Trước khi viết về 7 kỳ quan mới, có lẽ cũng nên nhắc đến 7 kỳ quan cũ cho phải đạo, các bạn nhỉ. Tôi xin phép ghi tên những kỳ quan ấy (theo thứ tự ngẫu nhiên) ra đây coi như để tưởng niệm:
1. Kim tự tháp Giza
2. Vườn treo Babylon
3. Hải đăng Alexandria
4. Đền Artemis
5. Lăng mộ của Mausolus
6. Tượng thần Mặt Trời ở Rhodes
7. Tượng thần Zeus ở Olympia
Giờ thì đến danh sách 7 kỳ quan mới được khoảng 1/70 dân số thế giới bình chọn:
1. Vạn lý trường thành, Trung Quốc
2. Đấu trường Colosseum ở Roma, Italia
3. Đền thờ Taj Mahal, Ấn Độ
4. Thành phố cổ Petra, Jordan
5. Tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro, Brazil
6. Thành cổ Machu Picchu, Peru
7. Thành phố cổ Chichen Itza của người Maya, Mexico
Sau khi danh sách này được công bố, những tiếng ong ve đã vang lên đâu đó trên mạng. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cũng lên tiếng cho rằng “việc bình chọn như vậy đem một thông điệp tiêu cực và không có lợi với các nước có các địa điểm không được lựa chọn”. Cán bộ Christian Manhart của UNESCO nói cấm có sai các bạn ạ, tôi thấy ngay tác động của “thông điệp tiêu cực” này đến một trong những nước hẩm hiu không được xướng tên danh sách trên: nước Việt Nam ta. Không, tôi không định nói đến những bài viết trên một số diễn đàn hay blog của người Việt chỉ trích nơi ý nơi nọ “chả xứng đáng mà cũng…”. Tôi muốn nói đến một phản ứng mang tính chính thức hơn cơ.
Số là, cái tổ chức tư nhân đứng ra làm “nhà cái” cho vụ bình chọn kỳ quan này, sau khi thấy cuộc bình chọn kỳ quan nhân tạo thành công quá (chuyện, thu hút đến hơn trăm triệu người nhắn tin qua điện thoại với lại truy cập website, lại chả thành công!), thì tiếp tục “thầu” thêm một cái gọi là “chương trình bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên” nữa cho đủ bộ. Lần này, trong phần ví dụ, vịnh Hạ Long của chúng ta nằm đường hoàng chễm chệ. Và thế là trên báo, trên mạng xuất hiện những dòng cổ động như “hãy bầu chọn vịnh Hạ Long”, “phát động phong trào bình chọn cho vịnh Hạ Long trong toàn ngành”, thậm chí, “hãy thể hiện lòng yêu nước bằng cách bình chọn vịnh Hạ Long”.
Tôi biết là việc Hạ Long được xướng tên trong một buổi lễ trọng thể và được các hãng thông tấn, các tờ báo lớn nhất thế giới nhắc đến là một vinh dự, một cách quảng bá cực kỳ hiệu quả không chỉ cho ngành du lịch… Nhưng nói thật, nếu ai đó bảo tôi bày tỏ lòng yêu nước của mình bằng cách bình chọn để vịnh Hạ Long đứng được bậc 1 đến 7 trong danh sách kỳ quan thiên nhiên của cái tổ chức tư nhân kia thì có lẽ tôi xin phép được chuồn cho êm. Tôi, dù rất yêu nước (biểu hiện gần đây nhất là lúc 20h tối qua, tôi vừa vẫy cờ đỏ sao vàng gào rú như con rồ giữa đường), cũng không thể nhắm mắt mà cho rằng vịnh Hạ Long hoàn toàn xứng đáng đứng cùng những Grand Canyon (Hẻm Núi Lớn) hay Great Barrier Reef (Rạn San Hô Bự) được.
Không, xét về mặt cảnh quan thì Hạ Long chẳng thua kém nơi nào hết! Nhưng nếu bạn đã tham quan vịnh Hạ Long rồi, bạn sẽ thấy cách làm du lịch ở đấy thuộc hàng đáng thất vọng nhất Việt Nam (mà Việt Nam làm du lịch không thật tốt, nếu không muốn nói là hơi bị chán). Cá nhân tôi thấy khó có thể ưa nổi cái kiểu chiếu đèn màu quá sặc sỡ vào nhũ đá trong hang động, để rác lềnh phềnh trên vịnh rồi tranh giành và chặt chém khách không thương tiếc… Tôi đang hình dung đến cảnh, một ngày kia, vịnh Hạ Long, nhờ những đêm thức đỏ mắt chui ra chui vào website bình chọn của cả nước Việt Nam ta mà giật được danh hiệu “một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới”, rồi sau đó thế nào?
Có lẽ tương lai sẽ được vẽ ra như sau: Hàng triệu lượt khách xem TV hoặc đọc báo thấy nhắc đến Hạ Long, vội vàng đặt tour, vội vàng khăn gói, vội vàng “đổ bộ” xuống vịnh, để rồi lại vội vàng tháo chạy vì được/bị/phải “tận hưởng” những điểm khó có thể ưa nổi mà tôi liệt kê phía trên (chưa kể một số nhược điểm tày trời khác mà du lịch Việt Nam nói chung vẫn mắc phải như sản phẩm du lịch nghèo nàn, thủ tục nhập cảnh rườm rà, thái độ kém thân thiện của một số người…). Họ một đi không trở lại là đương nhiên rồi! Nhưng theo kinh nghiệm làm bán thời gian ở công ty du lịch của tôi thì họ chả “ra đi đầu không ngoảnh lại” đâu mà ngoảnh lại chửi nhiệt tình ấy! Các bạn bảo lúc ấy họ sẽ đem ai ra chửi, người tổ chức cuộc bình chọn, người làm du lịch ở Hạ Long hay người Việt Nam?
(Theo 99 tuần buôn chuyện - TTT - Thư số 70)
- Dù tôi là một e-citizen nhưng tôi chưa bỏ một lá phiếu nào cho Vịnh Hạ Long.
- Đến ngày 01/08/2008, Vịnh Hạ Long vẫn đang đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách bầu chọn sau một cuộc vận động bị hụt hơi (trước đó liên tục dẫn đầu cùng với Phong Nha - Kẻ Bàng và Fansipan - Việt Nam).Lưu ý thêm rằng Cox's Bazar Beach của Bangladesh đang dẫn đầu và nóc nhà thế giới Everest của China/Nepal chỉ đứng vị trí thứ 7.
- Nếu đất nước nào cũng làm kiểu như ta thì 7 kỳ quan thế giới sẽ thuộc về 7 nước có dân số cao nhất thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ,...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét