Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Tư duy phương Tây vs. tư duy phương Đông


Trong hai nhóm tục ngữ sau, bạn thích các câu tục ngữ trong nhóm nào hơn?
Nhóm 1:
Có nửa ổ bánh mì còn đỡ hơn là không có ổ bánh mì nào.
Một người mà đòi chống lại mọi người thì chỉ có thất bại.
“Ví dụ như” không phải là bằng chứng.
Nhóm 2:
Quá khiêm tốn là biểu hiện một nửa của sự tự cao.
Không cần coi chừng kẻ thù mà chỉ cần cẩn thận với những người bạn.
Một người đàn ông có thể mạnh hơn sắt thép nhưng lại mềm yếu hơn một con ruồi.
Nếu bạn thích nhóm tục ngữ thứ nhất, bạn có thể tự hào mình có lối tư duy của phương Tây, chính xác hơn là tư duy giống sinh viên Mỹ. Nếu bạn thích nhóm tục ngữ thứ hai, bạn có thể tự hào rằng tư duy của bạn thấm nhuần được tư tưởng Á Đông. Đó là kết quả thu được từ một cuộc thử nhiệm của giáo sư Tâm lý Xã hội Mỹ Nisbet. Trong thử nghiệm của mình, ông đưa hai nhóm câu tục ngữ trên cho sinh viên của trường ĐH Michigan và sinh viên trường ĐH Bắc Kinh và yêu cầu họ cho biết nhóm câu tục ngữ nào khiến họ cảm thấy thích thú. Sinh viên Mỹ cho biết họ thích nhóm 1, còn sinh viên Trung Quốc thì thích nhóm 2.
Vậy giữa hai nhóm câu tục ngữ này có sự khác biệt nào? Rõ ràng, những ý tưởng được thể hiện trong các câu tục ngữ nhóm 2 dung hàm 2 ý tưởng/khái niệm hoàn toàn mâu thuẫn, đối chọi nhau. Ví dụ trong câu đầu, Quá khiêm tốn là biểu hiện một nửa của sự tự cao, theo lẽ thường tình, khiêm tốn là trái ngược với sự kiêu ngạo, người ta không thể vừa khiêm tốn, vừa kiêu ngạo. Hoặc trong câu 2, theo logic thì chúng ta chỉ đề phòng kẻ thù chứ ai lại đi đề phòng bạn bè? Nói một cách ngắn gọn, nhóm thứ 1 biểu hiện ý tưởng thuần túy logic, nhóm thứ 2 thì chứa đựng sự mâu thuẫn về logic.
Trên thực tế, Giáo sư Nisbet nhận thấy rằng chúng ta thường gặp những ý tưởng dạng nhóm 2 trong kho tàng tục ngữ của Trung Quốc nhiều hơn là kho tục ngữ Mỹ. Để tránh trường hợp sinh viên Trung Quốc chọn nhóm 2 là vì đã quen thuộc với chúng, ông chọn trong bộ sưu tập các câu tục ngữ Do Thái một số câu và chia chúng làm 2 nhóm giống như trên. Kết quả vẫn không thay đổi, sinh viên Trung Quốc thích các câu tục ngữ có hàm chứa yếu tố mâu thẫn về ý tưởng nhiều hơn sinh viên Mỹ.
Theo Giáo sư Nisbet kết quả trên phần nào cho thấy có sự khác biệt về cách tư duy giữa Đông và Tây. Có thể mô tả sự khác biệt này như sau: tư duy của phương Tây tuân thủ các nguyên tắc của logic. Nếu như ta đã phân loại thành 2 nhóm A và B, thì một vật không thể vừa thuộc về nhóm A và vừa thuộc về nhóm B. Như vậy là phản logic và không có ích lợi cho tư duy khoa học. Trong khi đó truyền thống tư duy của phương Đông vẫn ý thức được rằng bản chất của thực tại là luôn thay đổi. Thế giới mà ta đang sống không tĩnh mà là động, và trạng thái của một sự vật, hiện tượng không tồn tại bất biến mà luôn trong quá trình chuyển hóa thành một trạng thái khác. Ví dụ lá cây vào mùa xuân là màu xanh, sang mùa thu thì chuyển thành màu vàng và vào mùa đông thì rơi rụng xuống đất không còn trên cành nữa. Chính vì thực tại là luôn biến động và thay đổi nên người phương Đông cho rằng các khái niệm (do con người đặt ra để phản ảnh thế giới thực tế) không mang tính cố định và khách quan mà là chủ quan và có thể linh động thay đổi.
Hơn nữa, theo triết lý phương Đông vì thực tại luôn thay đổi, nên các cặp phạm trù đối ngược, nghịch lý, bất thường luôn được tạo ra trong cuộc sống. Cũ và mới, tốt và xấu, mạnh và yếu tồn tại trong mọi thứ. Đơn cử một ví dụ dễ hiểu sau: nếu tôi đứng dạy trong một lớp học toàn học trò giỏi, ngoan, dễ thương, ác ý trong thân tâm tôi sẽ bị kìm chế, tạm thời biến mất, thiện ý sẽ được vun đắp và nảy sinh bên trong tôi; ngược lại, nếu tôi gặp phải những học trò lười, đạo đức tính cách có vấn đề, lúc đó hoàn cảnh sẽ dễ dàng làm nảy sinh tà ý trong thâm tâm tôi (những cảm xúc như ghét chúng nó, muốn trừng phạt chúng nó hay “đì chúng nó sói trán” v.v.). Tóm lại, cái tôi của tôi theo Đông phương không tồn tại bất biến mà luôn thay đổi, tùy thuộc vào hoàn cảnh và các yếu tố khác tác động (chẳng hạn, khi vui thì tôi sẵn sàng làm người tốt, khi buồn thì dễ trở thành người xấu), và cái thiện lẫn cái ác luôn tồn tại sẵn có bên trong tôi chỉ cần gặp phải đúng môi trường chúng sẽ được tạo sinh. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu đạo Lão quan niệm rằng hai mặt đối lập của một sự vật luôn tồn tại chung với nhau, đối chọi nhau nhưng có liên quan với nhau và kiềm chế lẫn nhau.
Quá coi trọng yếu tố logic, phương Tây có khuynh hướng xem nhẹ yếu tố môi trường, vì theo tư duy của phương Tây, một vật thể A dù trong bất cứ môi trường nào cũng vẫn là A, nó không thể vừa là A vừa là đối-A . Ví dụ một con mèo ở Mỹ thì qua Việt Nam cũng vẫn là mèo, mèo không thể tự nhiên biến thành chó được. Trong khi đó phương Đông lại cho rằng cuộc sống luôn thay đổi, luôn chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác và vì vậy xem trọng mối quan hệ giữa một vật thể và tổng thể môi trường xung quanh. Theo đó một vật thể trong môi trường này có những đặc tính này nhưng khi sang một môi trường khác chúng sẽ chuyển thành những đặc tính khác. Ví dụ: một người đàn ông với vai trò là con trong một gia đình sẽ thể hiện những đặc tính khác với khi anh ta ra ngoài xã hội và đảm nhận vai trò doanh nhân trên thương trường. Một ví dụ khác minh họa cho quan niệm một vật thể có thể vừa là A và đối-A: tôi đang ngồi đây và đang sống. Tôi biết mình đang còn sống vì vào lúc 8:20:01 ngày 9/8/2006 tôi vẫn còn đang thở ra, hít vào, và vào lúc 8:20:02 ngày 9/8/2006 tôi vẫn còn hít vào, thở ra. Nhưng nếu xét từ một góc độ khác, cứ sau mỗi giây phút hít vào thở ra là các tế bào trong cơ thể tôi đang già đi. Giả sử tôi có thể sống đến 80 tuổi thì sự sống của tôi đang bị rút ngắn dần lại theo từng giây phút tôi hít vào, thở ra. Nói cách khác, mỗi một giây phút tôi đang sống đồng nghĩa với tôi đang chết dần theo từng giây. “Đang sống” như vậy cũng có nghĩa là “đang chết”.
Vậy sự khác biệt về tư duy này có thể dẫn đến những hệ quả gì trong cuộc sống? Giáo sư Nisbet và cộng sự tiến hành thử nghiệm sau. Họ cho sinh viên Mỹ và Trung Quốc đọc một câu chuyện mô tả sự xung đột giữa hai mẹ con trong một gia đình và một câu chuyện về sự xung đột giữa những cảm xúc trái ngược nhau bên trong một cá nhân (tập trung vào chuyện học hay chỉ muốn chơi) và yêu cầu các sinh viên phân tích những xung đột này. Họ phân loại các câu trả lời của sinh viên thành 2 nhóm sau. Nhóm 1 bao gồm những câu trả lời cho rằng xung đột bắt nguồn từ cả hai phía, mỗi phía đều góp phần tạo ra xung đột hoặc tin rằng có thể hòa giải hoặc chuyển hóa được sự đối kháng giữa học và chơi. Chẳng hạn như câu sau sẽ thuộc nhóm 1: “cả hai người chẳng ai hiểu ai, vì vậy mới có xung đột,” hay “người ta vẫn có thể vừa học tốt và vừa vui chơi.” Ngược lại, những câu trả lời nhóm 2 đổ lỗi cho một trong hai người là nguyên nhân gây ra xung đột hoặc cho rằng muốn học tốt thì không chơi, và muốn vui chơi thì không học. Kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy: trong câu chuyện xung đột giữa hai mẹ con, 72% các câu trả lời của sinh viên TQ thuộc nhóm 1, so với tỉ lệ 26% sinh viên Mỹ. Về sự đối kháng giữa học-chơi, một nữa sinh viên TQ có câu trả lời thuộc nhóm 1, trong khi đó chỉ có 12% sinh viên Mỹ có câu trả lời được xếp vào nhóm 1.
Nếu như những thử nghiệm trên của Giáo sư Nisbet là đáng tin cậy, ta có thể rút ra vài kết luận sơ khởi sau: tư duy của phương Tây là tư duy kiểu “trắng đen phân biệt rõ rệt, không có vùng đất xám.” Có thể nói tư duy kiểu này là tư duy đơn giản một chiều, khá cứng nhắc và có thể dẫn đến những hành động cực đoan, vì nó không tìm cách dung hòa sự bất đồng, không tìm con đường trung dung giữa hai phía để đi. Nó sẽ khăng khăng cho rằng trách nhiệm thuộc về một phía và phía này phải sửa đổi hành vi để cải thiện tình hình. Chính vì trong thực tế cuộc sống không có nhiều tình huống “giấy trắng mực đen rõ ràng” như vậy nên tư duy theo kiểu này không giúp làm cho xung đột khá hơn mà làm cho nó tồi tệ đi, và khi mức chịu đựng giữa hai phía chạm đến giới hạn cuối cùng, bạo động sẽ phát sinh.
Mặc dù Giáo sư Nisbet tin rằng kiểu tư duy “biện chứng” của Đông phương như trên không phải là không có ở phương Tây, bằng chứng là nó được thể hiện qua tư tưởng của các triết gia như Hegel, Kant, Marx. Tuy nhiên cuối cùng, Nisbet vẫn cho rằng tư duy của Đông và Tây là khác nhau và người phương Tây thường không ý thức được tư duy của họ bám chặt vào các nguyên tắc logic đến mức nào, trái ngược với kiểu tư duy “biện chứng” của phương Đông.
Trên đây là phần tóm gọn lại những ý tưởng chính trong chương 7 của cuốn The Geograhy of Thought: How Asians and Westerners Think Differently…and Why, của tác giả Richard Nisbet trong đó tôi có dùng một số ví dụ và cách diễn giải của riêng mình để minh hoạ làm rõ một số điểm của tác giả.
Theo Minhbien.org
Hoàng Thạch Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến