai ớt hiểm! Đành chịu te tua!

Giám khảo Kirilov hầu như chẳng lưu ý đề của Trình số mấy. Ông bảo:

- Hãy phát biểu định lý...

Phép lạ xuất hiện giữa phàm trần: chính cái định lý từng khiến Trình lùng bùng. Trình vuốt mũi, phát biểu ro ro. Giáo sư Kirilov chất vấn:

- Chỗ kết luận này được anh hiểu sao?

“Chỗ kết luận này” đã buộc Trình sục sạo thư viện và đạt kết quả như ý. Nhờ vậy, Trình hít hơi thật sâu, rồi trả lời rất bình tĩnh và tự tin. Vẻ mặt giáo sư Kirilov rạng rỡ dần. Trình chưa giải đáp xong, vị giám khảo đã khen tốt và cho điểm cao.

Lê Bá Khánh Trình tiết lộ:

- Mãi sau, tớ biết rằng giáo sư Kirilov từng hỏi nhiều sinh viên về định lý... lùng bùng, nhưng thầy chưa hài lòng khi nghe trả lời. Tính tới thời điểm nọ, lối giải đáp của tớ được thầy Kirilov đánh giá tối ưu. May quá chừng chừng!

Vài dòng tâm sự

Tại MGU, Lê Bá Khánh Trình lấy bằng cử nhân năm 1986, sau đó làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar - phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Năm 1990, Trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán lý thuyết, rồi về nước. Từ ấy đến nay, Trình giảng dạy giải tích tại khoa toán Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đồng thời tham gia đào tạo các học sinh chuyên toán Trường Phổ thông năng khiếu trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Đội tuyển Việt Nam sang Mexico tham dự IMO 2005, Lê Bá Khánh Trình làm trưởng đoàn. IMO 2007 tổ chức ở Hà Nội, Lê Bá Khánh Trình là thành viên trong ban giám khảo.

Mới đây, “mần cái week-end” với tôi nơi bãi biển Vũng Tàu, Trình hàn huyên:

- Vì nhiều lý do, thi cử là hoạt động không thể thiếu đối với nhiều bậc học. Thi tuyển học sinh giỏi một số môn dành cho cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc tế, cũng hết sức bổ ích. Sự may mắn hay xui rủi xảy ra với từng thí sinh trong thi cử là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả ưu việt, trước tiên thí sinh cần liên tục chăm học, chăm đọc, biết phương pháp giải quyết các bài tập, cố rèn luyện tâm lý thi đấu vững vàng.

Tôi cười:

- Xuất hiện câu danh ngôn: “Thi cử là sự cần thiết đáng buồn”. Ai đã nếm trải những kỳ thi học đường, sau đó vẫn cho rằng các kỳ “lều chõng” tạo dệt muôn kỷ niệm dễ thương. Phải vậy chăng?

Lê Bá Khánh Trình nâng ly:

- Mỗi lần thi cử, học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh không tránh khỏi lo âu, mệt mỏi, nhưng thu thập hàng loạt điều thú vị. Những kỳ thi học đường dẫu dịu êm hay căng thẳng, chắc chắn rồi sẽ trở thành kỷ niệm vô vàn đáng yêu. Chứ trong cuộc mưu sinh, những kỳ thi ngoài học đường lắm phen nghiệt ngã, kinh khiếp đến khó lường!
(PHANXIPĂNG , Tuổi Trẻ Online)

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2009

Tuyển tập đề thi thử Đại học - Cao đẳng trên Tạp chí "Toán học & Tuổi trẻ" từ 2003 - 2009


Trong bài viết này MATHVN.COM sẽ giới thiệu với các bạn Tuyển tập đề thi thử Đại học - Cao Đẳng trên tạp chí Toán học tuổi trẻ từ năm 2003 đến nay (2009). Tuyển tập này được biên soạn bởi tập thể 12 Toán - THPT Cao Lãnh, Đồng Tháp và được gửi bởi em Nguyễn Đức Tuấn.

Kì thi Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2009 chỉ còn 3 tháng nữa sẽ diễn ra. Không nằm ngoài mục đích chia sẻ tài liệu để giúp nhau một phần trong việc ôn luyện thi môn Toán. Tập thể lớp 12T - THPT TX Cao Lãnh - Đồng Tháp biên soạn lại các đề thi thử trên Tạp chí Toán học tuổi trẻ từ năm 2003 đến 2009 (có phần đáp số và hướng dẫn giải). Mong đây sẽ là tập tài liệu sẽ giúp ích được các bạn!
Nguyễn Đức Tuấn


Download tại đây (PDF, 66 trang, 624KB): Click here.
(Back link: MATHVN.COM)

Bài đăng phổ biến