Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

8 sự kiện rầu lòng của Giáo dục Việt Nam năm 2008

Hiệu trưởng giật và ném máy ảnh giảng viên; không tiền đóng học phí, một HS tự tử; trung tâm ngoại ngữ "bốc hơi"; SV viết blog vô lễ với thầy cô bị đình chỉ; bi kịch của "người đương thời" Đỗ Việt Khoa; chen lấn hỗn loạn để nộp hồ sơ dự tuyển giáo viên... Những sự kiện "rầu lòng" ngành giáo dục năm 2008.

1. Hiệu trưởng xô xát với giảng viên

Cảnh xô xát tại ĐH Quy Nhơn vào chiều 29.12, anh Nguyễn Thành Nhơn bị áp sát vào tường (bên trái)

Chiều 29/12, ông Trần Tín Kiệt, Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn đã giật và ném máy ảnh của một giảng viên. Cháu ruột ông Kiệt, cán bộ Phòng đào tạo ĐH và sau ĐH cũng đánh thẳng vào mặt một giảng viên là Chủ tịch công đoàn Khoa kỹ thuật và công nghệ khi anh cùng đồng nghiệp ngăn cản không cho ông Kiệt ra về. Tại buổi đối thoại kéo dài đến 17h chiều cùng ngày, cán bộ, giảng viên, đại diện công đoàn các khoa của ĐH này đã yêu cầu Hiệu trưởng trả lời về các khoản nợ chưa được thanh toán từ năm 2006 đến nay.

Việc "bao vây" phòng hiệu trưởng là giọt nước tràn ly những bức xúc của cán bộ công nhân viên ĐH Quy Nhơn. Đầu năm 2008, hiệu trưởng Kiệt bị tố cáo đưa người nhà ồ ạt vào trường, trốn thuế nhiều khoản thu phí, thất thoát kinh phí trong các dự án và công trình xây dựng...Tỉnh uỷ Bình Định và Thanh tra Bộ GD-ĐT đã vào cuộc. Đến cuối năm, nhiều cán bộ của trường vẫn bức xúc vì nhiệm kỳ 2 hiệu trưởng đã kết thúc hôm 2/12 nhưng chưa thấy lãnh đạo có động thái về nhân sự lãnh đạo nhà trường.

2. Không tiền đóng học phí, một HS tự tử

Thư tuyệt mệnh của Hoa

Ngày 2/12, Trần Thị Hoa, lớp 10A8, Trường THPT bán công Nam Quảng Trạch (Quảng Bình) đã thắt cổ tự tử. Trong lá thư tuyệt mệnh, Hoa giải thích lý do thiếu tiền đóng học phí (228.000 đồng trong 2 tháng), bị gia đình mắng chửi. Hoa là con út trong gia đình nhà nông 8 người. Theo thầy hiệu trưởng, do nhà nghèo, Hoa ăn mặc không được tươm tất như các bạn và đi chiếc xe đạp cũ nát nên hay bị một số bạn bè không hiểu hoàn cảnh trêu chọc. Trước ngày tự tử, Hoa có gửi lại giấy cho bạn học "chào tạm biệt" và gọi điện cho thầy hiệu trưởng xin nghỉ học.

3. "Người đương thời" Đỗ Việt Khoa liên tục tố cáo

Đọc kết luận thanh tra chiều 1/12 tại trường THPT Vân Tảo

Ngày 14/11, giáo viên Đỗ Việt Khoa (Trường THPT Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội) tố cáo bị một nhóm người, trong đó có 2 bảo vệ trường chửi bới, hành hung và cướp máy ảnh. Công an huyện đã vào cuộc nhưng hiện nay chưa thông báo kết quả. Ngoài ra, giáo viên Đỗ Việt Khoa cũng lên tiếng về việc lãnh đạo nhà trường thực hiện nhiều khoản thu trái phép. Ngày 1/12, Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội kết luận một số nội dung tố cáo của thầy Khoa là đúng.

Sau khi báo An ninh Thế giới đăng bài viết "thông tin đa chiều về Đỗ Việt Khoa", Bộ GD-ĐT đã cử thanh tra và báo Giáo dục Thời đại xuống động viên tinh thần người thầy giáo đã tạo sự kiện khởi xướng phong trào "hai không" của ngành. Một nhóm người xưng là các nhà giáo nghỉ hưu của ĐHQG Hà Nội cũng làm đơn đề nghị báo này làm rõ mục đích đưa thông tin.

Sau khi không được giáo viên Đỗ Việt Khoa chấp nhận với lý do kết luận chưa "thỏa đáng", Hà Nội lại thành lập Đoàn thanh tra giải quyết đơn tố cáo.

4. Bé 3 tuổi tử vong khi đang nghỉ trưa ở trường mầm non

Bố mẹ cháu Khôi đau đớn vì mất con

12h trưa 28/11, sau khi được cô giáo ở trường mầm non Bình Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho ăn và nhỏ thuốc sổ mũi (do bị sổ mũi đã 2 ngày), cháu Vũ Đăng Khôi (3 tuổi) đi ngủ trưa. Đến 2h chiều, khi gọi, thấy cháu không dậy, nhà trường mang đến trạm y tế phường nhưng cháu đã tắt thở. Cái chết đột ngột của con khiến gia đình cho rằng nguyên nhân còn nhiều chỗ chưa rõ ràng và thuyết phục nên quyết định mời giám định pháp y vào cuộc. Sau sự kiện này, Sở GD-ĐT Hà Nội ra quy định trường mầm non không nhận giữ trẻ khi ốm.

Trước đó, vào ngày 9/1, tại trường mầm non Tân Phú, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, cháu Đinh Viết Cầu (4 tuổi) đã tử nạn vì rơi xuống hố đào từ năm 2007 (dùng để bơm nước vào phục vụ việc xây dựng trường) trong khi đi vệ sinh giữa giờ giải lao.

5. Trung tâm ngoại ngữ "bốc hơi"

Tối 6/10, nhiều học viên và giáo viên của Trung tâm đào tạo tin học và tiếng Anh STI (TP.HCM) phát hiện toàn bộ ban quản lý đã biến mất. Rất nhiều học viên vừa đóng học phí nhưng chỉ mới học được một vài tuần. Nhiều nhân viên đã bị STI nợ lương, thậm chí 5 - 6 tháng. STI là một cơ sở giáo dục đào tạo 100% vốn đầu tư nước ngoài do Bui Vincent Tran, Việt kiều Mỹ làm chủ. Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng STI hoạt động theo giấy phép của Bộ Kế hoạch - đầu tư nên ngành giáo dục không có nhiều quyền hạn về mặt quản lý.

6. Bị đình chỉ 1 năm vì viết blog "vô lễ"

Diễn đàn Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 (TP.HCM)

Tháng 10, Nguyễn Tùng Lâm (SV lớp A1, khoa Quản trị kinh doanh, khóa 44A, trường ĐH Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM) bị nhà trường đình chỉ học 1 năm. Bị cấm thi trong học kỳ 1 vì không đóng học phí không đúng thời gian quy định, Lâm viết trên blog với các câu chữ như: đóng học phí trễ cũng chẳng đáng bị thế này; thầy có ác quá không; thầy là người cứng nhắc và bảo thủ; thông báo không được đưa ra ngoài sảnh thì bố ai mà thấy được… Lâm giải thích do suy nghĩ quẩn nên viết blog nhằm tìm sự chia sẻ của bạn bè và người thân.

Theo Hiệu phó Bùi Ngọc Sơn, đây là hành vi vô lễ, xúc phạm đến nhân thân của một số cán bộ, giáo viên trong trường và gây phương hại đến danh dự và uy tín của nhà trường thông qua việc đưa sai sự thật lên internet bằng blog cá nhân. Hình thức kỷ luật nghỉ học 1 năm sẽ được ghi trong bảng kết quả học tập và rèn luyện của SV. Lâm có nghĩa vụ phải cải chính các thông tin sai sự thật bằng việc công khai nội dung bản tường trình và bản tự kiểm điểm trên blog.

7. Chen lấn nộp hồ sơ dự tuyển giáo viên

Chen chúc để giành ghế đầu, thuê người giữ chỗ, đi về vài ngày vẫn công cốc... Đó là tình trạng nộp hồ sơ thi tuyển công chức ngành giáo dục diễn ra trong các ngày từ 20 - 23/7 tại TP.HCM. Năm nay, tuyển hơn 4.000 giáo viên, để tránh tình trạng chen lấn, Sở GD-ĐT thông báo nhận đăng ký hồ sơ trên website (nhận theo số thứ tự đã đăng ký). Tuy nhiên, khi tổ chức, Sở lại thông báo nhận theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên. Việc này bắt đầu từ ngày 16/7 và dự kiến kết thúc vào ngày 25/7, mỗi ngày, chỉ giải quyết được từ 200 - 300 hồ sơ cho những người đến trước. 23/7 là ngày nhận hồ sơ của các ứng viên có số đăng ký theo thứ tự từ 4.000 – 4.800, nhưng trên thực tế, chỉ 300 ứng viên đầu tiên mới được nhận. Do đó, "các giáo viên tương lai" đã phải tranh giành nhau để khỏi lọt vào số 301.

8. Cướp đề thi tại huyện "hiếu học"

Thí sinh kiểm tra niêm phong trên túi đựng đề thi trước giờ làm bài ở hội đồng Trường THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa)

Ngày 30/5, trong buổi thi môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT, tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) - địa phương có nhiều "thủ khoa" ĐH nhất nước năm 2008 - đã xảy ra 2 vụ cướp đề thi và đối tượng đều chạy thoát. Tại Trung tâm GDTX Hoằng Hóa, 1 đối tượng đã trèo theo đường ống nước lên tầng 2 cướp đề của 1 thí sinh ngồi cạnh cửa sổ. Ở Hội đồng thi Trường THPT Lưu Đình Chất (tổ chức tại Trường THCS Hoằng Quỳ), một đối tượng đã lội ruộng xông vào khu vực thi để cướp đề.

Ngày 1/6, công an huyện đã xác định được đối tượng cướp đề của Hội đồng thi Lưu Đình Chất, là Nguyễn Bá Quân, HS cũ của trường. Trước đó, ngày 29/5, Quân có xô xát gần khu vực thi và bị bảo vệ xử lý. Quân khai thêm mục đích cướp đề để xem có khó hơn đề năm ngoái không (?). Ở điểm thi còn lại, công an cho biết đã xác định được đối tượng, tuy nhiên đối tượng đang lẩn trốn.

(Theo VietNamNet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến