Giáo dục là 1 hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này. Lãnh đạo, quản lý GD mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác.
LTS: Năm nay, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh quyết định trao Giải thưởng Giáo dục cho Giáo sư Hoàng Tụy. (Năm 2010, giải thưởng này được trao cho GS Hồ Ngọc Đại vì sự nghiệp Công nghệ giáo dục của ông). Tuần Việt Nam xin được chúc mừng GS Hoàng Tụy.
Những kiến giải của GS về giáo dục nước nhà trong Diễn từ đọc tại lễ trao giải rất đáng suy ngẫm, chia sẻ và trao đổi. Tuần Việt Nam xin phép GS được trích đăng dưới đây.
Cỗ máy GD già nua tiếp tục vận hành
Một thế kỷ nay chưa bao giờ vai trò then chốt của Giáo dục (GD) trong sự phát triển của dân tộc ta nổi rõ như lúc này. Chỉ trong vòng 1 thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc hơn cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy GD càng quan trọng thiết yếu hơn bao giờ hết cho bất cứ xã hội nào, kể cả những xã hội tân tiến nhất.
Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề GD. Chừng nào GD còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ.
Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để GD yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: Thắng trong GD thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông Đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở VN cũng nhận xét thách thức lớn nhất của VN hiện nay là GD. Không phải họ hù doạ chúng ta, cũng chẳng phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi, ngay chuyên gia trong nước đã có không ít lời cảnh báo tương tự. Chẳng qua Bụt nhà không thiêng thì mới cầu tới Bụt ngoài.
Cho nên dù nhiều người đã nói nhiều lần rồi tôi cũng xin nhắc lại lần nữa: Chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là GD. Và vì vậy cải cách GD mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Cách đây 15 năm từng có Nghị quyết lịch sử của Hội Nghị TƯ II, khoá 8, xem phát triển GD, khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng 10 năm sau đó, TTCP đã phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thành công trong 2 lĩnh vực nêu trên. Chưa bao giờ GD chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua.
May thay, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một cú hích, ít nhất về nhận thức. Đáng mừng là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, người dân đã được nghe TT long trọng tuyên bố cần 1 cuộc CCGD mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, để chấn hưng đất nước.
Tuy nhiên cho đến giờ phút này, nghĩa là gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của TT tình hình vẫn im ắng. Một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa then chốt chiến lược đến như vậy, lại đã rơi vào im lặng khó hiểu (!). Tôi thật sự lo lắng khi thấy cỗ máy GD già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch, chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi.
Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném bơ vơ ra đời, không nghề nghiệp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3,4 năm ĐH vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp.
Hệ thống và tư duy... thiếu hệ thống
GD là 1 hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này. Lãnh đạo, quản lý GD mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu một tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác. "Đổi mới" liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống GD vốn đã già nua, thường xuyên trục trặc.
Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để GD yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: Thắng trong GD thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông Đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở VN cũng nhận xét thách thức lớn nhất của VN hiện nay là GD. Không phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi, ngay chuyên gia trong nước đã có không ít lời cảnh báo tương tự.
Không đâu cần 4 chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực GD. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền GD đã thiếu vắng các đức tính cơ bản ấy sớm muộn cũng lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho GD là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu GD thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.
Không đi sâu vào những việc quản lý cụ thể, tôi chỉ xin nêu một số vấn đề ở tầm chiến lược về chất lượng GD. Dù bảo thủ đến đâu, dù thoát ly thực tế đến đâu, ai cũng phải công nhận chất lượng GD của ta quá thấp. Thấp như thế nào và làm gì để nâng cao chất lượng thì lại có nhiều cách nhìn, phiến diện, sa vào chi tiết vụn vặt không thực chất.
Thứ nhất là chuyện học và thi. Năm nào bàn chuyện này cũng có nhiều đề xuất cải tiến nhưng càng bàn càng rối mà chưa thấy hướng ra đúng đắn. Học thì cứ miệt mài nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề không chỉ cho học sinh, mà cho cả xã hội.
Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay GD của chúng ta chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Trong khi đó, với cách nhìn toàn cục có thể thấy rõ cốt lõi của chuyện học và thi ở chỗ khác.
Đã sang thế kỷ 21 nhưng GD của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến nho giáo, nặng tính giáo điều kinh kệ. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi Phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hoá GD. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay.
Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp.
Mặc cho khẩu hiệu "Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội", và một số biện pháp đổi mới quản lý GD, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, v.v. nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất ít trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi.
Không lạ gì có nhà đầu tư nước ngoài từng nhận xét: Chúng ta nói nhiều về công nghiệp hoá nhưng ngay một chiếc đinh vít cũng chưa có nơi nào trong nước làm được đúng chuẩn quốc tế. Công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, muốn làm ra sản phẩm công nghệ gì tinh vi đôi chút cũng phải nhập phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian. Rốt cục chỉ lắp ráp là chính thì bao giờ mới xây dựng được công nghiệp hiện đại.
Sự thể đến mức chuyên gia Nhật đã khuyến cáo: Vận mệnh ngành công nghiệp phụ trợ VN không chỉ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của VN trong khu vực Đông Nam Á. Mà với cơ cấu đào tạo nhân lực như hệ thống GD hiện nay thì không cách nào phát triển công nghiệp phụ trợ.
Cho nên có nhìn rộng ra cả nền kinh tế mới thấy vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là cải tiến khâu đào tạo ở cấp ĐH hay CĐ mà phải cải tổ cơ cấu hệ thống GD.
Gs. Hoàng Tụy |
Thứ ba là xây dựng ĐH. Vị trí và tính chất của GDĐH trong sự phát triển của các quốc gia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Nói GD là thách thức lớn nhất cho đất nước hiện nay thì trước hết đó là GD ĐH. Trong một thế giới toàn cầu hóa, xây dựng ĐH tất nhiên phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực.
Trong khi đó, từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường ĐH, đến nay chúng ta vẫn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng... chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, ĐH của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề, đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc- từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược.
Trong đó việc xây dựng các ĐH tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm. Nếu không kịp thời khắc phục thì căn bệnh thành tich phô trương cộng với tính vô trách nhiệm ở đây sẽ gây lãng phí lớn, làm chậm lại thay vì thúc đẩy quá trình tiến lên hiện đại theo tinh thần khai sáng.
Cuối cùng nhưng then chốt nhất, là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng GD bằng chính sách đối với nhà giáo. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay.
Khi nói điều này không phải tôi không biết những gương xấu trong ngành, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng số đó vẫn là số ít, nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc khó khăn của tất cả nhà giáo chúng ta.
Vĩ thanh
Kinh nghiệm hơn 30 năm qua đã cho thấy hầu hết mọi căn bệnh tàn phá GD đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái cách bỏ mặc rồi khuyến khich nhà giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tôt được nhiệm vụ.
Vậy nên giải quyết "cái u" nầy là điều kiện tiên quyết mở đường cho GD (và khoa học) thật sự trở thành quốc sách hàng đầu. Tuy nhiên cũng phải cắt u một cách an toàn vì nếu không sẽ rất nguy hiểm.
Cải cách GD mạnh mẽ, toàn diện, triệt để chính là giải pháp cứu nguy cho GD.
Nguồn: Tuần Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét