Hiểu sai quy chế thi: Bị đình chỉ và hủy kết quả thi Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, mặc dù giám thi nhắc nhở rất nhiều về quy chế thi ứng với từng buổi thi nhưng không ít HS vẫn vi phạm. Một phần là do các em chưa hiểu hết quy chế phần khác là do tâm lý chủ quan.
Nhiều em có tư tưởng "mang tài liệu vào phòng thi nhưng không sử dụng thì chẳng sao" nhưng theo quy chế thì khi bị phát hiện dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị đình chỉ thi.
Quy chế mới của Bộ GD-ĐT năm nay quy định rất rõ ràng về trường hợp bị đình chỉ thi và hủy kết quả thi. Cụ thể, mang vào phòng thi tài liệu và các vật dụng bị cấm mang vào phòng thi trong thời gian từ lúc bắt đầu phát đề thi đến hết giờ làm bài (đã hoặc chưa sử dụng); Sử dụng tài liệu liên quan đến việc làm bài thi và các phương tiện thu phát thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trong và ngoài phòng thi.
Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); Chuyển giấy nháp cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp của thí sinh khác; Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau (do chép bài của nhau) bị giám khảo phát hiện.
Ngoài ra, thí sinh bị huỷ kết quả thi và cấm thi từ 1 đến 2 năm, nếu hành hung giám thị, giám khảo, người phục vụ của các Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, Hội đồng phúc khảo; Gây rối làm mất trật tự an ninh ở khu vực coi thi, gây hậu quả nghiêm trọng cho kỳ thi; Khai man hồ sơ thi hoặc nhờ người thi hộ.
Bộ GD-ĐT cũng quy định, đối với các trường hợp đi thi hộ sẽ huỷ kết quả thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục tại các kỳ thi cùng năm; buộc thôi học nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm. Trường hợp chép bài của thí sinh khác hoặc cho thí sinh khác chép bài của mình bằng bất cứ hình thức nào sẽ bị ảnh cáo trước Hội đồng coi thi.
Thí sinh cần tuyệt đối phải nhớ, thí chỉ được phép mang vào phòng thi các vật dụng liên quan đến việc làm bài thi. Cụ thể, bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình; các vật dụng này không được gắn linh kiện điện, điện tử; Máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam (đối với môn thi Địa lí) do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành; không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trong tài liệu.
Lỗi khi đọc đề thiĐề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu bám sát chương trình sách giáo khoa, không lắt léo đánh đố thí sinh. Chỉ có một vài câu hỏi ở mức độ cao hơn để phân loại thí sinh nhưng độ khó không cao. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, ở kì thi này là những HS có học lực trung bình hoàn toàn có thể đỗ tốt nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua có những thí sinh do có tâm lý chủ quan nên khi nhận đề thi tốt nghiệp THPT thường đọc lướt và ít khi gạch chân phần trọng tâm của đề. Chính vì thế, khi bắt được từ quen thuộc thí sinh thường bắt tay vào giải ngay. Hậu quả của sự thiếu thận trọng này là hiểu lệch đề dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc.
Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài môn Ngữ văn còn có sự xuất hiện hai môn xã hội khác Địa Lý và Lịch Sử. Đây là những môn thi được đánh giá là hay mắc lỗi khi đọc đề, nhất là môn Lịch Sử.
Theo thầy Trần Huy Đoàn, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), khi làm bài thi, HS nên dành 10 phút để đọc kỹ đề, nội dụng câu hỏi cần trả lời. Xác định đó là sự kiện nào, phạm vi thời gian nào xảy ra sự kiện đó... Khâu này rất quan trọng bởi hiểu nhầm đề, lạc đề rất nguy hiểm.
Phải biết tỉnh táo dựa vào ý nghĩa các sự kiện để xác định sự kiện.
Chẳng hạn như “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), phong trào đấu tranh nào đánh dấu bước phát triển của cách mạng ở miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công?” thì cần phải liên tưởng ngay đến phong trào Đồng Khởi (1959 -1960). Cũng theo thầy Đoàn để hạn chế lỗi này, ngoài yếu tố ổn định tâm lý, thí sinh cần cẩn trọng đọc đề ít nhất 2 lần. Lần đầu tiên đọc lướt để đánh dấu những phần câu hỏi có thể làm nhanh để triển khai trước. Kế tiếp đọc lại câu hỏi gạch chân những phần trọng điểm, những yêu cầu của đề…
Những sai sót đối với các môn thi trắc nghiệmNăm nay, kì thi tốt nghiệp THPT có hai môn thi theo hình thức đề thi trắc nghiệm đó là Hóa học và Ngoại ngữ . Mặc dù Bộ GD-ĐT đã khuyến cáo, nhắc nhở rất nhiều lần nhưng nhiều HS vẫn mắc lỗi cơ bản như tô số báo danh sai, ghi mã đề sai, làm cả hai phần tự chọn.
Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: Ngoài lỗi làm cả hai phần tự chọn thì HS đành phải chấp nhận chỉ được chấm điểm phần chung, còn phần riêng sẽ không có điểm thì các lỗi còn lại hoàn toàn có thể kiểm dò lại được khi mà thí sinh có đơn xin phúc khảo.
Một trong những lợi thế của HS tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm nay đó là có quyền phúc được phúc khảo khi mà thấy kết quả thi không đúng mà không cần phải ràng buộc bất cứ điều kiện gì (theo quy chế năm 2011 là mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi nếu điểm bài thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12 từ 1,0 điểm trở lên - PV).
Tuy nhiên đừng vì thế mà chủ quan bởi nó sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý khá lớn, nhất là sau đó còn kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Để tránh những sai sót này, thí sinh cần tập cách tô đậm các ô trả lời bằng bút chì, tô làm sao cho đủ độ đậm, vừa kín vòng tròn thật nhanh. Ngoài ra, cũng cần cẩn thận khi xóa tẩy các phương án trả lời sai, tẩy sạch mà không làm rách giấy.
Khi tô, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô, không gạch chân hoặc chỉ dùng ký hiệu đánh dấu. Khi làm đến câu trắc nghiệm nào thì thí sinh tô ngay ô tròn trả lời trên phiếu, ứng với câu trắc nghiệm đó. Không nên làm trên giấy nháp trước rồi mới tô sau, vì cách làm này sẽ khiến thí sinh dễ tô nhầm đáp án.
Theo Tuyển Sinh, Dân Trí